ĐÚC ĐỒNG MỸ NGHỆ BIÊN HÒA

 

Bên cạnh một dòng gốm Biên Hòa nổi tiếng, trường Mỹ nghệ Biên Hòa cũng có một dòng đồ đồng một thời cũng nổi danh không kém. Ngành đúc đồng theo lối thoát sáp và nghệ thuật mạ đồng bằng tay với nhiều sắc thái đặc biệt rất thẩm mỹ của trường được các nhà điêu khắc quốc tế hoan nghênh. Nhưng sau nhiều năm ngành đúc đồng của trường chỉ còn cho chúng ta nhắc nhớ lại một thời kỳ thịnh vượng đã qua.

Năm 1902, Hội đồng hàng tỉnh Biên Hòa ra nghị quyết mở trường Dạy nghề Biên Hòa (École professionnelle de Bienhoa – tên gọi ban đầu của trường Mỹ nghệ Biên Hòa) theo đề nghị của ông Chesne – quan chánh tham biện tỉnh Biên Hòa, thì dự kiến trường có bốn ban. Hội đồng hàng tỉnh Biên Hòa bổ sung nghề đúc đồng truyền thống của Biên Hòa. Dự kiến trên không được sự tán thành hoàn toàn của cấp trên là Thống đốc Nam kỳ vì không thể thành lập một trường tương tự như trường Dạy nghề Thủ Dầu Một (các ngành nghề chỉ được dạy ở một trong hai trường).

Trong bản báo cáo về trường Dạy nghề Biên Hòa của ông Chesne – chánh tham biện tỉnh kiêm hiệu trưởng trực tiếp quản lý nhà trường làm tại Biên Hòa ngày 12/8/1903 có ghi:

“Trường này khai giảng ngày 15.3 vừa qua.

Mục đích đeo đuổi khi lập trường này là: 1 – Đào tạo thợ, khi trở về làng có thể sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất đai trong tỉnh; 2 – Hoàn chỉnh vài công nghệ tồn tại trong vùng theo ký ức con người như đúc đồng và gang, những công nghệ này còn trong tình trạng nguyên thủy quê kệch trong khi những nghề tương tự ở Bắc kỳ đã đạt tới sự thịnh vượng rõ rệt như người ta có thể thấy ở triển lãm Hà Nội đối với những món đồ đồng.

Kết quả là bốn ban được thành lập trước hết ở trường Dạy nghề Biên Hòa:

1 – Nghề đan lát mây, tre…;

2 – Công việc về mộc (chạm khắc gỗ, tiện gỗ, thợ ráp sườn nhà, sườn tàu, thợ mộc);

3 – Đúc đồng (làm theo phương pháp của Bắc Ninh);

4 – Vẽ (đề tài bản xứ dành cho thợ chạm khắc và thợ đúc)”.

Bằng tốt nghiệp của Đặng Văn Quới (1909)

 

Bằng tốt nghiệp của Nguyễn Văn Đinh (1929)

 

Bằng tốt nghiệp của Nguyễn Văn Răn (1958)

Như vậy, trường Dạy nghề Biên Hòa lập ra nhằm mục đích đào tạo thợ cho tỉnh và cải tiến một số ngành nghề truyền thống của địa phương nay hầu như mai một trong đó có đúc đồng. Bên cạnh đó, tiếp thu học tập những kinh nghiệm ở các vùng khác để đưa vào chương trình giảng dạy nhằm thu được kết quả cao. Trường cho mời những nghệ nhân Bắc Ninh vào hướng dẫn về môn đúc đồng cho trường là ví dụ. Trong những năm đầu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự cải tổ của những người điều hành trường bằng cách đưa vào việc hướng dẫn kỹ thuật, loại bỏ phương pháp cổ xưa thay thế bằng sự hướng dẫn kỹ thuật làm thức tỉnh sự sáng tạo và trí thông minh của học sinh. Sự tiến bộ rõ rệt của học sinh nhà trường nói chung và học sinh ban đúc đồng nói riêng vào thời kỳ đầu đã làm rạng danh các thầy cô giáo. Cũng xin lưu ý, những học trò giỏi, xuất sắc và có năng khiếu về điêu khắc họ thường được hướng dẫn vào học ban đúc đồng của trường. Trong số những học trò theo học và tốt nghiệp ban đúc đồng đầu tiên của trường phải kể đến các ông Đặng Văn Quới, Bạch Văn Trinh, Đặng Văn Trau. Ngay sau khi tốt nghiệp họ đã được đề bạt làm đốc công ở trường, trong suốt thời gian dài các ông là những giáo viên trụ cột của trường.

