Nguyễn Sỹ Tốt sinh năm 1920 tại làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Tây cũ, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tình nguyện vào Vệ quốc quân, có mặt đầu tiên tại Sư đoàn 316. Rồi ông có mặt tại các chiến dịch Biên giới, Trung du, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Cảm hứng nghệ thuật của ông bắt nguồn từ cuộc sống lam lũ của nông dân, tinh thần yêu nước nồng nàn của anh bộ đội, chị dân công, anh thương binh và các em nhỏ đáng yêu.
Người ta làm quen với hội họa của Sỹ Tốt từ bức bột màu “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng” vẽ cuối năm 1954, cùng năm tranh được giải ba Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Đây là niềm khích lệ ông đi theo một khuynh hướng sáng tác nhất quán, bám lấy hiện thực, tìm thấy trong cuộc sống muôn hình muôn vẻ này một điểm dừng hợp với tạng chất, tình cảm chân thành của mình. Và ông đã thành công.
Năm 1958, bức bột màu “Em nào cũng được học cả” lại được giải nhì Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, là một trong những tác phẩm tham dự triển lãm tại các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Các bình luận viên mỹ thuật của báo Sự thật (Liên Xô) đã nhận xét: “Phải có lòng yêu tha thiết đối với các em, tác giả mới có thể vẽ thành công đến như vậy”. Cùng triển lãm với tranh “Em nào cũng được học cả” là một tác phẩm vẽ ngay tại quê hương Cổ Đô của ông, bức “Lúa non buổi sớm” với chiều sâu thăm thẳm của không gian rộng lớn.
Nhưng nói đến Sỹ Tốt, người ta lại nhớ ngay đến bức sơn dầu “Tiếng đàn bầu” (1963). Những ngày đầu mới thành lập Bảo tàng Mỹ thuật (1966) nơi treo bức “Tiếng đàn bầu” luôn luôn đông người xem và bình luận, mọi người yêu thích phát hiện những chi tiết đẹp, ý nghĩa trên tác phẩm. “Tiếng đàn bầu” đi vào tình cảm con người thật nhẹ nhàng sâu lắng bởi tính đôn hậu mà hồn nhiên, tả thực mà không nệ thực. Cảnh vật trong tranh thật ấm áp dung dị, đôi nét hóm hỉnh, duyên dáng. Mối giao lưu tình cảm giữa tiếng đàn của anh bộ đội về nghỉ phép với những người thân: em bé nằm sấp chéo chân vui thích cười rung người, em bé quỳ gối mân mê chiếc quân hiệu trên mũ, cô gái chải tóc lấp ló bên cửa buồng, kín đáo ngắm nhìn anh, một khung cảnh quen thuộc đến khó quên cứ quyện lấy nhau: bức tranh gà trên vách, bồ thóc, chõng tre, trong một không gian thật bình yên đã đưa tác phẩm vào vẻ đẹp vĩnh cửu của mỹ cảm Việt Nam.
Vốn là người trong quân ngũ, nhiều năm tháng chiến đấu và rèn luyện, Sỹ Tốt rất ưu ái những chủ đề về bộ đội, về những không gian thời gian đã qua của cuộc kháng chiến thần thánh, từ tranh “Bắt sống Đờ Cát-tri”, “Chở hàng quân sự” đến “Tên lửa pháo binh”, chân dung các chiến sĩ, bộ đội du kích. Tác phẩm sơn dầu “Ơ! Bố” (1974) ra đời từ nguyện vọng đi sáng tác ở chiến trường Nam Bộ, để được gặp người con trai ở chiến trường Tây Ninh. Ông tâm sự: “Vẽ tranh này tôi dành tất cả tình thương cho những người lính trẻ, họ như con em mình, thân thiết như ruột thịt của mình”. Với cách nhìn trực quan đôn hậu, ánh sáng tươi tắn rực rỡ, “Ơ! Bố” đã phác họa một hình ảnh quen thuộc hàng ngày trên mọi nẻo đường chiến dịch. Tình cha con đã được đẩy cao hơn trong tình cảm của người chiến sĩ. Và dường như chỉ có một họa sĩ như Sỹ Tốt mới thể hiện được những tình cảm cao quý đó.
