BỨC TRANH LỤA LINH ỨNG CỦA TRẦN DUY

 

Với tôi, ông Trần Duy quả thực là một tấm gương sáng về lao động. Ông hay bảo tôi: “Tớ vẽ không phải để thi đua với ai, mà vẽ để người xem tôn trọng lao động của một con người.”

Ông Trần Duy cũng hay bảo: “Chữ Lao động hay lắm ông ơi!” Tôi cũng hay hỏi lại ông: “Hay ở chỗ nào hả cụ?” Và ông đã trả lời: “Đã Lao rồi thì còn gì hơn nữa hả ông?”

Năm đã ngoài 90 tuổi, ông Trần Duy vẫn vẽ hàng ngày. Tay ông vẫn vững, mắt ông vẫn tinh, ông xén tranh vẫn không trật một ly nào.

Ông Trần Duy hay vẽ đồng ruộng và những ngôi nhà cổ. Nhiều hôm buồn, nhớ ông, tôi lại gọi cho ông, hỏi: “Hôm nay cụ ‘cấy lúa’ hay ‘lợp mái’?” Bao giờ ông cũng trả lời: “Thì tớ có còn nghề gì nữa đâu”.

* * *

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và họa sĩ Trần Duy tại triển lãm cá nhân “Tranh lụa Trần Duy” lần đầu tiên. Hà Nội, 1991

Có một câu chuyện phải nói là “huyền ảo” liên quan đến một bức tranh lụa của Trần Duy.

Số là, ông Trần Duy có vẽ một cánh đồng ở dưới chân mấy rặng núi, xa xa có mấy người nông dân đang làm việc (hình như đó là một cánh đồng ở Ninh Bình hay Hòa Bình). Tôi không được biết bức tranh ấy, mà chỉ biết qua lời kể của ông Trần Duy. Câu chuyện là như thế này:

Quãng 1993-1994, có một người Pháp, khá nhiều tuổi, có đến thăm ông Trần Duy và cũng muốn mua tranh của ông. (Ông Trần Duy rất giỏi tiếng Pháp, lại khéo giao thiệp, nên ông có rất nhiều người bạn Pháp).

Có điều lạ, là không hiểu sao, khi xem tranh ông Trần Duy, rất nhiều bức, nhưng ông người Pháp ấy lại chỉ thích mỗi bức tranh vẽ cánh đồng ấy, cho dù “nó đâu có đẹp” (theo ông Trần Duy).

TRẦN DUY (1920-2014) – Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. 1996. Lụa. Hình ảnh minh họa cho phong cách vẽ phong cảnh của Trần Duy, không phải là bức tranh được nhắc trong bài viết

Ông Trần Duy bèn nói với vị khách:

– Tôi là người vẽ, tôi khuyên ông nên chọn bức khác.

Ông người Pháp ngạc nhiên, hỏi:

– Tôi chỉ thích bức này thôi, tại sao ông lại khuyên tôi như vậy?

– Cái đó là tùy ông. Nếu ông chỉ thích bức đó thì ông trả thù lao cho tôi được bao nhiêu? Ông Trần Duy đùa.

– Bao nhiêu tôi cũng trả. Thế theo ông thì bao nhiêu là vừa? Ông khách cũng tỏ ý như đùa lại.

– Nếu đắt thì ông có còn thích nữa hay không? Ông Trần Duy đùa tiếp.

Thật bất ngờ, ông người Pháp bỗng dưng “nổi đóa”, nói như gào lên:

– Có đắt bằng một cái… chân người không?

Rồi ông ta vạch ra cái chân giả, đôi mắt ông ta bỗng rưng rưng:

– Tôi đã mất cái chân này ở chính cánh đồng mà ông vẽ đấy. Đúng, vẫn mấy rặng núi ấy… Mà ông có từng tham gia đánh nhau bao giờ không nhỉ?

– Tôi có đi kháng chiến – ông Trần Duy trả lời – nhưng chưa từng bắn vào một ai.

– Không sao – ông người Pháp nói tiếp – nếu ông có bắn vào tôi thì tôi cũng không trách gì ông đâu. Bây giờ tôi chỉ mong có được bức tranh này, ông ưu tiên dành nó cho tôi nhé… Ồ! Cánh đồng ấy bây giờ xanh và đẹp quá! Rất, rất, rất thanh bình, không hề giống với ngày xưa…

* * *

Nghe gần xong câu chuyện ông Trần Duy kể, vì muốn giúp ông kết thúc câu chuyện một cách tế nhị, tôi (Q.V) đã hỏi như thể cắt lời ông: “Rốt cuộc thì ông người Pháp ấy có mua được bức tranh vẽ cánh đồng ấy hay không ạ?”

Ông Trần Duy cười: “Dĩ nhiên là có, với giá tượng trưng thôi. Mình cũng nên chia sẻ với người ta, chứ làm cao sao được. Ông ấy còn mang theo về cả một hoài niệm chứ đâu chỉ là mua một bức tranh.”

Q.V

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Hội Mỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028

Sáng 10/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Mỹ thuật Hải Phòng đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tham dự và chúc mừng Đại hội có họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Khai mạc triển lãm tranh “Sắc màu Non nước Cao Bằng”

NDO – Sáng 6/9, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Thông tin Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Sắc màu Non...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA CÁC HỌA SĨ, NHÀ ĐIÊU KHẮC TIÊU BIỂU CỦA HẢI PHÒNG TỪ 1954 ĐẾN NAY

                                                                 ...

NGÔ HUY QUỲNH – NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐA TÀI

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (1920-2020)   Lịch sử có cách lựa chọn và đối đãi con người rất lạ. Giữa một vườn hoa khoe sắc, nó thuận tay chọn lấy một bông hoa...

TÌM LẠI KÝ ỨC

  Nhận được thư mời dự khai mạc triển lãm trưng bày chuyên đề “Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn” tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/11/2018, vì xa nên tôi không...

45 NĂM MỘT TỜ GIẤY, MỘT THỜI, MỘT KỶ NIỆM

  Bố tôi, họa sĩ Quang Phòng, là một người có sở thích lưu trữ và sưu tập. Có những tài liệu ông gìn giữ từ thời trai trẻ, cho dù đã trải qua bao xáo động cuộc đời, đến giờ vẫn không...

ĐÚC ĐỒNG MỸ NGHỆ BIÊN HÒA

  Bên cạnh một dòng gốm Biên Hòa nổi tiếng, trường Mỹ nghệ Biên Hòa cũng có một dòng đồ đồng một thời cũng nổi danh không kém. Ngành đúc đồng theo lối thoát sáp và nghệ thuật mạ...