Theo chương trình học của trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa được soạn thảo bởi thanh tra các trường Mỹ nghệ bản xứ – ông André Joyeux làm tại Sài Gòn ngày 28/2/1915, thì học trò ban đúc đồng của trường sẽ học theo chương trình được phân bổ như sau:

Năm thứ nhất: Phương pháp nặn sáp các vật nhỏ, Khuôn và khuôn giả, Cách gọt hết xơm và cách đánh sạch gỉ sau khi đúc làm nguội;

Năm thứ hai: Công việc đốt lò, Hình mẫu bằng đất theo một đề tài đã cho, Nặn sáp theo hình mẫu bằng đất, Phương pháp cho vào khuôn, Phương pháp chạm trổ và đánh bóng, Phương pháp nấu chảy lỏng bỏ sáp, Phương pháp nấu chảy đồng rót vào khuôn;

Năm thứ ba: Các bình và đồ vật bằng đồng có được bằng phương pháp nấu chảy bỏ sáp, Các đồ dùng cho nghi lễ tôn giáo (thờ cúng), Đồ ngũ kim sang trọng và các bộ đèn bằng đồng, Chuông và cồng chiêng, Chạm trổ, đánh bóng và hoàn thiện, Mạ và hợp kim, Hướng dẫn sự nấu luyện (kim loại). Xuyên suốt trong ba năm học đó học trò sẽ học thêm môn Vẽ và Nặn (điêu khắc).

Xưởng đồng Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (in trong La Cochinchine Scolaire – 1931)

 

Bộ lư hương (mẫu sáng tác của Đặng Văn Quới năm 1925)

Năm 1923, Chính phủ Pháp bổ nhiệm hai chuyên viên: Ông Robert Balick – tốt nghiệp trường Mỹ thuật Trang trí Paris làm hiệu trưởng và bà Mariette Balick – tốt nghiệp trường Gốm Limoges làm phụ tá. Về các ban chuyên môn, ông bà Balick chỉ giữ lại hai ban truyền thống, đó là ban đúc đồng và ban gốm. Ông Balick đứng đầu ban đúc đồng và bà Balick đứng đầu ban gốm. Thời gian học là bốn năm: hai năm đầu học các môn cơ bản và luân phiên các ban, hai năm cuối học chuyên ban. Ngoài số học sinh do trường tuyển, trường còn nhận học sinh có năng khiếu về đúc đồng và gốm do trường Mỹ nghệ Gia Định chuyển lên.

Đối với Ban đúc đồng, ông Balick áp dụng phương pháp nấu chảy lỏng sáp theo quy trình:

1 – Đổ mẫu sáp – Làm nguội mẫu sáp – Gắn đạo.

2 – Làm khuôn đất: Có hai loại đất: Đất số 1: Than, đất chín nhuyễn, giấy bạch, đất sét trắng trộn chung nhào cho kỹ, bao bọc mẫu sáp, độ dày 1 ly, mục đích để giữ chi tiết. Đất số 2: Đất gò mối, đất chín rây to, trấu trộn chung rồi đạp cho dẻo, bọc bên ngoài đất số 1, độ dày 3 phân, mục đích lớp đất số 2 là chịu lửa. Như vậy đã làm xong khuôn đất bao bọc sản phẩm sáp.

3 – Nung khuôn cho chảy sáp ra, khi nào khuôn đỏ thì múc đồng rót vào. Đập vỡ khuôn đất, lấy sản phẩm đồng ra và làm nguội.

4 – Mạ đồng: Có các màu đen, nâu, vàng lợt, vàng đậm, xanh lợt, xanh cũ kỹ. Ví dụ màu đen: Chấm dung dịch welminck lên sản phẩm 3 lần, cách nhau 2 giờ. 24 giờ sau lấy xira (màu đen) đánh lên sẽ đen bóng. Phương pháp mạ đồng do ông Balick truyền dạy cho học sinh.

