GỐM BIÊN HÒA THỜI BALICK

 

Tên tuổi của gốm Biên Hòa gắn liền với Trường Mỹ nghệ Biên Hòa. Trường Mỹ nghệ Biên Hòa gắn liền với tên tuổi ông bà Balick.

Thời kỳ ông bà Balick (1923 – 1950)

“Thời Balick” là cách nói gọn của thời kỳ ông bà Balick làm hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Biên Hòa từ năm 1923 đến năm 1950.

Ông Robert Balick sinh 24/4/1894 tại Paris. Bà Mariette Brallion sinh 8/6/1898 tại Nancy Meurthe et Moselle, Pháp. Mariette học trường gốm Limoges và làm việc tại Sèvres, Robert tốt nghiệp Arts Décoratifs.

Ông bà Balick

 

Người thợ đang chấm men sản phẩm gốm (Photo Nadal)

Cuốn “Việt Nam – Đồng Nai trăm năm nhìn lại” của Nhà Bảo tàng Đồng Nai (NXB Đồng Nai – 2001), trang 31, có đoạn ghi: “Ngày 23/1/1923, ông bà giáo sư Robert Balick được cử từ Pháp sang giữ chức hiệu trưởng và chuyên viên gốm Trường Mỹ nghệ Biên Hòa”.

Ngày 29/04/1950, ông bà Balick về hưu, khép lại quãng thời gian 27 năm (1923 – 1950) ông bà ở trường Mỹ nghệ Biên Hòa, giai đoạn mà người ta thường gọi là “giai đoạn ông bà Balick”, một giai đoạn vàng son của gốm Biên Hòa.

Đặc điểm của gốm Biên Hòa thời Balick

Đặc trưng chính của gốm Biên Hòa thời Balick: trang trí bằng chạm khắc chìm, tráng men nhiều màu kể cả phông nền.

“Trường phái” gốm Biên Hòa phát sinh từ trường Mỹ nghệ Biên Hòa do ông bà Balick làm hiệu trưởng, hay nói khác đi gốm Biên Hòa do ông bà Balick khai sinh ra và làm cho nó nổi tiếng trong và ngoài nước.

Bình trà chữ Phúc (ảnh Harry Nguyễn)
Bình trà chữ Phúc  – đáy  bình với con dấu gốm Biên Hòa (ảnh Harry Nguyễn)
Chi tiết hình chim và hoa mai
Ché 6 quai (làm khoảng thời gian 1936 – 1954)

Theo nhà khảo cứu Lương Văn Lựu (1916 – 1992) trong cuốn Biên Hòa sử lược in năm 1960, thì gốm của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa có một số đặc điểm riêng mà các dòng gốm khác không có được đó là:

– Không có mỏ đất sét trắng, dẻo, nhiều nhựa và chịu đựng lửa như hầm đất tại Tân Hòa, quận Tân Uyên.

– Không có nước men đặc biệt do sự phân phối và pha chế đúng mực độ theo công thức riêng của trường.

– Kỹ thuật xoay, trang trí, tráng men phải được nhiều công phu đầy tỉ mỉ và cố gắng.

– Kỹ thuật hầm (nung) phải có nhiều kinh nghiệm riêng biệt; từ sáng tác đến hoàn thành, đều chỉ làm bằng tay chân.

Men Pháp tráng lên gốm phương Đông không phù hợp, bà Balick lập nhóm nghiên cứu men, bà và nhóm nghiên cứu đã tìm ra một hệ thống men đặt tên là “men ta” dùng nguyên liệu trong nước như đá trắng An Giang, vôi Càng Long, tro rơm, tro củi (tro lò), tro trấu và kiếng, còn kim loại tạo màu là mạt đồng do làm nguội sản phẩm đúc đồng của trường, đá đỏ (đá ong Biên Hòa) và bột màu dương (côban). Màu men nổi tiếng “Vert de Bienhoa” là hệ thống men xanh đồng của Biên Hòa, ngoài ra còn có màu đá đỏ, trắng ta cũng được ưa chuộng, nhiệt độ nung 1280°C – 1300°C.

