CÂU CHUYỆN VỀ MỘT BỨC TRANH

 

Tôi muốn kể lại câu chuyện về bức tranh do hoạ sĩ Nga A. Kuznetsov vẽ mẹ tôi-Nguyễn Thị Vượng, năm 1961, khi họa sĩ sang làm chuyên gia, giảng dạy cho các giáo viên và sinh viên tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Năm đó tôi đang học ở trường tiểu học Quang Trung. Có một buổi chiều mẹ nói tôi đi cùng mẹ sang nhà một họa sĩ người Nga, ông sẽ vẽ chân dung mẹ.
Nhà tôi ở phố Trần Quốc Toản, đi qua một con ngõ nhỏ là sang phố Nguyễn Gia Thiều, nơi hoạ sỹ sống. Cũng nhiều năm qua rồi, tôi chỉ còn nhớ mình cứ chơi tha thẩn, đọc sách báo… Còn hoạ sỹ thì vẽ mẹ tôi. Trong ký ức tôi còn nhớ ông tên là Kuznetsov.

Hòa bình lập lại, mẹ tôi làm việc tại Quốc doanh Phát hành sách Hà Nội. Bà bán sách ở các cửa hàng trên phố Tràng Tiền, Ngô Quyền, Hàng Bài, sách quốc văn và ngoại văn. Ba tôi-Nhiếp ảnh gia Lê Vượng thì làm việc tại Nhà xuất bản Mỹ thuật – Âm nhạc. Năm 1962 ba tôi được phân công về làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (lớp cán bộ đầu tiên với sự dẫn dắt của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung, chuẩn bị các công việc cho việc mở cửa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).
Các chú bác văn nghệ sỹ của Hà Nội, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động văn hoá, các nghệ sỹ…thường qua lại nhà tôi chơi, là bạn bè thân thiết của ba mẹ tôi. Việc họa sĩ Nga vẽ mẹ tôi cũng như một hoạt động trong giới văn hoá khi đó. Sau đó ông về nước, cũng không thấy ba mẹ tôi nhắc, nhớ gì về câu chuyện ấy nữa!

Alexei Kuznetsov – Cô gái mặc áo dài xanh. 1962. Sơn dầu. 43x62cm

Gần đây xem trên facebook của anh Phạm Hồng Thương, một Việt kiều tại Nga, nhà sưu tập rất nhiều tranh của các danh hoạ Nga và Belarus, tôi thấy anh kể về chuyện mua được bức tranh của họa sĩ A. Kuznetsov vẽ Hồ Chủ Tịch. Tôi chợt nhớ đến tên của họa sĩ vẽ mẹ mình. Trò chuyện với họa sĩ Hải Kiên, thầy dạy vẽ của tôi, anh cho biết là họa sĩ A. Kuznetsov sang làm chuyên gia ở trường Mỹ Thuật Yết Kiêu, những năm 1960 – 1962. Trong kho tư liệu của trường còn lưu giữ nhiều tư liệu, tranh của họa sĩ.

Tôi mừng quá liền liên hệ với anh Phạm Hồng Thương. Anh Thương gửi cho tôi cuốn catalogue điện tử về những tác phẩm của họa sĩ Kuznetsov, do anh đã giúp gia đình họa sĩ làm.

 

 

Ảnh chụp họa sĩ Alexei Kuznetsov vẽ bà Vượng năm 1961

Tôi hồi hộp lật giở từng trang…đến trang 31 thì gặp hình ảnh mẹ của tôi! Bức tranh được họa sĩ đặt tên “Chân dung cô gái mặc áo dài xanh “, sơn dầu trên toan, khổ 43×62, năm sáng tác 1962.

Không thể nói hết được niềm vui vỡ oà của tôi ! Nếu như tôi không nhớ tên họa sĩ, nếu như không đọc facebook của anh Thương, không trò chuyện với họa sĩ Hải Kiên… thì sẽ không bao giờ biết đến bức tranh quý giá này!

Lúc đầu tôi chỉ nhờ anh Thương mua hộ cuốn catalogue của họa sĩ A. Kuznetsov. Anh Thương hỏi thế chị có muốn mua bức tranh không thì em giúp? Tôi đồng ý ngay và nhờ Thương liên lạc giúp.

Qua nhiều lần trao đổi với bà vợ và con gái của họa sĩ (ông đã mất năm 1993), gia đình đã đồng ý bán. Cô con gái Olga Cheskidova đã kể lại những kỷ niệm của cha cô. Họa sĩ đến hiệu sách, ông sửng sốt trước vẻ đẹp đến ngỡ ngàng của một thiếu phụ làm việc ở đó. Họa sĩ nói được tiếng Pháp nên họ chuyện trò được với nhau. Mẹ tôi nói tiếng Pháp trôi chảy, khi xưa bà là nữ sinh trường Đồng Khánh, Hà Nội. Khi đi làm bà học thêm tiếng Anh, rồi học thêm cả tiếng Nga ở các khoá học buổi tối, vì nhu cầu giao tiếp và bán các sách và ấn phẩm ngoại ngữ.

