Chúng ta đều biết rằng nghệ thuật là một mỹ từ, một hữu thể trừu tượng vô hình có quyền uy sức mạnh mãnh liệt bao trùm lên đời sống tinh thần con người. Nó là một thế giới vô biên vô cùng rộng lớn chứa đầy những nghịch lý, phi lý không có bất kỳ một khuôn mẫu hay công thức nào duy nhất áp đặt và ngay cả các triết gia danh tiếng nghiên cứu sâu về mỹ học cũng không thể tiên đoán được nó sẽ ra sao trong tương lai. Đối với các triết gia cổ đại và cổ điển, nghệ thuật chính là tư tưởng về sự siêu việt: “Một bông hoa chỉ đẹp khi nó tham dự vào vẻ đẹp lý tưởng” (Platon), “Cái đẹp nằm ở trật tự và sự cao cả” (Aristotle),“ Nghệ thuật, Tôn giáo và Triết học nằm trong tinh thần tuyệt đối” (Hegel), “Cái đẹp là sự hài giữa thế giới tự nhiên và thế giới tinh thần, giữa tưởng tượng và lý trí” (Kant).
Nó chứa đựng cả màu sắc tâm linh huyền bí. Nó không ở trần gian này mà ở cao hơn vượt thế gian, không có bất kỳ ai có thể sờ thấy nó mà chỉ có thể cảm nhận nó, hướng đến nó.
Có thể nói, nghệ thuật theo một nghĩa căn bản nhất là biểu lộ thông điệp về Chân – Thiện – Mỹ. Nó đưa chúng ta đến những ấn tượng siêu việt về thế giới tự nhiên và của chính con người. Nó vừa là thẩm mỹ vừa là triết lý khai sáng đánh động tâm hồn tư tưởng con người. Theo triết gia Schopenhauer: “Nghệ thuật là phương tiện tốt nhất để đạt tới nhận thức thuần túy về vũ trụ. Về mặt này nghệ thuật là sự nảy nở cao nhất của những gì đang tồn tại”. Với Hegel: “Nghệ thuật là sự nhân đôi mình lên của con người”, “Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều thuộc vào thời đại của nó, dân tộc của nó, môi trường của nó và lệ thuộc vào những mục đích lịch sử đặc biệt, cũng như lệ thuộc vào những quan niệm và những mục đích khác”, và “Vương quốc của sáng tác nghệ thuật đó là vương quốc của tinh thần tuyệt đối.”
Là hứng thú là sáng tạo tự do của tinh thần,nghệ thuật kích hoạt nhận thức thẩm mỹ và cảm nhận trực giác của chúng ta về cái đẹp, và sự hiện hữu của nó có ở khắp mọi nơi, ở mọi nền văn hóa. Nó là linh hồn, là sức sống của sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Tạo nên niềm vui hoan lạc và triết lý cuộc đời có lẽ là điều tượng trưng cốt yếu nhất của nghệ thuật. Nghệ thuật đã trở nên cốt tủy không thể thiếu vắng và trở thành tài sản chung của nhân loại.Nó giúp con người bớt đi sự khô cằn thô lậu tầm thường, khiến tâm hồn có thểtrở nên tươi mát cao đẹp hơn. Phải chăng, nghệ thuật là chốn siêu nhiên êm đềm nghiệt ngã nơi cư ngụ sự chia sẻ niềm hoan lạc cùng nỗi buồn phiêu du bất tử. Phải chăng,tâm hồn trí tuệcon người đã tiềm ẩn một năng lượng bẩm sinh thần bí nào đó điều khiển nghệ thuật và nghệ thuật tiếp tục làm sứ mệnh của nó là sản sinh ra cái đẹp. Những nghệ sĩ thiên tài với năng lượng suy tưởng cao siêu – trong cơn phê ảo giác bồng lai trác tuyệt đã thầm lặng mãnh liệt đi sâu vào cõi bí ẩn của vô thức của nội tâm luôn dò tìm xây dựng cho mình một thế giới riêng trong sự truy tìm những âm hưởng thuần khiết của cái đẹp đã tác động đến tâm hồn con người, truyền cảm hứng giúp chúng ta nhận biết được cái đẹp vô cùng giản dị rất gần gũi nhưng cũng vô cùng xa cách… nó thúc đẩy trí tưởng tượng thăng hoa cuộc sống của mỗi chúng ta hướng đến vẻ đẹp của sự trường tồn bất tử.
