Không chỉ Hà Nội nay, mà Hà Nội xưa cũng đã có nhiều nhà sưu tập nghệ thuật. Dẫu rằng người trước người sau, quan niệm, thị hiếu và cách sưu tập mỗi người mỗi khác, thành phần xã hội cũng khác, khác cả về quy mô và thành quả – thì tựu trung cũng chỉ có một vài tên tuổi đáng nhớ đã ghi được dấu ấn vào lịch sử đời sống nghệ thuật Hà Nội. Một trong những nhà sưu tập như thế chính là ông Nguyễn Văn Lâm, chủ quán Cà-phê Lâm nổi tiếng, ở 60 phố Nguyễn Hữu Huân (một con phố có thể coi là phố cổ ở khu vực chung quanh Hồ Gươm, tên dân gian là phố Bè Thượng, thời Pháp thuộc gọi là Phố Đê [Rue de la Digue], sau đổi là phố Bắc Ninh, rồi phố Thống chế Pê-tanh [Rue Maréchal Pétain], thời tạm chiếm là phố Phan Thanh Giản, từ 1964 mới mang tên này).
* * *
Nhân dịp gia đình ông Nguyễn Văn Lâm chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (1930-2020), chúng tôi đã có điều kiện được đọc ba cuốn sổ, “nửa hồi ký nửa nhật ký”, mà ông đã viết từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
TẬP I
… Trước nhất, ở những trang đầu, theo như ông Nguyễn Văn Lâm cho biết: Ông sinh nhằm 10 giờ 30 tối, ngày mồng 6 tháng 2 năm Canh Ngọ, tức ngày 5-3-1930, là con thứ 5 trong một gia đình có 8 người con, 6 nam 2 nữ; tổ tiên trước kia ở làng Chi Lê, xã Phúc Lâm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông; thế kỷ 13 sinh cơ lập nghiệp truyền tử nhược tôn ở làng Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp (Lưu Xuyên cũ), huyện Yên Mỹ (Dưỡng Hào cũ), tỉnh Hưng Yên (Hải Dương cũ), hiện còn lưu tứ đại tự: “Trần Triều Vu Hải” (Đời Trần ra Hải Dương), được 10 đời thì ra “Kinh đô Thăng Long”, sinh cơ lạc nghiệp ở làng An Giám, Hà Nội và đã ở Hà Nội tính đến đời ông Nguyễn Văn Lâm là 7 đời; tới ngày mồng 6 tháng 8 năm Ất Sửu, tức ngày 23-9-1925, “bố mẹ tôi mới ra làm nhà ở bãi Phúc Tân… mẹ tôi sinh quán và nguyên quán làng Yên Đổ, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, Phủ Lý”.
Về nội dung quan trọng thứ hai của đời mình, ông Lâm viết: “Tôi hồi nhỏ mắt đã bị lác, nhiều nhọt ở đầu. Năm 1938, 9 tuổi, bị đau mắt ngày nào cũng đi tàu điện vào Ngã Tư Sở để nhỏ thuốc… Năm 1940 lại đau mắt… sắp sửa thi hết lớp 3 là ê-lê-măng-te thì đau mắt vào nhà thương đau mắt nằm để cắt màng khói và nhài quạt, nằm khoảng gần 2 tháng không khỏi, về nghỉ học, không học được nữa”… Bệnh đau mắt ấy đã đeo đuổi ông Nguyễn Văn Lâm gần như hết cuộc đời ông.
Các nghề ông Nguyễn Văn Lâm đã trải qua: 1945 “theo anh rể đi Nam Định buôn gạo”; 1946 “đầu tháng 12, bố tôi cho mẹ tôi đã bị lòa cộng 3 em tôi về Yên Đổ chạy loạn. Tôi được ở lại coi nhà với bố tôi để tráng bánh cuốn”; 1947 “lại tráng bánh cuốn ở chợ Lạng” (Nho Quan, Ninh Bình); 1948 “làm kẹo lạc, kẹo sìu, kẹo bột… đi buôn rau, dưa, bằng xe ba gác… đi buôn thuốc lào… buôn chiếu… buôn gà… buôn bông đi đò dọc”; 1949 “kiếm củi bán”, “đi buôn dầu hỏa” (tất cả cũng đều ở Ninh Bình), cuối năm “dắt díu nhau theo bà con ra đường số 1 về Thường Tín”, qua Ngọc Hồi, Văn Điển rồi “gia đình lên nhờ tàu hỏa về Bờ Hồ tới 32 Hàng Vôi ở nhờ… lại làm bánh cuốn, không bán được.”
