MARCELINO TRƯƠNG LỰC VÀ ÁM ẢNH QUÊ CHA

 

Marcelino có dáng dấp một diễn viên điện ảnh người Pháp, với mái tóc nghệ sĩ và vóc dáng cân đối. Anh có phân nửa dòng máu Việt trong người, mẹ anh là một phụ nữ người Pháp tóc vàng, đã gặp gỡ cha anh tại khu Xóm học Paris khi họ còn là sinh viên đại học Sorbonne năm 1949. Tên anh có một phần tiếng Việt là Trương Lực, thừa hưởng họ Trương từ người cha tài giỏi là một nhà ngoại giao lâu năm, từng làm thông dịch viên cho tổng thống Ngô Đình Diệm, còn tên Marcelino được lấy từ tên một con đường ở Manilla, Philippines nơi anh sinh ra năm 1957. Anh sống ở Việt Nam, chính xác hơn là ở Sài Gòn có hai năm và chỉ quay trở lại khi đã hơn ba mươi tuổi.

Mireille, Dominique và Marcelino trên ban công nhà 42, đại lộ Nguyễn Huệ, Sài Gòn, 1962

 

Gia đình ông Trương Bửu Khánh tại Sài Gòn năm 1963. Marcelino Trương Lực đứng cạnh cha giữa tấm ảnh.

 

Trương Lực tại Sài Gòn, tháng 2/1962

 

Marcelino Trương Lực

Hình ảnh quê cha xa xôi nhìn từ nước Pháp, như một cái dằm chìm sâu trong ngón tay. Nhỏ nhưng gây nhói, cả khi đã lấy ra được. Quê hương của tuổi lên bốn, lên năm, là những ngày sống trong căn nhà số 42 Nguyễn Huệ, giữa trung tâm Sài Gòn. Đó còn là những ngày vui khi được đến thăm căn nhà ngói rộng rãi của ông bà Nội ở xã Bình Hòa, Gia Định. Vì cha làm công việc ngoại giao nên Marcelino theo gia đình rời quê hương ở tuổi lên sáu, sang Anh và sau đó qua Pháp sống. Nhưng quê hương vẫn tiếp tục hiển hiện suốt tuổi ấu thơ và niên thiếu của anh những khi cùng gia đình ưu tư về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Anh kể: “Gia đình tôi có rất nhiều nỗi âu lo và xúc cảm với cuộc chiến tuy xa mà gần ấy, vì nơi đó còn có ông bà Nội và những người trong gia đình. Chúng tôi luôn theo dõi tin tức truyền hình và báo chí. Ba tôi thường xuyên nhận được thư quê nhà và dịch lại cho chúng tôi nghe những phần chính”.

Ở tuổi 25, sau khi tốt nghiệp đại học Khoa học – Chính trị Paris, ngành Luật Công, và trường Sư Phạm với bằng thạc sĩ tiếng Anh tại Sorbonne, Marcelino Trương đã chọn con đường nghệ thuật bằng cách tự học. Tranh minh họa của anh xuất hiện đều trên nhật báo Libération và tuần báo Elle ở Pháp. Và như một điều tự nhiên, quê hương Việt Nam, thành phố Sài Gòn của những ngày xưa đã xuất hiện trong tranh của anh. Những bức tranh, những câu chuyện bằng tranh, đầy cảm xúc, da diết.

Marcelino Trương Lực đang vẽ trên đường đi Trà Vinh, 1991

 

Marcelino Trương Lực – Hồi ức về những trò chơi tuổi thơ ở Sài Gòn trong truyện tranh Une si jolie petite guerre, Saigon 1961-63

 

Marcelino và bạn, Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi

 

Marcelino Trương Lực – Chân dung Tạ Huỳnh Lan, bà nội của tôi. Sơn dầu trên giấy in

