Tái sinh
Trong 12 con giáp, Tý (chuột) là linh vật đứng đầu, khởi tạo một chu kỳ thời gian mới. Ý nghĩa đó gần giống với biểu tượng cho sự tái sinh của chuột ở một số nền văn hóa khác.
Ở bang Rajasthan (Ấn Độ), người ta tin rằng chuột là con của nhà nữ hiền triết và chiến binh Karni Mata (sau được phong thần trong Hindu giáo, hóa thân của nữ thần Durga). Do đó, ở vùng này, chuột được xem như thần thánh, không được phép giết chết. Ước tính xung quanh đền thờ Karni Mata ở Rajasthan có khoảng 25.000 con chuột được bảo vệ và cho ăn bằng sữa, kẹo, ngũ cốc. Truyền thuyết kể rằng con trai của Karni Mata bị chết đuối trong khi cố gắng uống nước dưới hồ. Karni Mata đã cầu nguyện Thần chết Yama để hồi sinh con trai mình. Lúc đầu, Yama đã từ chối nhưng sau đó đã đồng ý và ban một ân huệ cho Karni Mata rằng con trai của bà sẽ được tái sinh thành chuột. Đền thờ có hệ thống cửa bằng bạc rất nổi tiếng, trên đó mô tả cuộc đời và sự nghiệp của Karni Mata cũng như có nhiều hình ảnh chuột.
Chuột (chũi) đào hang sống dưới đất, nên trong một số nền văn hóa nó tượng trưng cho người hướng dẫn cho các linh hồn trải qua bóng tối và các đường mê cung dưới lòng đất để tìm sự tái sinh. Chuột chính là người thầy khai tâm về những điều huyền bí của đất và của sự chết. Trong thần thoại Hy Lạp, thần chữa bệnh Asclepius khởi thủy là thần chuột, đã sáng tạo mô hình mê cung từ hang của mình. Mê cung được quan niệm vừa như ngôi mộ, vừa như nơi lưu trú trong lòng đất của các vị thần.
Người Bambara (châu Phi) có tục lệ cắt âm vật của phụ nữ và cho chuột ăn. Giới tính của đứa trẻ đầu tiên mà thiếu nữ ấy sẽ sinh ra phụ thuộc vào giới tính của con chuột ăn âm vật. Họ cũng cho rằng, chuột chuyển tải một phần linh hồn của người bị cắt xẻo (âm vật được coi là phần nam giới ở sinh thực khí nữ) trở về với Trời để đợi sự hóa kiếp.
Phát bệnh và chữa bệnh
Trong trường ca Iliad của Homer, thần Apollo được nhắc đến dưới cái tên Smintheus, phối sinh từ một từ có nghĩa là chuột. Ông già Chryses đã cầu xin thần Apollo trừng trị Agamemnon vì không trả lại con gái và lăng nhục mình bằng cách gây ra bệnh dịch cho quân đội Hy Lạp. Nhưng mặt khác, Apollon là vị thần của ánh sáng, đôi thi còn có nhiệm vụ bảo vệ mùa màng, chống lại các loài chuột. Do đó, hệ biểu tượng về chuột ở người Hy Lạp có tính nước đôi: vừa là sự phá hoại, vừa là bảo vệ khỏi sự phá hoại. Tính chất nước đôi này cũng bắt gặp trong văn hóa Ấn Độ với truyền thuyết một thần chuột, con của thần Rudra, vừa phát tán bệnh dịch vừa có khả năng chữa bệnh.
Sung túc
Theo nhà phân tâm học Freud, chuột là con vật lén lút, nhơ bẩn, đào bới lòng đất, mang hàm nghĩa dương vật và hậu môn, nối liền với khái niệm của cải, tiền tài. Trong một vài trường hợp, chuột có thể trở thành hóa thân của trẻ em, cũng là dấu hiệu của sự sung túc, thịnh vượng. Nhân vật chuột Mickey của hãng Walt Disney cũng phần nào thể hiện ý nghĩa này. Chuột Jerry trong loạt phim hoạt hình “Tom và Jerry” còn mang tính cách thông minh, lanh lợi, ranh mãnh.
Ở Nhật Bản, chuột là bạn của Daikoku, thần của sự giàu có. Một số vùng ở Sibir cũng có cách hiểu về biểu tượng sung túc của chuột gần như vậy. Thành ngữ Việt Nam có câu “chuột sa chĩnh gạo” để nói về sự giàu có nhờ may mắn.
Một số vùng ở Ấn Độ cũng cho gắn chuột như biểu tượng của sự giàu có, nhưng là do gian lận, ăn cắp. Kẻ cắp ở đây là kẻ cắp tâm hồn, là hưởng thụ những thành quả của sự tu luyện khổ hạnh. Nó là vật cưỡi của vị thần đầu voi Ganesha, vị thần của tài trí, hạnh phúc và thành công.
Hoàng My