VỀ VIỆC GIẢNG DẠY MỸ THUẬT TẠI ĐÔNG DƯƠNG VÀ VIỆC THÀNH LẬP MỘT TRƯỜNG VẼ TỔNG QUÁT TẠI HÀ NỘI , BÁO CÁO CỦA VICTOR TARDIEU NĂM 1924

Tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp (Institut National d’Histoire de l’Art, viết tắt là INHA, Paris) có một lưu trữ lớn, đặt dưới tên “Victor Tardieu”. Lưu trữ này gồm 13 hộp các-tông, bao gồm giấy tờ cá nhân của họa sĩ Victor Tardieu (1870-1937), thư từ (gia đình, bạn hữu, nghề nghiệp, thầy trò…), hình ảnh, tài liệu về đời sống nghệ thuật của ông, một phần tài liệu quan trọng liên quan đến Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và hai hồ sơ về việc quản lý di sản và ký ức của Victor Tardieu.
Trong số muôn ngàn tài liệu chất chứa trong 13 hộp các-tông nói trên, hôm nay chúng tôi chọn chuyển ngữ bản báo cáo (rapport) dài 19 trang đánh máy của Victor Tardieu, đệ trình lên Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin, viết vào tháng 4/1924, về việc nghiên cứu để thành lập một trường mỹ thuật tại Đông Dương, với tất cả các tiêu đề chi tiết tỉ mỉ về phương pháp cũng như nhân sự, và nhất là việc cải tổ Giải thưởng Đông Dương với mục đích đáp ứng nhu cầu của trường mỹ thuật tương lai.
Đây là một tài liệu cực kỳ quan trọng, chứng cứ về sự hoài thai của nền mỹ thuật Việt Nam, được Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp lưu dưới số hiệu N° 125-10.
25 năm trước, chúng tôi đã được con trai của Victor Tardieu là nhà thơ danh tiếng Jean Tardieu (1903-1995) cho xem những tài liệu này.
Trong suốt khoảng thời gian đảm trách chức vụ Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Victor Tardieu đã viết rất nhiều báo cáo, tạm gọi đây là “Báo cáo 1”.
Việc chuyển từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác thường chất chứa nhiều “phản bội” (traduire c’est trahir), chúng tôi đã cố gắng trung thực nhất. Những sai lầm xin được đóng góp và sửa chữa trên tinh thần xây dựng chung. Một số chấm câu được sửa đổi để hợp với văn phong Việt Nam và làm sáng tỏ ngữ nghĩa.
Hà Nội, ngày …, tháng Tư, năm 1924
VICTOR TARDIEU, phụ trách dự án tại Đông Dương
Gửi TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG 
Hà Nội
Thực hiện sứ mệnh giao phó, tôi xin trân trọng chuyển đến Ngài bản báo cáo mà tôi đã đúc kết về vấn đề giáo dục nghệ thuật tại Đông Dương.
Một phầncủa báo cáo này liên quan đến việc sửa đổi Giải thưởng Đông Dương và phần còn lại về nhu cầu thành lập một Bảo tàng Nghệ thuật Tây Phương ở Hà Nội.
Tôi xin mạn phép gửi cho Ngài hai bản thảo gửi Bộ (Thuộc địa) những đề xuất tóm tắt và cụ thể hóa các kết luận của báo cáo này :
– Một bản thảo đề nghị tổ chức lại Giải thưởng Đông Dương, bao gồm việc trưng dụng các nghệ sĩ đoạt giải thưởng này với mục đích giáo dục nghệ thuật tại Thuộc địa.
– Bản còn lại nhấn mạnh sự cần thiết về việc thành lập một bảo tàng và phác thảo những phương tiện để thực hiện dự án này.
Ký tên
Victor Tardieu
Tất cả những hình thức nghệ thuật tại xứ An Nam đều chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Trong những thế kỷ đầu của kỷ nguyên, ý thức nghệ thuật của người An Nam đã từng chút một được đánh thức, nuôi dưỡng và tinh luyện thông qua việc tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật đến từ Trung Quốc, hoặc đặt những người thợ thủ công bản xứ thực hiện.
Cho đến thế kỷ thứ 10, sau bao năm tháng thưởng thức các tác phẩm thuần túy Trung Hoa, người An Nam bắt đầu cảm thấy cần phải sao chép chúng. Từ thế kỷ 11, các tác phẩm nghệ thuật thú vị đã xuất hiện tại An Nam, hầu như luôn mang dấu ấn của sự bắt chước một cách vụng về và lệ thuộc theo các mô hình Trung Quốc. Tuy nhiên, trong số đó, chẳng hạn như những đồ đồng có tính thẩm mỹ vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay tại Văn Miếu.
Hãy đoán xem những gì sẽ trở thành, và đặc biệt là những gì có thể trở thành nghệ thuật An Nam.
Vào đầu thế kỷ 12, sự tái sinh dân tộc An Nam dường như đã mang lại cảm hứng đặc biệt và ban sơ cho các nghệ sĩ của đất nước này. Họ không còn đơn giản sao chép các hình thức Trung Quốc. Khái niệm nghệ thuật dường như vẫn mang bản chất Trung Hoa, nhưng nghệ thuật An Nam, đôi khi do dự, thường quyến rũ, luôn tò mò, lại có một đặc điểm riêng, nếu lưu giữ lâu dài, sẽ thể hiện thiên tài của giống nòi An Nam. Nghệ thuật này phát triển một cách bình thường nhưng thú vị trong khoảng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Nhiều tác phẩm trong thời kỳ này đánh dấu những khoảnh khắc thành công của đời sống nghệ thuật An Nam.
Vào đầu thế kỷ 19, người An Nam dường như đã tìm ra những hình thức nghệ thuật hoàn hảo nhất.
Đặc biệt trong thời kỳ này, các khái niệm kiến trúc và khuynh hướng trang trí dường như đã tìm thấy được những biểu hiện dứt khoát. Cách diễn đạt chỉ còn một thoáng Trung Quốc, giống như ảnh hưởng của Trung Hoa đối với nghệ thuật Triều Tiên hoặc Nhật Bản. Trên thực tế, về cơ bản nó luôn là An Nam và các tác phẩm đặc trưng vẫn phát triển một cách độc lập. Chúng ta có rất nhiều ví dụ, ngay tại Hà Nội, trong các đền thờ, hoặc đặc biệt tác phẩm của các nghệ nhân An Nam (trưng bày) tại bảo tàng của Trường Viễn Đông Bác Cổ hoặc tại Bảo tàng Thương mại và Công nghiệp : đồ nội thất, tác phẩm điêu khắc, đồ đồng, đồ gốm, kim hoàn, hộp, khay, sơn mài, da đánh véc-ni (laqué) và mạ vàng, đồ khảm, đồ thêu.
