Tôi không được biết bà Đôn Thư và ông Trần Thịnh chồng bà từ Pháp trở về nước chính xác vào khi nào và thời gian đầu sau đó ông bà làm công việc gì, chỉ nghe người ta nói ông Trần Thịnh có tham gia viết cho tờ “Nhân văn”, mà tờ báo này chỉ hoạt động nội trong năm 1956.
… Bà Đôn Thư làm việc cùng cơ quan với mẹ tôi, rất lâu đấy, cỡ phải vài chục năm, tại phòng nghiệp vụ của Quốc doanh Phát hành Sách Hà Nội, có trụ sở đóng tại số nhà 17 phố Ngô Quyền, gắn liền với Hiệu sách Hà Nội-Huế-Sài Gòn, hiệu sách lớn nhất ở miền Bắc kể từ sau hòa bình cho mãi đến giữa những năm 1990. Ngày mới tiếp quản, cơ sở phát hành sách đầu tiên đặt trên tầng hai Bách hóa Godard (nay là Tràng Tiền Plaza), ở vị trí mà sau cải tạo công thương nghiệp sẽ là gian hàng mỹ nghệ do ông Đức Minh, một nhà tư sản cũ, phụ trách.
Ngày ấy, phụ nữ hoạt động trong ngành phát hành sách có một số người “văn hóa” rất khá, thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, sau mới có người thạo tiếng Nga, tiếng Trung. Họ lại thường phải có “hình thức”, chẳng hạn như bà Lê Vượng, một cựu hoa khôi, từng làm cho Air France. Khi Air France rút vào Sài Gòn họ cứ năn nỉ mời bà Vượng cùng đi, mang theo cả gia đình, nhưng bà đã từ chối…
Hồi tôi mới học lên cấp ba ở ngôi trường ngày xưa mang tên “Albert Sarraut”, chỉ cách cơ quan mẹ tôi hơn trăm thước, mỗi khi được nghỉ tiết, tôi lại rủ mấy cậu bạn cùng lớp lượn ra hiệu sách, lân la vừa nghe nhạc vừa ngắm những bộ tem chơi tại quầy văn hóa phẩm nơi bà Lê Vượng bán hàng. Ở đấy có một cái máy quay đĩa hiệu Rigonda do Liên Xô sản xuất, không mấy khi mở, mà chỉ vì chiều chúng tôi nên bà Lê Vượng luôn luôn sẵn sàng cho nó “rống” lên, hay nói cách khác, bà hay hỏi chúng tôi trước: “Thích nghe nhạc không?”
Bà Lê Vượng hiền lắm, rất quý nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật, em trai bà là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng một thời Nguyễn Tuấn, chồng của ca sĩ Mỹ Bình. Phải chăng nhờ có ông Lê Vượng bảo đảm tốt cuộc sống gia đình, lại rất yêu bà, trông bà Vượng lúc nào cũng tươi, ung dung, đủng đỉnh.
Ông Lê Vượng, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, thì khỏi cần phải giới thiệu nhiều. Về chơi phong lan hay nuôi chim cảnh ông là bậc cự phách có “số má” ở Hà Nội. Ông từng công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có mối quan hệ rộng rãi và thân thiết với giới họa sĩ, nhất là với Nguyễn Sáng. Nguyễn Sáng xem ông Lê Vượng như một người anh, gọi ông bà Lê Vượng là “anh, chị” và xưng “em”, theo nghĩa người trong nhà. Nhiều hôm, chắc uống rượu xong chẳng có gì để ăn, Nguyễn Sáng lại lạch cạch tạt vào nhà ông Lê Vượng, la lớn với bà Vượng: “Chị ơi! Chị nấu cơm cho em ăn đi. Nhanh! Nhanh! Nhanh lên chị ơi!”
Nguyễn Sáng có vẽ tặng bà Lê Vượng ba bức chân dung, nay chỉ còn hai. Hình như có một bức đã hoàn thành nhưng Nguyễn Sáng không ưng và đã bị Nguyễn Sáng xóa đi (?)
Một trong những người mẫu chính của Nguyễn Sáng trong quá trình xây dựng các tác phẩm như “Giờ học tập” hay “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” là anh Lê Nam, con trai cả của ông bà Lê Vượng.