* Sự kiện đánh dấu bước ngoặt cuộc đời ông Nguyễn Văn Lâm đã được ông kể lại tuần tự như sau:
Năm 1950
“1-1-50 tôi ra bán hàng nước chè ở cửa nhà Bưu điện Bờ Hồ từ đó. Cứ chủ nhật tôi có hai chú năng gánh nước lên bãi đá bóng (Măng Gianh) cột cờ bán.
Nào bị phạt, nào bị bắt hàng vào bóp Hàng Trống, nào sợ ông chủ nhà Bưu điện, nào sợ Tây, biết bao lo sợ của năm năm mươi. Rồi bị đuổi nhiều lại sang Vườn hoa Chí Linh bán ở nhà Kèn.
Tôi chịu khổ 3 năm với tuổi 20 không cờ bạc, rượu chè, trai gái, thuốc lá, bia, café, lãng quên cả những năm tháng thân yêu của tuổi trẻ ở giữa Thủ đô trụy lạc của những năm này. Ra sức cần kiệm kiếm tiền để xây dựng cho ngày mai khá hơn ngày hôm nay và những ngày hôm qua. Năm 1951 với tuổi 21 phải đi khám sức khỏe ở Bắc Ninh, đi 1 ngày khám 1 ngày về 1 ngày, được loại vì kém mắt không phải đi lính.”
Năm 1952
“Sang gốc đa nhà Kho bạc ở cạnh Vườn hoa Chí Linh bán café giải khát.
Mùa hè năm Giáp Thìn, tôi bán café ở gốc Đa, gặp cô hàng bán chanh. Chúng tôi tìm hiểu nhau một thời gian, về nói với gia đình lo cưới. Thôi thế là đã có người lấy rồi.”
Năm 1953, với ông Nguyễn Văn Lâm quả là một năm quan trọng. Ông viết: “1-1-53 tức là 16-11 năm Nhâm Thìn là ngày cưới của chúng tôi. 29-11-53 sinh Nguyễn Thị Bích (con gái đầu lòng). Năm này thôi không đi lên bãi đá bóng bán nữa. Hai vợ chồng làm việc quên cả ngày lễ, trừ có Tết nguyên đán nghỉ 3 ngày, thậm chí quên cả tuần trăng mật, không chiếu bóng, không rạp hát. Thế là có thêm 2 bàn tay nữa rồi”.
Về vợ ông: “Vợ Lê Thị Vượng, tức Thịnh. Sinh 28-9-1930, nguyên quán làng Vẽ (Đông Ngạc), Hà Nội… Mồ côi mẹ từ năm 15 tuổi, ở xóm Hàng Quang, làm nghề song quang, bán hàng tạp hóa ở làng. 1946 tản cư, đầu năm 1950 ra Hà Nội, ở Trung Phụng, Khâm Thiên. Mùa đông, thu, xuân gói bánh chưng đưa bán các hàng nước chè, mùa hè bán chanh cho các hàng giải khát.”
* Quá trình hình thành quán Cà-phê Lâm cũng đã được ông Nguyễn Văn Lâm ghi lại: “10-10 năm 1954 Tiếp quản Hà Nội, tháng 11-54 dọn hàng ra cạnh Nhà băng bán (cái xe có 4 bánh sắt đẩy được quanh hè). Vẫn ở cái nhà lợp tôn một mái ở 32 Hàng Vôi, không có nhà tắm, cái bếp bằng tí xíu… Hàng ế vắng, mẹ Bích (tức vợ ông) theo bà con ở ngõ 32 đi Hải Phòng buôn lặt vặt về Hà Nội bán, lại mang hàng ra Hải Phòng bán như bị, quạt. Hải Phòng chưa tiếp quản. Tôi đi 1 chuyến ra thăm tình hình vào mùa đông năm Giáp Ngọ (1954)… Năm 1955, vợ chồng đẩy xe ra sau Nhà máy nước đá bán (ở phố Hàng Vôi), hàng café giải khát, cạnh bác Sáu bán phở. Lại đông khách như cũ… Năm 1956, thứ ba 13 tháng 11 tức là ngày 11-10 năm Bính Thân, hai vợ chồng ra Ủy ban hành chính khu Hoàn Kiếm ký hợp đồng mua nhà đất ở 60 Phan Thanh Giản, Hà Nội. Vợ chồng không ngờ những ước mơ không thành sự thực, chỉ ước mơ có cái nhà để ở mà thôi (sic- chép nguyên văn). Hai người đều vào đời với tuổi 14, 1 mồ côi mẹ, bố chỉ biết đánh chửi, 1 người mẹ lòa, bố cũng vậy… 30 tháng 7 năm 1960 hai vợ chồng vào Hợp tác, Tổ hợp tác Đại Lâm café giải khát…”
* Theo ông Nguyễn Văn Lâm, “năm bắt đầu tìm hiểu nghệ thuật tạo hình” của ông- là năm 1962, đặc biệt sau chuyến đi thăm chùa Keo ở Thái Bình.