Chúng ta đã cố gắng nâng cao sự giàu có của xứ sở này bằng cách công nghiệp hóa sản xuất thủ công nghệ. Những nỗ lực rất đáng khen ngợi đã mang lại kết quả rõ ràng, nhưng rất tiếc điều đáng mong đợi là phải tăng sản lượng mà không làm giảm chất lượng có thể sẽ xảy ra. Có thể dễ dàng nhận ra điều này bằng cách so sánh tính nghệ thuật của các đồ vật thực hiện trong quá khứ với những sản phẩm hiện nay. Sự suy thoái này sẽ chỉ tăng lên nếu chúng ta không nỗ lực đào tạo những nhà trang trí xuất sắc có thị hiếu thẩm mỹ tinh tế, với khả năng cung cấp cho thợ thủ công những mô hình trau chuốt, hài hòa với thiên tài vốn có của giống nòi (An Nam). Từ đó, thương mại sẽ trực tiếp lũy tiến theo sự hoàn hảo của sản phẩm.
Bản chụp trang đầu Báo cáo của Victor Tardieu gửi Toàn quyền Đông Dương Hà Nội, tháng 4/1924
Thật đáng tiếc khi nhận ra rằng mặc dù (Pháp quốc) là một dân tộc có tính nghệ thuật cao và tinh tế nhất trên thế giới, nhưng từ khi chúng ta đặt chân đến thuộc địa này đã khiến cho các sản phẩm nghệ thuật bản địa bị giảm sút rõ rệt.
Lý do dễ dàng giải thích : Đông Dương có một quá khứ khá nổi bật, nghệ thuật An Nam liên quan trực tiếp với nghệ thuật Trung Quốc, với một số biến thể như chúng ta có thể nhận thấy khắp nơi. Kể từ khi chúng ta đến đây, ảnh hưởng này ngày một phai nhạt. Hiện nay, trong tất cả các lĩnh vực, người An Nam đều hăng hái áp dụng phong cách, phương pháp, suy nghĩ của chúng ta, định hình tâm lý hoặc ít nhất là phấn đấu theo chúng ta để quyết tâm bắt chước các hình thức trang trí của phương Tây. Vì chưa được giáo dục và chỉ đạo nghệ thuật đúng đắn, mất niềm tin vào (vẻ đẹp) truyền thống, người An Nam tin rằng họ đang làm tốt bằng cách coi thường lối sống và nếp nghĩ của tiền bối, họ lao vào những trò đùa tai hại, sắp xếp một cách vụng về các sản phẩm phương Tây để phát minh ra một phong cách lai tạp, sáng tạo ra các mẫu mã kinh dị khắp mọi nơi: kệ tủ trưng bày hình ngôi chùa, tủ kiểu Henri II, trang trí bằng rồng, bàn nhỏ Louis-Philippe, không thể chấp nhận nổi…
Chẳng lẽ chúng ta không có khả năng chấm dứt những sai lầm đáng thương này của một chủng tộc tài năng xuất chúng mà ở một mức độ nào đó chúng ta là những người phải chịu trách nhiệm ?
Trong khi sản phẩm nghệ thuật Đông Phương đang thịnh hành theo trào lưu từng ngày ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, tại sao chúng ta không cố gắng đưa những tác phẩm của các nghệ nhân Đông Dương vào thị trường mà chỉ phải trả một ít thuế hải quan không đáng kể, để cạnh tranh với những mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc Nhật Bản?
Chắc chắn là phải có một nỗ lực công nghiệp đáng kể, chúng ta đã bắt đầu, nhưng làm thế nào để thành công nếu chất lượng thẩm mỹ quá kém. Trong mọi thời kỳ, sự thịnh vượng đều tương ứng với thăng hoa của hoạt động nghệ thuật. Tại sao các nghệ nhân An Nam, giữa an toàn mà chúng ta mang đến và sự thịnh vượng dần dần phát triển trong nước, lại không trở nên cùng đẳng cấp với các nghệ sĩ Nhật Bản ?
Tôi đoán trước được sự phản luận: người Nhật luôn là những nghệ sĩ và những nghệ sĩ vĩ đại. Tôi sẽ trả lời bằng lý do mà tôi vừa đưa ra : nghệ thuật chỉ có trong hòa bình và an ninh, lịch sử bi tráng và phức tạp của An Nam đã minh chứng điều đó. Tuy nhiên, vào những thời điểm khác nhau, một số định hướng nghệ thuật đã được tạo ra, và chúng ta nhận thấy rằng nghệ thuật An Nam đã tìm thấy biểu hiện thực sự của nó trong những năm đầu tiên của thế kỷ 19, nghĩa là từ khi nhà Nguyễn mang lại một vài trật tự và cấu hình cho đất nước. Rõ ràng là người An Nam rất có năng khiếu về nghệ thuật, với những người thợ thủ công khéo léo và chăm chỉ. Họ chỉ thiếu trình độ mà thôi.
(Chúng ta cần) giáo dục, trau dồi khiếu thưởng thức, làm cho người An Nam hiểu rằng không nên từ bỏ nghệ thuật truyền thống, và nếu họ muốn những yếu tố mới, nên hướng dẫn nỗ lực của họ vào những quy luật thẩm mỹ chung, dẫn dắt họ lấy cảm hứng trực tiếp từ thiên nhiên, đơn giản và chân thành.
Với một phương pháp giảng dạy hợp lý, cùng với tính trở về nguồn và những cơ bản (nghệ thuật) mà người An Nam tiếp cận trước mắt ngay từ khi ấu thơ, chúng ta không cần lo sợ rằng họ sẽ rơi vào việc mô phỏng nghệ thuật phương Tây. Tuy nhiên, cũng không nên đối lập với một sự tiến hóa phù hợp với thời đại của họ. Cần phải hướng dẫn khiếu thưởng thức nghệ thuật, để họ không đi chệch hướng, không quên lãng hoặc bài xích các hình thức nghệ thuật quá khứ, trái lại cần làm cho họ hiểu cái đẹp xưa cũ và chứng minh rằng họ hài hòa với chính mình. Từ đó, nếu thực hành một cách thông minh, chúng ta có thể hy vọng rằng thế hệ mới sẽ cho ra đời những tác phẩm xứng đáng với nghệ thuật tiền nhân.
