NGUYỄN KHẮC CHINH – HẠNH PHÚC KHI LÀ CHÍNH MÌNH

 

Nguyễn Khắc Chinh: sinh năm 1984. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật hà nội (2006). Hiện sống và sáng tác tại Hà Nội.

Tạp chí Mỹ thuật (TCMT): Nghệ thuật Việt Nam nhìn chung biến chuyển như thế nào trong vòng 10 năm trở lại đây, thưa anh ?

Nguyễn Khắc Chinh (NKC): Nhìn rộng ra và quan sát kỹ sẽ thấy có nhiều nhân tố mới với suy nghĩ và cách thức hoạt động khác. Cách đây khoảng 10 năm là thời điểm có nhiều thay đổi mạnh mẽ các hình thức nghệ thuật thị giác theo tinh thần và kỹ thuật Contemporary Art như sắp đặt, trình diễn, video art nở rộ, tạo nên làn sóng thu hút các nghệ sĩ trẻ quan tâm tham gia, trong đó có tôi. Trước đó, tôi chỉ vẽ tranh thuần túy, sau khi tìm hiểu đã tham gia các workshop làm các tác phẩm dưới hình thái kể trên. Trong một thời gian khoảng 3 năm, tôi đã thay đổi tư duy và các quan niệm về nghệ thuật, đã đa chiều hơn. Tôi rất yêu hội họa, và sau đó đã quay trở lại với hội họa giá vẽ, nhưng với tâm thế hoàn toàn khác. Khi đó tôi thấy được tính tổng thể của Contemporary Art – Nghệ thuật đương đại bao gồm các ý tưởng, ý niệm và các hình thức biểu hiện để truyền đạt. Trong làn sóng đương đại đó rất nhiều họa sĩ đã nỗ lực tìm kiếm bản thân, tìm kiếm và khẳng định ngôn ngữ cá nhân một cách rõ ràng, tạo nên một lớp nghệ sĩ khác trước rất nhiều về tư duy cũng như lối biểu hiện. Ví dụ trước kia các họa sĩ vẽ những hình tượng mang tính chung chung ước lệ trong cách biểu hiện thì nay cách biểu hiện của họ mang tính cá nhân hơn, “cực đoan” hơn. Họ đã tạo nên sự khác biệt so với trước kia và cũng được công chúng đón nhận nhưng tựu chung thì vẫn còn khá xa lạ. Đến những năm gần đây, theo quan sát chung, thì tôi thấy còn có những sự thay đổi khác nữa. Đó là làn sóng các họa sĩ đi tìm tiếng nói riêng khẳng định phong cách cá nhân càng ngày càng ít đi, bởi những gì hay ho, khác lạ trong hội họa rất khó tìm thấy. Nếu có tìm được thì cũng khó để thể hiện thành công. Thay vào đó là các trào lưu hướng tới vẽ hiện thực đèm đẹp đáp ứng được một nhu cầu của thị hiếu của số đông người xem và nhu cầu của thị trường… Điều này có thể sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới nữa!

Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh

TCMT: Lý do quay về “hiện thực” ở đây có thể là gì anh nhỉ ?

NKC: Đó là trước kia họa sĩ, nghệ sĩ phần lớn thành công là nhờ các gallery, các nhà môi giới nghệ thuật Art Dealer. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây thì các họa sĩ, nghệ sĩ đương đại nói chung họ hoạt động mang tính độc lập hơn và ít phụ thuộc vào các gallery hơn. Bởi với thời công nghệ thông tin này, họ có thể tiếp cận với kiến thức cũng như khách hàng, thị trường một cách trực tiếp, khiến họ chủ động trong mọi việc từ sáng tác, chọn lối đi của mình cho đến tiếp cận khách hàng bằng các kênh mạng xã hội cũng như các trang website cá nhân. Thành công thì cũng không đáng kể lắm, nhưng đã hình thành lối tư duy và hoạt động khác trước. Có thể nói xã hội thay đổi đã làm cách thức hoạt động của các nghệ sĩ thay đổi, và điều này diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

TCMT: Vậy anh sẽ nói gì về hoạt động nghệ thuật của bản thân ?

