Hình ảnh rồng tiên đi vào nghệ thuật và đi ra thế giới

 

Bài tham luận Hội thảo Quốc tế về Di sản Văn hóa – Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật năm 2022, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE).

Cách nay tròn 10 năm, tại Paris, lần đầu tiên, các Tiên nữ đến từ các ngôi đình Bắc Bộ đã ra mắt ở trời Tây. Triển lãm do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức thực hiện. Đây là một phần của dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ, Việt Nam”. Triển lãm từ ngày 21/9/2012 trong khuôn khổ “Tuần lễ các nền văn hóa nước ngoài” thường niên lần thứ 16 tổ chức tại thủ đô Paris. Trong ngôi nhà Việt Nam ở Paris, cùng với sự kiện 50 bức ảnh chụp hình tượng Tiên nữ trên chạm khắc đình làng còn có sự kiện âm nhạc Đất nước Rồng Tiên và buổi tọa đàm Rồng Tiên khúc hoan ca. Và 10 năm sau, năm 2022 tại Expo Dubai hình ảnh Rồng Tiên qua hiệu ứng 3D mapping đã được trình chiếu trên vòm của tòa nhà Al Wasl Plaza. Rồng Tiên là một biểu tượng thiêng liêng, đầy tự hào của người Việt đã bay bổng trên bầu trời Dubai.

Các học giả Pháp là những nhà khoa học đầu tiên chú ý đến kiến trúc đình làng Việt. Chúng ta vô cùng biết ơn những nghiên cứu giá trị của KTS Charles Batteur, học giả Louis Bezacier về kiến trúc đình làng. Nhưng không nghi ngờ gì, là phần tinh hoa nhất của nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam, điêu khắc đình làng đã bị bỏ quên, hay đúng hơn là bị bỏ ra trong những nghiên cứu của các học giả Pháp đáng kính.

NGUYỄN QUÂN – Rồng Tiên. 2019. Sơn dầu

 

Vũ Dân Tân – Tiên múa. 1988. Gouache

Tiên nữ cưỡi rồng là biểu tượng tinh hoa nhất trong di sản đồ sộ đó, chưa từng được các học giả phương Tây quan tâm. Những người yêu mến nghệ thuật Việt Nam ở châu Âu chủ yếu mới biết đến Tiên Việt qua các tiết mục rối nước. Cho nên, khi được tận mắt chứng kiến hình ảnh Tiên nữ cưỡi rồng trong các ngôi đình người Việt đã vô cùng xúc động. Xin trích lại lời giới thiệu mà chúng tôi đã viết trong triển lãm này:

Đồ án tiên cưỡi rồng đặc biệt phong phú đa dạng và đặc sắc trong mỹ thuật người Việt. Dù có thấy rải rác ở đâu đó trong trang trí của người Việt như ở đền, ở chùa, những hình ảnh tiên rồng, nhưng trên kiến trúc đình làng vẫn chiếm số lượng nhiều nhất. Các nàng tiên yếm thắm tâng tâng đôi gò bông đảo kẹp chặt lưng rồng bay vi vút trên các cấu kiện kiến trúc đình làng.

Quan Hằng Cao – Diều Tiên tại Festival Diều quốc tế Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017