Sự cần thiết của một nền giáo dục mỹ thuật ở Đông Dương từ lâu đã được hiểu rõ, nhưng chưa được đánh giá đúng mức. Người ta vẫn chưa nhận ra rằng việc nâng cao trình độ nghệ thuật của đất nước sẽ trực tiếp mang lại cho các nghệ nhân nhiều nguồn lực hơn trong việc sản xuất, và từ đó, làm tăng lợi ích và giá trị. Áp dụng nỗ lực mới cho nền giáo dục nghệ thuật tại Đông Dương phải chăng đã trở nên một điều thiết yếu.
Hãy xem những gì đã được thực hiện cho đến nay :
Quy định chung về giáo dục nghề nghiệp (tại Đông Dương), quyển hai, tiêu đề 1, nêu rõ :
“Các trường nghệ thuật trang trí cấp độ 1 có mục đích đào tạo công nhân và thợ thủ công, bằng sự hướng dẫn đầy đủ, có thể nâng cao truyền thống nghệ thuật địa phương.
Các trường cấp độ 2 đào tạo các nhà thiết kế hoặc kỹ thuật viên có khả năng giúp lãnh đạo doanh nghiệp và sau đó trở thành những nhà trang trí tài năng.
Cuối cùng, các trường dạy vẽ đào tạo thầy giáo bản địa cho các trường bổ túc hoặc phụ giảng tại các trường mỹ thuật trang trí.”
Tuy nhiên, để huấn luyện giáo viên phụ trách hội họa, cần phải đào tạo những họa sĩ có trình độ văn hóa hoàn hảo. Bạn chỉ có thể dạy những gì bạn biết, bởi vì dạy học không phải là một thói quen. Phương pháp chỉ có giá trị thông qua trí tuệ và kiến thức của người áp dụng nó, đặc biệt trong trường hợp dạy vẽ, nơi mà phải biết cách phân biệt, giữ gìn và phát triển cảm xúc cá nhân của mỗi người.
Tương tự như để đào tạo được những nhà trang trí có tài, chúng ta cần phải có khả năng cung cấp cho những nhà trang trí tương lai ấy một nền giáo dục nghệ thuật cao và hoàn chỉnh: rèn luyện năng khiếu thẩm mỹ, nâng cao tinh thần, nhất là đảm bảo rằng họ không bị cản trở vì bất kỳ ảnh hưởng nào. Một tác phẩm trang trí, ngay cả khiêm tốn nhất cũng phải là một tác phẩm nghệ thuật, giống như một bức tranh hoặc một bức tượng. Đây không như là một công thức học để áp dụng, đây chính là sự sáng tạo một công trình.
Bản chụp trang có tiêu đề “Về việc giảng dạy mỹ thuật tại Đông Dương và việc thành lập một trường vẽ tổng quát tại Hà Nội” trong Báo cáo của Victor Tardieu gửi Toàn quyền Đông Dương. Hà Nội, tháng 4/1924
Tất nhiên, các quy định chung đều tràn đầy điều tốt, nhưng đã đạt được mục đích chưa ? Có những nhà trang trí tài năng, những giáo viên có trình độ học vấn xuất thân từ những ngôi trường này chưa ? Tôi xin phép được nghi ngờ.
Thực tế, đối với việc giảng dạy nghệ thuật hội họa, nền tảng và nền tảng duy nhất chính là môn vẽ hình trực quan: trước khi thực hiện một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta phải thiết lập dự thảo, (nếu chúng ta giữ nguyên nghĩa cũ của từ này). Nhưng bằng cách nào và những ai đã dạy môn hình họa trong các ngôi trường này ? Viết trên cổng của một tòa nhà “Trường dạy vẽ” là chưa đủ. Để phát triển một cương lĩnh, cần phải có những bậc thầy học thức, tận tâm với nhiệm vụ, nhận ra sự vĩ đại của sứ mệnh cưu mang. Bằng kiến thức hoàn hảo về hình họa, chúng ta đào tạo ra những nhà trang trí tài năng, chính họ sẽ nâng cao nền nghệ thuật Đông Dương và cải tiến sức sản xuất của những người thợ thủ công. Thông thường, tại những ngôi trường hiện nay, việc dạy vẽ được giao cho một số cô giáo trước đây đã trau dồi nghệ thuật tại trường nội trú.
Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng tôi chỉ trích những gì đã được thực hiện trong các ngôi trường đang tồn tại. Ngược lại, chúng ta chỉ có thể ngưỡng mộ những người đã tận tụy và chu đáo hoàn thành công việc bằng những phương tiện hạn chế và thiếu thốn. Nếu chúng ta muốn đạt được kết quả nghiêm túc, điều cần thiết là khi rời trường nghệ thuật ứng dụng, một số đối tượng tuyển chọn có thể tiếp tục nghiên cứu học hỏi, để ảnh hưởng của họ lan tỏa đến thị hiếu và sản phẩm của những người đương thời. Nghiên cứu hình họa và trau dồi thị hiếu đều là một vấn đề chung.
Do đó, chúng tôi được đề nghị xem xét việc thành lập một Trường Cao đẳng Mỹ thuật, hoặc, nếu tên gọi này có vẻ quá đáng, thì có thể gọi là một trung tâm dạy vẽ. Nói trung tâm vì việc giảng dạy sẽ dẫn đến tất cả những gì liên quan đến hình họa nói chung, và theo một cách nào đó, việc giảng dạy nghệ thuật hội họa tại Đông Dương sẽ là trường học có cấp độ thứ ba.
Một nhà trang trí sẽ không bao giờ sáng tác được một tác phẩm phù hợp nếu anh ta không vẽ được một cách chu toàn. Biết hoặc không biết vẽ, không có nửa vời, cũng như không có hai cách giảng dạy hình họa: một đẳng cấp hơn dành cho những gì chúng ta quen gọi là Nghệ thuật, và cái kia kém hơn đối với ứng dụng công nghiệp. Về nguyên tắc, một và cùng một giáo án phải được trao cho tất cả học sinh không có sự phân biệt. Mỗi người sẽ theo đuổi ở mức độ khác nhau, tùy năng khiếu hoặc yêu cầu nghệ thuật họ đã chọn.
Tại ngôi trường này, một số lượng lớn học sinh sẽ không được tuyển chọn, những năng khiếu đáng chú ý mới được chấp nhận. Đó là những học sinh ưu tú từ các trường (nghệ thuật trang trí) cấp độ 1 và cấp độ 2, phải trải qua một cuộc tuyển sinh kỹ lưỡng. Sau đó, chỉ những người đã nhận được một nền giáo dục hoàn chỉnh về việc giảng dạy, và qua những kỳ thi nghiêm khắc, mới trở thành giáo sư.
