TÔI HỌC KHÓA TÔ NGỌC VÂN

 

Đây là lần thứ ba Tạp chí Mỹ thuật trích đăng “Hồi ký” của họa sĩ Thanh Ngọc (Trần Thanh Ngọc). Bài đầu trích đăng năm 2012 (đoạn kể về chuyến đi thực tế của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam tại Quảng Bình năm 1962), bài thứ hai trích đăng trong Tạp chí Mỹ thuật (số 327&328, tháng 3-4/2020) với tiêu đề “Đường vào Mỹ thuật của tôi” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Thanh Ngọc (1920-2020). Đoạn trích kỳ này thuộc Chuyên đề Kỷ niệm 65 năm Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Tô Ngọc Vân (1955-2020). Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Năm 1954, sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình tôi vẫn tản cư ở Tây Cốc (Phủ Doãn). Chồng tôi là Giám đốc Sở Thương binh ở Thanh Hương, anh đang tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn chưa về, không hiểu anh còn hay mất. Đầu năm 1955 tôi nhận được thư anh, anh đã về giải phóng Thủ đô, bố mẹ và các em tôi đã về Hà Nội. Anh bảo tôi thu xếp rồi đưa gia đình về. Mừng quá, tôi ra Sóc Đăng thuê thuyền về Hà Nội. Mới mùa xuân nên trời còn rét lắm, chiếc thuyền chúng tôi thuê dài 3m, có một chiếc mui che mưa, che nắng. Bà lái thuyền độ 40 tuổi với đứa con trai độ 15 tuổi. Bà là chủ thuyền chính. Bà ngồi vắt vẻo trên cái ghế đằng sau thuyền, dùng chân thoăn thoắt đưa thuyền theo dòng nước sông Lô từ chiến khu Việt Bắc về đến tận bến Phà Đen.

Xuôi theo dòng, thuyền lướt nhẹ nhàng. Tôi rất phấn khởi nghĩ đến mình sắp được về nhà, được gặp cha mẹ, các em sau 9 năm kháng chiến. Độ năm giờ chiều, trời đột nhiên trở mưa to, gió rất mạnh. Bà mẹ chồng và các cháu con tôi đều rét run. Bà lái thuyền đành kéo thuyền lên một bãi nổi giữa sông Hồng. Mưa gần một tiếng rồi tạnh. Chúng tôi lại tát nước, kéo thuyền ra sông, bà lái thuyền lại gò lưng đưa thuyền đến bến Phà Đen. Bên bờ sông, san sát những lán bằng bạt vải của công nhân xây dựng bến Phà Đen. Thấy thuyền chúng tôi đến, các công nhân xúm xít chạy xuống, người đưa mẹ chồng tôi, người cõng các cháu vào lán. Thấy chúng tôi rét quá, họ đốt lửa cho chúng tôi hong khô quần áo. Khi biết chúng tôi về số nhà 14 Thi Sách, họ thuê cho chúng tôi hai xe xích-lô. Chúng tôi cảm ơn các anh rồi bảy con người với đồ đạc lên cả hai cái xe ấy về nhà. Đến nhà độ 8 giờ tối, tôi gọi chuông, một em bé độ 8 tuổi ra mở cổng. Nhìn thấy tôi, nó gọi ầm lên: “Mẹ ơi, chị Ngọc đã về”. Hóa ra nó là em tôi, khi tôi đi kháng chiến nó chưa ra đời. Cả nhà ra đón con, đón cháu. Nhìn thấy mẹ con chúng tôi lôi thôi lếch thếch, mẹ tôi không cầm được nước mắt. Việc đầu tiên mẹ tôi bảo người nhà đun nước sôi cho chúng tôi tắm, lấy quần áo các em tôi đưa cho các cháu mặc. Nhà 14 Thi Sách ngày xưa tôi thấy rộng rãi thế, bây giờ sao nó bé lạ. Cũng phải thôi, ngoài bố mẹ cùng 11 em tôi, lại thêm gia đình chị tôi cũng 7 người, giờ lại thêm 7 người chúng tôi, sao mà không chật được. Bố mẹ tôi cho chúng tôi ở trên cái gác xép của ga-ra ô-tô 12m2.