NKC: Đời sống nghệ thuật của tôi có thể gói gọn cơ bản trong hai yếu tố: tác phẩm và quan niệm sáng tác. Các tác phẩm của tôi trong khoảng 10 năm trở lại đây mang âm hưởng của của cuộc sống hiện tại lẫn quá khứ, và những dự cảm về tương lai qua sự quan sát, cảm nhận, thực hành, kinh nghiệm và đúc kết của mình thông qua nhận thức thế giới. Người xem có thể thấy sự kết hợp trên tranh những yếu tố của nhiều trường phái Cổ điển, Tượng trưng, Tối giản, Pop Art, Siêu thực… hay ảnh hưởng của Thiền và các quan niệm Phật giáo. Có thể nói, tôi đã tìm được “chính mình” qua những sáng tác đó. May mắn khi những đứa con tinh thần ấy được mang ra giới thiệu đến công chúng như ở ba triển lãm cá nhân lớn gần đây là “Cuộc sống ma-nơ-canh” năm 2014 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, năm 2015 tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh và “Thế giới ma-nơ-canh” năm 2019 cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nguyễn Khắc Chinh (sinh 1984) – Tìm kiếm gương mặt thật. 2015. Sơn dầu. 215x195cm.

TCMT: Anh tiếp nhận ảnh hưởng của trường phái Cổ điển như thế nào ?

NKC: Ngay từ ngày luyện thì vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội thì tôi đã tiếp xúc học hỏi qua các tài liệu tranh ảnh. Những bản “dessin” của các danh họa bậc thầy Cổ điển như Leonardo da Vinci, Raphael, Rubens, Titian, Rembrandt, Michelangelo… khiến tôi vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ. Sau khi vào đại học, tôi tiếp tục học hỏi và nghiên cứu, cũng bị ảnh hưởng nhiều trường phái khác nhau như cổ điển, hiện đại và phong cách của nhiều danh họa, nhưng chung quy ảnh hưởng lớn nhất vẫn là cổ điển và những gì đặc trưng nhất các bạn nhìn thấy trên tranh của tôi đều mang tính cổ điển. Gần đây, tôi cũng đã thực hành kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp theo như hướng dẫn trong cuốn “Kỹ thuật sơn dầu” của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng. Đó là một cuốn sách mang lại cho tôi nhiều kỹ thuật và kiến thức quý giá.

TCMT: Hình như anh còn đi châu Âu một chuyến thì phải ? Đó có phải là dịp để tận mắt chiêm ngưỡng những kiệt tác hội họa thế giới không anh ?

NKC: Đúng là như thế. Năm 2018, tôi quyết định đi châu Âu thăm các bảo tàng mỹ thuật lớn nhất và quan trọng nhất thế giới như Louvre, Mauritshuis, Rijkmuseum… và xem tận mắt những kiệt tác nổi tiếng của các danh họa. Có thể kể đến như “Mona Lisa”, “Đức Mẹ trong hang đá” của Leonardo da Vinci; “Tuần đêm”, “Cô dâu Do Thái” của Rembrandt; “Cô bé đeo khuyên tai ngọc trai”, “Cô gái rót sữa” của Vermeer; các kiệt tác của Rubens, Titian, Van Eyck, Holbein… và nhiều kiệt tác của các danh họa khác nữa mà không kể hết được ở đây…

TCMT: Sau chuyến đi ấy, anh có bao giờ nghĩ hội họa cổ điển sẽ trở nên “lạc hậu” hơn trong thời đại 4.0 này không ?