Đồ án này xuất hiện ngang nhiên giữa đình hẳn có liên quan đến huyền thoại tiên Âu, rồng Lạc – tổ của người Việt. Cách tạo hình tiên nữ trên đình làng giống hệt tiên nữ trong các tích trò rối nước. Giống một cách kỳ lạ từ phục trang, tư thế vũ đạo cho đến thần thái các khuôn mặt, cũng những vạt áo dải khăn ấy, cũng những ngón tay như búp măng cong cong, cũng những chiếc cánh xòe ra múa lượn từ những cánh tay đầy đặn… và không làm sao quên được những cặp môi duyên đầy đặn, nồng nàn mà thánh thiện như từng thấy ở đình Phong Cốc (Quảng Ninh). Nếu như Rồng hùng dũng oai phong bao nhiêu thì Tiên lại yêu kiều, lả lướt bấy nhiêu. Soi kỹ vào các khuôn mặt các nàng tiên như ở đình Diềm (Bắc Ninh), ta giật mình thấy hao hao giống với các khuôn mặt của Phật Bà Quan Âm, lúc phảng phất tượng Mẫu (như ở đình Cổ Mễ, đình Hữu Bổ), lúc lại thấp thoáng các khuôn mặt các đào nương ca Trù (như ở đình Thổ Hà, đình Liên Hiệp)… nhưng có thể là một thôn nữ trong tâm tưởng của một bác phó mộc nào đó (như ở đình Hương Lộc). Ai mà biết các nàng tiên cưỡi rồng đến từ đâu!
Hình ảnh Tiên nữ cưỡi rồng là một hình ảnh đặc sắc, xuất hiện trong hầu hết các không gian tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống như đình đền, chùa miếu, nghè quán, lăng tẩm. Không chỉ là giao lưu học hỏi phong cách tạo hình, các thủ pháp tạo hình tiên nữ, ý nghĩa biểu tượng, cũng có sự tương đồng, sâu thẳm trong đó, hình tượng Tiên nữ là vô thức cộng đồng về bà Mẹ xứ sở.

Tranh dân gian Kim Hoàng Tiên cưỡi rồng Khắc gỗ Sáng tác mới của Nguyễn Đức Hòa Nam Chi

Hình ảnh phóng khoáng, lãng mạn của các nàng tiên đã truyền cảm hứng cho những thế hệ nghệ sĩ Việt Nam hiện đại. Như đã nói trong phần đầu, hình tượng tiên nữ cưỡi rồng đã bị nhà Nguyễn gạt bỏ. Nguyễn Tư Nghiêm là họa sĩ với sự uyên bác và dũng khí của mình đã nối lại mạch nguồn sáng tạo. Ngay từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, ông đã vô số các bức tranh bột màu Tiên nữ cưỡi rồng. Tiếp nối ông, nhiều nghệ sĩ thế hệ kế tiếp như Vũ Dân Tân, Lê Công Thành, Vĩnh Phối, Nguyễn Quân, Hùng Khuynh, Nguyễn Đức Hòa, Triệu Khăc Tiến, Phạm Khắc Quang, Vũ Xuân Đông, Vũ Tiến Lộc… đã sáng tạo những tác phẩm đặc sắc liên quan đến huyền thoại Cha Rồng Mẹ Tiên độc đáo này.

Poster Triển lãm Rồng Tiên trên chạm khắc đình làng ở Việt Nam tại Paris (09-2012)

Những cảm hứng sáng tạo đến từ truyền thống không chỉ là những bức tranh, bức tượng, mà những cô Tiên hóa thân vào những cánh diều đã bay lượn trên khắp trời Âu. Nghệ nhân Quan Hằng Cao, Việt kiều ở Anh, sau lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp các nàng Tiên Việt trên chạm khắc đình làng trong triển lãm năm 2012 ở Paris, đã sáng tạo nhiều mẫu diều Tiên. Những chiếc diều Tiên của nghệ nhân Quan bay lượn nhiều nơi trên thế giới, trong rất nhiều Festival diều quốc tế (ở Anh, Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ). Riêng với tôi, có lẽ ấn tượng nhất là hình ảnh cánh diều Tiên bay lượn trên quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù cho Tiên mẫu Âu Cơ có phải là bà mẹ sinh thành nên dân tộc Việt hay không, nhưng với những nghệ nhân vô danh xưa và các nghệ sĩ hôm nay, đó luôn là một hình ảnh đẹp đẽ, đem đến cho họ những xúc động tự tâm can. Trong bài viết “Totem trong nghệ thuật”, PGS.TS Đinh Hồng Hải đã nói hộ cho các nghệ sĩ về vai trò của các huyền thoại, truyền thuyết trong đời sống nghệ thuật: “Khác với sự chính xác, khô khan và duy lý của khoa học thì sự bay bổng trong ý tưởng của các nghệ sĩ là chất liệu vô cùng cần thiết để đóng góp cho sự sáng tạo của nghệ thuật”.