Trường Mỹ thuật Việt Nam. Khoảng 1955-1960. Từ phải sang: Lê Công Thành, Thanh Ngọc, Sỹ Tốt và một số người khác

Sáng hôm sau, anh Thọ chồng tôi từ cơ quan Tổng Lao động Việt Nam mới đến thăm bố mẹ, vợ và các con. Vì nhà chật, anh vẫn ngủ ở cơ quan.

Chị tôi đang may chăn cho quân nhu, chị tôi cho tôi một phần để may, công chả đáng là bao nhưng tôi cũng mừng có công ăn việc làm để có tiền nuôi lũ con còn nhỏ.

Tháng 4/1955, anh Thọ bảo tôi rằng: “Trường Mỹ thuật Yết Kiêu mở lớp tuyển sinh đấy, em có thích thì xin vào mà học”. Nghe anh nói, tôi tưởng anh đùa. Anh lại bảo: “Anh không đùa đâu, trong kháng chiến em khổ nhiều rồi. Bây giờ có anh, anh sẽ giúp em chăm sóc các con. Em thi được thì học vẽ cho đến nơi đến chốn”. Được học vẽ thì tôi thích quá, chỉ có điều mẹ chồng tôi thì yếu, các con còn nhỏ dại, tôi lại đi học, một mình anh làm sao nuôi nổi một gia đình như vậy. Tôi phân vân mãi, nhưng anh cứ khuyến khích, sáng hôm sau tôi đã đến Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Trong lúc đến trường, tôi suy nghĩ: “Ngày xưa lúc tôi đi học lớp dự bị ở Mỹ thuật Đông Dương, tôi vẫn xưng em với các anh đã học chính quy, và các anh cũng gọi tôi là em. Bây giờ, các anh đã là hiệu trưởng, là thầy giáo, gặp lại tôi biết xưng hô thế nào đây?” Đến trường tôi gặp anh Trần Văn Lắm, anh Nguyễn Tiến Chung, anh Vương Trình, anh Trần Đình Thọ; anh Lắm nhận ra tôi, hỏi thăm tôi, hỏi thăm các con tôi… Thế là tôi cũng ríu rít chuyện trò với các anh. Tôi trình bày với các anh cho tôi được học vẽ như xưa. Anh Lắm bảo: “Trường đã thi rồi, hay là em học bổ túc 6 tháng nhé!” Tôi đồng ý ngay.

Trường Mỹ thuật Hà Nội [khi ấy] là Khóa Tô Ngọc Vân. Ông Vân đã hy sinh năm 1954 trong kháng chiến. Lớp trung cấp có độ 40 người, người nhiều tuổi nhất là anh Sỹ Tốt và tôi 35 tuổi, còn lại độ 20 đến 25 tuổi. Trong kháng chiến các anh đều đã đi công tác hoặc đi bộ đội. Tất cả đều học chung một lớp. Bài học được chia làm nhiều phần khác nhau: Hình họa, Trang trí, Bố cục, Giải phẫu cơ thể, Luật xa gần, Điêu khắc… Nữ chỉ có Giáng Hương, Diệu Tần, Sơn Minh và tôi. Thầy dạy hình họa là ông Nguyễn Tiến Chung, ông Bùi Xuân Phái, ông Lưu Văn Sìn; thầy dạy trang trí là ông Lương Xuân Nhị, ông Tạ Thúc Bình, ông Nguyễn Trọng Hợp… Chúng tôi sống chẳng khác gì một gia đình. Anh Tạ Thúc Bình luôn vào lớp với một gói ô mai chia đều cho học trò cùng ăn. Ngoài chuyên môn, chúng tôi chỉ có tối thứ bảy để nghỉ nhưng chúng tôi lại nhờ anh Minh Châu (cũng là bạn học trong lớp) dạy cho tiếng Pháp. Chả cần ai nhắc nhở, chúng tôi chăm học vô cùng.