NKC: Đúng là bây giờ các họa sĩ không chỉ vẽ thủ công bằng tay mà còn vẽ bằng các phần mềm trên máy tính, (hay sơn phun Airbrush…), nhưng các công cụ mới này không thể thay thế các công cụ truyền thống của hội họa giá vẽ được. Khi bạn sống trong hội họa, bạn mới thấy phương pháp vẽ cổ điển không phải “lạc hậu”, mà đó là kỹ thuật vẽ cao cấp nhất và phức tạp nhất mà con người đã tạo ra. Hiện nay rất ít họa sĩ theo được và rất ít họa sĩ đạt được hiệu quả thẩm mỹ của nó. Phương pháp này không chỉ áp dụng cho sơn dầu mà có thể coi là quy tắc chung chuẩn mực cho hội họa. Trên các mạng xã hội, các website trên khắp thế giới đều thấy người ta lấy dẫn chứng từ các hiệu ứng trong các kiệt tác của các bậc thầy cổ điển để minh họa trong khi dạy các phương pháp vẽ được cho là hiện đại.

Nguyễn Khắc Chinh (sinh 1984) – Quý Cô Việt Nam. 2019. Sơn dầu. 195x155cm

TCMT: Vậy thị trường tranh có tác động tới các tác phẩm nghệ thuật của anh đến đâu?

NKC: Tôi là họa sĩ vẽ và bán tác phẩm từ ngày ra trường. Có thể nói là họa sĩ thuần túy sống bằng tranh. Thị trường tranh khá đặc biệt, nó gần như không có quy chuẩn nào cụ thể, mà chỉ có thể hiểu và đánh giá nó ở mức độ nhất định trên một mặt bằng chung trong đó nổi lên các cá nhân tiêu biểu. Những ngày đầu tôi chỉ quan tâm đến việc vẽ bởi đó là công việc chính của họa sĩ. Tôi cũng có cộng tác và làm việc với các gallery trong nước và nước ngoài, các nhà sưu tập. Phần lớn họ định hướng giá tranh cho mình, nên mình cũng hiểu được phần nào cách thức hoạt động của thị trường. Nếu bạn không có gì đặc biệt thì sẽ phải tuân theo mức giá mặt bằng chung, khi bạn vượt khỏi mức này sẽ rất khó bán bởi các nhà sưu tập sẽ có rất nhiều lựa chọn. Để định giá chính xác là điều rất khó chỉ tương đối. Sau một thời gian, tôi cũng chọn được mức giá bán tranh phù hợp với vị trí của mình và cũng điều chỉnh nhiều lần để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Từ trước đến nay tôi luôn đặt chất lượng, hay nói cách khác là phẩm chất của hội họa trong tác phẩm lên hàng đầu, làm những điều mình suy nghĩ, yêu thích một cách hoàn hảo nhất, không chạy theo thị hiếu trào lưu nên cũng có được một thị trường riêng.

TCMT: Nghệ sĩ nên trang bị thêm những gì trong thời đại 4.0 này để đưa nghệ thuật phát triển theo sự tiến bộ của công nghệ, thưa anh ?

NKC: Thời buổi 4.0 các nghệ sĩ sẽ có vô cùng nhiều thông tin và phương tiện. Tất cả những gì nghệ sĩ cần đều có, thậm chí dư thừa, nên việc chọn lọc những gì cần cũng là một vấn đề, nếu chọn nhầm sẽ phải trả giá bằng thời gian, công sức và tiền bạc. Nghệ sĩ nên chủ động học hỏi làm chủ các công nghệ liên quan đến công việc. Nghệ thuật là mảng đặc thù riêng nhưng cũng nằm trong vòng quay chung của xã hội. Phương tiện thì sẵn bên ngoài, nhưng tôi vẫn thấy rất quan trọng là cái vốn bên trong cốt yếu là tâm hồn, thẩm mỹ, trí tuệ, sự nhạy cảm và rung động… Những điều này nên được trau dồi hàng ngày, và từ cái gốc này sẽ thấy được mình thực sự muốn làm điều gì và xã hội cần gì. Trong nghệ thuật, nghệ sĩ luôn coi xã hội, những gì mình sống, trải nghiệm là chất liệu sáng tác, và tất nhiên rất cần kết hợp với công nghệ, vì công nghệ cũng có thể đem tới tinh thần và hình thức thể hiện phù hợp với thời đại.