Từ đó xuất hiện những nhà trang trí bậc thầy, những người sớm được các thợ thủ công tìm đến nhờ tư vấn. Về vấn đề này, chúng ta có thể nghiên cứu để thành lập một tổ chức, như ở Pháp đối với các giáo sư thuộc bộ phận nông nghiệp. Khi họ cải thiện đất đai, các người thợ là một phần của tổ chức, có thể tham gia cải tổ các xưởng sản xuất gia đình, tạo ra các mô hình, sửa chữa lỗi lầm. Cần phải để người thợ có tinh thần phát minh và sáng tạo, điều này sẽ tránh được những dại dột mà chúng ta thường thấy hàng ngày.
Hà Nội dường như thích hợp để dựng ngôi trường này, gần Trường Đại học Đông Dương trẻ trung chứa đầy nguồn tri thức, bởi vì, nếu hình họa là cơ sở thiết yếu của việc giảng dạy, trình độ tri thức của các nghệ sĩ tương lai phải được cố gắng nâng cao. Các khóa giảng dạy và hội thảo phải được tổ chức toàn bộ, cũng như khóa kỹ thuật giải phẫu và luật viễn cận, hay khoá giảng về mỹ học, lịch sử nghệ thuật, khảo cổ học. Những khóa học cần thiết để nâng cao trí tuệ, đánh thức ý tưởng, khơi dậy sự nhiệt tình sẽ do các giáo sư Trường Đại học và Trường Viễn Đông Bác Cổ đảm nhiệm. Thậm chí có thể mở rộng cửa cho công chúng, để đồng thời hướng dẫn và đào tạo họ cùng một lúc với các nghệ sĩ.
NGÀNH KIẾN TRÚC
Khi đến Đông Dương, chúng ta bắt buộc phải công nhận rằng những di tích cổ lỗi lạc đã được xây dựng, và từ khi chúng ta đến đây, không có nỗ lực nào tiếp tục truyền thống này.
Sẽ không cần thiết phải dựng ra một giáo trình đặc biệt về việc xây dựng và trang trí các di tích xưa. Rõ ràng đó là kết quả của khí hậu nơi đây, và các hình thức trang trí cũng hình thành từ những đặc thù của thiên nhiên đất nước này.
Nói chung là không tạo ra một ngôi trường để giảng dạy các hình thức xưa cũ mà không có sự phân biệt hoặc tư duy phản biện. Một trường học bắt chước mù quáng quá khứ chỉ mang lại những tác phẩm nghệ thuật vô hồn, vĩnh viễn mô phỏng thời đại đã qua. Phải sáng lập ra một ngôi trường vừa tôn trọng truyền thống bản địa, vừa thích ứng với nhu cầu hiện đại.
Do đó, một kiến trúc sư quen thuộc với các hình thức và phương cách xây dựng của đất nước sẽ phụ trách khoa kiến trúc Đông Phương, thí dụ kiến trúc sư đến từ Trường Viễn Đông Bác Cổ. Phải có một sự đồng nhất các công trình xây dựng trong tương lai, tạo ra một phong cách Pháp/Á thích nghi với khí hậu và hài hòa với thiên nhiên, (ví dụ nhà thờ Phát Diệm, do Cha Sáu, một linh mục người An Nam khiêm tốn xây dựng, đó là một tác phẩm thực sự độc đáo và hoàn chỉnh, kết hợp truyền thống An Nam với nhu cầu thờ phụng Công giáo).
Tôi không biết có cần thiết lập một khóa thực tập dành cho các kiến trúc sư công chính người Pháp khi họ đến thuộc địa không ? Nhưng ít nhất phải xây dựng một tổ chức, thư viện, bảo tàng… để (khi đến đây) họ có thể làm quen với kiến trúc Đông Dương.
Trường Mỹ thuật sẽ không bao gồm các môn khoa học kiến trúc, xây dựng, toán học…  Đó là hoạt động của khoa kiến trúc thuộc Trường Công chính, nhưng các sinh viên (Trường Mỹ thuật) phải được ông Hebrard hướng dẫn tham gia một số khóa học về kiến trúc Viễn Đông, cấu hình trang trí kiến trúc, thẩm mỹ, lịch sử nghệ thuật, khảo cổ học.
DẠY HÌNH HỌA
Sinh viên được tuyển chọn từ các trường mỹ thuật trang trí, đã có một số khái niệm về hình họa. Ngoài ra, l’étude du modèle vivant (vẽ nghiên cứu mẫu sống) là môn học quan trọng nhất, nên chúng tôi sẽ dành phần lớn thời gian giảng dạy, và đòi hỏi học sinh phải hình thành những bài học rõ ràng và chính xác. Cũng giống như nhạc sĩ tạo ra những cung bậc, người họa sĩ ngay từ đầu phải biết sao chép một cách chính xác thiên nhiên để rèn luyện nhãn quan, phát triển ý chí và học cách phân tích đặc điểm của bất kỳ kiểu mẫu nào.
Đừng nghĩ rằng tiếp cận ngay với việc học vẽ hình trực quan là vội vàng. Qua một thời gian dài thực hành và giảng dạy, tôi nhận thấy rằng bắt đầu bằng nghiên cứu phong cách nghệ thuật cổ đại thường là một điều vô nghĩa. Hoàn toàn như thể chúng ta bắt đầu nghiên cứu Văn học bằng môn triết. Nếu lúc đầu học sinh hơi lúng túng trước việc người mẫu có thể thay đổi tư thế, nhưng sẽ nhanh chóng làm quen, và họ cần phải chú ý nhiều hơn đến công việc của mình, từ đó phát triển ý chí tốt hơn. Tôi thường xuyên nhận thấy tỷ lệ những học sinh bắt đầu với môn học vẽ nghiên cứu tiến bộ nhanh hơn những học sinh theo phương pháp cũ, tất nhiên với điều kiện phải có một người thầy bên cạnh không ngừng giải thích và chỉ dẫn.
Chỉ khi nào học sinh chắc chắn có được niềm tin vững vàng (trong cái nhìn của mình) thì chúng ta mới có thể nói đến việc sáng tạo. Sáng tạo phải chăng tùy thuộc vào từng cá nhân ? Để đơm hoa kết trái, bất kỳ công việc giảng dạy nào cũng nhằm vào mục đích phát triển nhân cách của mỗi học sinh, đây chính là lúc sự liêm chính trung thực của người thầy được đánh giá.