Những năm 1970, 1980 đã thành thường lệ, năm nào ông cũng tổ chức một phòng tranh nhỏ tại gia ở thôn Cổ Đô, quê hương ông. Tranh treo trên tường, để trên bàn, trên phản, trên chõng, thậm chí để cả ở hiên nhà. Bạn bè đến xem, các họa sĩ bạn vong niên Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Văn Y, Mai Văn Hiến, Phan Kế An… đến Cổ Đô xem tranh, tán chuyện sáng tác, sinh hoạt hội hè. Chủ nhà Sỹ Tốt luôn bận rộn, khi giới thiệu tranh, khi xuống bếp bắc vội nồi khoai, bê ấm nước chè, với cái điếu cày, cho bạn. Ba gian nhà lá râm ran tiếng cười nói, bình luận, trêu chọc.
Ánh nắng vàng ươm như nhảy nhót trên những tranh giấy dó nhẹ nhàng của sưu tập hoa mới vẽ: hoa cỏ xé, hoa mào gà, hoa hồng, hoa lan, cúc, bìm bìm, rau muống, thiên lý, bí, mướp, những hoa trong vườn nhà ông vẽ đủ hết, màu sắc thấm đượm trên giấy dó, ấm áp tình đời, tình người cởi mở. Cảm giác đầu tiên đến với người xem là tình cảm chân thành, hồ hởi, hồn nhiên của người lính, người họa sĩ nông dân hiền lành, bình dị. Xem tranh ông ta không thấy có sự phô trương, tình cảm giả tạo. Đó là những tác phẩm có trình độ nghệ thuật cao, có sức gợi cảm, gây ấn tượng mạnh mẽ. Ông sáng tác với một tấm lòng nhân hậu, bởi thế tác phẩm của ông đầy tính nâng niu và trân trọng đối với cuộc sống.
Và cũng từ đó (từ quê hương bình dị đó) ông lặng lẽ qua đời năm 2002 ở tuổi 82.
Ông mất rồi những người bạn già không còn dịp về Cổ Đô vui vẻ những chiều hè, những cuộc bịn rịn chia tay bên triền đê Cổ Đô quen thuộc với những háo hức hẹn hò sẽ có một làng quê Cổ Đô họa sĩ. Sỹ Tốt từng khẳng định mỗi người dân làng quê Cổ Đô đều yêu thích hội họa, họ vẽ xóm làng thân thuộc của vùng quê châu thổ sông Hồng với những địa danh kháng chiến du kích sông Thao, vùng đất Tổ và núi Tam Đảo huyền thoại.
Thế hệ trẻ Cổ Đô hôm nay đã làm trọn tâm nguyện năm nào của Sỹ Tốt, đưa Cổ Đô trở thành “làng họa sĩ“. Họa sĩ Phan Kế An người quê Đường Lâm gần gũi với Cổ Đô hơn cả đã chứng kiến những đổi thay của làng họa sĩ ấy. Cách đây vài năm tôi được dự một triển lãm của họa sĩ Cổ Đô bày tại nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cùng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Từ đó người ta biết thêm về người khởi xướng: một họa sĩ bình dị nông dân từ ruộng đồng, quân ngũ thời chiến đã để lại một ước mơ bình dị cho quê hương với mong muốn cả làng làm họa sĩ. Trường phái “Cổ Đô-Sỹ Tốt” năm nào đã trở nên quen thuộc khi nghĩ về làng quê Cổ Đô đã trở thành kỷ niệm của những người bạn xưa cũ. Một ký ức êm đềm không dễ mấy ai có được.
Nguyễn Hải Yến