BÙI TẤN HƯNG – Chiến thắng đường 9. 1974. Khắc gỗ

Mỗi tháng tôi được 22 đồng học bổng. Đầu kỳ lương, tôi đến chị Thụy (kế toán) để lĩnh. Chúng tôi thường nói chuyện rất vui vẻ với nhau. Trong kháng chiến, chị Thụy làm bánh cuốn trong chợ Ngà còn tôi chuyên bán gạo cho chị.

Cuối năm 1955, Trường Mỹ thuật xây dựng bảo tàng. Lớp học chuyển sang học tại Trường Nguyễn Ái Quốc ở Cầu Giấy. Thấy trường xa quá, tôi đến sau chùa Voi Phục xem có nhà ai còn bỏ không xin ở nhờ. Tìm được một căn nhà độ 15m2 với một cái sân con, tôi đưa mẹ chồng và hai cháu bé đến ở. Ba cháu nhớn vẫn ở với bà ngoại để đi học. Cũng năm này trời đổ mưa bão lớn. Các anh Nguyễn Thiện, Ngọc Thọ… đến đón mẹ con tôi vào Trường Nguyễn Ái Quốc, các cháu ngủ cùng các chú, đến bữa cơm thì các chú cõng đi ăn. Tôi cũng được một giường con trong đó. Mẹ chồng tôi được một u già do mẹ tôi thuê chăm sóc. Sau mẹ chồng tôi mất. Chúng tôi và dân làng đưa cụ vào Nghĩa trang Cầu Giấy, nay là doanh trại quân đội nhân dân…

Trường Mỹ thuật xây xong bảo tàng, lớp chúng tôi lại chuyển về Yết Kiêu. Tôi lại về Thi Sách. Anh Thọ chồng tôi bảo nên mua một căn nhà để ở riêng. Chúng tôi mua một căn nhà lá độ 20m2 ở cuối ngõ Giếng Mứt trước chợ Mơ, có đường tàu điện để mẹ con đi học. Trước sân nhà có một khoảng vườn độ 50m2. Các cháu thích lắm. Vì nhà không có bếp, chúng nó lấy tre quây xung quanh làm bếp, rồi đi tước lá mía của các nhà xung quanh ghép thành gianh che cho mái; đất còn lại chúng nó trồng rau muống, rau đay, rau ngót và cà bát. Thế mà đẹp ra trò. Chồng tôi lại đi công tác xa, tôi lại đi thực tế, nhà chỉ có năm cháu với nhau. Mấy mẹ con họp lại bàn cách giải quyết chuyện gia đình. Cuối cùng, với 22 đồng học bổng của tôi, anh Thọ còn lại 50 đồng, tổng cộng 72 đồng tất cả đều đưa vào phong bì: gạo, muối, dầu, gánh nước, củi, tiền tàu điện và một số tiền nhỏ để cuối tuần con nào học giỏi (tự chúng nhận xét) thì được xem xi-nê Bạch Mai, không có khoản tiền thức ăn vì có rau ở vườn, cá thì đánh “trộm” của hợp tác xã quanh nhà… Đầu tiên tôi cho cháu lớn cai quản chi tiêu. Từ Phú Hữu tôi nhận được thư các em nó tố cáo anh Khánh hoang quá! Tôi lại giao cho cháu Hương thì chúng nó lại bảo chị Hương ky quá! Tôi lại giao cho thằng thứ hai tên Gia Anh 10 tuổi, nó nhất định không nhận tiền, chỉ xin gánh nước, rửa bát, quét nhà. Thằng thứ tư 7 tuổi xin giao cho nó. Và từ đó nó chi tiêu đâu ra đấy hơn các anh chị. Về phần tôi đi thực tế mỗi ngày đã có 3 hào để chi tiêu.