Chất lượng sản phẩm gốm Biên Hòa thời ông bà Balick được đặt lên hàng đầu. Từ năm 1950, sau khi ông bà Balick về hưu, dưới sự điều hành của những người Việt, gốm Biên Hòa về chất lượng bớt khắt khe hơn so với thời ông bà Balick, hàng bán được hơn với giá dễ chịu. Tuy nhiên, có lẽ cũng vì chất lượng giảm dần nên thương hiệu gốm Biên Hòa ngày càng mất dần thị trường.

Đĩa gốm Biên Hòa 1

 

Đĩa gốm Biên Hòa 2

 

Đĩa gốm Biên Hòa 3
Một số sản phẩm gốm Biên Hòa trưng bày tại Trường Cao đẩng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai

Tham gia các cuộc triển lãm, thành lập Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa

Để có đơn đặt hàng cho học trò học tập và sản xuất, nhà trường trưng bày sản phẩm tại phòng trưng bày của trường, tại Sài Gòn và tham dự các hội chợ triển lãm ở trong nước cũng như nước ngoài. Nhằm tìm kiếm các đơn đặt hàng cho học sinh, tạo điều kiện công ăn việc làm cho học sinh sau khi ra trường.

Năm 1925, trường tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế về mỹ thuật trang trí và công nghệ hiện đại tại Paris. Ngoài sự phát huy các chủ đề cũ, sản phẩm tham dự lần này chú trọng vào các loại sau:

– Các loại bình gốm trang trí bằng chạm khắc chìm.

– Vòi phun trang trí bằng gốm.

– Các loại tượng gốm.

– Gốm trang trí tường.

Trong triển lãm này, gốm Cây Mai cũng tham dự, họ trưng bày các loại hình đẹp, các loại đế bằng sành nhiều màu. Tuy nhiên các loại bình trang trí đẹp mắt, các tượng gốm với nhiều kiểu khác nhau của trường Mỹ nghệ Biên Hòa, đã thu hút rất nhiều khách tham quan và được ban tổ chức khen ngợi và tặng huy chương vàng.

Thành công hội chợ lần 2 này nhờ vào các loại bình trang trí hoa văn, nét chạm khắc hơi sâu (chìm) tạo cảm giác mạnh về sự chia cắt trên phông (nền) cũng tráng men phù hợp với đề tài trang trí, hơn nữa tượng gốm về đề tài phương Đông làm lạ mắt dân thành phố Paris. Về sau nhà trường phát huy hai thế mạnh nói trên, tiếp tục nghiên cứu sản xuất ra các mẫu mã mới, nhiều chủng loại về dáng và các đề tài trang trí để hàng năm trưng bày triển lãm tại Hội Mỹ thuật Sài Gòn để giới thiệu sản phẩm.

Nhà hội Bình Trước (làm khoảng năm 1937)
Phòng trưng bày của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (chi tiết)
Phù điêu Lân

Thấy làm ăn được, nhà trường giải thể lớp hoàn thiện, thành lập Hợp tác xã (HTX) Mỹ nghệ Biên Hòa vào năm 1933. HTX này thu nhận tất cả các học sinh tốt nghiệp để làm thợ mỹ nghệ. Chính HTX này phổ biến gốm mỹ nghệ ra xã hội một cách nhanh chóng và hiệu quả. Cùng với việc thành lập HTX, nhà trường cho xây dựng một phòng trưng bày để giới thiệu sản phẩm và bán hàng.

