BÍ ẨN HÌNH TƯỢNG CHUỘT TRONG BỨC TƯỢNG LORENZO II MEDICI CỦA MICHELANGELO

 

Lorenzo II de Medici – Công tước xứ Urbino(1492-1519) có cùng tên với người ông của mình, Lorenzo il Magnifico, nhà bảo trợ nghệ thuật vĩ đại thời Phục hưng. Lorenzo cháu cưới một công chúa Pháp và sinh ra con gái là Catherine de Medici, sau trở thành hoàng hậu của vua Pháp Henry II. Cuộc đời ngắn ngủi của ông được người đời sau biết đến là vì có tổ tiên lừng lẫy, một cô con gái nổi tiếng, và một ngôi mộ tuyệt vời.

Bức tượng Lorenzo II de Medici được đặt trên mộ của ông ta trong nhà nguyện Medici, Florence. Tác phẩm được Michelangelo thực hiện trong 11 năm, từ 1524 đến 1534. Tuy Lorenzo có sự nghiệp không thực sự đáng kể nhưng bàn tay tài hoa của Michelangelo đã biến nhân vật này thành một vị anh hùng. Ông mặc một bộ áo giáp La Mã, phù hợp với sự nghiệp là một vị tướng trong các cuộc chiến tranh giành vị trí Công tước xứ Urbino với nhà Delle Rovere, gia tộc sau đó đã kiểm soát Urbino. Chiếc mũ được uốn cong về phía trước, khuỷu tay trái chống trên một chiếc hộp đựng di cốt đặt trên đầu gối. Với ngón tay cẩn thận đặt trên môi, người này đang đăm chiêu suy nghĩ. Tay phải đặt lên đầu gối, lòng bàn tay hướng ra ngoài như thể bất động. Tâm trạng của ông ta không phải mơ mộng hay chìm vào vô thức. Thay vào đó, nhân vật dường như nhận thức sâu sắc về những gì đang xảy ra, như thể đã đưa ra một mệnh lệnh và chờ đợi nó được thực thi. Tâm trí nhân vật vẫn cố ý theo mục đích của ông ta, hài lòng với quyết định của mình, và bình tĩnh mong đợi thành công của nó.

Tượng Lorenzo II de Medici của Michelangelo

 

Trạng thái gần như thiền định của Lorenzo và con chuột há miệng dưới khuỷu tay

 

Chi tiết con chuột dưới khuỷu tay Lorenzo

Một chi tiết rất đáng chú ý ở bức tượng này là hình ảnh đầu chuột trên hộp đựng di cốt. Chuột là một linh vật rất hiếm khi được sử dụng ở Italia thời Phục Hưng (nếu có thì với ý nghĩa tiêu cực) nhưng lại không khó gặp ở Ấn Độ, Tây Tạng. Phải chăng Michelangelo đã tìm hiểu hình tượng chuột trong văn hóa, nghệ thuật Ấn Độ, Tây Tạng, rồi ứng dụng vào bức tượng Lorenzo II de Medici?

Chúng ta lưu ý rằng trước thời Michelangelo, con đường tơ lụa trên đất liền sau rồi trên biển đã mang tới Italia và châu Âu một số lượng đáng kể những bức tranh vẽ đề tài Phật giáo từ Tây Tạng cũng như tượng các vị Phật, thần Hindu giáo từ Ấn Độ. Năm 1956, các nhà khảo cổ khai quật một ngôi nhà Viking thế kỷ 9 trên đảo Helgo ở Thụy Điển đã khai quật được một Tượng phật Ấn Độ có niên đại thế kỷ 6. Câu chuyện về Đức Phật đã xuất hiện dai dẳng ở châu Âu trong suốt thời Trung cổ và Phục hưng. Thánh Josaph, vốn là một người theo đạo Phật, con trai của Abener, vua Ấn Độ, được cải đạo sang Cơ đốc giáo, đã được Giáo hoàng Sixtus V đưa vào lịch của các vị thánh. Ngoài ra, Michelangelo có khoảng thời gian 3 năm thường xuyên giao lưu với các học giả của Viện Plato Florence, nơi mà sự nghiên cứu về tôn giáo và triết học phương Đông rất được chú trọng. Một trong những nhân vật chủ chốt của viện này là Pico della Mirandola, một người am tường về triết học phương Đông, thường xuyên gặp Michelangelo ở nhà Medici.

Về tư thế tay rất “kỳ lạ” của Lorenzo, Phó giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Phương Đông(Moskva), Tigran Mkrtychev, cho rằng nó chịu ảnh hưởng từ tượng Phật, nhất là động tác của các ngón tay. Hình thức mũ ở đây giống như mũ của người Tây Tạng hơn là mũ của người Florence hoặc La Mã cổ đại; dây bện đeo ở cổ cũng thuộc về phương Đông nhiều hơn. Đáng chú ý hơn cả chính là trạng thái tập trung tinh thần và yên tĩnh cao nhất của nhân vật, giống như đang thiền định vậy. Tư thế chân của Lorenzo cũng là một trong ba tư thế ngồi của Bồ Tát.