Khi bàn về nghệ thuật là bàn tới cái đẹp, bàn tới thẩm mỹ. Các nghệ sĩ đã khao khát đi tìm vẻ đẹp siêu trần thế nhằm tìm kiếm những bí ẩn của tạo hóa và của chính tâm hồn con người trong một cuộc sống luôn có nhiểu rủi ro hiểm nguy rình rập, lo âu hoang mang đầy bất trắc…
Còn thẩm mỹ học là một nghành triết học nghiên cứu về nghệ thuật.Nó bao hàm cả việc liên quan đến những trải nghiệm và giá trị thẩm mỹ. Một số triết gia hiện đại đã có ý niệm coi “sự cao thượng hay sự cao cả”có thể thay thế cho vẻ đẹp, một số khác cho rằng “vẻ đẹp” là tên đẹp nhất về giá trị thẩm mỹ. Phần lớn họ đều chấp nhận rằng để có giá trị thẩm mỹ một vật phải tạo ra được sự đáp ứng nơi người xem và thẩm mỹ phải được xem là cái gì đó “siêu thoát” . Đồng thời họ cũng đã đưa ra định nghĩa về cái đẹp đại ý rằng: Đẹp là cái gì làm hài lòng trong sự phán đoán đơn thuần của thị giác mà không nhờ dựa theo bất kỳ một khái niệm nào của lý tính giống như khi ta ngắm nhìn một người đàn bà đẹp, ta thấy cô ta đẹp nghĩa là đẹp. Hay có thể nói cái đẹp phải làm hài lòng cảm thụ thị giác mà không đi liền với bất kỳ một quan niệm nào của thẩm mỹ học. Hay cái đẹp là ở sự hoàn hảo, sao cho nhờ sức mạnh của sự hoàn hảo ấy, thực thể đối tượng được hoàn hảo đó có khả năng gây nên ở chúng ta sự hứng thú hài lòng mà không có bất kỳ sự quan tâm ào đến lợi ích. Và có hai loại vẻ đẹp, vẻ đẹp thật sự và vẻ đẹp bề ngoài; vẻ đẹp thật sự là vẻ đẹp nảy sinh từ một sự hoàn hảo thật sựcả về chiều sâu nội tại; còn vẻ đẹp bề ngoài là vẻ đẹp nảy sinh từ một sự hoàn hảo bề ngoài.
Các triết gia nghiên cứu về mỹ học đều cho rằng ba mục tiêu của Mỹ học là: 1. Các quy tắc của nghệ thuật; 2. Các quy tắc của cái đẹp; 3.Các quy tắc của sở thích. Về triết lý về mỹ học thường chia làm hai nhánh gọi là: 1. “Triết lý nghệ thuật” hay “triết học về nghệ thuật” là những quan niệm của mỹ học nghiên cứu về cái đẹp. Về phương pháp, nó đi tìm các khoảng thời gian biến động trong tiến trình lịch sử đã tạo động lực thúc đẩy phát sinh nên những khái niệm nghệ thuật, nó mang tính học thuật khách quan nhiều hơn là tính chủ quan; 2. “Triết lý thẩm mỹ học” (tập trung vào bản chất những ứng xử và phán đoán thẩm mỹ, trong đó có cả triết lý tâm linh và siêu hình học). Phán đoán thẩm mỹ không dựa vào bất kỳ một quan niệm hay kinh nghiệm nào, nó hoàn toàn mang tính chủ quan của người thưởng ngoạn cái đẹp có nền tảng dựa trên cảm giác thỏa mãn sự vui thích của thị giác làm rung động tâm hồn một cách thuần khiết nhất như một linh cảm xuất thần có sự hòa nhập của thánh thần trợ giúp hoặc có thể dựa trên sự đồng tình phổ quát khách quan mà người bình thường cũng có thể cảm nhận thấy được.
Với Kant “Mỹ học nằm ở sự hài hòa của lý trí và trí tưởng tượng”. Còn đối với hầu hết các triết gia không hẳn mọi phán đoán thẩm mỹ đều là nghệ thuật, và không phải mọi phán đoán về nghệ thuật là những phán đoán thẩm mỹ. Cả hai đều cân bằng nhau về mặt ý nghĩa giá trị .
