Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Lê Quốc Lộc (20/10/1918 – 20/10/2018)
Sinh thời, Cha tôi là một người giản dị lão thực! Ông không uống rượu và hút thuốc, ăn uống cần kiệm, sinh hoạt đơn sơ… Mẹ tôi cho gì ăn nấy không đòi hỏi, không có nhu cầu tiêu pha lớn… bán được tranh chỉ có thú đi mua cổ vật, thú này “di truyền” tới đời chúng tôi… nhưng cũng chỉ là để thoả mãn cái khoái cảm khi cầm trong tay một đồ gốm cũ… một pho tượng đã tróc sơn vương vất hồn xưa. Chủ yếu để lấy cảm hứng vẽ tranh! Ông là một người rất ít nói, nhưng giàu tình cảm. Trong nhà, ông là thủ lĩnh tối cao, chúng tôi nghe lời ông và làm theo như điều đương nhiên… Thảng hoặc có muốn phản đối điều gì thì “thông qua bà”… Riêng tôi, sự trao đổi lại còn chắt chiu nữa! Dường như rất ít khi hai cha con “trò chuyện” với nhau! Việc ai cứ thế mà làm! Học thì liệu mà học giỏi, sức khỏe lo mà tập tành đừng để ốm, đá bóng thì tốt nhưng đừng để gẫy chân, quần áo may cho rộng rãi muốn điệu thì tự lấy kim chỉ khâu chật vào cho nó mốt nhưng đừng để “Cờ Đỏ” bắt vì mặc ống tuýp…! Duy có một thói quen nếu tôi là Tổng thống tôi phải phong cho Ông là “Anh hùng lao động”. Bởi ông: “vẽ ngày vẽ đêm…”. Thói quen này “cũng di truyền” tới anh em chúng tôi, lao động dường như là cái nếp hàng ngày… nó phải thế! Muốn có cái ăn thì phải nai lưng ra mà làm. Thế thôi! Mỗi khi xong một bài hình hoạ, một bài bố cục ở trường, một tập ký họa chiến tranh sau những đợt đi chiến trường vẽ trực tiếp từ khói lửa chiến tranh tôi thường “nộp” để ông nhận xét… những chỉ thị từ ông về ưu khuyết điểm lần sau cứ thế sửa! Và không có bàn cãi gì cả…! Ông tôn trọng tôi và tôi tôn trọng ông!
Thế nhưng có một kỷ niệm lần đầu chống lệnh ông tôi kể ra ở đây không buồn không vui nhưng chắc chắn là toát lên tinh thần dân chủ rộng lượng của ông! Vào quãng năm 1982, sau chiến tranh đã bảy năm, tôi đã có gia đình, nhu cầu sáng tạo nghệ thuật đang sung, mặc dù chưa “mở cửa” nhưng những thông tin về đổi mới trên thế giới vần ùa về Việt Nam như những luồng gió mới, lối vẽ theo lối ghi chép trực hoạ không thoả mãn tôi, tranh tôi đã để ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bốn bức trong đó có “Sớm mùa đông” là bức sơn mài tôi thích nhất. Tôi thích tìm tòi, hư cấu, bóp méo đi chút… tôi đang vật vã với bức “Hai Bà Trưng” (sau này được Huy chương Bạc triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1990)… ngay ký họa khi ấy của tôi cũng không vẽ theo lối ghi chép thật nữa… Hàng ngày khi đến Xưởng mỹ thuật Quốc gia làm việc, tôi đem con gửi bà nội ở 20 Tô Hiến Thành. Rồi đạp chiếc xe đạp “cởi truồng” đến cơ quan.
Một hôm, tôi chuẩn bị xách xe ra đường… Ông bảo tôi: “Lên xem cho ba bức này… mới lắm”. Tôi lên căn gác nhỏ đầy cổ vật và những cây xương rồng… Lòng rất vui vì được ông chia sẻ phác thảo, lúc này ông đã về hưu được bốn năm và chuyên chú vẽ! Đó là bức phác thảo cỡ 40x40cm trên giấy roky, một phác thảo cho sơn mài, ở đó có nhà tranh, có tre, có nồi niêu vỡ và những bóng người quây quanh lá cờ! Tôi biết đây là vẽ cho cuộc vận động và có đầu tư! Nhưng tôi không thích lối vẽ cổ truyền ấy! Rất đẹp nhưng ông đã dùng nó trong bức “Qua bản cũ” rồi… Tôi đột ngột nói: “Con không thích kiểu vẽ này, nó cũ rồi…!”. Thật bất ngờ! Ông quay ngay đi…! Không nói gì và đi xuống nhà! Tôi hoảng hồn! Nhưng việc xảy ra rồi… hối cũng không kịp nữa. Đành dắt xe ra về… vài ba hôm sau cũng chẳng dám đến gửi con nữa!
Mấy hôm sau, mẹ tôi nhắn người đến nhà gọi tôi! Bà bảo: “Không biết có chuyện gì mà bố mày không ăn không ngủ, sùng sục vẽ suốt đêm… suy nghĩ lung lắm! Rồi bảo mẹ gọi mày đến. Đang ngồi đợi trên gác đấy”. Tôi lên căn gác nhỏ, ông lặng lẽ đẩy một phác thảo tranh đến trước mặt tôi… Tôi giật mình! Trước mắt tôi là một bức phác thảo đẹp vô cùng, những mái nhà tranh lô xô, những miếng hình chữ nhật, hình thang, hình tam giác ghép vào. Bầu trời chạng vạng đen ghi bằng những lá bạc dán, giữa tranh rực lên một mảng vàng trong đó có đám người và lá cờ Tổ quốc. Tôi biết ông theo chủ nghĩa dân tộc và một lòng yêu nước… nhưng lắp ghép hiện đại chạy một cách logic tạo nên bố cục tranh! Tôi chỉ biết thốt lên theo bản năng một câu: “Đẹp quá! Ba ạ…!”. Tôi thấy ông quay đi, hai vai rung lên… Ông khóc không thành tiếng! Phải chăng ông khóc vì con mình đã trưởng thành hay vì thái độ trung thực của tôi. Sau đó hai tháng bức sơn mài “Từ trong bóng tối” ra đời, chính tay tôi góp phần công đoạn cuối là toát và đánh bóng giúp ông, ngay lạp tức Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua nó, nhưng quan trọng hơn là nó được anh em đồng nghiệp đánh giá cao và trân trọng! Phần thưởng cao quý nhất của một người hoạ sỹ.
Chuyện xảy ra 36 năm rồi! Cha tôi ra đi cũng đã 31 năm rồi… Bức tranh cũng góp phần lớn vào Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học Nghệ thuật của cha tôi! Nhưng kỷ niệm về tình cha con trong sáng tạo nghệ thuật thì tôi không bao giờ quên.
Lê Trí Dũng