Bronze de Biên – hoa Tete sianoise

Bronze de Biên – hoa Tete sianoise

 

Ảnh chụp màu đồ đồng Biên Hòa xưa

Dưới thời ông bà Balick điều hành trường, ngành đúc đồng mỹ nghệ đã đạt nhiều thành công bên cạnh một dòng gốm Biên Hòa nổi tiếng. Sản phẩm đồng của trường Mỹ nghệ đã từng được giới thiệu tại một số hội chợ triển lãm: Năm 1922 tại Hà Nội, dưới sự điều hành của ông Serré các sản phẩm xinh xinh bằng đồng của phái tân học Biên Hòa đã được dân Hà Nội khen ngợi. Năm 1921, ông Thống đốc Nam kỳ đã phải ứng trước 600 đồng cho tỉnh Biên Hòa để mua những voi, cóc, rùa,… bằng đồng, các chậu hình ô van, lục giác, lan can,… bằng gốm đem đi triển lãm ở Hội chợ Marseille năm 1922. Năm 1925, trường được mời tham dự Hội chợ quốc tế Paris, ngoài những sản phẩm gốm, ông bà Balick chọn sản phẩm đúc đồng gồm đồ chạm trổ và đúc như: cúp, gạt tàn, cái chặn giấy, bình và tượng nhỏ bằng đồng, đồ đồng mỹ thuật,… Năm 1932, nhà trường tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế Paris, bên cạnh những sản phẩm gốm những sản phẩm đồng của trường cũng được nhiều du khách quan tâm.

Năm 1933, ông hiệu trưởng Balick đứng ra thành lập tổ chức Hợp tác xã thủ công của thợ gốm và thợ đúc đồng Biên Hòa mà người ta gọi gọn là Hợp tác xã (HTX) Mỹ nghệ Biên Hòa. Tổ chức này tập hợp các học sinh đã ra trường làm công ăn lương. Hiệu trưởng nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành mọi việc. HTX làm ba loại sản phẩm: Đúc đồng, Gốm và Đá – đá Angkor phục chế. Ban đúc đồng của HTX Mỹ nghệ Biên Hòa dùng phương pháp nấu chảy lỏng sáp, sáp mất đi thay thế vào đó là chất liệu đồng. Ông Balick đã khéo léo tận dụng, cách tân nghệ thuật độc đáo của vùng Viễn Đông (Trung Quốc, Việt Nam, Tây Tạng,…) để truyền thụ lại cho học sinh và hướng dẫn tỉ mỉ, cặn kẽ cho thợ khi thực hiện các sản phẩm mỹ nghệ bằng chất liệu đồng. Lớp mạ đồng đẹp biến đổi dưới tác dụng kết hợp của lửa, axít và nước phủ lên các sản phẩm đồng theo lối trang sức mà người ta tưởng rằng đó là đồ cổ. Để dễ bán hàng, các kiểu dáng xưa được phỏng theo một cách khéo léo theo phong cách trang trí hiện đại. Các mặt hàng sản xuất chính của ban đúc đồng HTX là: Đầu Lèo (Lào), Đầu tượng ba cô gái Bắc – Trung – Nam, Đầu bốn sừng, Các ông và chữ Phước – Lộc – Thọ, Phật nằm đầu xiên mão nhọn, Hình tượng Chăm,… HTX Mỹ nghệ nhận tất cả các hợp đồng đúc đồng mỹ thuật sản phẩm lớn nhỏ kể cả đúc tượng đài. Có thể kể đến một số tác phẩm đồng tiêu biểu do trường Mỹ nghệ và HTX thực hiện: Tượng chân dung Trịnh Minh Thế (1955) đặt tại Tây Ninh, Tượng Hai Bà Trưng (cao 4m20, 1962) đặt ở đầu đường Hai Bà Trưng (Sài Gòn), Tượng Nguyễn Trung Trực (cao 2m40, 1968) đặt tại Rạch Giá (Kiên Giang), Tượng Bác Hồ (1985),…

 

 

 

Tượng đầu Leo (Lào)

 

Tượng đầu Biên Hòa

Tượng Quan Âm

Năm 1964, trường Mỹ nghệ Biên Hòa được đổi tên thành trường Kỹ thuật Biên Hòa. Mục đích của trường là đào tạo các chuyên viên, thợ chuyên môn. Ông Ung Van Nam được cử làm giáo viên phụ trách ban đúc đồng. Chương trình học của ban đúc đồng là thực hiện sản phẩm đồng từ dễ đến khó phải qua các giai đoạn: In sáp – Khuôn đất – Làm nguội đồng – Mạ.

Năm 1973, trường tuyển sinh thêm một số ban ngoài ba ban truyền thống, tổng cộng là tám ban, ông Võ Văn Hoằn được cử làm trưởng ban đúc đồng của trường. Năm 1978, ban đúc đồng sáp nhập vào ban điêu khắc chất liệu của trường, ngành đúc đồng sáp nhập vào bộ môn điêu khắc với danh từ điêu khắc đồng.

