Nhã

 

“Từ những bức bé tí bằng bàn tay đến những tranh hàng thước vuông, rồi bộ đôi bộ ba gần hai thước vuông vẽ trong hơn hai năm vừa rồi, Nhã có vẻ đã nhìn ra chính mình, một cá thể tự do vừa lạc vào một cõi vừa lạ vừa quen, bắt đầu yên trí rằng mình đang sống thật, và rõ ràng là đang đắm say ngây ngất với những phát hiện ấy.”
– Trịnh Lữ, Tự họa của Nhã Tĩnh, 2023

Nếu từng được xem các bức tranh mới của một người vẽ mang tên “Nhã” rất xa lạ với làng hội họa Việt, chắc cả bạn cũng như tôi đều có ấn tượng chung về sự chân thực, trữ tình và giàu nữ tính. Thêm nữa, vì được đề tên theo mã hiệu gắn với ngày tháng ra đời (N1• 20.5.2021, N2 • 14.12.2022, …), tất cả chúng đều cho cảm giác rõ ràng về một lối ghi chép nhật ký bằng tranh, phản chiếu đời sống nội tâm thường ngày của người vẽ. Những nét bút, vệt màu tự do và không toan tính, như những dấu vết cảm xúc cá nhân, hiện hình những gì người vẽ cảm thấy, mường tượng thấy tại thời khắc hứng khởi sáng tạo. Vì thế, dù biểu hình hay trừu tượng, nhỏ nhắn hay bề thế, chững chạc hay ngây thơ, mịn màng hay xơ xước, sôi nổi hay hiền hoà, những bức vẽ đa phong cách của Nhã có sự hấp dẫn riêng và lay động bất ngờ.

NHÃ – N1 – 05.10.2022 2022. Acrylic trên giấy Dó bồi trên toan

 

NHÃ – N1 – 25.10.2022 2022. Acrylic trên toan

“… Nhã chưa bao giờ được học vẽ, và cũng không có một tí tẹo khái niệm nào về hội họa hàn lâm. Nhã vẽ theo cảm xúc, bằng bản năng. Mỗi khi cảm xúc bùng cháy, Nhã vẽ rất nhanh, không hề có phác thảo trước… Trò chuyện với chính mình bằng ngôn ngữ của đường nét và màu sắc cũng là một bản năng của Nhã.” Tiết lộ này của Nhã quả thật rất giống tâm thái của Kandinsky khi ông vẽ những bức trừu tượng đầu tiên của mình từ hơn 100 năm về trước: “Tất cả những hình tôi từng dùng đều ‘tự chúng đến’, tự chúng trình diện đầy đủ trước mắt tôi … chúng tự tạo sinh trong lúc tôi đang vẽ, và thường khiến tôi ngạc nhiên.” (Kandinsky, Hồi tưởng, 1913) [1]

ảng tranh vẽ biểu hình của Nhã với cỏ cây, hoa lá, với người, với những chú chó, chú mèo, chú chim, chú ngựa hay con nhím, ốc sên… cho thấy những ánh xạ từ sự kết nối hồn hậu với thiên nhiên và con người của một tâm hồn đa cảm; rất nhiều bức vẽ tựa như sự hồi tưởng của những hình ảnh ký ức – một dạng “images eidétiques” [2], bởi vậy nên chúng rất thực, rõ nét, có hồn và sống động. Qua bộ lọc ký ức, những hình ảnh này cô đọng, dung dị hơn và dường như chỉ lưu giữ những khía cạnh ấn tượng và đáng nhớ hoặc những tình cảm sâu nặng vấn vương quanh những ý niệm mà người vẽ hằng ưu tư, trao gửi. Khi vẽ biểu hình, tranh của Nhã có bầu không khí thân mật, gần gũi, mang nhiều yếu tố hiện sinh và cả nhục cảm thuần khiết (những bức vẽ khỏa thân thanh thoát, những chân dung đơn sơ, dịu nhẹ hay những bức cắt dán có băng gạc lưu thương tích cơ thể), và chứa chan hoài niệm.