Bà Vượng (ảnh chụp năm 1952)

 

Bà Vượng và chị chồng tại Sài Gòn năm 1953

 

Hai vợ chồng bà Lê Vượng (ảnh chụp khoảng năm 1960)

 

Gia đình ông bà Vượng bên bức chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ bà năm 1961

Khi chưa được nghe câu chuyện này, tôi nghĩ có thể một bác họa sĩ nào, bạn của ba mẹ tôi, đã giới thiệu cho họa sĩ Nga để vẽ mẹ tôi. Nhưng nay thì hiểu chắc họa sĩ và mẹ tôi chuyện trò qua tiếng Pháp, ông đã mời mẹ tôi tới để làm mẫu vẽ.

Giờ là đến cuộc hành trình để mua và mang tranh về.

Tôi rất biết ơn anh Thương đã nhiệt tình nhờ bạn bè đến nhà họa sĩ A. Kuznetsov ở St. Petersburg mua tranh và gửi về Moscow. Biết ơn bạn Quỳnh Mai, trước là Tham tán Công sứ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nga, liên hệ giúp người nhận tranh. Bạn Hưng ở Đại sứ quán đã nhận giữ và đóng gói tranh cẩn thận. Cuối cùng là rất cảm ơn đại sứ Đặng Minh Khôi – đại diện sứ quán Việt Nam tại Nga, đã nhận lời mang giúp tranh từ Moscow về Hà Nội. Cũng thật may mắn là dịp đó đại sứ Minh Khôi đã đi theo chuyên cơ của đoàn Chủ Tịch Nước thăm Nga, về họp Hội nghị Ngoại giao tại Hà Nội.
Hiện nay, bức tranh đã nằm trên tường của nhà tôi! Tròn 60 năm, bức tranh đã ngả màu thời gian, nhưng vẫn đẹp nguyên vẹn. Mẹ tôi trên tranh thần thái hiền dịu, khuôn mặt nhìn nghiêng sống động. Khi đó mẹ tôi 39 tuổi, bà đẹp đằm thắm, đoan trang.

Thật như một thứ duyên kỳ ngộ! Nếu không có các thông tin, những câu chuyện, những người bạn… thì bức tranh đã chìm vào quên lãng! Những năm học Nghiên cứu sinh ở Đại học Tổng hợp Leningrad tôi cũng không mảy may nghĩ ra để đi tìm họa sĩ. Trên thực tế, có nghĩ ra cũng chẳng có tiền để mà mua tranh. Nhưng giá mà gặp được ông để trò chuyện thì cả ông và tôi đều vui biết bao!

Tôi có nhờ anh Phạm Hồng Thương xin giúp gia đình họa sĩ mấy bức ảnh chụp khi ông đang vẽ mẹ tôi. Anh Thương đã gửi cho tôi hai bức ảnh, trên mặt sau của một bức có lời đề tặng ảnh cho họa sĩ, do chính ba của tôi viết! Vậy là ảnh do ba tôi chụp khi họa sĩ đang vẽ. Tôi nhận ảnh mà lòng nghẹn ngào. Họa sĩ đang ngồi chăm chú vẽ, mẹ tôi mặc áo dài ngồi trên ghế, dáng nhẹ nhàng, thanh thản. Bức ảnh ghi lại không gian của Hà Nội xưa, những năm 60 của thế kỷ 20, hiên nhà của ngôi biệt thự cổ, chiếc ghế salon gỗ, chiếc rèm tre ngoài hiên… Ngắm ảnh mà nhớ thương những ngày xưa cũ, nhớ thương ba mẹ khôn nguôi!

Họa sĩ Nguyễn Sáng bên bức chân dung vẽ bà Vượng

 

 

Ảnh bà Vượng đang làm việc tại hiệu sách  

Tôi chia sẻ lòng biết ơn và niềm vui với anh Thương, anh nói: ”Em rất vui vì đã giúp được chị! Quý vật đã được về với quý nhân! Em giúp chị cũng là giúp gia đình họa sĩ nữa! “.

