“TIẾNG GỌI” HUYỀN DIỆU CỦA TRẦN HÀ

 

 

Năm sáng tác: Khoảng 1938-1940

Chất liệu: Sơn mài

Khuôn khổ: 200×100 cm (không tính khung gốc do tác giả thiết kế kèm theo)

Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Ước đoán bức tranh được sáng tác vào những năm 1938-1940. Ước đoán này dựa vào dấu mộc Hãng vận chuyển của người Pháp hoạt động trong những thập niên 30,40 của thế kỷ trước và nơi những chủ nhân cũ đã lưu giữ. Bức tranh trước thuộc ông Nguyễn Viết Tài, sinh năm 1938, sống tại Sài Gòn. Ông Tài được thừa kế bức tranh từ người cậu của ông là giáo sư Trương Văn Chôm (Hiệu trưởng đầu tiên của Dược Khoa Đại học Đường Sài Gòn). Sau khi giáo sư Trương Văn Chôm và gia đình định cư ở Pháp thì bức tranh được ông Nguyễn Viết Tài gìn giữ suốt hơn 50 năm qua.

Đây quả thực là một tác phẩm tầm cỡ của nghệ thuật bảo tàng, không chỉ bởi đề tài mang tính sử thi hay cách tổ chức tri giác có tính hoành tráng của nó, mà ngay cả về mặt lịch sử, thời điểm ra đời của bức tranh cũng đáng để liệt hạng trên hành trình phát triển của hội họa sơn mài Việt Nam. Tác giả là họa sĩ Trần Hà, tức Trần Văn Hà, một trong những tên tuổi lẫy lừng của nghệ thuật sơn mài phía Nam, cả về sáng tác mỹ thuật lẫn mỹ nghệ.

Thực ra, chủ để “săn bắn” xuất hiện khá nhiều trong nghệ thuật châu Âu, nhất là kể từ thế kỷ 16, chẳng hạn Trường phái Fontainebleau có bức “Nữ thần săn bắn” nổi tiếng (vẽ năm 1550, được cho là của Luna Penni vẽ), hay những tranh trang trí khổ lớn về đề tài săn bắn của các họa sĩ như Carle Van Loo, Jean Baptiste Pater, Jean Francois de Troy trang hoàng cho các lâu đài danh tiếng thời kỳ Louis XV. Ở phương Đông, như ở Ấn Độ, cũng có một số tác phẩm hội họa về chủ đề này…

Bức tranh “Tiếng gọi” của Trần Hà được vẽ vào khoảng những năm 30 cuối cùng của thế kỷ trước, hoặc muộn nhất cũng phải vào năm 1940, khi ông chưa đầy 30 tuổi, và cũng là thời kỳ sáng tác rực rỡ nhất của ông trong lĩnh vực hội họa, trước khi ông chuyển sang thời kỳ “sơn mài mỹ nghệ” sánh ngang với tên tuổi lẫy lừng của Thành Lễ.

Ngày ấy, đối với các bậc vương giả và giới thượng lưu ở Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng, thú săn bắn đã khá phổ biến. “Những câu chuyện đi săn” (Récits de chasse) kiểu Dumas đã đặc biệt trở nên sống động và lãng mạn dọc theo con đường đi từ Nha Trang lên Đà Lạt để rồi tỏa ra khắp các đại ngàn Tây Nguyên hoang dã. Nhưng khác với các cao nguyên đại ngàn ở Lào, Tây Nguyên khi ấy không vượt quá tầm với của nền văn minh công nghiệp tư bản thuộc địa. Bởi vậy, một giả thuyết cho rằng bức tranh này đã được thực hiện theo lời đề nghị của một vương tôn công tử nào đó là rất có cơ sở, điểm xuất phát của nó chắc chắn không thuộc về một thị hiếu bình dân.