Những bức tranh của anh khiến tôi nhớ Sài Gòn tuổi thơ của tôi quá đỗi. Sao mà nó gợi cảm và thân thuộc đến như vậy? Anh vẽ đường phố Sài Gòn và những người qua lại, bên trong căn nhà có cửa sổ lá sách với những vật dụng cũ kỹ như cái quạt mo cau, cái võng, bình tích trà đựng trong vỏ tre, nền gạch bông hai tấc vuông, cái táp-lô điện bằng gỗ gắn lộ trên tường… Và không chỉ thế, còn dáng đi trên phố, dáng mẹ nằm với con trên giường, cảnh ông bà ra cửa đứng đón con cháu đến thăm ngôi nhà ngói ở Gia Định. Tất cả quen thuộc đến nao lòng, gợi lại cuộc sống của miền Nam, của Sài Gòn thập niên 1960. Marcelino Trương chỉ có hai năm sống ở Việt Nam nhưng với tố chất và tâm hồn nghệ sĩ bẩm sinh, đôi mắt của chú bé ngày xưa đã thu nhận và khắc sâu một cách tài tình, để rồi thể hiện trên tranh không cường điệu, không cần phải đẩy đôi mắt người Việt thành xếch hay cái miệng với hàm trên nhô ra như những họa sĩ nước ngoài thường vẽ người Việt. Anh vẽ hình ảnh quê hương một cách tự nhiên chân thật vì cảm xúc và tình yêu như từ trong máu anh tràn ra.

Tất cả bắt đầu, nói đúng hơn là sợi dây ký vãng được nối lại vào năm 1991, khi Marcelino Trương quay trở về Việt Nam sau gần 30 năm xa cách. Thật ra, mọi thứ chỉ là hình tượng hóa những gì anh đọc, nghĩ, chiêm nghiệm về quê cha từ những ngày anh vùi đầu vào thư viện của ông.

Marcelino Trương Lực – Khỏa thân trong một ngôi nhà ở Vũng Tàu. 1993. Màu nước và bột màu trên giấy

 

Marcelino Trương Lực –  Mẹ con. 2005 Bột màu trên giấy

 

Marcelino Trương Lực –  Mẹ con. 2005. Bột màu trên giấy

 

Marcelino Trương Lực – Nhà ông bà nội ở Gia Định, Une si jolie petite, Saigon 1961-63 “- Kìa, những người chu du thiên hạ của chúng ta đã đến! Y vette, các cháu ơi, vô nhà uống nước cho đỡ khát. Dù tầm thường, khiêm tốn, nhưng ngôi nhà của ông bà nội là ngôi nhà duy nhất xây tường vững chắc giữa một khu xóm toàn là nhà lá. Ông bà sống với người con thứ tư, cô Diệu Lan, hiện đang học Triết.”

Trương Bửu Khánh, người cha trí thức Tây học của anh. Anh kể: “Ba tôi là một người uyên bác. Học hỏi là điều ông thích hơn hết trên mọi thứ. Ông có một thư viện riêng chứa đầy những quyển sách nói về Việt Nam mọi thời đại. Người ta có thể tìm thấy ở đấy hồi ký của những nhân vật lịch sử hay chính trị, hoặc là các nhà báo có vai trò quan trọng tại Việt Nam, cũng như tiểu thuyết, thơ văn hoặc tài liệu về văn hóa văn minh Việt Nam. Tôi đã từng xem qua và đôi khi đọc đôi ba đoạn. Thường tôi xem hình ảnh. Những quyển sách ấy viết bằng tiếng Việt, tiếng Trung Hoa, tiếng Pháp, hoặc tiếng Anh,… bởi các tác giả rất có tên tuổi. Ba tôi còn hay mua những bưu thiếp và sách cổ về Việt-Nam. Tại Luân Đôn, ít người quan tâm đến chủ đề này, vì vậy ông luôn tìm được những sách rất hay các tại nhà sách xưa. Đôi khi chúng tôi cũng được nghe nhạc Việt. Ba tôi học trường Khoa học Chính trị cùng với nhà nhạc học Trần Văn Khê. Ông rất thích các điệu ru hò Việt Nam, nghe nhạc cụ cổ truyền nhưng cũng yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Ba tôi truyền cho chúng tôi những khái niệm tổng quát về đạo Khổng, ít nhất là những gì ông đã học được”.
Anh hồi tưởng: “Mỗi khi nhắc nhớ đến Việt Nam thời thanh xuân, ba tôi rất xúc động vì đối với ông đó là một thiên đường tỏa đầy hương sắc”.