Sự kiện đầu tiên xuất hiện trong cuốn sổ tay của ông Lâm liên quan tới các nghệ sĩ đã được ông ghi lại như thế này: “20, 25, 26 tháng 4 (năm 1964) 2 vợ chồng đi xem triển lãm tranh của anh Diệp Minh Châu, anh mời chúng tôi. Ngày 29-4-64 tôi ngồi ở nhà anh Nguyễn Sáng để anh vẽ tặng chân dung.”
Trên thực tế, ông Nguyễn Văn Lâm cũng có thời gian đi làm Nhà nước, ông viết: “18-8-1966 tôi vào làm ở Công ty bốc xếp đường ngắn Hà Nội, làm thủ kho kiến thiết cơ bản ở Lĩnh Nam, sáng đi từ 4 giờ 30, 18 giờ 30 về tới nhà, đi xe đạp.” Đến năm 1970 ông “được ghép vào Công ty vận tải hàng hóa Hà Nội”, nhưng chỉ đến ngày 21-9 năm đó thì: “Hôm nay tôi đi làm lao động, đào đất đắp nền ở công trường Giảng Võ, vì Công ty bốc xếp giải tán… Theo chương trình thì công trường này làm 3 năm, nếu nghỉ, bỏ 3 lần mỗi lần 1 ngày mà không có lý do thì chủ nhiệm công ty có quyền đuổi khỏi công ty, không phải là công nhân viên nữa.”
“Ngày 22-9-1970, mẹ Tùng (tức vợ ông), hôm nay lại mở cửa hàng bán café, giải khát ở nhà, sau khi đã đóng cửa nghỉ trên 4 năm, kể từ ngày 26-5-1966. Đã xin được đăng ký.”
“Ngày 11-1-1971 tôi đi Đuôi Cá để làm ở Công ty vận tải hàng hóa từ hôm nay. Viết thư cho Viện bảo tàng Lịch sử nhờ xác minh hộ đạn súng cổ và đồ gốm.”
Tết Tân Hợi 1971: “Mồng 2 tết dự cưới con anh Văn Cao. Mồng 4 tết đi xem lại phòng tranh của họa sĩ Linh Chi. Đi tới nhà ông Bùi Xuân Phái mừng tuổi, ông đã tặng 3 phác thảo. Tới xưởng phim hoạt họa thăm họa sĩ Thanh Long. Anh tặng tôi 10 bức bột màu. Mùng 5 tết anh Thanh Long tới thăm tôi, rủ nhau cùng đi tới họa sĩ Hoàng Lập Ngôn xem tranh.”
“22-2-1971 tôi tới thăm họa sĩ Linh Chi ở 112 phố Tuệ Tĩnh. 23-2-1971 tôi tới thăm họa sĩ Dương Bích Liên, anh cho tôi 1 viên gạch đời Lý. 28-2-1971 ghé thăm họa sĩ Phan Kế An, đến thăm họa sĩ còn được thêm món xem phong lan”.