Họa sĩ Diệu Tần và bức tranh lụa “Chân dung cháu Sơn” (1970) của họa sĩ

Có lần, tôi đi học về gần đến nhà đã nghe người ta bảo: ngõ Giếng Mứt bị cháy. Hốt hoảng, tôi chạy về nhà. Có hai căn nhà đã cháy trụi nhưng cũng may nhà tôi không việc gì. Lũ trẻ đã khiêng hai cái giường ra sân; quần áo sách vở và hai đứa bé cũng đứng trong cái giường ấy, còn ba đứa lớn cùng với bà con xung quanh lấy nước ao tát lên mái nhà. Lần khác, tôi lại thấy con bé út ngồi khóc bên cạnh một con vịt đã chết. Vì trước khi đi học, tôi buộc một sợi dây nhỏ vào cổ vịt, thả ra cái ao bên cạnh, đầu dây kia tôi buộc vào bờ rào để cho con bé Lan 4 tuổi chơi ở nhà một mình với con vịt. Nó cứ ngồi một mình cạnh ao, cứ kéo con vịt ra, kéo con vịt vào nên sợi dây thắt cổ làm con vịt chết. Thấy thế tôi chợt giật mình: con mình còn bé, nhỡ nó chẳng may chết đuối thì sao? Tôi sợ quá…

Cũng năm ấy, bố tôi mất do bệnh tim. Gia đình chị tôi cũng ở riêng nên mẹ tôi buồn, bắt tôi phải đưa các con về Thi Sách cho cụ vui. Đưa con về Thi Sách tôi cũng thấy yên tâm, các cháu đều khỏe mạnh, học hành tử tế.

Suốt 8 năm tôi đi học vẽ, những lần đi thực tế đã để lại nhiều kỷ niệm rất sâu sắc trong tôi. Năm 1955 trường chia học sinh ra làm nhiều tốp đi vẽ. Đoàn tôi đi Sài Sơn. Học sinh có Phan Phương Thư, Ngọc Thọ, Giáng Hương, Lương Quý, Lê Công Thành…

Sài Sơn đẹp lắm: có núi, có đồi, có chùa Thầy nổi tiếng. Chùa chính gồm có 3 gian để thờ Phật và có những am nhỏ xây trên gành đá. Trước chùa có một hồ sen với hai chiếc cầu có mái che bắc qua. Xung quanh thờ ông Từ Đạo Hạnh. Sài Sơn như một làng cổ, đường chạy dài suốt làng, lát gạch tinh tươm. Chợ Sài Sơn họp quanh năm. Các cụ già, các cô gái vẫn còn mặc váy, yếm đỏ, yếm vàng, đội nón quai thao. Chị Giáng Hương và tôi ở nhà bên cạnh chùa, cứ tờ mờ sáng chúng tôi đã ra chợ, mỗi người một cái cặp đen trong đó có vài chục tờ giấy dó, một gói mực nho, vài cái bút lông để ký họa chùa Thầy, chợ và phong cảnh xung quanh làng, đến buổi trưa thì nghỉ để ăn cơm, chị Trinh là cấp dưỡng. Tối đến học sinh trình bày ký họa cho các thầy nhận xét. Các thầy cũng vẽ. Thầy Sìn vẽ đường làng bằng sơn dầu. Những ngọn chuối non màu xanh trong suốt, bà già vác cuốc ra đồng. Bóng bà đổ trên mặt ao lung linh, run rẩy. Thầy Phái vẽ chùa và vẽ cả chị Giáng Hương: [trong] tranh chị ngồi nghiêng thật giống và đẹp. Sau hơn hai tháng, chúng tôi về trường, dùng những ký họa này để vẽ thành tranh.

