Nguyễn Tư Nghiêm bắt đầu vẽ con giống từ 1955-1956, sau khi ông chép được hình “mèo ngoạm cá” trên một bức chạm khắc ở một ngôi đình cổ đông bắc Bắc Bộ.
Và kể từ năm Mậu Thìn 1988, ông ít vẽ các con giống rời rạc, mà vẽ đủ các con giống “thập nhị hoa giáp” trên từng mỗi bức tranh. Vẽ năm nào thì con giáp năm ấy là vật chủ. Trên cơ sở nghiên cứu sâu về lý số, y lý, y pháp, y thuật cổ Á Đông, ông đã lập ra một hệ cấu trúc không gian và một hệ màu riêng cho chủ đề này, thể hiện được một thế giới quan, nhân sinh quan độc đáo, một cái nhìn cụ thể mà siêu hình về sự vận hành của vũ trụ qua các con giáp.
Riêng về vẽ “lợn” (hay gà, chuột, trâu), Nguyễn Tư Nghiêm có tham khảo tranh dân gian Đông Hồ, cảm hứng của ông rất gần với cổ nhân. Ông vẽ lợn độc, lợn ăn lá giáy, lợn đàn vô cùng sinh động, với cả “tâm tính” riêng biệt của chúng.
Từ những năm 1990, tranh Nguyễn Tư Nghiêm thuần khiết tính Á Đông, ông đã “đoạn tuyệt” với nghệ thuật phương Tây, để rồi đạt tới sự mộc mạc, đơn giản và tự nhiên vô tiền khoáng hậu.
F.A.M.