Bà Lê Vượng sinh năm 1923. Bà đã ra đi sớm ở tuổi 54. Ông Lê Vượng thì mới mất năm nay, 2021, thọ tới 103 tuổi. Nhân đây, xin phép được cầu mong hai ông bà “gặp nhau” vui vẻ. “Death as a part of life” / Cái chết tựa như một phần của cuộc sống…
Ông Lê Vượng rất quý tôi, không chỉ vì tôi là bạn cũ của anh Lê Ánh, bạn Lê Ảnh con ông, mà còn vì giữa ông, anh Lê Cường con trai thứ của ông và tôi ngoài tình cảm còn có nhiều công việc liên quan đến nhiếp ảnh.
Từ trước tới nay, bao giờ tôi cũng thấy ông Lê Vượng hết sức “dễ thương”. Về già, ông phải đeo máy trợ thính, nhưng không hiểu sao có lúc ông không dùng đến nó mà ông dường như chẳng nghe sót câu nào!?
Cuối năm 2017, tôi có dịp đến thăm ông, dù đã rất yếu, ông vẫn có thể ngồi trên giường để nói chuyện. Cứ chốc chốc ông lại khe khẽ nhắc tôi: “Việt thông cảm nhé, không có nước mời Việt”. Hi hi.
Trước khi tiếp tục kể về bà Đôn Thư, tôi muốn kể chút ít về ông bà Lê Vượng như vậy để bạn đọc có thể hình dung ít nhiều về những người cùng thời có cuộc sống rất gần với bà Đôn Thư (bà Lê Vượng và bà Đôn Thư thì cùng công tác với nhau, ông bà Lê Vượng và ông bà Trần Thịnh, Đôn Thư thì cùng có những người bạn chung với nhau, và cả hai ông cùng đều là nghệ sĩ, những điều mà bạn đọc sẽ rõ thêm ở phần dưới đây) chứ không phải vì tôi vô tình đi lạc đề. Về ông Lê Vượng tôi đang tìm tư liệu để viết một bài riêng đầy đủ và hoàn chỉnh hơn.
***
Bà Đôn Thư, mà lẽ ra trong bài viết này tôi rất muốn luôn luôn gọi là Ma-đam Đôn Thư, tên đầy đủ là Thẩm Đôn Thư, sinh năm 1932, tuổi Nhâm Thân. Cha bà, cụ Thẩm Hoàng Tín, đã có vài năm làm Thị trưởng Hà Nội trong thời kỳ tạm chiếm.
Theo như anh Ngô Kim Khôi nói với tôi, bố anh, ông Ngô Quang Tây, ngày xưa đã từng đứng trước một sự lựa chọn khá khó khăn: hoặc cưới cô tiểu thư Nguyễn Thị Ngọc Trâm, con gái thứ ba của họa sĩ Nam Sơn, mẹ anh Khôi; hoặc cưới cô tiểu thư Đôn Thư, con gái cụ Thẩm Hoàng Tín.
Tôi cũng được nghe nói, kể từ đầu những năm 1990, khi bà Đôn Thư sang sống hẳn ở Pháp, bà có được hưởng một khoản tiền trợ cấp của chính phủ Pháp dành cho những người đã từng làm việc với người Pháp hoặc cho người thân trong gia đình của họ. Trở lại Pháp ở độ tuổi trên dưới 60, cuộc sống của bà Đôn Thư có lẽ cũng không dễ dàng, dư dả gì, và hình như bà còn phải nhận thêm một công việc gì đó. Bà Đôn Thư sang Pháp sau khi ông Trần Thịnh đã mất. Giá ông còn sống có cả ông ấy cùng đi hẳn bà vui lắm. May mà có hai cậu con trai cũng sang sống ở châu Âu bà cũng đỡ buồn.
Ồ, ông Trần Thịnh, còn gọi là Thịnh “râu”, vì ông để ria đen lánh, lại rất rậm, lông mày ông cũng rậm. Tôi nhớ Nguyễn Sáng có vẽ một bức chân dung ông Trần Thịnh, khuôn mặt trong tranh dễ phải lớn hơn gấp đôi kích thước thực, nhưng nhờ lối vẽ “táo tợn”, “ngổ ngáo” của Nguyễn Sáng, trông lại rất ổn. Không biết giờ bức tranh ấy ở đâu? Bức Bùi Xuân Phái vẽ ông Trần Thịnh lại có một vẻ khác hẳn, mô-đéc một cách “chừng mực”, làm gợi nhớ tới tranh Modigliani nhưng xem còn có phần thú hơn tranh Modigliani.