Tư thế chân của Bồ Tát gần giống với Lorenzo
So sánh con chuột ở tượng thần Ganesha và ở tượng Lorenzo

Tất nhiên, tài năng thiên phú của Michelangelo có thể đã tạo ra tất cả những điều này một cách độc lập, như thể một trí tuệ song song với truyền thống Ấn Độ, Tây Tạng, nhưng rất nhiều sự trùng hợp không thể là ngẫu nhiên. Tác phẩm điêu khắc Lorenzo đã gây ấn tượng mạnh với những người sành sỏi nghệ thuật Kitô giáo Italia bằng sự mới lạ của thiền định Phật giáo phương Đông. Michelangelo đơn giản là không thể tránh được việc nhìn thấy tranh tượng của Ấn Độ, Tây Tạng, bởi vì con đường tơ lụa (đất liền và trên biển) đã mang rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật phương Đông tới châu Âu, tất nhiên tới cả thủ đô nghệ thuật của Italia – Florence và thủ đô văn hóa của thế giới Kitô giáo – Rome. Chúng ta cũng không nên quên những chuyến đi thường xuyên của Bồ Đào Nha đến Ấn Độ trong thời Phục hưng. Trong hồi ký của nghệ sĩ người Bồ Đào Nha Francisco de Holanda, một người bạn của Michelangelo, người ta thấy rằng trong các cuộc trò chuyện của họ có đề cập đến một thế giới nổi tiếng trải dài từ châu Âu đến sông Hằng, nghĩa là bao trùm toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ. Francisco de Holland cũng ghi lại trong hồi ký rằng nếu Michelangelo thể hiện một tác phẩm nghệ thuật trong đó áp dụng minh triết phương Đông thì sẽ tốt hơn sử dụng văn bản hay lời nói để giới thiệu nền văn minh ấy đến người châu Âu. Do đó, Michelangelo có thể đã sử dụng những ý tưởng được rút ra từ nhiều bức tượng và thangka của Hindu giáo và Phật giáo.

Về hình tượng con chuột ở bức tượng Lorenzo. Trong văn hóa châu Âu, chuột thường liên hệ với biểu tượng của bệnh tật, phá hoại mùa màng và cái chết, ví dụ một con chuột hung dữ bị đe dọa và nguyền rủa bởi một sử gia thế kỷ 12 tên là Hildebertus; hoặc trong một bức tranh tĩnh vật Hà Lan vẽ năm 1538, một con chuột nuốt một miếng pho mát đi kèm với hình ảnh cây nến bị dập tắt, biểu tượng của sự kết thúc. Mặt khác, chuột còn có thể mang biểu tượng là kẻ gặm nhấm và hủy hoại thời gian, một ý nghĩa phái sinh từ sự kết hợp thần Saturn La Mã cổ đại với văn hóa Ấn Độ. Đó là Chronos-Saturn là một nhân vật nửa phương Đông, nửa phương Tây, thể hiện sự háu ăn có hại của con quỷ hủy diệt. Thuyết này được nhà sử học nghệ thuật nổi tiếng Erwin Panofsky ủng hộ, trong đó có trường hợp bức tượng Lorenzo của Michelangelo. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Peter Barenboim gần đây đã không đồng ý với cách diễn giải trên và tin rằng Michelangelo muốn thể hiện một biểu tượng “đậm chất phương Đông” chứ không chỉ vay mượn phương Đông để bổ trợ cho phương Tây.

Kiểu mũ của Lorenzo gợi nhớ đến đầu tượng Phật và mũ của người Tây Tạng
Tranh Tây Tạng mô tả Vaisravasa có con chuột há miệng phía trước
Chi tiết con chuột trong tay Vaisravasa

Barenboim cho rằng có lẽ lúc đầu Michelangelo muốn miêu tả chuột là một loài gặm nhấm phổ biến, nhưng sau đó đã nâng cao ý tưởng này bằng cách tạo ra một linh vật mạnh mẽ có liên hệ với các biểu tượng phương Đông. Michelangelo rất có thể đã nhìn thấy những biểu tượng này trong các tác phẩm nghệ thuật phương Đông được mang đến Italia vào thời của ông. Tương tự, hình ảnh của các vị thần Hindu và các vị bồ tát Phật giáo được mô tả kèm với chuột, cầy mangut, thường được đặt dưới bàn tay trái của họ, cũng có thể đã gây ấn tượng tới Michelangelo. Panofsky có thể đã bỏ lỡ vẻ ngoài nửa phương Đông của tượng Lorenzo và biểu tượng của thời gian nuốt chửng tất cả ở khu vực Sacristy trong nhà nguyện Medici với những chiếc mặt nạ kỳ cục, miệng há hốc đói khát.