Chúng ta thường quên rằng trong quá trình dạy hình họa, sự phát triển trí nhớ thị giác trong sự nghiệp của một nghệ sĩ, trí nhớ về hình dáng cũng như màu sắc, đóng một vai trò quan trọng hàng đầu. Trong tất cả phương pháp giảng dạy và ngay trong nguyên tắc đầu tiên, chúng ta bắt buộc phải quan tâm đến sự phát triển đặc biệt này của trí nhớ.
Cũng như trong giáo dục văn học, trí nhớ được trau dồi ngay từ khi còn nhỏ thông qua các bài học thuộc lòng. Dạy vẽ cũng vậy, không chỉ theo quan điểm học hình họa mà theo quan điểm phát triển trí tuệ nói chung, bài tập trí nhớ thị giác là một trong những yếu tố chính của việc giảng dạy. Chúng ta nên suy ngẫm về ý nghĩa của từ “tưởng tượng”, ý tưởng thường được tạo ra nhờ những hình dung được ghi lại trong ký ức.
Bản chụp một trang viết tay Báo cáo của Victor Tardieu gửi Toàn quyền Đông Dương Hà Nội, tháng 4/1924
XƯỞNG VẼ
Tôi nhìn thấy ngôi trường này như một xưởng vẽ rộng lớn : một người mẫu, các học sinh tụ tập xung quanh, ngồi theo vị trí sắp đặt của giáo sư. Mỗi buổi sáng, từ 7 đến 10 giờ được dành cho việc vẽ theo mẫu tự nhiên (nature vivante), từ 10 đến 11 giờ có thể dành cho các khóa học hoặc các cuộc thảo luận khác nhau. Lịch trình thực tế phải thích ứng với giờ giấc của giảng viên.
Buổi chiều dành cho việc nghiên cứu nghệ thuật trang trí, nghiên cứu thực vật, cách điệu, nghệ thuật hoa văn. Học sinh phải thực hiện các bài tập ở nhà. Các bài học về trang trí, sau khi được chỉ dẫn và giải thích qua các vật liệu như gỗ, đá, kim loại, da, sơn mài, hàng dệt, v.v, sẽ được trình bày một cách thực tế tại các xưởng sản xuất khác nhau. Khi học sinh làm chủ được môn hình họa, tốt nhất là nên cho học sinh thực hiện một số tác phẩm hội họa, bởi vì việc nghiên cứu màu sắc đóng một vai trò rất quan trọng.
Mặt khác, gần đây ông Hoàng Trọng Phu nói với tôi rằng một vài người vẽ chân dung khéo có thể thừa sức kiếm sống. Các nhà giàu An Nam có thói quen đặt vẽ chân dung để trang trí trong nhà (hoặc treo xung quanh bàn thờ tổ tiên). Với giá rẻ mạt, hiện nay một số họa sĩ vụng về và thiếu kinh nghiệm có thể thực hiện những bức chân dung xấu khủng khiếp từ các bức ảnh. Một vài nghệ sĩ có trình độ sẽ nhanh chóng lôi kéo những khách hàng nghiệp dư đến phòng họa của họ. Chúng ta cũng thường thấy ngay cả người Pháp cũng mua những bức tranh màu nước xấu xí bày bán khắp nơi.
Tất nhiên, tôi không có ý định đào tạo họa sĩ, cũng không cần làm điều gì đặc biệt, một người vẽ trang trí giỏi phải có khả năng thực hiện chân dung.
Nếu chương trình này được áp dụng một cách hợp lý, tôi khẳng định rằng sau ba năm (học sinh) nghiên cứu chuyên sâu, ta sẽ thấy cách giảng dạy này cần phải như thế. Chúng ta có thể đào tạo những nghệ sĩ có giáo dục hoàn hảo và đủ trang bị để thực hiện tất cả bài tập trang trí theo yêu cầu.
ĐIÊU KHẮC
Tất cả những gì đã nói về hội họa đều có thể áp dụng cho điêu khắc. Hiện tại điêu khắc có cùng những sai lầm trong sản xuất y như hội họa.
Tôi không nhìn thấy một lối đi nào khác dành cho nghệ thuật điêu khắc ngoài điêu khắc trang trí hoa văn, đó là một lĩnh vực rộng lớn mở ra nhiều hoạt động cho nghệ sĩ, từ trang trí kiến trúc đến đồ gốm, bởi vì những tác phẩm thú vị như đã được sản xuất ở Bát Tràng phải được một lần nữa nở hoa.
Tuy nhiên, trong xưởng vẽ theo (người) mẫu tự nhiên cần phải có một vài bàn dụng cụ dành cho những học sinh có thiên hướng điêu khắc. Để trở thành một nghệ sĩ trang trí hoa văn giỏi (ornementiste), họ phải làm quen với nghiên cứu cơ thể con người, điều này sẽ giúp nghệ sĩ linh hoạt hơn trong cách thể hiện của mình. Một nhà trang trí hoa văn quen thuộc với nghiên cứu khỏa thân sẽ không bao giờ sáng tác những tác phẩm trang trí nghèo nàn và trống rỗng.
Hiện nay không thể tìm được một nhà trang trí nào có khả năng nghiên cứu đường diềm trang trí hoa văn (frise ornementale), trang trí đầu cột (chapiteau). Chúng ta chỉ cần nhìn vào các công trình hiện tại để nhận ra điều này. Còn trang trí nội thất thì sao ? Ai đã không đau khổ khi nhìn thấy sự xa hoa giả tạo tràn lan khắp nơi, không phong cách cũng như vô giới hạn ?
Tôi xin dừng chương trình của trường học tại đây. Môn chạm khắc chỉ là một phần của hội họa, một người vẽ phác thảo giỏi có thể trở thành một thợ khắc xuất sắc, ít nhất là những gì đang quan tâm cho sản xuất tại Đông Dương.
TUYỂN SINH
Một cuộc tuyển sinh sẽ được tổ chức hàng năm tại Hà Nội, dành cho sinh viên của tất cả các trường nghệ thuật trang trí cấp độ 1 và cấp độ 2 tại thuộc địa. Chỉ những bạn trẻ có thể chứng minh trình độ học vấn phổ thông đầy đủ mới được nhận. Cũng giống như học sinh được gửi ra Hà Nội để thi tú tài, các thí sinh đến từ các trường Nam Kỳ, Huế hay Phnôm-Pênh, được đưa ra Hà Nội sau những kỳ thi sát hạch nghiêm túc tại trường địa phương.
Số học sinh nhận vào mỗi năm không quá năm người.
Học sinh sẽ ngoại trú và nếu họ thuộc các gia đình khó khăn, có thể nhận được một khoản trợ cấp hàng tháng tối đa 15 đồng.