Ông Trần Thịnh là đạo diễn phim tài liệu. Thời trẻ ông còn mơ mộng mở rạp xi-nê ở Hà Nội, thậm chí để chiếu cả những phim do ông và bạn bè của ông làm ra. Ông và bà Đôn Thư rất thân với Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, hẳn thế rồi; ông bà còn thân với Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Lưu Công Nhân cùng một vài họa sĩ khác nữa. Họ tâm đồng ý hợp chung quanh hai tiếng “tự do”, ít bị ràng buộc bởi hai chữ “công tác”, ứng xử trước thời cuộc bằng tính nhạy cảm rất riêng, rất xa với tính “phong trào” khi ấy.
Có dạo ông Trần Thịnh say mê làm gốm, rủ cả ông Nguyễn Tiến Chung cùng làm. Trong một ký họa, Bùi Xuân Phái đã vẽ ông Trần Thịnh và ông Nguyễn Tiến Chung đang đứng trong một xưởng gốm đầy chật những chum vại đựng men, ở dưới ghi dòng chữ bằng tiếng Pháp: “Trần Thịnh nhà làm gốm tương lai”.
Về cái chết của ông Trần Thịnh, Lưu Công Nhân đã ghi lại bằng một đoạn văn kiệt tác trong một bút ký mang tính hồi tưởng nhan đề “Thời các anh đã sống”.
Câu chuyện kể rằng: Trước khi ông Trần Thịnh ra đi, trên đoạn đường ông nằm trên xe cáng để người ta chuyển ông từ khu nhà này sang khu nhà kia qua sân bệnh viện, ông đã thốt lên: “Ôi! Trời xanh quá! Gió mát quá!”- mà trong một bài viết về Lưu Công Nhân, tôi đã nhắc lại câu chuyện này và đặt tên cho đoạn đường cuối cùng ấy của ông Trần Thịnh, theo cách gọi của Stephen King, là “Green Mile” / “Dặm Xanh” đi đến cõi chết.
Xưa, ông Trần Thịnh và bà Đôn Thư sống ở một ngôi nhà phía ngoài đê, trên đoạn đi vượt qua phố Yên Phụ một chút. Rất dễ tìm vì cứ tới cái lô-cốt, lô-cốt Yên Phụ, thì rẽ phải xuống. Đi tiếp một quãng nữa thì có con dốc bên trái rẽ vào làng Tây Hồ, nếu muốn thăm ông Nguyễn Tiến Chung.
Ông Trần Thịnh và bà Đôn Thư có ba người con, chị Thoa, rồi cậu Tuấn, út là cậu Tú- đều là những người bạn cũ của tôi, thời chiến tranh phá hoại chúng tôi đi sơ tán cùng nhau, với cả anh Lê Ánh, bạn Lê Ảnh con ông bà Lê Vượng. Từ trung tâm Hà Nội để đến được nơi chúng tôi sơ tán ở làng Yên Nội, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm thì phải đi qua điểm rẽ vào nhà bà Đôn Thư. Nay cái lô-cốt kể trên không còn nữa, vị trí cũ của nó những ai sống ở Hà Nội lâu vẫn có thể xác định được.
Thực ra, tôi chưa được đến nhà bà Đôn Thư lần nào, chỉ nghe đại khái mẹ tôi tả địa chỉ của bà ở đấy, nhà có vườn cây, “sống rất nghệ sĩ, bừa bộn, ngủ dậy xong có khi còn không dỡ màn”, vân vân và vân vân.
Thời gian công tác ở cơ quan với mẹ tôi, bà Đôn Thư được người ta nhìn như “bà đầm”, vì phong cách của bà đặc Tây, nói chuyện toàn những “nôông”, “úy”, “bôông-dua”, “ô rơ-voa”, “méc-xi bố-cu”, ai thông cảm được với bà thì rất quý bà, ai khó thông cảm được, đặc biệt những người thuộc thành phần “cơ bản”, thì khó cảm thấy thoải mái.
Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái đều có vẽ chân dung bà Đôn Thư, nhưng bức chân dung do Nguyễn Sáng vẽ tôi thấy đúng với bà hơn, nhìn là có thể nhận ra ngay con người của bà, rất khác so với những người phụ nữ Hà Nội cùng thời khác.
* * *
Khoảng từ 1984 đến 1988, bà Đôn Thư chuyển sang làm cho Gallery 7 Hàng Khay, mặt trước gallery nhìn thẳng ra hồ Hoàn Kiếm. Gallery do họa sĩ Việt Hải phụ trách (ông Việt Hải cũng vừa mất cách đây mấy tháng), trực thuộc Xưởng Mỹ thuật Quốc gia. Ở gallery còn có một chị tên là Lê. Trên thực tế, đây là một trong mấy gallery xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội trong quãng chuyển gấp gáp từ “bao cấp” sang “kinh tế thị trường”.