Nội dung của bức tranh “Tiếng gọi” tựa như một diễn xướng có sử dụng hình thức đối đáp và điệu bộ thường gặp trong các “khan”- sử thi anh hùng ca dân gian của người Êđê (tương tự như các “akhan” của người Giarai hay “hơmon” của người Bana), lấy cảm hứng từ hình tượng chàng trai Đam San dũng cảm với khát vọng tìm đường lên không trung chinh phục nữ thần mặt trời.

TRẦN HÀ (1911 – 1974) – Phong cảnh tao nhã. Khoảng 1940 – 1950. Sơn mài. 120x200cm . Sưu tập tư nhân Tp. Hồ Chí Minh. Đấu giá tại Nhà đấu giá Sotheby’s Hongkong năm 2012

Bức tranh rộng hai thước vuông, bố cục thức dọc, chiều cao gấp đôi chiều rộng, và được thể hiện theo nguyên lý “nhị phân” của nghệ thuật Á Đông: kết hợp giữa biểu tượng và trang trí, thấm đẫm những xung năng lễ nghi, gợi đến một thế giới vừa như phôi thai vừa như hiện tồn, vừa tự nhiên vừa siêu nhiên, một hiện thực huyền diệu. Ở đây, đề tài chỉ còn là cái cớ, là phương tiện để hướng tới mục đích tìm câu trả lời về bản thể và ý nghĩa của sinh tồn theo cả hai chiều thời gian.

Khó có cảnh tượng nào hút con mắt nhìn bằng không gian của một khu rừng nguyên sinh thâm sâu cùng cốc, một điển hình của thảm thực vật miền nhiệt đới, dưới ráng chiều, có núi, sông, những cây lá hình thù kỳ lạ, đàn chim bay, những con chim tìm về tổ, những con thuyền trôi lặng lẽ, tất cả ẩn hiện trong sáng tối chập chờn sương khói… Và rồi, một người thợ săn đột nhiên xuất hiện, mình trần, vạm vỡ, sáng quắc, đang đứng giương cung – như một tiêu điểm cực kỳ lộng lẫy mà người ta chỉ có thể bắt gặp trong nghệ thuật ba-rốc.

… Về mặt niên đại, bức tranh “Tiếng gọi” của Trần Hà thuộc đúng vào thời kỳ cực thịnh của hội họa sơn mài Việt Nam những năm 1938-1944, sau hơn một thập kỷ nỗ lực tính từ lúc khởi đầu, với những tên tuổi lớn như Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Lê Quốc Lộc và nhất là Nguyễn Gia Trí, những họa sĩ sơn mài “Bắc kỳ”. Tuy nhiên, điều đó cũng không loại trừ những đóng góp của các họa sĩ “Nam kỳ”, mà sự nghiên cứu về họ cho mãi tới gần đây, nhờ một số điều kiện khách quan, mới tìm lại được những bằng chứng quan trọng mang tính hệ thống. Sự thật thì phong cách hội họa sơn mài phía Nam có những đặc điểm rất riêng cả về tư tưởng thẩm mỹ lẫn kỹ thuật và kỹ năng. Các họa sĩ phía Nam, theo một huyết thống nào đó, luôn luôn là những nhà kỹ thuật giỏi và có tinh thần tự do. Họ thường có kỹ năng rộng rãi để đưa tác phẩm của mình đạt tới những độ hoàn thiện phải nói là tinh xảo, đôi khi chỉ dựa trên các thuật công bút đồ họa mỹ nghệ mà hiệu quả lại rất giản dị, hiện đại mà vẫn giữ được cái cốt cách và những yếu tố triết lý của nghệ thuật thủ công dân gian xa xưa.