Tất cả những điều đó giúp anh hiểu biết sâu sắc và tràn đầy cảm hứng về quê hương, trước cả khi có chuyến trở lại Việt Nam vào tháng 6 năm 1991 và cũng là lần đầu tiên về thăm quê cha ở đồng bằng sông Cửu Long. Ở đó, anh ngập tràn xúc động. Anh được đón tiếp nồng hậu, được giới thiệu với tất cả các bà con cô bác trong dòng họ gia đình. Anh được đến thăm mộ bà Nội tại Trà Vinh. Anh cũng quay lại ngôi nhà xưa tại Sài Gòn, thành phố của tuổi thơ hạnh phúc. Bước chân anh lại quay về Sở Thú hay chợ Bến Thành… để bắt gặp lần nữa những màu sắc, âm thanh, hương vị thân thiết của Sài Gòn đọng lại từ những ngày tháng ngây thơ. Trong tim anh có một niềm cảm mến sâu sắc với thành phố này dù chỉ sống một thời gian rất ngắn thời tuổi nhỏ, khi đang có chiến tranh. Niềm cảm mến đó vẫn tiếp nối và lớn lên, khi tìm về chốn cũ và thấy rằng thành phố này đến năm 1991 gần như vẫn không thay đổi từ khi anh ra đi.

Marcelino Trương Lực – Chợ Lớn, cửa hàng chạp phô. 1993. Bột màu trên giấy Arches

 

Marcelino Trương Lực – Chợ Lớn, thiếu nữ  đi xe đạp 2002. Bột màu trên giấy Arches  

 

Marcelino Trương Lực – Đường Catinat 1962, các cửa tiệm trang trí theo phong cách Spirou. 2011. Mực tàu và bột màu trên giấy

 

Marcelino Trương Lực – Taxi ở Sài Gòn. 2016. Acrylique trên bố. 60x80cm

Chuyến đi ấy và những chuyến đi sau này giúp anh khám phá thêm hai miền Bắc và Trung, gom góp những kinh nghiệm vững chãi và mạnh mẽ để hình thành các nhân vật và bối cảnh phong phú trong việc sáng tác truyện tranh. Nguồn cảm hứng ấy vẫn theo đuổi anh đến hôm nay.

Từ chuyến đi này, Á Đông, và nhất là Việt Nam trở thành đề tài ưa thích đặc biệt của anh. Trong những cuốn truyện tranh hay minh họa sách cho tuổi trẻ của mình, anh thích nhất tác phẩm Une journée à Hanoi (Một ngày ở Hà Nội, ed. Hachette Jeunesse, collection Demi-page, 1997) và 4 tập Fleur d’eau (Hoa nước, ed. Gautier-Langereau, Hachette Jeunesse, Paris), với cốt truyện xảy ra ở Hội An trước thời thuộc địa.

Anh bắt đầu vẽ về Sài Gòn trong truyện tranh đầu tay Le Dragon de bambou (Con rồng tre, truyện Francis Leroi, nhà xuất bản Albin-Michel, 1991). Đến quyển truyện tranh Une si jolie petite guerre, Saigon 1961-63, (Một cuộc chiến xinh xắn – Sài gòn 1961-63), do nhà in Pháp Denoël Graphic xuất bản tại Paris năm 2012, anh kể lại với khá nhiều chi tiết tỉ mỉ những kỷ niệm tại Sài Gòn vào những năm 1961- 63. Trong đó, anh đã dành riêng vài trang để nói về những trò chơi thơ dại của tất cả các trẻ em Việt Nam như chơi đá dế hay đá cá,…