TCMT: Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện.
NKC: Cảm ơn Tạp chí Mỹ thuật!

Hoàng Chính (thực hiện)

 

 

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Tin cùng chuyên mục

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ MỘNG BÍCH: NGƯỜI PHỤ NỮ VẼ LỤA ĐI GIỮA HAI THẾ KỶ

Đúng hẹn, tôi cùng Hoàng Anh-Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, đến thôn Na, xã Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) vào 8 giờ sáng ngày 29/12/2020. Nắng đẹp, gió thổi mát rượi, chưa có dấu hiệu gì của...

TRÒ CHUYỆN CÙNG CHARLOTTE AGUTTES- REYNIER: HỘI HỌA VIỆT NAM NHỮNG CÂU CHUYỆN

Giới thiệu từ trang web chính thức: Aguttes là nhà đấu giá thứ tư của Pháp và là nhà đấu giá độc lập đầu tiên, không có cổ đông bên ngoài. Aguttes được thành lập vào năm 1974 bởi Claude Aguttes...

ĐỖ HIỆP – NGHỆ SĨ LÀ TẤM HÌNH PHẢN CHIẾU TỪ XÃ HỘI

  Đỗ Hiệp: sinh năm 1984. tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật hà nội (2007). Cao học Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2012). Hiện đang sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội. Chủ nhiệm...

Tia- Thủy Nguyễn – Nghệ sĩ độc lập và tự chủ về tài chính dễ sáng tác và tự do hơn

  Tia-Thủy Nguyễn: sinh năm 1981, lớn lên ở Hà Nội, hiện ở TP. Hồ Chí minh. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006. học bổng du học tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc...

HỌA SĨ TÔN ĐỨC LƯỢNG – LÀM GÌ, SÁNG TÁC TRƯỚC HẾT PHẢI XUẤT PHÁT TỪ LÒNG NHÂN ÁI, TỰ TRỌNG

  Họa sĩ Tôn  Đức Lượng sinh năm 1925 ở làng Đại Tráng, Bắc Ninh trong một gia đình viên chức. Ông là một trong 15 sinh viên khóa XVIII (1944-1945), khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật...

Có thể bạn quan tâm

Diện mạo mới của mỹ thuật Việt Nam

NDO – Cuộc thi và triển lãm Mỹ thuật Việt Nam diễn ra từ ngày 6 đến hết 20/12 tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là dịp để công...

MARCELINO TRƯƠNG LỰC VÀ ÁM ẢNH QUÊ CHA

  Marcelino có dáng dấp một diễn viên điện ảnh người Pháp, với mái tóc nghệ sĩ và vóc dáng cân đối. Anh có phân nửa dòng máu Việt trong người, mẹ anh là một phụ nữ...

Sưu tập tranh kháng chiến nhân xem bộ sưu tập của Nguyễn Phi Hùng

Người chơi tranh, sưu tập tranh ở nước ta xưa nay thường có một trình tự sưu tập, cho dù chỉ là một trình tự mang tính tương đối, nhưng ít khi bị đảo ngược-như sau: Đầu tiên: Tranh hoa, tranh...

Nguyễn Gia Trí – Với sáng tác tranh trừu tượng

Tác phẩm của Nguyễn Gia Trí về hình tượng thiếu nữ trên tranh sơn mài nổi tiếng ngay từ khi ra đời vào những năm 30 – 40. Thời hoa niên, trên những nẻo đường thực địa, ông tìm về làng quê...

Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20 – Phiên đấu giá của Nhà đấu giá Le Auction House

  Hướng tới mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, Nhà Đấu giá LE AUCTION HOUSE tổ chức phiên Phiên đấu giá “Nghệ Thuật Việt Nam Thế Kỷ 20” vào ngày 10/03/2024. Quy...