Có thể vì bà Đôn Thư thông thạo ngoại ngữ, lịch thiệp, giao tiếp ứng xử chẳng khác gì Tây, lại thân hiểu nghệ sĩ, yêu hiểu nghệ thuật và vốn làm công tác “phát hành”, nên khi cần bà cũng tự nhiên trở thành một người bán tranh sành giỏi. Khách của bà tất nhiên chủ yếu là Tây, Tây tư bản, Tây xã hội chủ nghĩa, đôi khi có cả người Việt, “Việt ngoại”, “Việt nội”, khách cỡ bự cũng có, khách trung trung cũng có, khách bình dân chỉ chơi tranh khắc cũng có…
Sau Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1985 ít lâu, ông Nguyễn Viết Châu, chuyên gia về nghệ thuật chữ, còn gọi là Châu “phở”, nhà ở ngay trên tầng hai Gallery 7 Hàng Khay, bảo tôi: “Tranh Bửu Chỉ treo ở Triển lãm Toàn quốc đếch được cái giải gì, thế mà ở dưới nhà bà Đôn Thư bán được đến ba, bốn vạn đồng”.
Ồ, vào thời điểm đó, đấy quả là một món tiền cực lớn, mà có lẽ chẳng ai biết được do bản thân bức tranh hay do người bán tranh? Tôi có biết bức tranh ấy của anh Bửu Chỉ, nếu đặt vào tương quan chung khi đó, tôi có thể dám quả quyết rằng người bán, tức bà Đôn Thư, đóng một vai trò quan trọng, nếu không nói là quyết định trong “thương vụ” đó (ở đây xin lưu ý bạn đọc: tờ bạc có mệnh giá cao nhất ở vào thời điểm đó là tờ 50 đồng).
Một hôm tình cờ bà Đôn Thư gặp tôi, bà bảo “vẽ đi rồi cô bán cho”… Trước đó tôi cũng đã gửi tranh bán ở Gallery 61 Tràng Tiền của Công ty Mỹ thuật Hà Nội, mà về căn bản họ vẫn hoạt động theo cơ chế quản lý tập trung, còn nhiều rườm rà, cách rách.
Thế là kể từ khi nhờ có bà Đôn Thư, tôi bắt đầu bán được khá hơn, tranh bột màu thôi, cùng kích thước nhỏ như tranh Bùi Xuân Phái, nhưng “được giá” ngang với tranh sơn dầu của bác Phái, đâu như cứ chẵn 1000 đồng một bức. Hồi ấy tôi chưa tới 30, rất e ngại chuyện giao tiếp liên quan đến tiền nong, việc gặp bà Đôn Thư tôi để vợ tôi lo hết. Ngày tôi vẽ quảng cáo ở cơ quan, cũng sống được; tối về khỏe thì tôi tranh thủ vẽ tranh phố cổ, chợ phố cổ, trung bình mỗi tối một bức, tối nào mệt hoặc mất điện thì chẳng ra được bức nào. Chẳng biết cái gì xui khiến, tự nhiên tôi nghĩ ra một mẹo trình bày tranh rất bắt mắt. Tôi cứ lấy một cái khung kính khổ dài, lồng vào trong từng cặp hai tranh một, bức màu nóng bức màu lạnh, bức ở trên bức ở dưới cứ tung hứng nhau, rồi bao giờ chúng cũng rủ nhau “đi” luôn cả đôi, không ế bức nào, bất giác cũng tự thấy mình “tài kinh doanh” thực. Mà tốc độ bán được cũng nhanh, cứ gửi hôm trước, mấy hôm sau bà Đôn Thư đã gọi điện đến chỗ tôi làm việc, nhắn “bảo vợ sang cô đi”. Bây giờ nhớ lại những lần như vậy, dù đã ba mươi mấy năm, tôi vẫn còn như nghe rõ giọng nói sôi nổi, hơi têu tếu, tếu kiểu Tây của bà Đôn Thư.