TẬP II
“Ngày 24-3-1971, tôi lại thăm họa sĩ Phan Kế An. Rồi đi thăm nhạc sĩ Văn Cao, tôi và họa sĩ Văn Cao ngồi uống rượu, cái chai rượu Vícky tôi mua hôm tết âm lịch để dành mãi tới hôm nay, mang xuống, cộng vài gói lạc rang và nem bì. Uống rượu được nửa chừng, anh vẽ luôn tôi bằng sơn dầu. Anh chỉ vẽ có 15 phút, anh hẹn tôi mai lại làm tiếp. Chiều hôm sau 25-3-1971 tôi đi làm ở Đuôi Cá về là 4 giờ, tôi không kịp rửa chân tay, vì đào ao hôm nay đất khô, tôi phóng xe đạp một mạch về nhà anh Văn Cao. Anh vẽ tiếp vài nét, tôi lại uống rượu với anh, một lúc tôi về anh hẹn tôi mai lại nhà, ta làm nốt, anh nói thế rồi xóa đi, vì chưa ưng ý. Hôm sau tôi bận không lại được. Chiều 27-3-1971 tôi lại, chị Văn Cao ra mở cửa cho tôi, đã vui cười nói: Thôi xong rồi, chân dung của ông, nhà tôi vẽ xong rồi. Thế ra anh thuộc những nét ở con người tôi đã lâu. Anh định vẽ tôi từ năm 1962 mà chưa có dịp vì chưa hiểu sâu tôi. Anh nói: không biết tôi là người của ai, của địch hay của ta.”
Nhân chuyện Văn Cao vẽ ông, ông Lâm viết tiếp: “Tôi tường thuật rất nhiều chỉ còn nhớ vài nét là con người tôi chẳng được học trường nào. Chẳng phải nhà Tư sản, Điền chủ, Tề, Ngụy gì, chỉ biết vào đời từ năm 14 tuổi rồi khổ. Rồi bán hàng café, đủ mọi thành phần tới quán tôi. Người ta vẫn coi tôi như anh bán hàng vỉa hè, dân nghèo đầu đường, họ ít chân thực với tôi, tôi chỉ có một người bạn duy nhất là quyển sách. Tới năm 1955 thì ông Thạch Can, họa sĩ trang trí phông ở Rạp hát Hàng Bạc, tới uống café của tôi ở vỉa hè sau Nhà máy nước đá, tôi mến, tôi chơi thân với ông vì ông quý mến, thật thà với tôi lắm. Nhưng có điều đặc biệt là họa sĩ Thạch Can lại không dẫn tôi vào con đường nghệ thuật tới nơi tới chốn, không phân tích cho tôi đầy đủ, tôi chỉ vào sau hậu trường, xem ông Trần Hoạt, Ngọc Đĩnh đạo diễn, rồi Ngô Cừ, Chu Xuân Hoan, Văn Phú, vân vân. Chẳng rõ vì sao mà lòng tôi vẫn không rung động, tôi lại mê mải đọc sách quên cả cái con người vẫn ngồi uống café một mình, lầm lỳ, ít nói, là họa sĩ Dương Bích Liên. Tới năm 1961 thêm các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Trần Đông Lương, rồi 1962 tiếp tục quen các họa sĩ Vũ Văn Thu, Văn Cao, tới 1963, 1964, 1965 các họa sĩ Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Trọng Kiệm, Đào Thế, Thế Đức, Khánh Phú, Tô Ngọc Thành, Lê Chấn, Tường Huân, Linh Chi (riêng họa sĩ Linh Chi 1971 tôi mới có tranh của họa sĩ). Ngoài họa sĩ còn các văn sĩ như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Quang Sáng, Võ Khắc Nghiêm, Hứa Văn Định…
Họ không bao giờ gọi tôi là Lâm Toét, do đó tôi quý mến anh em văn nghệ sĩ, tôi học tập được nhiều quá khứ, hiện tại. Anh em văn nghệ quý mến tôi, rất thành thực đối với tôi bằng một tình cảm không biên giới.
Tôi bán hàng nhớ nhất hai loại khách hàng, một là đứng đắn, lịch sự, tình cảm. Hai là lố bịch, thiếu những đức tính tối thiểu.
Anh em văn nghệ dẫn tôi đi xem tranh, xem triển lãm mỹ thuật. Tôi yêu nghệ thuật từ đó.
Các họa sĩ vẽ chân dung tôi, vợ, con, em tôi, tặng tôi.
Tôi hy sinh nhiều thứ, kể cả ăn, mặc, tôi lại không nghiện bia, rượu, thuốc lá, không thích mặc đẹp, tôi bỏ cả xem đá bóng, chiếu bóng… để mua thuốc vẽ, toan, giấy bút cho họa sĩ vẽ.