Qua 3 kỳ tham dự hội chợ triển lãm, nhà trường đã nổi danh trong và ngoài nước. Các hội chợ triển lãm sau này đều mời nhà trường tham gia: Indonesia (1934), Nhật và Pháp (1937), Réunion và Hà Nội (1938), Sài Gòn (1942),…

Một số nhận xét về gốm Biên Hòa thời Balick

Học giả Vương Hồng Sển (1902 – 1996) trong cuốn sách Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa (Tác giả xuất bản tại Sài Gòn năm 1971), trang 87 – 88 có đoạn viết: “Hiện nay trong xứ có một trường dạy nghề làm đồ gốm ở Biên Hòa, và kể luôn ở Đà Lạt, ở Bình Dương và ở Lái Thiêu, Thị Nghè và Biên Hòa, có trên bốn chục lò sản xuất đồ gốm, đồ sành, có lò Thành Lễ (Bình Dương) từng gửi đồ chế tạo ra bán ngoại quốc, nhưng nói về phẩm, thì đồ gốm, đồ sành ngày nay còn thua đồ thời Pháp thuộc của trường Mỹ nghệ Biên Hòa do Tây điều khiển, không biết vì trường khó mà nghề hay, hay là vì xưa kia vật liệu dồi dào, thợ thầy cố gắng, còn nay vì chiến tranh, không đủ vật liệu, thêm trả công thợ ít”.

Trong cuốn sách “Tạp bút năm Quý Dậu 1993 – di cảo” (Nhà xuất bản Trẻ in năm 2013), bài “Nhắc lại những trường dạy nghề đời Tây tôi đã biết”, trang 212, Vương Hồng Sển viết: “trường dạy làm đồ gốm ở Biên Hòa, theo tôi biết, một đoạn lối 1950 – 1960, lò gốm Biên Hòa sản xuất gốm kém thua lúc Pháp còn ở đây, vì phải nói Pháp dạy rất kỹ và rất khó tính, sinh viên làm món chưa vừa ý, họ đều bỏ không cho nung, còn ngày nay, tôi chịu thua và không biết được… Về gốm mặc dù tôi chơi gốm cổ, nhưng tôi không sắm gốm Biên Hòa, chỉ có đôi gốm do đời Tây để lại, và nay rất khó kiếm. Nay gốm mới tôi không quan tâm nữa”.

Trụ rồng (làm khoảng năm 1940 – 1941)

 

Trụ rồng (làm khoảng năm 1940 – 1941) – Chi tiết 1

 

Trụ rồng (làm khoảng năm 1940 – 1941) – Chi tiết 2

Còn nhà khảo cứu Lương Văn Lựu trong cuốn Biên Hòa sử lược in năm 1960 nhận xét: “Mỹ phẩm của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa được các nhà ngoại giao quốc tế lưu ý và các mỹ thuật gia Âu Á ưa thích nhất là đồ gốm. Dù có màu sắc, nhưng vẫn giản dị đơn sơ, không lòe loẹt, chóa mắt, trầm tỉnh, nhu mì, có vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, vỉnh viễn, thuần túy Á Đông, dung hòa kim cổ. Nhờ vậy mà khi đặt một mỹ phẩm đồ gốm Biên Hòa vào trong phòng các tòa nhà, bất kì ở địa điểm nào, cũng đẹp, càng nhìn càng thấy mỹ phẩm huy hoàng, căn phòng lộng lạc, nghĩa là nó không kén chọn một nơi riêng biệt nào để bày trí nó, ở chỗ nào nó cũng vẫn đẹp một cách thùy mị. Do đó mà khách Âu Mỹ càng ngày càng quý trọng mỹ phẩm trường Biên Hòa”.