NHÃ – N1 – 21.9.2022 2022. Acrylic và giấy dán trên giấy Dó bồi trên toan

 

NHÃ – N2 – 21.9.2022 2022. Acrylic và giấy dán trên giấy Dó bồi trên toan

 

NHÃ – N3 – 21.9.2022 2022. Acrylic và giấy dán trên giấy Dó bồi trên toan

 

NHÃ N4 – 23.9.2022 2022 Acrylic và giấy dán trên giấy Dó bồi trên toan

Cũng bởi vẽ với Nhã là hết sức tự nhiên, nhiều khi vô thức hay từ tiềm thức, tự tin và dứt khoát, nên ở mảng tranh biểu đạt trừu tượng, Nhã dường như muốn thể hiện trực tiếp và tự do hơn những dòng cảm xúc vốn bị giới hạn trong tranh vẽ biểu hình, mà khá bất ngờ là nhiều bức có sự hài hòa về màu sắc, đường nét và bố cục rất thuyết phục và khó lý giải được ở một người mới cầm bút vẽ. Trong phảng phất hư vô, mơ mộng, hoang hoải, thảng hoặc gây nên những cảm thức nào đó trong tâm trí người xem về không gian, về chuyển động, về ánh sáng, về cái thực đan xen cái huyễn hoặc, những không gian phi khách quan của Nhã đôi khi đưa ta thoát khỏi bản ngã, lang thang vào mênh mông trời đất, vũ trụ – một trạng thái lơ lửng tinh thần với nhiều xao xuyến, hoang mang, nhưng giàu thi vị.

NHÃ – N2 – 25.5.2021. 2021. Acrylic trên toan
NHÃ – N1 – 21.6.2021. 2021. Acrylic trên toan
NHÃ N2-10.10.2022 2022. Acrylic trên giấy Dó bồi trên toan

  Thực hành hội họa bằng cảm quan thiên phú mà chưa hề qua trường lớp nên đối với Nhã – cũng như nhiều người vẽ tự học – hóa ra lại có những lợi thế nhất định: không bị những rào cản của trường phái, lý thuyết bủa vây, níu kéo cảm xúc sáng tạo mỗi khi dâng trào. Nhờ bản năng, những bức vẽ của Nhã như khoảnh khắc tự thức của cái nhìn bên trong, của con mắt nội tâm. Mỗi mảng màu nét bút hay mỗi mẩu cắt dán trong tranh của Nhã đều là vết tích cảm xúc, là một biểu hiện tâm tình, một biểu tượng và cũng hàm ẩn cấu trúc mỹ cảm, nên có khả năng kích thích trí tưởng tượng hay khơi gợi suy tư và sự đồng cảm nơi người thưởng lãm. Bên cạnh đó, bảng màu của Nhã thiên về tông sáng và trong – kể cả những bức chỉ vẽ tuyền màu đen-trắng, hay đơn sắc – nên mang nhiều năng lượng tích cực, để rồi truyền tới người xem sự rung cảm ấm áp và niềm hy vọng thiết tha nào đó.

Là thế giới tinh thần riêng, là âm vọng nội tâm cá nhân, tranh của Nhã lôi cuốn bởi sự chân thành và, tất nhiên, cả bởi những bí ẩn như chính đời người, như chính tác giả. Phải chăng, với Nhã cũng “… thật bí ẩn, trong mỗi bức tranh, đều chứa đựng cả một cuộc đời, cả một cuộc đời với bao khổ đau, ngờ vực, những giờ phút hân hoan và say đắm …” – như Kandinsky từng có lời luận bàn về hội họa?! [3]

Chỉ mới đột khởi đắm say với màu, với nét, với toan, với dó trong hơn hai năm nay – một khoảng thời gian bi thiết của cả người vẽ và nhân quần trong đại dịch covid toàn cầu – vẽ với Nhã như để giữ vững tinh thần, để yêu cuộc đời hơn trong mỗi phút giây, mỗi ngày. Dù có mỹ cảm thiên phú rất riêng, rất lạ, con đường nghệ thuật của Nhã vào thời điểm này vẫn chỉ là những bước khởi đầu [4].

“Xem ra gia tài của mình cũng chỉ có hai từ ‘cảm xúc’ mà thôi !” – tâm sự này của Nhã, lạ thay, một lần nữa lại tương hợp bất ngờ với điều Kandinsky từng quả quyết: “Tất cả mọi thứ, nhất là lúc khởi đầu, đều là vấn đề của cảm xúc. Chỉ có thông qua cảm xúc, đặc biệt là trong chặng đường đầu, chúng ta mới có thể đạt tới sự chính đáng trong nghệ thuật […] Vì nghệ thuật ảnh hưởng tới cảm xúc, nó cũng chỉ có hiệu quả thông qua cảm xúc mà thôi.” [5] Hãy kiên định một tình yêu hội họa thuần phác, nồng nàn mà tinh khôi, nhất là đừng bao giờ đánh mất đi niềm cảm xúc và sự chính đáng trong thực hành nghệ thuật, Nhã nhé !

