CẢNH SÀI SƠN CỦA CÔNG VĂN TRUNG

 

Tranh “sơn” (laque) Việt Nam có nhiều thể, và tương lai chắc chắn sẽ còn biến hóa khôn cùng, biểu hiện sức sáng tạo dường như vô tận của các họa sĩ Việt Nam xưa nay.

Riêng về sơn mài có sơn mài đồng nhất (laque unie), sơn mài sáng (laque claire), từ đó lại phân ra sơn mài chìm, sơn mài đắp nổi, sơn mài khắc, sơn mài đắp-khắc, thậm chí gần đây, “sơn mài” đã trở thành một danh từ khái niệm mang tính phiếm chỉ, bao gồm cả một số thể “sơn không mài” hay “”lacquerscope”, vân vân.

Tuy nhiên, việc đồng nhất tranh sơn mài với tranh sơn khắc, coi sơn khắc thuộc địa phận của sơn mài, như đôi khi vẫn xảy ra, nói đúng ra, luôn luôn là một sai lầm không đáng có.

Trên thực tế, nếu niên biểu lịch sử của hội họa sơn mài Việt Nam có vẻ như là rất rõ ràng, thì đối với tranh sơn khắc lại không được rõ ràng như vậy. Và hiện có thể chúng ta chưa xác định được những bức tranh sơn khắc hiện đại của Việt Nam xuất hiện đầu tiên chính xác từ bao giờ, và cũng vậy, chúng ta cũng chưa hệ thống lại được tiến trình phát triển cho đến nay của tranh sơn khắc.

Điều đầu tiên, phải thừa nhận rằng, tranh sơn khắc ít nhất đã có nguồn gốc, xuất xứ rất rõ ràng ở Trung Hoa, với vô vàn hiện vật, đặc biệt của các thời Minh, Thanh, và với tính chất trang trí cố hữu rất điển hình của tranh sơn khắc.

CÔNG VĂN TRUNG (1907-2003). Phong cảnh Sài Sơn.1992. Sơn khắc. 60 x 80 cm. Sưu tập Minh Đạo, Hà Nội

Trong lịch sử thời kỳ đầu của hội họa Việt Nam hiện đại, tuy không nhiều, nhưng người ta có nhắc tới cả tranh sơn khắc. Đặc biệt, Nguyễn Tư Nghiêm, vào năm 1944, đã có một vài tranh sơn khắc đỉnh cao “một đi không bao giờ trở lại”. Với các họa sĩ Việt Nam, tranh sơn khắc “Coromandel” đã trở thành một thứ gì đó rất “hội họa” (hay nói chính xác hơn là “nửa hội họa nửa đồ họa”), vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính tượng trưng, mà về căn bản, đã thoát khỏi ảnh hưởng của tranh sơn khắc Trung Hoa cổ cả về tư tưởng lẫn hình thức.

… Trong nghệ thuật của Công Văn Trung, một trong những người tốt nghiệp khóa đầu tiên (1925-1930) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chúng ta thường nhớ về tranh lụa và nhất là tranh sơn khắc.

Năm 1990, ở tuổi 83, tại kỳ Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm đó, Công Văn Trung đã giành được giải nhất với bức tranh sơn khắc “Cảnh Sài Sơn”. Và bức tranh giới thiệu ở đây cũng chính là một trong những tranh sơn khắc có cùng đề tài ấy của ông.

Bằng một tâm hồn hoài cổ, và bằng một sự hiểu biết thấu đáo và sâu sắc về văn hóa dân tộc và về vốn cổ dân tộc (bản thân Công Văn Trung đã từng có nhiều năm làm công tác nghiên cứu và vẽ ghi tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp), những phong cảnh nhân văn gắn liền với các công trình kiến trúc cổ – luôn luôn là những nơi chốn để Công Văn Trung tìm về. Và qua các bức tranh sơn khắc của ông, cái Tinh thần của Nơi chốn (Genius Loci) quê hương Việt Nam luôn được làm dậy lên trong những sắc thái khá riêng biệt, dường như chỉ mình ông mới có: Một thứ không gian vừa hiện thực vừa gián cách, vừa cụ thể mà cũng vừa mơ hồ, bức tranh hiện ra như một tấm màn đăng-ten, rung rinh, ẩn hiện như một giấc mơ giữa ban ngày.

Nếu như người Trung Hoa thường tỉ mỉ, thậm chí là vô cùng “rườm rà”, rườm rà một cách tinh xảo, khi thể hiện mặt trước của các tấm bình phong sơn khắc, thì ngược lại, họ thường sử dụng những nét gần như “ký hiệu” hết sức tinh lược ở mặt sau, như là những “phụ chú” cho mặt trước. Xem tranh sơn khắc của Công Văn Trung, ta như đồng thời được gặp cả hai cái đó, một lối ngôn ngữ dung hợp giữa lý trí và tình cảm, giữa nội giới và ngoại giới, giữa hoài niệm và biểu tượng – ngôn ngữ của một họa sĩ hiện đại Á Đông với một vẻ cổ kính rất riêng của Việt Nam.

Q.V

Tin cùng chuyên mục

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Nguyễn Gia Trí – Một đời phiêu lưu với hội họa

Nhiều thập kỷ phiêu lưu trong hội họa, Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) thuộc lớp người xưa mang lại nhiều thành tựu to lớn cho nền mỹ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Năm 1927, Nguyễn Gia Trí...

Họa sĩ Sophie Trịnh và hành trình sáng tạo 23 tác phẩm trong 6 năm

Họa sĩ Sophie Trịnh vừa trình làng triển lãm đầu tay mang tên “Lớp lang cảm xúc” tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nữ họa sĩ đã dành hơn 6 năm để...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Khai mạc Triển lãm mỹ thuật Khu vực I thành phố Hà Nội năm 2024

Chiều nay 09/8, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền đã diễn ra sự kiện Triển lãm Đồ hoạ, Điêu khắc, Mỹ thuật Ứng dụng – Khu vực I lần thứ 29. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động diễn ra...

ĐỨC DỤ VỚI KÝ ỨC ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

  Nguyễn Đức Dụ nhập ngũ năm 1965 trong đội hình bộ đội Trường Sơn “đi không dấu, nấu không khói”. Đầu tiên anh là lính mở đường Trường Sơn, sau đó vào miền Tây Thừa Thiên –...

“Nghê nơi cửa Khổng sân Trình” Cuộc đối thoại liên ngành Công nghệ – Di sản và Nghệ thuật

Suốt nhiều thế kỷ qua, người Việt chúng ta luôn hướng về Văn Miếu – Quốc Tử Giám để nguyện cầu những điều đẹp đẽ nhất, về tri thức, về sự nghiệp, về cơ hội được trở thành...

NGUYỄN LINH 4 – BÙNG NỔ VÀ THĂNG HOA VỚI CHÈO, VÀ…

  6h30 tối ngày 20 tháng 12 năm 2020, ngày cuối của triển lãm “Nguyễn Linh 4”, khi các nhân viên phục vụ tại nhà triển lãm Art Space, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, đang hạ tranh xuống để đóng gói, thì...

NHỮNG KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI VẼ DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ

  1. Lần đầu tiên tôi được gặp chú Ngô Mạnh Lân, nếu tôi nhớ không nhầm, thì vào ngày 17 tháng 6 năm 1994, tại lễ tưởng niệm 40 năm ngày Tô Ngọc Vân hy sinh trên đường đi lên chiến dịch...