VŨ GIÁNG HƯƠNG – Hợp tác xã đánh cá về. 1960. Lụa

Năm 1956 học sinh lại được đi Phú Hữu. Phú Hữu quá Sơn Tây 16 km, gần bến Trung Hà. Nhà dân xây trên các quả đồi. Sân nhà trên sát mái nhà dưới. Xung quanh các quả đồi là ruộng lúa bát ngát. Nhà nào cũng có giếng riêng. Có hai cái giếng to dưới chân đồi, một cái chỉ để cho nam tắm, một cái dành cho nữ. Hai giếng có bụi tre vây xung quanh. Các bà, các cô đều tắm ở đấy. Con gái Phú Hữu đẹp lắm, khi tắm đều khỏa thân. Chỉ có hai cô gái Hà Nội là Giáng Hương và Thanh Ngọc lại xấu hổ khi tắm vẫn mặc nguyên cả quần lót và xu-chiêng. Các cô ở làng cứ bảo: “Các chị cứ cởi ra tắm cho mát”. Các cụ già da nhăn nheo, nhưng các cô thiếu nữ thì da trắng ngần, tóc chảy dài sau lưng. Ôi sao mà có làng vừa đẹp vừa văn minh như thế!

Thầy Lương Xuân Nhị đã vẽ bức tranh “Đồi cọ giếng nước” (tên chính xác là “Bờ giếng”- TCMT) ở đây. Hàng ngày Giáng Hương và Thanh Ngọc ra chợ Giềng mua thức ăn. Phân công Lương Quý, Phan Phương Thư, Ngọc Thọ và Bùi Tấn Hưng nấu cơm, còn rửa bát là Lê Công Thành. Lúc đó Lê Công Thành đang mê cô Vinh. Còn cô Thứ con ông chủ nhà thì lại mê Lê Công Thành. Mỗi lần Thành rửa bát, cô thương lắm: “anh Thành đi vẽ đi, để em rửa bát cho!”…

Cứ một tháng hai lần chồng tôi và các con tôi lại viết thư cho tôi. Đầu thư anh Thọ hỏi thăm sức khỏe của tôi và các chú. Rồi anh kể tình hình ở nhà như thế nào… Cuối cùng anh kể chuyện trong nước và thế giới. Các con tôi lại gợi ý thêm, mẹ ở đó nên vẽ cái này hay cái khác. Những bức thư ấy, các bạn tôi đều xem, họ đọc như xem báo. Sau này các bạn tôi chỉ cần xem [trong thư] tình hình thế giới như thế nào.

Thấm thoắt gần ba tháng, bỗng chúng tôi nhận được tấm thiếp (viết tay) mời đi dự đám cưới Bùi Tấn Hưng lấy cô Mão. Bùi Tấn Hưng người miền Nam, xấu giai lắm, người cao kều, chân vòng kiềng, còn cô Mão đẹp nhất làng Phú Hữu. Đám cưới theo kiểu mới, chả có ăn hỏi, chả có rượu, trong đình của làng chỉ có câu khẩu hiệu “Trai lấy vợ không quên nhiệm vụ” và có ít bánh kẹo với nước chè. Ông chủ tịch xã, thanh niên, dân quân du kích, họ hàng cô dâu đều ra làng tham dự đám cưới. Giáng Hương và Thanh Ngọc đến nhà cô dâu, thấy cô mặc cái áo mới nhưng còn có thêm vài mụn vá xanh xanh đỏ đỏ. Giáng Hương và Thanh Ngọc bèn đưa cho cô một cái áo mới không vá víu gì cả. Sau đám cưới hôm ấy, cô Mão bảo: “Làng em, cô dâu đều phải mặc như thế!” Cô Mão cứ giữ Thanh Ngọc ngủ chung, còn chú rể ngủ đâu không biết. Năm 1990 tôi vào Sài Gòn và gặp Bùi Tấn Hưng ở Hội Mỹ thuật. Anh nhất định mời tôi về nhà, anh gọi điện cho cô Mão phải đón tiếp chị Ngọc thật chu đáo. Anh lấy xe máy đưa tôi về. Chị Mão đã treo lên cây roi một bánh pháo 6 mét, chị cho đốt hết bánh pháo rồi mới mở cửa cho chúng tôi vào. Hai anh chị có 4 con trai, con gái, và đã có cháu nội cháu ngoại.