Tiến sĩ Phạm Long

Chú thích và tài liệu tham khảo:
1. Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo, Graham Collier, Trịnh Lữ dịch, NXB Dân Trí & Đông A, 2019, tr. 252;
2. “Image eidetique” (hay “mémoire photo graphique” hoặc “mémoire éidétique”) là một dạng ‘ký ức ảnh’, mang tính chủ quan và trực quan, được một người trải nghiệm với độ rõ nét và chi tiết cao. Nó được nhận thức rõ ràng trong tâm trí. Hình ảnh trực quan bên trong này cụ thể và chân thực đến mức chủ thể có thể khám phá và trải nghiệm nó như thể đó là một sự kiện có thật và đang xảy ra ngay trong hiện tại. Trong tâm trí, hình ảnh sáng tạo này trở thành nguồn gốc của suy tư và trí tưởng tượng. (xem www.passeportsante.net/fr/psychologie/Fiche.aspx?doc=memoire-eidetique-memoire-photographique, và http://eidetique.com/institut-psychotherapie-eidetique/la-psychologie-de-limage-de-ahsen/);
3. Über das Geistige in der Kunst, Benteli Verlag Bern, 1952, trang 28;
4. Nhã là tên thường gọi và cũng là bút danh của Nhã Tĩnh – một người vẽ đến từ Hà Nội. Tại phòng tranh May Art Space, 36/70 Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 23/3 đến 06/4/2023 sẽ có cuộc trưng bày tranh mang tên “NHÃ 23” – cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nhã Tĩnh.
5. Về cái tinh thần trong nghệ thuật, Kandinsky, (Phạm Long và cộng sự dịch), NXB Mỹ Thuật, 2014, tr. 88;

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Nguyễn Gia Trí – Với sáng tác tranh trừu tượng

Tác phẩm của Nguyễn Gia Trí về hình tượng thiếu nữ trên tranh sơn mài nổi tiếng ngay từ khi ra đời vào những năm 30 – 40. Thời hoa niên, trên những nẻo đường thực địa, ông tìm về làng quê...

Họa sĩ Trần Văn Cẩn – Một thời Hà Nội

Trần Văn Cẩn tìm cái thú thầm lặng trong hội hoạ như người đãi cát tìm vàng, mò trai dưới biển. Và ngọc trai của ông là màu sắc, là hiệu quả ánh sáng của hai màu đặt bên nhau. Một xe ngựa...

Bùi Trang Chước – Một bậc thầy của nghệ thuật tranh sơn khắc và đồ họa ứng dụng

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Giải thưởng dành cho các mẫu thiết kế: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh,...

Họa sĩ Hoàng Công Luận sự nghiệp sáng tác và đào tạo

Năm 1958, đặc khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) mở đợt chỉnh đốn vùng than, được gọi là cải tiến quản lý xí nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất...

Tháng ba của Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân

Khi những ngày đông tháng giá đã lùi vào phía sau nhường những tia nắng chan hòa khắp phố phường Hà Nội thì 16 Ngô Quyền có lịch triển lãm của hai nữ tác giả mang tên “Tháng Ba”. Trần Thị...

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh sân vận động Morodok Techo, Campuchia – Nơi diễn ra Lễ khai mạc SEA Games 32

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) sẽ diễn ra từ ngày 5/5 đến 17/5 tại Thủ đô Phnom Penh và 4 tỉnh của Campuchia, bao gồm Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot, Kep. Nước chủ nhà Campuchia...

ĐÚC ĐỒNG MỸ NGHỆ BIÊN HÒA

  Bên cạnh một dòng gốm Biên Hòa nổi tiếng, trường Mỹ nghệ Biên Hòa cũng có một dòng đồ đồng một thời cũng nổi danh không kém. Ngành đúc đồng theo lối thoát sáp và nghệ thuật mạ...

TRẦN PHÚC DUYÊN VÀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG

  Trần Phúc Duyên sinh ngày 16 tháng 02 năm 1923 trong một gia đình khá giả tại Hà Nội. Bố ông là Trần Diễn Giệm và mẹ là Nguyễn Thị Thược. Quê nội của ông ở làng Phượng Dực, huyện Phú...

Tổ chức Triển lãm Tranh Lụa Việt Nam tại Pháp năm 2023

Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1794/QĐ-BVHTTDL về việc Tổ chức Triển lãm Tranh Lụa Việt Nam tại Pháp năm 2023. Theo đó, Bộ VHTTDL giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối...

Ngôi nhà 41 Hàng Bài

  Căn biệt thự cổ kính thiết kế theo lối kiến trúc Pháp, nằm trên phố Hàng Bài, một con phố chính rất đẹp gần Hồ Hoàn Kiếm. Tầng một của căn biệt thự trước kia là nơi nấu bếp, để...