Trong trường hợp có hành vi sai trái hoặc không nghiêm túc trong học tập, học sinh sẽ bị sa thải sau khi có quyết định của hội đồng giáo sư.
Thời gian nghỉ hè giống như các trường cấp độ 3.
NHÂN SỰ
Về vấn đề này, tôi tự cho phép mình trình lên Toàn quyền một ý tưởng mà trên thực tế, có thể mang lại một số kết quả (tốt).
Hiện nay có một Giải thưởng Đông Dương được trao tặng hàng năm cho một họa sĩ.
Người nhận giải thưởng được tặng một chuyến đi đến Đông Dương, hưởng chi phí đường sắt từ Paris, và đường thủy đến thuộc địa với vé khứ hồi hạng nhất. Đến nơi, họ nhận được số tiền 3.000 quan Pháp (frs) và trong thời gian lưu trú, có quyền đi lại miễn phí.
Giải thưởng này được thành lập với mục đích tuyên truyền, để khi trở về Pháp, các nghệ sĩ có thể giới thiệu và đánh giá cao thuộc địa thông qua các tác phẩm, và cũng ước mong rằng cá tính họa sĩ sẽ được biết đến bằng những sáng tác mang vẻ đẹp khác lạ từ phương xa.
Thông thường các nghệ sĩ không giàu có lắm, nếu tính hối xuất 6 frs / 1 đồng (Đông Dương) như hiện nay, với số tiền trợ cấp 3.000 frs (500 đồng) họ có thể sống ở đây bao lâu ? Giả sử anh ta có thể mang theo từ 5.000 đến 6.000 frs, thời gian lưu trú sẽ không thể quá 4 hoặc 5 tháng. Rồi sẽ mang được gì trở lại Pháp sau một thời gian ngắn ngũi như vậy ? Nhất là nếu anh ta muốn đi khắp mọi nơi để có ý tưởng tổng quát về thuộc địa. (Trợ cấp ấy) chỉ có thể thực hiện một chuyến du lịch, chứ không phải là một cuộc nghiên cứu. Mức độ thiếu hụt của số tiền 3.000 frs này chỉ cho phép họ ở lại thuộc địa một tháng, và rời đi bằng chính con tàu đã đưa họ đến.
Để dự đoán cho một cải cách thiết thực hơn về Giải thưởng Đông Dương, tôi tự hỏi một chuyến đi như vậy tiêu tốn bao nhiêu cho ngân sách chung. Nha Tài chính, theo yêu cầu của tôi, đã vui lòng tìm hiểu về vấn đề này và cho biết trung bình khoảng 979 đồng phụ cấp và chi phí đi lại ở thuộc địa, cộng với chi phí khứ hồi 13.665 frs từ Paris đến thuộc địa, tổng cộng chi khoảng 3.256 đồng hàng năm, nằm trong ngân sách chung.
Thật sự phải nói rằng rất ít người tham gia giải thưởng này. Trợ cấp 3.000 frs hầu như không cổ vũ được các nghệ sĩ đến nơi đây, bởi vì ai cũng biết tỷ hối (rất cao) của đồng Đông Dương (piastre). Chỉ một số ít nghệ sĩ giàu có mới có thể đánh liều một khoản tiền tương đối lớn để đến Đông Dương vài tháng. Phần lớn họ không ở lâu, hầu như không làm được gì nhiều, không sáng tác được những gì đáng kể. Tiêu tốn 3.256 đồng mang lại kết quả gì ? Tôi không nói đến những đơn đặt hàng (tại Đông Dương) chỉ có thể thỉnh thoảng mới đến với người đoạt giải thưởng, nhưng những hợp đồng này cũng không ngăn cản nổi anh ta lên tàu hồi hương chậm hơn.
Nếu chúng ta thực sự nghĩ rằng tác phẩm của các nghệ sĩ (đoạt giải Đông Dương) có một số lợi thế về mặt tuyên truyền thì tôi tin rằng đó là lợi ích có thực, đặc biệt vào thời điểm này khi chúng ta đang nghĩ đến việc tổ chức du lịch Đông Dương, thì nên giữ chân các nghệ sĩ ở lại.
Và đây là những gì có thể làm :
Ngôi trường mà chúng ta đang đề cập cần giáo sư, chính người đoạt Giải thưởng Đông Dương sẽ phụ trách dạy vẽ tại đây.
Giải thưởng hàng năm sẽ bao gồm một suất tiền hai năm, chi phí 300 đồng mỗi tháng, vậy là đủ. Người đoạt giải dành năm đầu tiên đi khắp Đông Dương, tích lũy tài liệu nghiên cứu. Vào năm thứ hai, người ấy sẽ là một giáo sư và dành tất cả buổi sáng cho việc giảng dạy (tại trường mỹ thuật), nửa ngày còn lại để nghiên cứu tài liệu, sáng tác, và chuẩn bị cho việc trở lại Pháp với nền tảng nghệ thuật quan trọng. Tất nhiên, điều cần thiết là anh ta phải có chỗ trú ngụ để nghiên cứu và sáng tác, và gần trường để tiếp xúc thường xuyên với các học sinh.
Tôi không có tham vọng nghĩ rằng cách này sẽ tiết kiệm tiền cho thuộc địa, tuy nhiên, việc cải cách Giải thưởng Đông Dương như tôi nghĩ sẽ buộc các nghệ sĩ ở lại Thuộc địa lâu hơn. Khi hiểu rõ (Thuộc địa), người ta sẽ biết yêu, và từ đó, thuyết minh (về nó) một cách hùng hồn hơn. Hai năm làm việc trong bình yên sẽ là những kỷ niệm đẹp trong tâm khảm.
Ngay khi các nghệ sĩ biết được những lợi thế gắn liền với nó, Giải thưởng Đông Dương sẽ mang tầm quan trọng giống những giải thưởng nghệ thuật cao nhất, như Giải thưởng Quốc gia hoặc Giải thưởng La Mã, và điều đó đảm bảo giá trị của những người đoạt giải.
Cũng giống như ông Jonnart đã tạo ra một trường phái hội họa tại Algeria, tổ chức tại thành phố Abd-El-Tif một nơi mà hai người nghệ sĩ (được tuyển chọn) có thể cư trú và làm việc hàng năm. Việc tổ chức lại Giải thưởng Đông Dương theo chiều hướng ấy sẽ giới thiệu đến Salon (ở Pháp) hàng năm một sản phẩm Viễn Đông quan trọng, và vùng đất thuộc địa đẹp nhất của chúng ta sẽ được biết đến và ngưỡng mộ.
Không nên lo sợ rằng việc thay đổi giáo sư hàng năm là không tốt. Ngược lại, thông qua các xu hướng khác nhau, nó sẽ mang lại sự đa dạng hơn trong giáo dục và cho phép học sinh lựa chọn tốt hơn con đường của mình.