THANH NGỌC – Vụ đông. 2002. Lụa

Chị Mão xưa với vẻ đẹp dịu dàng của thiếu nữ nông thôn, bây giờ nom chị như bà Thứ trưởng, rất lịch sự, quý phái. Anh chị mời tôi ăn cơm rồi cho tôi xem album đám cưới các con… Sau này anh Diệp Minh Châu (nhà điêu khắc) có lúc hỏi tôi: “Chị Ngọc thấy vợ Hưng có đẹp không?” Tôi bảo: “Nếu gặp ngoài đường thì Ngọc nghĩ không thể nào đó là chị Mão!” Anh Châu nhân chuyện này mới kể chuyện của Hưng Mão cho tôi nghe. Khi vợ chồng họ vào Nam, Hưng xin cho cô Mão vào một khách sạn trên sông Sài Gòn để quét dọn, lau bàn và rửa bát. Khách sạn này chuyên đón các thủy thủ của các nước, họ chỉ uống rượu và nhảy đầm. Được vài năm sau, khách sạn cần tìm một cửa hàng trưởng tốt, họ đặt vấn đề: tất cả các nhân viên của cửa hàng đều phải trình bày một quầy hàng hoa quả. Ai làm đẹp nhất thì được làm cửa hàng trưởng. Quầy của Mão đẹp nhất và cô được làm cửa hàng trưởng từ đó. Anh Hưng thường đến đây để nhảy đầm. Hưng nhảy đẹp lắm, nhiều cô ca-ve mê tít. Một hôm Hưng nói với vợ: “Anh muốn cô… làm lẽ, em có đồng ý không?” Suy nghĩ một lúc rồi chị bảo: “Con ấy đẹp lắm, anh lấy cũng được”. Trong nhà có một buồng đẹp nhất, chị trang trí cho chồng và cô ca-ve ở. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, cô vợ cả gọi cô vợ lẽ của chồng lại: “Em ơi hôm nay em mặc cái áo ấy không đẹp, em mặc cái này chị mới mua cho em đấy”. Cứ như thế, chị cứ ngọt như mía lùi. Dần dần cô kia cũng phải quỳ xuống: “Em xin trả anh cho chị!” Với khách, chị nói tiếng Pháp và tiếng Anh rất thông thạo. Chắc bây giờ chị cũng đã nghỉ hưu lâu rồi…

Học hết trung cấp, năm 1957 Trường Mỹ thuật Yết Kiêu mở lớp Cao đẳng (5 năm). Chị Giáng Hương và 11 người khác đã đỗ. Còn tôi xin vào lớp chuyên nghiệp (1 năm). Vừa vào lớp mới, chưa được học vẽ gì, thì bỗng lớp Cao đẳng 1 phải họp, mỗi sinh viên phải viết kiểm điểm về những sai sót từ lớp trung cấp. Có người nói: Có lẽ vì ông Sỹ Ngọc sẽ là thầy của lớp này mà ngày xưa ông là Nhân văn Giai phẩm. Ông đã chọn những học sinh này vào Cao đẳng để sau này ông sẽ chỉ huy. Trong lớp có chị Giáng Hương hiền lành dễ thương cũng phải viết kiểm điểm. Ông Lộc dạy chính trị của trường xem bản kiểm điểm của Giáng Hương cứ gạch bút chì đỏ rồi bắt chị viết lại đến hơn mười lần. Còn tôi học chuyên nghiệp, không phải viết kiểm điểm nhưng vẫn phải đi họp. Tôi chẳng có gì mà nói nên cứ ngồi im. Anh Phạm Lê Kháng ở lớp tôi cứ quát tôi: “Chị chơi với chúng nó, chúng nó nói gì với chị thì chị phải khai ra…” Tôi bảo: “Chúng tôi ngoài học vẽ, chúng tôi nói chuyện gia đình tình cảm, nói chuyện đi chơi. Tôi có phải là mật thám đâu mà đi theo dõi, xét nét người khác”. Sau đợt kiểm điểm, ba anh: anh Mạnh Thường, anh Lưu Yên và anh Bùi Quang Ngọc bị ra khỏi lớp, còn các bạn khác được tiếp tục học như bình thường.