Bao nhiêu đó chưa đủ, mỗi khi về Sài Gòn anh đều ghi lại rất nhiều ký họa. Và từ đó, những bức vẽ lớn bằng màu nước hay sơn dầu trên bố được hình thành khi anh trở lại Paris. Anh khám phá rằng anh chỉ có thể vẽ về Sài Gòn hay Việt Nam khi thật sự nồng nàn cảm hứng. Rất hiếm khi làm được việc này với những yêu cầu đặt hàng từ khách yêu hội họa. Hầu như tất cả những hình họa liên quan đến Việt Nam đều xuất phát từ tình cảm và tấm lòng riêng tư.
Trên tờ nhật báo khuynh tả Libération ở Pháp ra ngày 6/10/2012, có 2 trang truyện tranh ngắn mang tên Souvenirs de Saigon (Kỷ niệm Sài Gòn). Đó là một cách để báo trước việc anh sẽ xuất bản quyển Une si jolie petite guerre – Saigon 1961-63. Một hình thức quảng cáo, hoặc một “trailer” nói theo kiểu người Anh. Trong tác phẩm này, anh nói rất nhiều về Sài Gòn. Une sijolie petite guerre – Saigon 1961-63 sau đó đã được nhà xuất bản Arsenal Pulp Press, Vancouver, xuất bản bằng Anh ngữ vào tháng 11/2016, dưới một cái tên diễn tả rõ hơn ngụ ý mỉa mai, vì điều tự nhiên là không có cuộc chiến tranh nào xinh xắn dễ thương cả, Such a Lovely Little War (Tựa như một cuộc chiến xinh xắn).

Dinh Độc Lập Trích Une si jolie petite guerre, Saigon 1961-63. “Douglas Skyraider là một máy bay cường kích, với những “tấn công phẫu thuật” rất hiệu quả, như thả bom napalm. Nó còn có danh hiệu “bò điên”. – Cánh phía bắc, rõ (bắn)! – Mục tiêu là cánh bắc.”

 

“Một ngày tháng 12 năm 1961, tôi cùng chú Ba đi dạo, thình lình trước mặt chúng tôi xuất hiện một hạm đội Mỹ khổng lồ. Chiếc U.S.C.V. CORE đang trao quà Giáng Sinh của Kennedy: những khí giới hoàn thiện nhất để củng cố quân đội. Một kế hoạch tên là “Project BEEF-UP” (tăng cường), với những trực thăng hình “trái chuối”, khoác bên ngoài lớp vỏ bảo vệ, làm cho chúng có dáng vẻ kỳ lạ như một con nhộng… Trực thăng này được coi là có thể hoàn toàn chống lại tất cả quân du kích. Các cố vấn Mỹ trải qua những kinh nghiệm nhảy dù tại Algérie, đã sử dụng thành công trong việc chống FNL.”

  Khi trả lời nhà báo Ralph Trommer về nguyên nhân thúc đẩy anh chọn thời thơ ấu của mình ở Sài Gòn làm khởi điểm cho truyện tranh, Marcelino Trương cho biết anh cảm thấy xúc động vì đó là câu chuyện anh muốn kể từ lâu. Dù ngắn ngủi, nhưng ký ức về khoảng tuổi thơ hai năm ở Sài Gòn lại vô cùng phong phú đối với anh. Chẳng những riêng cho cá nhân anh mà cả về mặt bối cảnh chính trị và lịch sử. Trước đó nhiều năm anh tìm được một xấp thư của mẹ anh. Hằng tuần bà vẫn viết thư cho cha mẹ của bà ở Bretagne, từ Manila, từ Hoa Thịnh Ðốn, Sài Gòn và sau đó từ Luân Ðôn (London). Khi đọc những lá thư mẹ viết từ Sài Gòn, anh đã nghĩ mình sẽ phải làm một cái gì đó với những lá thư này. Chúng được viết rất sống động và thật chi tiết. Nhờ vậy anh có thể lấp những chỗ trống trong ký ức của mình và hình dung được cuộc sống của cả nhà vào thời gian đó. Là người vẽ truyện tranh, anh nghĩ hình thức truyện tranh là môi trường thích hợp cho câu chuyện kể về đời mình.