Với tầm quan trọng mới mẻ mà Giải thưởng Đông Dương đem đến, tốt hơn hết là phải có một ủy ban gồm các giám khảo của hai Salon chấm giải một cách công minh, chứ không phải từ các thành viên riêng biệt của mỗi hiệp hội như hiện nay.
Chi phí của sự thay đổi này sẽ không vượt quá những gì mà ngân sách Thuộc địa hiện phải chịu.
Trên thực tế, ở Paris có một hội nghệ thuật đang cạnh tranh với Hội nghệ sĩ thuộc địa Pháp, đó là Hội các nhà Đông phương học. Hội này đã đạt được quyết định tổ chức một giải Đông Dương thứ hai vào năm ngoái. Do đó, ngân sách của chúng ta hiện đang phải gánh hai giải thưởng như vậy.
Theo các dữ liệu của Bộ Tài chính, tiền trợ cấp và chi phí đi lại cho mỗi nghệ sĩ khoảng 3.066 đồng, như vậy hai Giải thưởng Đông Dương có chi phí hàng năm là 6.132 đồng.
Được tổ chức lại như tôi vừa trình bày, ở thuộc địa sẽ có hai nghệ sĩ đoạt giải thưởng. Vì suất tiền lữ hành là 3.600 đồng mỗi năm, kéo dài hai năm, đưa đến chi phí hàng năm là 7.200 đồng, trong đó phải cộng thêm đài thọ từ Pháp đến thuộc địa của một nghệ sĩ và sự trở về Pháp của người kia.
Nếu chúng ta lấy tỷ giá trung bình của đồng Đông Dương là 6 frs = 1,708 đồng, cộng với chi phí mà Bộ Tài chính ước tính khoảng 500 đồng cho việc đi lại tại thuộc địa của một nghệ sĩ (đi thực tế), người kia thường trú (tại Hà Nội để dạy vẽ), số tiền 2.200 đồng được thêm vào trợ cấp, từ đó chi phí hàng năm tổng cộng sẽ là 9.400 đồng (*).
Việc tổ chức lại Giải thưởng Đông Dương mang lại sự chênh lệch cụ thể là 3.276 đồng, xem ra rất nhỏ so với những lợi ích mà nó sẽ mang lại cho các Nghệ sĩ và cho Thuộc địa. Hiện nay, mặc dù với những tiết kiệm đáng kể, nghệ sĩ đoạt giải khó có thể ở lại Đông Dương hơn 4 – 5 tháng, bây giờ được trao tặng một khoản trợ cấp hai năm, trong đó, quan trọng hơn tất cả, là họ sẽ không còn sự lo lắng nào khác ngoài công việc.
Đối với thuộc địa, tôi dám nói, với một khoản chi phí thấp như thế, trường (Mỹ thuật) sẽ có những giáo sư xuất sắc, được chọn từ các nghệ sĩ ưu tú của Pháp, bởi vì (chúng ta) không đòi hỏi điều kiện tuổi tác hoặc xuất thân trường học như Giải thưởng Quốc gia hay Giải thưởng La Mã.
Ngoài ra, tất cả không có sự mơ hồ, người đoạt giải đến nơi đây với một hợp đồng hai năm, được xác định rõ ràng về quyền lợi và nhiệm vụ. Họ sẽ là thành phần của một tổ chức đặc biệt, có tiếng nói và sẽ không bắt buộc phải chạy theo lợi nhuận tối thiểu với những đơn hàng giả định.
 (*) Điều đương nhiên là chi phí cho thay đổi này lấy trong ngân sách hiện nay của Giải thưởng Đông Dương, là một phần trong ngân sách chung của Nha Học chính.
NHÂN VIÊN
Nhân viên của trường sẽ bao gồm :
– Một Hiệu trưởng do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm và được chọn trong số các nghệ sĩ xuất sắc, tốt nhất là một người đoạt Giải thưởng Đông Dương. Đứng đầu ngay lập tức trước tất cả nhân viên, ông ta sẽ phải quản lý trường học và thực hiện giám sát tối cao đối với việc giảng dạy.
Hàng năm, kết quả giảng dạy và báo cáo chi tiết về tình hình chung của trường phải được trình bày với Toàn quyền.
Hiệu trưởng có thể đưa ra bất kỳ đề xuất nào mà ông cho là hữu ích đối với việc giảng dạy và quản lý nhà trường.
Ngoài ra, ông ta sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Giải thưởng Đông Dương. Những người đoạt giải thưởng sẽ phải trình diện ngay khi họ đến thuộc địa, để nhận những thông tin cần thiết.
Chính ông Hiệu trưởng là người sẽ giúp họ chuẩn bị hành trình, cùng nhau quyết định các địa điểm nên tham quan, cung cấp cho họ phương tiện cần thiết. Trong mọi trường hợp, ông phải chịu trách nhiệm tạo điều kiện và là người bảo trợ cho họ trong suốt năm đầu tiên.
Hiệu trưởng có thể đồng thời là Tổng Thanh tra Giáo dục Mỹ thuật ở Đông Dương, nơi còn rất nhiều việc phải làm. Bằng cách kiểm tra định kỳ các trường nghệ thuật tại thuộc địa, nơi dạy các nguyên tắc hội họa, các trường trung học và nhiều trường khác nhau, để có thể đảm bảo sự thống nhất của nền giáo dục này.
– Một giáo sư dạy vẽ, là người đoạt Giải thưởng Đông Dương (năm thứ hai).
– Một giáo sư nghệ thuật trang trí.Bằng cách tiếp cận trung tâm nghệ thuật trang trí ở Paris, sẽ dễ dàng tìm thấy nghệ sĩ cần thiết có thể giảng dạy môn trang trí điêu khắc.
– Hai giám sát viên mà một có thể là giám sát thư ký.
Cũng cần phải thành lập một khóa học buổi tối, dành cho những nghệ nhân đã làm việc trong các công ty bản địa, hành nghề trang trí, sơn mài, thêu, làm ren, chạm gỗ, đúc… để họ có thể cải thiện kỹ năng về hình họa.
Giám đốc Bảo tàng Thương mại và Công nghiệp, ông Crevos, thường xuyên tiếp xúc với nhóm nghệ nhân thú vị này, hơn ai hết là người hiểu rõ nhu cầu, đã nhiều lần cho tôi thấy sự hữu ích trước mắt (về khoá học nói trên). Rất nhiều công nhân đã yêu cầu ông mở lớp dạy đêm.
Lớp học này có thể diễn ra vào mỗi buổi tối, trong xưởng vẽ của trường, từ 20 đến 22 giờ. Giáo sư dạy vẽ, giáo sư trang trí và Hiệu trưởng có thể lần lượt đảm nhiệm việc giảng dạy.
Dịch xong ngày 6/6/2012 tại Paris 
Hiệu đính ngày 15/12/2020 tại Tiền Giang
Ngô Kim Khôi