Chỉ một nỗi buồn là ba mẹ tôi đã không được ngắm bức tranh này! Mẹ tôi mất đã lâu. Ba tôi đã mất vài tháng, trước khi bức tranh về đến nhà!
Cũng lạ là không thấy ba mẹ tôi nhắc đến câu chuyện vẽ tranh này lần nào cả! Ngày xưa các cụ đơn giản vậy, vẽ tranh, làm mẫu, tặng tranh, mang đi… cứ nhẹ nhàng vậy thôi !
Nay thì cả họa sĩ và ba mẹ tôi đều đã thành người thiên cổ. Mong là ở nơi đó họ sẽ gặp nhau, chuyện trò, đàm đạo về nghệ thuật, về hội hoạ…
Để tìm hiểu về họa sĩ A. Kuznetsov, tôi vào Google tìm thông tin về ông:
Vào những năm 1960-1962 Bộ Văn hoá Liên Xô có cử một họa sĩ Nga sang Việt Nam để “giúp nâng cấp Trường Mỹ thuật Yết Kiêu thành Đại học Mỹ thuật Quốc gia trên nền tảng hội hoạ hiện thực“. Họa sĩ đó là Alekxei Petrovich Kuznetsov (1916- 1993).
Cố họa sĩ Công Huân Nga Alekxei Kuznetsov (1916-1993) nguyên hiệu trưởng trường Mỹ thuật Quốc gia St. Petersburg, là người đã tham gia giảng dạy khoá 1 và khoá 2 tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, giai đoạn 1960 – 1962. Nhiều họa sĩ Việt Nam từng là học trò của thầy A. Kuznetsov, đã thành danh và được trao tặng nhiều giải thưởng của Nhà nước.
Với phương pháp sư phạm khoa học, bài bản họa sĩ Công Huân Nga A. Kuznetsov đã giúp cho sinh viên tiếp thu nhanh các nguyên tác cơ bản về cấu trúc tác phẩm, bố cục và kỹ thuật vẽ sơn dầu.

Ông đã vinh dự được trao danh hiệu “Giáo sư trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội“.

Họa sĩ A. Kuznetsov đã vinh dự được mời vào Phủ Chủ tịch, cùng với một số họa sĩ khác, để vẽ trực hoạ chân dung và nặn tượng Bác Hồ, trong khi Bác làm việc ngoài vườn. Họa sĩ đã được Bác Hồ tặng cho bộ bàn ghế tre Bác vẫn ngồi làm việc trong Phủ Chủ tịch.

Họa sĩ Kuznetsov đã trực hoạ hai bức chân dung Hồ Chủ Tịch. Sau này cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sang St. Peterburg xin mua được một bức chân dung Bác cho Bảo tàng. Bức thứ hai là anh Phạm Hồng Thương đã mua được, gia đình họa sĩ cũng đã tặng lại cho anh bộ bàn ghế tre kỷ vật năm đó.
Hà Nội, những ngày Đông lạnh cuối năm Tân Sửu.

LTS: Bà Nguyễn Thị Vượng sinh ngày 20/3/1923 tại Hà Nội, trong một gia đình viên chức.
Quê quán: Làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
Khi nhỏ bà được cha mẹ cho đi học tại trường Nữ sinh Đồng Khánh, Hà Nội.
Tốt nghiệp trường Đồng Khánh, bà làm cô giáo dạy tại trường Hoài Đức, phố Hàng Trống , Hà Nội. (học sinh của bà tại trường này sau này có giáo sư văn học Đặng Thanh Lê, giáo sư toán học Hoàng Xuân Sính).
Trong kháng chiến chống Pháp, bà cùng gia đình chồng tản cư về Phú Thọ, Thanh Hoá, tiếp tục dạy học tại những nơi này.
Hoà bình lập lại, bà về công tác tại Quốc doanh Phát Hành Sách Hà Nội, bán sách và các ấn phẩm văn hoá tại các hiệu sách Ngoại Văn, Quốc Văn trên phố Ngô Quyền, Tràng Tiền.
Bà biết ba ngoại ngữ: tiếng Pháp (trôi chảy), tiếng Anh và tiếng Nga (giao tiếp được)
Chồng là Nhiếp ảnh gia Lê Vượng, cán bộ Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bà có năm con (ba trai, hai gái) đều là những người thành đạt, có vị trí trong xã hội.
Bà mất năm 1977 do bệnh hiểm nghèo.

Lê Thiếu Ngân 

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

Du khách quốc tế thích thú với work shop tranh in lưới và in khắc cao su tại Văn Miếu – Quốc tử giám 

Work Shop tranh in lưới và in khắc cao su chào xuân Giáp Thìn 2024 đã thu hút được sự tham gia của du khách khi đến tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong đó có nhiều du khách quốc tế.   Tham gia...

TẠO HÌNH CON TRÂU TRONG CÁC NỀN VĂN HÓA

  Trâu là động vật sinh sống phổ biến ở châu Phi, châu Á, nhưng hiếm gặp ở châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ. Chính vì vậy, hình tượng trâu trong mỹ thuật và văn hóa chủ yếu xuất hiện ở Ai...

MA-ĐAM ĐÔN THƯ

  Tôi không được biết bà Đôn Thư và ông Trần Thịnh chồng bà từ Pháp trở về nước chính xác vào khi nào và thời gian đầu sau đó ông bà làm công việc gì, chỉ nghe người ta nói ông Trần...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 26 năm 2021

   ...

HỌA SĨ NGUYỄN HÀ

  Ở Hải Phòng, có hai hoạ sĩ tâm huyết với nghề, có thể nói là “tử vì đạo” thuộc thế hệ trước mà tôi may mắn được tiếp xúc ngay khi chập chững vào nghề.  Đó là hoạ sĩ...