“Tiếng gọi” là một tác phẩm “sơn mài chìm”, phẳng tuyệt đối. Nó ở giữa sơn mài cổ điển đồng nhất (laque unie) và sơn mài sáng (laque claire), hoàn toàn không sử dụng các kỹ thuật bổ sung như đắp, khắc, không cả vỏ trứng (hay đúng hơn, kỹ thuật dán vỏ trứng chỉ được áp dụng trên mặt khung gắn liền với nó), không cả các chất màu ngoại lai. Cái thâm trầm, sâu thẳm mà không kém phần lộng lẫy ở đây, dường như chỉ do các chất liệu cổ truyền (tất nhiên, cổ truyền dưới dạng mới) tạo nên, như vàng, son, then, bột ngà voi và cánh gián. Do vậy, nếu được đặt dưới ánh sáng hơi u huyền, bức tranh bỗng càng trở nên ẩn hiện lung linh như đưa người xem được trở về với mẫu thức tiếp cận các tác phẩm sơn theo lối cổ xưa, linh thiêng và huyền bí.

Quang Việt

 

 

TRẦN HÀ: TIỂU SỬ SƠ LƯỢC

Tên đầy đủ: Trần Văn Hà.

Sinh năm 1911, mất ngày 13/2/1974 tại Sài Gòn.

Hiện mộ tại Bình Dương.

(Đây là lần đầu tiên thông tin ngày mất của họa sĩ Trần Hà có tư liệu chính xác được công khai trên truyền thông. Cảm ơn NNC Ngô Kim Khôi đã hỏi giúp thông tin này).

* Là một học trò của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn (trong nhà họa sĩ Trần Hà có thờ ảnh cụ Nam Sơn, theo Ngô Kim Khôi).

* Sáng lập và điều hành Hãng sơn mài Trần Hà.

* Địa chỉ chính số 43 Hùng Vương, Phú Cường, Bình Dương. Chi nhánh tại Hotel Continental Place Công Trường Lam Sơn. ĐT: 22.520 (theo cuốn Tổng Đoàn – Công – Kỹ – Nghệ Việt Nam xuất bản năm 1974).

* Nhãn thương phẩm gắn sau mỗi tác phẩm:  Ets TRAN HA, Factories of arts & crafts, 43 Hung Vuong Street, Thu Dau Mot, Viet Nam.

* Đã tham dự Triển lãm Mùa xuân Kỷ Hợi năm 1959 do Trường Mỹ thuật Gia Định tổ chức với ba tác phẩm: “Rước kiệu Hai Bà Trưng”, “Chùa Nam Vang”, “Chùa Thiên Mụ” (với địa chỉ đăng ký 33 Hùng Vương, Thủ Dầu Một).  Triển lãm bao gồm 78 nghệ sĩ miền Nam thời bấy giờ như Duy Liêm, Đinh Cường, Nguyễn Thanh Lễ (Thành Lễ)…

Sau khi Trần Hà mất, xưởng của ông vẫn tiếp tục sản xuất sơn mài cho đến khoảng những năm 1980 thì dừng hẳn. Nhà nước tiếp quản gian hàng ở Continental, trưng dụng xưởng vẽ lập nên Tỉnh Hội Phụ Nữ.

Con trai lớn của Trần Hà, ông Trần Thiện Tỵ, trước sinh sống ở Pháp, nay định cư ở Australia. Con trai thứ tư của Trần Hà hiện đang sống và làm việc cho một công ty sơn mài tại Pháp.

 

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA TRẦN HÀ

TRẦN HÀ (1911-1974) – Sự yên bình. 1934. Lụa. 55x97cm Sưu tập tư nhân nước ngoài. Đấu giá tại Nhà đấu giá Christie’s Singapore năm 2002

Tranh Trần Hà có mặt tại các sàn đấu giá quốc tế lớn như Christie’s, Sotheby’s, Drouot…

– Ngày 27.10.2002, tại Nhà đấu giá Christie’s Singapore, bức tranh lụa “Sự yên bình” (Quietude), kích thước 55 x 97cm, sáng tác 1934, đạt giá gõ búa 275.000 HKD (chưa bao gồm thuế và chi phí).

– Tháng 10.2008, tại Nhà đấu giá Sotheby’s Hongkong, bức bình phong sơn mài sáu tấm “Bên trong lăng Tự Đức” (Inside the Tu Duc emperor, tomb, Huế), sáng tác khoảng 1950, đã được bán với giá 125.000 HKD.