Trong Tài liệu về ngành đúc đồng đặc biệt áp dụng tại trường Kỹ thuật Biên Hòa có đoạn viết: “Trường Mỹ nghệ Biên Hòa được các nhà điêu khắc quốc tế hoan nghênh về ngành đúc đồng theo lối thoát sáp và nghệ thuật mạ đồng bằng tay với nhiều sắc thái đặc biệt rất thẩm mỹ. Đúc đồng của trường Mỹ nghệ áp dụng theo phương pháp thoát sáp (cire perdu) nghiêng hẳn về mỹ thuật và quan hệ trực tiếp với môn điêu khắc. Vì thế cần có sự hợp tác giữa hai bộ môn nếu tác phẩm nặn sẽ đúc ra bằng đồng thì với tính cách chuyên môn, ban đồng phải theo dõi để nhờ ban điêu khắc sửa đổi một vài điểm có thể rắc rối trở ngại trong việc in sáp và đúc đồng. Ngược lại, ban điêu khắc là tác giả sáng tạo ra kiểu mẫu cần phải sát cánh với chuyên viên in sáp để bổ túc thêm chi tiết hoặc làn nét sắc sảo của tác phẩm. Trường Kỹ thuật ngày nay vấp phải trở ngại về vấn đề khan hiếm nguyên vật liệu, hóa chất và nếu tình trạng này không giải quyết được thì ngành đúc đồng khó có thể phát triển bình thường như xưa. Thiết tưởng nên chuyển hướng ngành này sang qua đúc và luyện kim càng sớm càng tốt. Tuy nhiên cũng nên giữ lại phần nào quan trọng của bộ môn để thỏa mãn ngành điêu khắc về đúc tượng hình mỹ thuật”.

Có thể do vấp phải trở ngại về vấn đề khan hiếm nguyên vật liệu, hóa chất và cùng với khó khăn về đầu ra của học trò sau khi ra trường, nên ngành đúc đồng của trường Kỹ thuật Biên Hòa trong một thời gian dài dường như không phát triển.

Sau bao năm chúng ta chỉ còn nghe nói đến về ngành đúc đồng của trường Mỹ nghệ Biên Hòa trong quá khứ. Một chặng đường dài với biết bao thay đổi trong lịch sử, đúc đồng của trường Mỹ nghệ cũng trải qua nhiều thăng trầm. Trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai cũng có lần định phục hồi ngành đúc đồng truyền thống nhưng không thành. Có một thời đồng bị cấm xuất khẩu và đúc đồng trường Mỹ nghệ vấp phải trở ngại về vấn đề khan hiếm nguyên vật liệu và hóa chất. Có thể vì vậy tác phẩm đồng của trường hiện nay rất hiếm gặp. Một số ít nhà sưu tập cũng cất công tìm lại chúng, như tìm lại một vẻ đẹp xưa của trường bên cạnh một dòng gốm Biên Hòa đã nổi danh. Đồ đồng mỹ nghệ Biên Hòa một thời với vẻ đẹp riêng, đã làm đẹp cho đời, nay nhìn lại hình như chỉ còn là một thời vang bóng đã qua.

Nguyễn Minh Anh

 

 

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Có thể bạn quan tâm

HANOI MINIPRINT 2021 – KÍCH THƯỚC NHỎ, NGUỒN CẢM HỨNG LỚN

  Miniprint – tranh in kích thước nhỏ là một trong những thể loại tranh được các nghệ sĩ đồ họa vô cùng quan tâm. Các triển lãm miniprint thế giới nhiều thập kỷ nay đã trở thành triển lãm...

BÁN TRANH

  Cô Minh, con gái họa sĩ Trần Lưu Hậu, từng đứng bán tranh ở gallery số 7 Hàng Khay năm xưa…trong một lần trò chuyện với tôi, cô bảo: “Không có tranh đẹp hay tranh xấu chú ạ, chỉ có...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 297 & 298 tháng 9-10/2017

...

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

TỪ MỘT BẢO VẬT QUỐC GIA

  Bảo vật ấy ra đời từ những cục đá mài và một bàn tay hăng hái, từ Xưởng họa Quần Ngựa (Hà Nội) nơi gặp gỡ các họa gia Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Lê Phổ, Mai Trung Thứ làm...