Thế mà 1965…
Đã không khuyến khích lại còn… Biết bao dư luận, nào mục đích của tôi để kinh doanh tranh, nào cho người nước ngoài xem và bán cho họ. Nào định bán cho Viện Mỹ thuật tranh…
Ở đây tôi chỉ muốn ghi vài nét tâm tư của tôi, ở ba vấn đề có liên quan tới mỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật của Việt Nam mà tôi yêu quý nó.
Nếu nói là kinh doanh thì có lẽ chẳng phải kinh doanh đến nghệ thuật.
Nước Pháp có Pari.
Nước Việt có Hà Nội.
Văn Lang, Âu Lạc, Đại Cồ Việt, Vạn Xuân, khơi dòng lịch sử trên bốn nghìn năm, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Hà Nội có Trường đại học Văn Miếu đã từ lâu.
Hơn nữa Tổ quốc ta là một cây cổ thụ (ví như cây cổ thụ), thế thì mọi người chúng ta phải ra sức bồi đắp vun trồng lấy nó, nó mới xanh tươi, nó xanh tươi ta càng tự hào dân tộc, tự hào là đã được sinh ra ở đất ngàn năm văn hiến.
Còn cho người ngoại quốc xem, hay bán cho họ thì như thế này: năm 1965 họa sĩ Trần Duy có giới thiệu một người Đức (tên là Chiến sĩ, đã theo kháng chiến với ta) tới xem tranh của tôi, ông tới 2 lần tôi đi sơ tán, lần thứ ba ông lại dẫn vợ chồng một người Liên Xô tới, thì gặp tôi. Tôi cám ơn, tôi nói: các bạn từ vạn dặm tới giúp nhân dân Việt Nam, các bạn lại biết đến nghệ thuật của Việt Nam, các bạn lại biết tới tôi, tôi là một người dân bình thường ở Hà Nội, tôi rất cám ơn các bạn, tôi rất tự hào là các bạn biết tới nền nghệ thuật của nước tôi. (Tôi nói đến cái niềm tự hào của dân tộc, trong đó có tôi), nhưng rất tiếc là hoàn cảnh nước tôi có chiến tranh chống Mỹ, nhân dân ở phố tôi không biết các bạn là người dân chủ, hay đế quốc, vì vấn đề bảo vệ trị an, nhân dân có thể ngờ vực tôi là giao dịch với người ở nước tư bản, mong các bạn thông cảm, về Hội Mỹ thuật hay Viện Mỹ thuật, Sở Văn hóa của Hà Nội xin 1 giấy giới thiệu, tôi xin sẵn sàng dẫn các bạn xem tranh của tôi sưu tầm. Thế là thôi không thấy các bạn đó mang giấy lại nữa. Chứ nào có được xem bức tranh nào đâu, có mua bức nào đâu, mà có mua tôi cũng không bán cơ mà.
Còn bức tranh vẽ Huế năm 1942 của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung thì Viện Mỹ thuật mượn cùng bộ Tố Nữ và lọ gốm, tôi có bán bao giờ. Viện có đặt vấn đề hỏi mua, tôi nói: tôi sẽ tặng Viện tất cả bức nào, thứ đồ gốm nào mà Viện chưa có, chứ tôi có bán đâu. Viện giữ còn cẩn thận, chắc chắn hơn tôi, và còn để cho nhiều người xem được. Vì nó là Văn hóa mà Văn hóa là vốn chung của mọi người, tôi bảo quản gìn giữ cho ngày mai, cho mãi mãi những thế hệ sau nghiên cứu.
Cuối đời tôi sẽ di chúc cho con tôi bảo quản, nếu Nhà nước cần tôi sẽ tặng.
Sau cái năm 1965 hay 1966 đó thì tôi chán nản, tiêu cực là có một vài người lợi dụng chức vị hay vì hiểu lầm, đã không khuyến khích thì thôi lại còn chuyện này chuyện khác.
Tuy thế tôi vẫn giữ vững lập trường là gìn giữ bảo vệ nó, mang nó đi sơ tán, và vẫn nung nấu trong lòng, những năm Mỹ bắn phá Hà Nội vẫn thăm các họa sĩ và các họa sĩ vẫn tặng tranh tôi.
Mãi tới năm 1971, Viện Mỹ thuật gửi một bức thư đến cảm ơn tôi đã cho Viện mượn tranh, lọ gốm, lòng tôi lại vui mừng, đã được niềm ăn ủi, tôi lại say sưa với nghệ thuật.