Tin cùng chuyên mục

Odilon Redon người tự minh họa giấc mơ

Odilon Redon (1840 – 1916) là một nghịch lý khuất lấp. Ông sống giữa thời đại Ấn tượng và hậu-Ấn tượng trăm hoa đua nở của những Renoir, Gauguin và Van Gogh. Song, ngoại trừ được công nhận trong...

Thực hành giám tuyển trong giáo dục nghệ thuật

Với tư cách là một nghệ sĩ-nhà giáo dục, tôi ví vai trò cố vấn-hướng dẫn của mình giống như vai trò của một curate-người chăm lo, được tin tưởng chăm sóc những sinh viên đại học bằng...

Mối quan hệ giữa mỹ thuật ứng dụng và các loại hình nghệ thuật khác

Khi nói tới mối quan hệ qua lại giữa các ngành nghệ thuật, tới sự trợ giúp và ảnh hưởng lẫn nhau của chúng; cũng như sự tác động của các loại hình nghệ thuật khác tới sự sáng tạo mỹ...

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

LỄ TRAO GIẢI THƯỞNG HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM, TRAO KỶ NIỆM CHƯƠNG VÌ SỰ NGHIỆP MỸ THUẬT VIỆT NAM NĂM 2018

  Lễ trao giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam, trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam năm 2018 sẽ được diễn ra vào 9h ngày 14 tháng 9 năm 2018 tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà...

THẾ MỚI LÀ DÂN TỘC, TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN CÙNG HỌA SĨ HỒNG HẢI

  Họa sĩ Đặng Thị Hồng Hải sinh năm 1933 tại Hải Dương. Mẹ ruột cô là em gái của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Theo lời cô Hồng Hải kể, họa sĩ Nguyễn Tiến Chung vừa là bác, vừa là thầy,...

Cảnh sắc và con người vùng cao qua triển lãm cá nhân “Nhìn lại” của nghệ sĩ Bùi Văn Tuất

NDO – Từ ngày 28/10 tới, họa sĩ Bùi Văn Tuất giới thiệu hơn 30 bức tranh sơn dầu về cảnh sắc và con người vùng cao Hà Giang trong triển lãm cá nhân “Nhìn lại”, diễn ra tại Ana Mandara Villas...

BÙI TIẾN TUẤN: “VẼ KHỎA THÂN LÀ ĐỂ KHÁM PHÁ CÁC KHÍA CẠNH CỦA SỰ QUYẾN RŨ”

  Triển lãm và giới thiệu sách cùng tên Nguyệt sáng gương trong của Bùi Tiến Tuấn diễn ra tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, TP.HCM) từ ngày 23/5 đến 6/6/2021. Đây là cuốn sách tranh lụa khỏa...

Họa sĩ Nguyễn Linh tổ chức triển lãm”Nguyễn Linh 6″ tại TP. HCM

Ngày 5/5/2024, triển lãm Nguyễn Linh 6 của hoạ sĩ Nguyễn Linh đã khai mạc tại An Gallery, 159 Đồng Khởi, Quận 1, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên trong sự nghiệp ông chính thức ra mắt những đứa con...