Năm 1958 thấy các cháu đã lớn, tôi đã xin thi và đỗ học Cao đẳng trong 5 năm. Lớp Cao đẳng 2 này có: Sỹ Tốt, Doãn Tuân, Quang Thọ, Văn Đa, Huy Oánh, Quốc Khánh, Thanh Ngọc. Đầu năm chúng tôi đi thực tế ở Thậm Thình (Phú Thọ). Ông Trần Đình Thọ là trưởng đoàn. Thậm Thình có một doanh trại bộ đội, chúng tôi xin vào sáng tác. Cả doanh trại chỉ có mình tôi là nữ. Các đồng chí bộ đội cũng coi tôi thuộc đơn vị, tôi được phân một cái giường cá nhân trong phòng đàng hoàng. Các anh bộ đội thấy đoàn có hai người cùng tên là Thọ: một người là thầy, một là trò. Họ thấy anh Quang Thọ cao to chững chạc nên tưởng ông này là thầy nên lúc nào cũng kính nể lắm, mãi về sau mới phát hiện ông Trần Đình Thọ mới là thầy vì thấy ông không phải vẽ, chỉ thỉnh thoảng ra xem bộ đội tập quân sự thôi. Còn chúng tôi suốt ngày theo bộ đội ra đồi, ký họa liên tục, ghi chép đầy đủ. Tranh của tôi tả: “Bộ đội học văn hóa” trên lụa. Về Hà Nội tôi tham dự triển lãm quân đội, bức tranh này đã được Bảo tàng Quân đội mua ngay.

Năm 1959 tôi được phân công học khoa sơn mài. Tôi vẽ bức sơn khắc “Đu quay”, đề tài là cảnh vườn chơi của thiếu nhi trong Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội. Bức tranh này đã được Trường Mỹ thuật Yết Kiêu tặng cho Đoàn thiếu niên Cu-Ba…

Thanh Ngọc

(Ghi theo bản thảo gốc đã đánh máy vi tính của họa sĩ Thanh Ngọc gửi tặng TCMT năm 2004. Đầu đề do Tạp chí Mỹ thuật đặt)

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

ĐI VẼ Ở CHIẾN DỊCH ĐẮC TÔ, TÂN CẢNH, MÙA HÈ ĐỎ LỬA 1972

  Năm 1969, tôi vào công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Trung Trung bộ. Sau Tết Nhâm Tý 1972 ở vùng căn cứ Nước Ngheo (nay là xã Trà Ka, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), tôi và nhà văn Nay Nô khoác...

Ngắm di sản từ “Vọng Huế”

TTH.VN – Hơn 20 tác phẩm hội họa vẽ về đề tài di sản Huế vừa được họa sĩ Lê Hữu Long giới thiệu đến công chúng tại triển lãm có tên “Vọng Huế”, khai mạc chiều 10/1 tại Tạp chí...

NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM VẪN LÀ MỘT DẤU HỎI

“Nghệ thuật Đương đại Việt Nam” (Vietnamese Contemporary Art) đã thực sự là khái niệm hiện hữu trên hệ thống truyền thông quốc gia và quốc tế. Nhưng thực tế ở Việt Nam, nghệ thuật đương...

Mỹ thuật Bình Dương và những bước phát triển quan trọng

Ngày 10-12-1951, Bác Hồ đã gửi thư cho các họa sĩ nhân dịp triển lãm mỹ thuật lớn chào mừng kỷ niệm 5 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) và thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần...

NỀN MỸ THUẬT CHÍNH TRỊ

  Người ta thường thấy những hình tượng dành cho mục đích chính trị được sử dụng trên khắp thế giới. Điển hình những bức tranh khảm thời kỳ Byzantine thuộc thế kỷ thứ 6 mô tả các...