… Áp tết, Bính Dần 1986 hay Đinh Mão 1987 gì đó, bà Đôn Thư sang tận cơ quan tôi, hẹn tôi đến dự buổi liên hoan tất niên do Gallery 7 Hàng Khay tổ chức tại Sophia Restaurant trên phố Huế, để gặp mặt và cảm ơn các họa sĩ đã có tranh bán tại gallery. Hôm ấy cũng là lần cuối cùng tôi được gặp Bùi Xuân Phái. Bác ngồi ngay gần bàn tôi, say sưa, ngây ngất, phấn khích, chắc vì trong năm có “thu hoạch”! Bác Phái khi ấy chủ yếu cứ vẽ tranh sơn dầu cùng khổ, cỡ bằng quyển sách thường, trên các-tông dày, lồng trong những chiếc khung lòng máng xinh xinh giống hệt nhau, bọc trong giấy gói hàng màu nâu nâu, rồi xâu chừng năm, bảy bức tranh trong “bộ cánh” như thế thành một mớ như mớ thuốc bắc, nào “phố”, nào “biển”, nào “chèo”…, và cứ toòng teng như thế bác treo chúng trên ghi-đông chiếc xe đạp Phượng Hoàng mang đến chỗ bà Đôn Thư hoặc một nơi nào đó khác; không giống Nguyễn Tư Nghiêm, gửi tranh bột màu theo cuộn, hoặc đôi khi là dăm bức sơn mài vẽ trên thớt gỗ, nào “múa cổ”, nào “con giống”, nào “mặt người nữ”…, ai cần thì đến nhà ông mà lấy chứ ông không bao giờ tự đi giao, và không phải ai đến ông cũng giao.
* * *
Mấy năm tiếp theo tôi lãng dần việc vẽ tranh, làm những công việc khác, rồi tậm tọe ti toe làm báo.
Đầu năm 1992 tôi viết một bài phóng sự dài nhan đề “A! Gallery”, nhưng mãi đến đầu 1994 bài báo mới được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật. Trong bài báo ấy ngoài việc phản ánh, phê phán thực trạng của thị trường tranh Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, tôi có “ca ngợi” nghệ thuật bán tranh của hai người là bà Đôn Thư và ông Châu “béo” (chủ cửa hàng tranh ở ngõ 14 phố Hai Bà Trưng). Bài báo đã được đông đảo bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh. Ông Trần Lưu Hậu khen: “Viết rất đúng và rất trúng”. Sướng thế cơ chứ!
Trước khi Bùi Xuân Phái mất (giữa năm 1988), tôi mang máng nhớ hình như bà Đôn Thư đã thôi làm ở Gallery 7 Hàng Khay. Bà chuyển sang mở phòng trưng bày và bán tranh trên tầng hai trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội ở 97 phố Hàng Buồm. Tôi có đến xem một triển lãm nhỏ có tính chất gia đình do bà Đôn Thư tổ chức riêng cho bác Phái. Rồi kể từ đấy, tôi không bao giờ được gặp trực tiếp bà Đôn Thư nữa. Tôi chỉ được biết chút ít thông tin về bà thông qua mấy người con thi thoảng có về nước, và gần đây có đôi lần bà hỏi thăm tôi qua FB của Tạp chí Mỹ thuật.
Tôi nhớ bà Đôn Thư lắm, từ năm 1993 đến nay, những cuốn sách nào do tôi làm mà có in bức chân dung Nguyễn Sáng vẽ bà Đôn Thư hoặc bức chân dung Bùi Xuân Phái vẽ ông Trần Thịnh, mỗi khi có dịp tôi đều gửi sang Pháp để biếu bà.
Bà Đôn Thư vừa mất ở Berlin (Đức), chỉ một tuần trước ngày bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, mẹ anh Ngô Kim Khôi, mất tại Mỹ Tho. Bà Trâm cũng đã từng sống nhiều năm ở Pháp. Ở Pháp, hai bà có gặp lại nhau. Hai ma-đam cùng sinh năm 1932, cùng thọ 90 tuổi.
Sau này, có ai nghiên cứu về thị trường tranh Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, tôi xin gửi một lời nhắn: Hãy nhớ tới một người tên là Thẩm Đôn Thư, Ma-đam Đôn Thư nhé! Cảm ơn Hoàng Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, đã “ra đề” và động viên tôi viết bài báo này.
Ecopark, ngày 1 tháng 12 năm 2021
Quang Việt
(Trên đây là một câu chuyện trải dài suốt gần 70 năm, hơn cả tuổi của người viết, nội dung chủ yếu cũng thuộc về thời gian từ cuối những năm 1980 trở về trước, và hoàn toàn được viết theo trí nhớ. Có chi tiết nào chưa thực sự chính xác, rất mong được bạn đọc cảm thông và chia sẻ thông tin).