– Ngày 27.5.2012, tại Nhà đấu giá Sotheby’s Hongkong, trong phiên “Nghệ thuật châu Á thế kỷ 20″, bức tranh sơn mài năm tấm “Phong cảnh tao nhã” (Le Beau Paysage), kích thước 120x200cm, sáng tác khoảng 1940-1950, xuất xứ từ một sưu tập tư nhân ở Pháp, đã được bán với giá 475.000 HKD (chưa bao gồm thuế và chi phí).

Ngoài ra, còn khá nhiều tác phẩm khác của Trần Hà (chủ yếu là các tác phẩm theo lối mỹ nghệ) đã được bán rải rác tại các sàn đấu giá quốc tế ở Pháp và Hongkong.

(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 305 – 306 tháng 5 – 6 năm 2018

Tin cùng chuyên mục

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 9-10 năm 2020

    Mãi đến gần đây, thông qua các cuộc đấu giá nghệ thuật ở nước ngoài, chúng ta dường như mới được biết đến một số bức tranh sơn mài của Trần Hà. Và cũng mới được biết,...

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 7-8 năm 2020

  Trần Quang Trân có thị hiếu cổ điển, sở thích của ông là vẽ chùa chiền, các công trình kiến trúc cổ, cây cổ thụ, mặt nước… Xem tranh ông người ta thường thấy nắng và những cái bóng...

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 5-6 năm 2020

  Linh Chi (1921 – 2016) Tác phẩm: Thiếu nữ vùng cao Năm sáng tác: Khoảng 1990 Chất liệu: Lụa Kích thước: 55x37cm Bộ Sưu tập Nghệ thuật Quang San, TP. Hồ Chí Minh     Trần Đông Lương...

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 3-4 năm 2020

  Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) Tác phẩm: Bố cục Năm sáng tác: Khoảng 1960-1970 Chất liệu: Mực nho, màu nước, phấn màu Thuộc Bộ sưu tập Nghệ thuật Quang Phúc, Hà Nội   Nguyễn Gia Trí bắt...

Bộ sưu tập collection Tạp chí Tết năm 2020

  JOSEPH INGUIMBERTY (1896-1971) Tác phẩm: Hai cô gái bên bờ ao Năm sáng tác: Khoảng 1940-1943 Chất liệu: Sơn dầu Kích thước: 106x81cm Thuộc bộ sưu tập Nghệ thuật Quang San, Tp. Hồ Chí Minh   Joseph...

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC VI (TP. HỒ CHÍ MINH) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

                                               ...

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ MỘNG BÍCH: NGƯỜI PHỤ NỮ VẼ LỤA ĐI GIỮA HAI THẾ KỶ

Đúng hẹn, tôi cùng Hoàng Anh-Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, đến thôn Na, xã Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) vào 8 giờ sáng ngày 29/12/2020. Nắng đẹp, gió thổi mát rượi, chưa có dấu hiệu gì của...

TRIẾT LÝ BIỂU TƯỢNG CỦA HỌA SĨ RỪNG

  Vậy là bộ tranh “Cảm tạ người mẹ” của họa sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh) đã tìm được chốn nương náu mới – thuộc bộ sưu tập của ông Nguyễn Chí Sơn (Phan Rang – Tháp...

Triển lãm “Non Côi sông Vị”: Vẻ đẹp đất nước qua nét vẽ của các họa sĩ thành Nam

“Non Côi sông Vị” là triển lãm đầu tiên có quy mô lớn của mỹ thuật Nam Định tại Hà Nội, với sự tham gia của 25 họa sĩ Nam Định cùng 59 tác phẩm thuộc nhiều phong cách, thể loại. Diễn...

CHUYỆN SƠN MÀI TRONG XƯỞNG HỌA CỦA NGUYỄN GIA TRÍ

  Danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-1993) là một trong những họa sĩ đi đầu tìm tòi sáng tác, đưa chất liệu sơn ta truyền thống, vốn quen dùng trang trí, nâng thành chất liệu hội họa sơn mài. Ông là...