Trong văn hóa Ấn Độ và Tây Tạng, chuột thường đi cùng với các vị thần linh hoặc bồ tát. Nó chính là vật cưỡi của thần Ganesha hoặc là con tái sinh của nữ thần Karni Mata. Ý nghĩa về sự chết và tái sinh của biểu tượng chuột có vẻ như phù hợp với hoàn cảnh một công trình hầm mộ. Một điều ấn tượng khác là con chuột ở bức tượng Lorenzo có miệng há to, dữ tợn, cùng nguyên lý với những chiếc mặt nạ ở trong nhà nguyện. Tại sao vậy? Chúng ta lưu ý rằng ở Ấn Độ từ thời xa xưa, khái niệm Thời gian là vị thần chính đã được phát triển. Truyền thống Hindu giáo mô tả Kali, nữ thần thời gian, với một cái miệng mở như một biểu tượng của thời gian nuốt chửng tất cả. Chúng ta cũng có thể thấy trên một thangka Tây Tạng ở Bảo tàng Nghệ thuật Phương Đông (Moskva) với hình ảnh một cái đầu quái dị phía trước Vaisravasa (Kubera, Jambala) có sự tương đồng đáng kinh ngạc với đầu chuột dưới bàn tay trái của Lorenzo. Bí ẩn của Michelangelo liệu thực sự đã được giải mã?

500 năm sau khi bức tượng Lorenzo được tạo ra, chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết sự vĩ đại của Michelangelo, về tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ của ông đối các nền nghệ thuật khác mà không mất đi phong cách cá nhân độc đáo, mã gen nghệ thuật dân tộc, cũng như tinh thần thời đại mà mình đang sống. Tác phẩm giống như bản tuyên ngôn về một tư tưởng nghệ thuật mới đương thời, kết hợp nghệ thuật Phục hưng với các nền nghệ thuật phương Đông. Những bí ẩn đằng sau Nhà nguyện Medici và bức tượng Lorenzo còn tiếp tục thách đố chúng ta. Con chuột của Michelangelo vẫn luôn nhắc những kẻ hậu sinh rằng hành trình của nghệ thuật đỉnh cao không thể rõ ràng như ngày và đêm, nó như thời gian vô tận ngoài vũ trụ có thể nuốt chửng bất cứ ai.

Huệ Viên 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Tư duy mới cho nghệ thuật

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Joseph Beuys (1921-2021), hãy xem nghệ sĩ tạo hình lớn này của nước Đức để lại cho giới nghệ thuật thế giới nói riêng, và kho tàng văn hóa hậu thế nói chung, những gì....

Những cuộc đấu giá sẽ định hình xu hướng nghệ thuật cũng như tên tuổi của các nghệ sĩ lớn

Các cuộc đấu giá đoán trước sự nổi lên của các ngôi sao, xác định các xu hướng trong bối cảnh đương đại thông qua lợi nhuận. Trong khi nhiều người xem đổ dồn sự chú ý của họ về cuộc...

Hiểu và suy cảm về nghệ thuật trừu tượng

  Chúng ta khảo sát qua về định nghĩa khái niệm trừu tượng. Theo “Từ điển tiếng Việt”: Nghĩa một trừu tượng (thuộc tính, quan hệ ) được tách ra trong tư duy con người khỏi các thuộc...

Chúc mừng sinh nhật Gerhard Richter. Nâng cốc nào!

  Gerhard Richter sẽ 90 tuổi. Các bảo tàng ở Dresden, Düsseldorf và Berlin kỷ niệm sinh nhật họa sĩ vĩ đại này với những cuộc triển lãm. Chúng tôi chúc mừng sinh nhật với một bài vinh danh nhà...

Hai ngày với Venice Biennale 2022

  Quá nhiều để xem, quá ít thời gian để xem hết. May mắn là chúng tôi đã tổng hợp một hướng dẫn – với 48 giờ, chúng ta có thể tham quan triển lãm chính và cả những triển lãm song song....

Có thể bạn quan tâm

NGHỆ THUẬT CHÂU Á: BIỂU TƯỢNG VÀ KỸ THUẬT – NGÀY MÙNG 5 THÁNG 12 (ARTS D'ASIE SYMBOLISME & TECHNICITÉ LE 5 DÉCEMBRE)

  Các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ được giới thiệu trong phiên đấu giá Nghệ Thuật Châu Á tới đây vào ngày mùng 5 tháng 12 tại Neuilly-Sur-Seine. Trong...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 313&314 tháng 1-2/2019

...

DÒNG TRANH CHÂN DUNG VÀ TẠ TỴ TÀI HOA

  Tờ báo trào phúng Loa xuất bản tại Hà Nội phát hành tại miền Nam vào khoảng giữa thập niên 1930, theo ký giả Vũ Xuân Tự trong cuốn “Túi bạc miền Nam”. Tuy không được độc giả trong Nam...

45 NĂM MỘT TỜ GIẤY, MỘT THỜI, MỘT KỶ NIỆM

  Bố tôi, họa sĩ Quang Phòng, là một người có sở thích lưu trữ và sưu tập. Có những tài liệu ông gìn giữ từ thời trai trẻ, cho dù đã trải qua bao xáo động cuộc đời, đến giờ vẫn không...

CỬA THOÁT HIỂM

  Trong lần khai mạc cuộc triển lãm tranh minh họa sách báo và tranh cỡ nhỏ của Bùi Xuân Phái, ông Kim Sang Ug – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội đã trò chuyện với tôi qua cô...