(Sự thực tôi nói với đ/c… có vài lời vắn tắt, chứ không phải cả mấy lời tâm tư tình cảm của tôi ở đây). Đêm 29-3-1971”.
Vì khuôn khổ bao giờ cũng có hạn của một bài báo, xin được kết thúc phần trích dẫn ở đây, để còn dành cho một dịp khác chắc chắn sẽ đến. Trong các cuốn sổ của ông Nguyễn Văn Lâm vẫn còn vô vàn điều hay và thú vị.
Lời cuối của người dẫn
Thuở bé, đi học, ông Nguyễn Văn Lâm rất sáng dạ, thông minh, lớp học có trên dưới 60 trò thì ông luôn luôn đứng thứ 2, thứ 3 về học lực. Ông cũng vô cùng ham thích đọc sách… Nghe nói, có lần ông gặp một ông thầy, ông thầy phán: Nếu muốn khỏi bị mù, ông phải tu Phật. Và rồi ông đã trở thành một Phật tử tốt, chính danh, hàng ngày đọc kinh, thỉnh mõ, đi chùa, làm nhiều điều thiện, sống rốt ráo theo triết lý bác ái, vị tha của nhà Phật.
Vóc người ông Lâm nhỏ thó, nói hơi bụm miệng, tiếng nói cũng nhỏ. Ứng xử với người đời, ông vô cùng nhã nhặn, khiêm cung, thậm chí có nhiều phần tự ti.
Năm 1995, Sài Gòn Tourism đã tổ chức trưng bày trọng thể bộ sưu tập nghệ thuật của ông Nguyễn Văn Lâm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đấy cũng là lần đầu tiên bộ sưu tập của ông được chính thức ra mắt đông đảo công chúng. Tiếp theo, trong các năm 1997-1998 là những cuộc trưng bày ở một số nước châu Âu, đặc biệt ở Pháp. Tại cuộc trưng bày ở Paris ông Lâm đã sang dự với tư cách khách mời. Ông xem những sự kiện ấy là thành công lớn của đời ông.
Sự thực thì từ năm 1993 ông Nguyễn Văn Lâm cũng đã bắt đầu bán đi một số tranh trong bộ sưu tập của ông, cũng là chuyện bất đắc dĩ ông phải làm. Ông hay nói với người khác, nhưng cũng như để tự nhủ mình, rằng: “Người Trung Quốc tranh đã chơi rồi, thì không bao giờ bán.”
Ông Lâm lúc sinh thời rất thích một câu nói của người xưa, câu nói ấy đã được ông ghi lại trong các cuốn sổ này: “Vô nhập nhi bất tự đắc yên” (có nghĩa là: Không ở vào cái hoàn cảnh nào mà không có niềm vui). Hoặc một câu khác trong Kinh Pháp hoa có dạy rằng: “Tất cả mọi công-nghiệp, giúp ích cho cuộc nhân sinh, đều là Chính Pháp”…
Vào năm 1996, sau một năm đánh dấu thành công của ông trong lĩnh vực sưu tập nghệ thuật, ông Lâm đã quay trở lại một trang mà ông đã viết vào năm 1972. Vào năm ấy, ông viết: “Tôi chỉ còn biết tu thân tới năm Bính Tý (1996), đỡ phải siêu liêu, vất vả, bệnh tật hiểm nghèo. Trước ngọn đèn dầu, ngày Tân Mão, tháng Mạnh Hạ, năm Nhâm Tý, 29-6-1972”. Nhưng đến năm 1996 này, ông đã viết thêm vào bên dưới đoạn vừa kể trên ấy một lời bình: “24 năm tôi thấy bài này rõ hơn. Nguyễn Văn Lâm”.
Ông Nguyễn Văn Lâm mất năm 2000, Canh Thìn, mất sau vợ ông vài năm, thọ đúng 70 tuổi. Những gì ông để lại đều do các con, các cháu ông quản lý và tự quyết. Cuộc đời ông, cho dù có nổi tiếng là một nhà sưu tập nghệ thuật, thậm chí có người còn gọi ông là một huyền thoại, song cái được lớn nhất, với ông, có lẽ không hẳn ở điều đó, mà chính là ở chỗ: Ông đã sống một cuộc đời như ông mong muốn, bằng một nỗ lực và niềm ham mê phải nói là hiếm có, để định nghĩa đích thực mình là một con người.
Quang Việt