Họa sĩ-Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế 

 

 

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Cương (2006), Mỹ thuật đình làng – Đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
2. Đinh Hồng Hải (2018), “Totem trong nghệ thuật”, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật số 24/2018
3. Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên, Ngô Sỹ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, 2, Ngô Đức Thọ dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính theo mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Tiến Lương (2022) Giải nghĩa câu đối chữ Hán của các di tích lịch sử văn hóa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, Tr.12
5. Trần Thế Pháp (1960) Lĩnh Nam chích quái, Nxb Khai Trí, Sài Gòn
6. Nguyễn Mạnh Tiến (2021) Khai nguyên rồng tiên, Nxb Hội Nhà văn
7. Tạ Chí Đại Trường (1989) Thần người đất Việt, Nxb Văn Nghệ, USA
8. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2007), Giới có phải là vấn đề? Nxb Mỹ thuật
Website:
Trần Trọng Dương (2019) Nguồn gốc người Việt: Một lược sử tư tưởng, Tạp chí Tia sáng
https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nguon-goc-nguoi-viet-mot-luoc-su-tu-tuong-18523/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Bảo tồn tranh Hàng Trống: Kết nối nghệ thuật truyền thống và đương đại

(Chinhphu.vn) – Tranh dân gian Hàng Trống còn là dòng tranh tiêu biểu của Việt Nam và là dòng tranh dân gian của Thăng Long – Hà Nội xưa. Để bảo tồn, góp phần phát triển văn hóa, du lịch trên...

Lịch sử nghệ thuật thị giác Việt, một chân trời diễn giải mới

  Lịch sử nghệ thuật luôn chào gọi những khả thể mới, cho dù là đến từ cách tiếp cận, phân kỳ, một đối tượng hay phạm vi nghiên cứu mới/khác. Bởi đối với một lĩnh vực liên hệ...

Ngành Văn hóa và những đóng góp vào sự phát triển của đất nước

Cách đây 78 năm, ngày 28.8.1945, Bộ Thông tin, Tuyên truyền – tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra đời. Từ đó đến nay, ngành văn hóa đã không ngừng xây dựng, phát triển và...

Thích ứng và đổi mới – điều kiện để văn hóa nghệ thuật bước ra thế giới

(Chinhphu.vn) – Kỷ nguyên số đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Việt Nam. Công nghệ số đã đang làm biến đổi chuỗi giá trị văn hóa, vì vậy...

Hái một cành sen, luận về loài tuyết liên trong nghệ thuật Việt

Hoa sen luôn mang ý nghĩa biểu tượng của Phật giáo. Hoa sen đi vào câu ca lời hát. Gần đây đã diễn ra tranh huận liên quan đến việc  truy tìm thực sự có hay không cành sen. Tóm tắt tranh luận này...

Có thể bạn quan tâm

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 305&306 tháng 5-6/2018

...

Thông báo về việc tổ chức Đại hội cơ sở Chi hội Mỹ thuật Việt Nam

        HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                                                                 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số: 315/19/BCH       ...

BIẾN CHUYỂN HÀNH TRÌNH VIẾT TIẾP CÂU CHUYỆN ĐÁ

  Những năm gần đây với sự năng động của các nhóm nghệ sỹ và một số không gian nghệ thuật, đã có những hoạt động sáng tác và trưng bày tại làng nghề truyền thống như lànggốm Bát...

SỰ KHÔN LƯỜNG CỦA VIỆC ĐỊNH GIÁ MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT

  Đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Cũng như các đại dịch khác xảy ra trước đây, COVID-19 đã tạo ra xáo trộn lớn trong thị trường nghệ...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 289&290 tháng 1-2/2017

...