Sài Gòn còn xuất hiện nhiều lần trong tập truyện tranh thứ hai của anh Give peace a chance – Londres 1963-75 (Hãy cho hòa bình một cơ hội), của cùng nhà xuất bản Denoël Graphic. Anh tiếp nối câu chuyện ấu thơ tại Sài Gòn (1961-63) với những năm tháng sống ở Luân Đôn rồi Paris (1963-75). Trong truyện, anh kể nhiều về ông bà Nội mình, những người đã qua đời sau chiến tranh, vào những năm 80. Ông bà đã đến Luân Đôn thăm gia đình anh vào năm 1969. Đó là chuyến đi xa đầu tiên của ông bà, cũng là lần cuối cùng anh được gặp họ.

Trong truyện này, ông Nội kể cho anh nghe làm cách nào ông bà đã trải qua cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968. Lúc đó ông bà sống ở Gia Định, ngoại ô Sài Gòn, nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt. Như tất cả thường dân khác, họ bị kẹt giữa hai lằn giới tuyến, với những đạn bom tên lửa gào thét rầm vang của cuộc chiến năm ấy.
Đến giờ, anh vẫn có nhiều dự định về Sài Gòn. Anh đã bắt đầu loạt tranh trên vải bố, vẽ về Sài Gòn xưa, thuở anh còn bé tí, nơi mà hiện giờ nhiều thứ xưa cũ đang dần dần biến mất.

Việt Nam giờ đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống của anh. Anh cảm thấy mình có hai chân, một chân bước trên đất Pháp, chân còn lại dành cho nước Việt. Nếu mất một trong hai, sẽ là một tật nguyền thương tổn rất lớn đối với anh.

Quê hương còn thường được nhắc nhớ thường xuyên khi ở Paris, anh quen biết và thường tiếp xúc với Ngô
Kim Khôi, cháu ngoại họa sĩ nổi tiếng Nam Sơn, đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương. Anh Khôi nghiên cứu mỹ thuật Việt, còn là thầy dạy cho Marcelino môn Thái Cực Quyền.
Hoặc có khi quê hương là hương vị những món ăn Việt, như phở hay thịt kho, do chính tay anh nấu. Quê cha ngày càng gần gũi hơn trong tâm tưởng của anh.

Phạm Công Luận 
(Trích sách Sài Gòn, chuyện đời của phố tập 4,  do công ty sách Phương Nam xuất bản 2017)

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

Thông báo số 10 của Ban Chấp hành TW Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa VIII (Nhiệm kỳ 2014 – 2019)

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                        CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM      Số: 118/19/BCH                                                 Độc lập...

Tiếng vang và niềm phấn khởi của mỹ thuật Bình Dương

Mới đây, cặp rồng lu ở phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục. Trước đó, tiểu cảnh rồng vàng phun nước đặt tại phố đi bộ Bạch...

NHIỆT CỦA MÙA XUÂN

  Ngày đang dài hơn, ấm hơn và sáng hơn ở Bắc bán cầu,dưới đây là 10 tác phẩm tranh, điêu khắc, bản in, trang sức mang hơi thở của mùa xuân, giới thiệu bởi Christie’s. Trong những thập kỉ...

Cặp đôi họa sĩ Trần Đình Khương – Đoàn Thuý Hạnh với triển lãm cá nhân đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh

Lần đầu tiên ra mắt công chúng thành phố Hồ Chí Minh với triển lãm “Song Tấu Lạ”, họa sĩ Trần Đình Khương giới thiệu 31 tác phẩm tranh sơn mài khai thác chủ đề cá chọi và cá chép, còn...

TRIẾT LÝ NHÂN SINH CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG HÌNH TƯỢNG CON LỢN

  Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp Câu thơ của Hoàng Cầm như reo một nốt nhạc vào lòng Tết nét hoài cổ về những bức tranh dân gian xưa. Những tranh...