Trong bản “Sử lược Trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai” năm 1993 của ông hiệu trưởng Trương Minh Tú có đoạn viết: “Đặc điểm vẻ đẹp của gốm Trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai là sự kết hợp những yếu tố đẹp của nghệ thuật điêu khắc với những yếu tố đẹp trong hội họa. Gốm trường không phải là gốm nhẹ độ màu sắc như chúng ta thường gặp trên thị trường hiện nay. Gốm Biên Hòa truyền thống là gốm cao độ (1280°C), đặc biệt men xanh đồng trổ hết sức đa dạng, màu men tạo cảm giác đây là sản phẩm cổ từ thời Lý Trần được đào từ dưới đất lên. Vẻ đẹp của gốm Biên Hòa không những hấp dẫn người chơi bởi màu sắc và hòa sắc, mà bởi tính giản dị đơn sắc có chiều sâu đậm nhạt, lung linh ẩn hiện, đó là những hằng số mang vẻ đẹp rất độc đáo, rất riêng của gốm mỹ nghệ Biên Hòa”.

Nguyễn Minh Anh

 

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Tin cùng chuyên mục

Phát huy giá trị di sản tại Biệt thự Pháp cổ 49 Trần Hưng Đạo    

Tiếp nối chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ký kết Hiệp định Geneva và Tiếp quản Thủ đô (1954 – 2024), chiều 10/5, Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao văn...

Khát vọng người Đất tổ Hùng Vương trong hội hoạ, điêu khắc

Chiều 6/5, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội) đã diễn ra khai mạc triển lãm với chủ đề  “Khát” của họa sỹ Nguyễn Thành Việt và nhà điêu khắc Triệu Tiến Công – hai...

Họa sĩ Nguyễn Linh tổ chức triển lãm”Nguyễn Linh 6″ tại TP. HCM

Ngày 5/5/2024, triển lãm Nguyễn Linh 6 của hoạ sĩ Nguyễn Linh đã khai mạc tại An Gallery, 159 Đồng Khởi, Quận 1, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên trong sự nghiệp ông chính thức ra mắt những đứa con...

Khai mạc triển lãm “Hoạ sĩ Lê Huy Toàn – Ký ức Điện Biên” tại Hà Nội

Hòa cùng không khí cả nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024), hôm nay ngày 4-5-2024 tại Phòng tranh Aqua Art – 44 Yên Phụ, Hà Nội, Quỹ hỗ trợ Bảo tồn di sản văn...

Khai mạc trại sáng tác Gốm Sắc Hạ 2024

Sáng 03/5, tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, Bát Tràng đã diễn ra lễ khai mạc trại sáng tác gốm Sắc Hạ 2024 của các nghệ sĩ đến từ Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật – Hội Mỹ thuật Việt Nam....

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực I (Hà Nội) lần thứ 25 năm 2020

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM             Số:...

“TIẾNG GỌI” HUYỀN DIỆU CỦA TRẦN HÀ

    Năm sáng tác: Khoảng 1938-1940 Chất liệu: Sơn mài Khuôn khổ: 200×100 cm (không tính khung gốc do tác giả thiết kế kèm theo) Sưu tập tư nhân, Hà Nội Ước đoán bức tranh được sáng tác...

CẢNH SÀI SƠN CỦA CÔNG VĂN TRUNG

  Tranh “sơn” (laque) Việt Nam có nhiều thể, và tương lai chắc chắn sẽ còn biến hóa khôn cùng, biểu hiện sức sáng tạo dường như vô tận của các họa sĩ Việt Nam xưa nay. Riêng về sơn mài...

CHUYỆN VỀ ÔNG THIẾU BẢO

  Năm 1982, Bùi Xuân Phái lại vấp phải một “tai nạn” nghề nghiệp lần chót. Đó là vụ bản thảo tập thơ chép tay về Kinh Bắc của Hoàng Cầm. Khi đó, ông Thiếu Bảo (Trần Thiếu Bảo, giám...

Họa sĩ Lâm Na cùng “Đất cất lời kể”

VTV.vn – Với thứ ngôn ngữ cổ xưa của mình, “Đất cất lời kể” cho công chúng yêu nghệ thuật những câu chuyện ngàn năm. Triển lãm tranh của họa sĩ Lâm Na với chủ đề “Đã...