Khái niệm về cái đẹp của tư duy hiện đại ngày càng trở nên vô cùng phức tạp đa hình, đa dạng, đa cấu trúc, đa hư cấu, đa lý luận, đa triết lý, đa hệ, đa tư tưởng, đa tôn giáo… Một suy nghĩ phổ biến là để có giá trị thẩm mỹ của một sự vật hay một tác phẩm nghệ thuật nó phải đáp ứng nhu cầu nơi người xem có thể cảm thụ được và nó phải đem lại một sự thỏa mãn hài lòng nào đó nơi người thưởng ngoạn. Như vậy có thể nói giữa cảm giác thỏa mãn cái đẹp và giá trị thẩm mỹ có một mối quan hệ mật thiết không thể tách rời. Từ đó có thể suy ra không có bất kỳ một công thức một quy tắc luật lệ nào về thẩm mỹ, bởi nó luôn phụ thuộc vào cảm xúc chủ quan của người sáng tạo ra nó và cả của người chiêm ngưỡng nó. Phần đông các nhà mỹ học đều cho rằng nghệ thuật là một sự phát hiện và cái đẹp cao nhất trùng với cái thiện cao nhất. Nhận thức cuộc đời cho rằng chính trị có thể là những trò chơi của sự dối tránhưng nghệ thuật không thể dối trá.
Sự thưởng ngoạn nghệ thuật ngày càng trở nên phổ quát mạnh mẽ hơn. Ngành in ấn sách báo tạp chí, truyền hình, internet đã và đang giúp cho các xu hướng trường phái nghệ thuật trở nên phổ cập khắp toàn cầu, điều này giúp cho sự hiểu biết và thưởng ngoạn nghệ thuật được dễ dàng hơn. Các nghệ sĩ dễ dàng được tiếp cận với các xu hưởng thẩm mỹ hiện đại, thế giới nghệ thuật trở nên phẳng hơn tự do hơn.
Có lẽ niềm đam mê nghệ thuật, tình yêu, tính thiện và lòng từ bi bác ái là bộ ba làm nên tâm hồn nghệ sĩ lớn. Dấu hiệu ở mỗi nghệ sĩ đều biểu lộ sự nhạy cảm thẩm mỹ, sự sâu sắc, thiện tâm sự hào phóng, lòng trắc ẩn, nỗi cô đơn để tạo nên sức mạnh gợi cảm xúc trong tác phẩm và điều hệ trọng không phải là cái có thể nhìn thấy mà là cái có thể cảm thấy, cái làm cho người thưởng ngoạn rung động con tim cảm xúc tâm hồn.
Nghệ thuật hiện đại không còn là thứ mô tả con người đơn thuần sao chép nhại lại thiên nhiên mà là những hình thể có thể là rất giản dị bình thường đến khác thường và phi thường, và luôn khao khát hướng đến cái siêu việt vô hạn. Các công trình hay tác phẩm nghệ thuật ngày càng trở nên đa dạng, đa hình thể, đa cấu trúc và cả về giá trị thẩm mỹ. Có lẽ bởi vậy nên triết gia Nietzsche viết: “Nghệ thuật là sự kích thích hướng về cuộc đời”, “Nghệ thuật chỉ thỏa mãn được khát vọng nội tâm duy nhất là hướng về một chân lý cao hơn.”
Nghệ thuật ngày càng trở nên giống như một hình tượng nghịch dị luôn đem đến những điều dị thường cho người thưởng ngoạn và số rất đông không thể thực sự hiểu nó. Bản thân nghệ thuật là sự biểu hiện của cảm xúc dị biệt của mỗi nghệ sĩ của mỗi dân tộc mỗi quốc gia sản sinh ra nó. Nếu chúng ta không sống trong một nền văn hóa sản xuất sáng tạo ra một nền nghệ thuật nào đó chúng ta cảm thấy khó khăn trong sự thưởng ngoạn những tác phẩm nghệ thuật của nền văn hóa đó. Ví dụ như hội họa trừu tượng hay âm nhạc bác học không phải dân tộc nào hay bất kỳ ai cũng có thể cảm thụ được nó ngay khi mới được tiếp xúc lần đầu. Hầu hết mọi công trình mọi tác phẩm nghệ thuật đều là chủ quan thẩm mỹ của người nghệ sĩ sáng tạo ra nó. Một mặt nó làm thỏa mãn nhu cầu của kẻ sáng tạo, mặt khác nó có xu hưởng mở rộng tầm nhìn nhận thức cảm xúc cho người thưởng ngoạn. Bởi nên giữa cảm xúc của kẻ sáng tạo và người xem luôn có sự khác biệt trong cảm thụ.
Với các nghệ sĩ hiện đại, những khái niệm: “Chân – Thiện – Mỹ” không còn là sự theo đuổi mang tính tối cao sống còn của nghệ thuật. Nó đã từng trở nên là mục đích tối thượng như thời của các nghệ sĩ cổ điển tâm niệm. Hầu hết các họa sĩ các nhà điêu khắc hiện đại đều sáng tạo theo xu hướng “Nghệ thuật vị nghệ thuật” (nghệ thuật hoàn toàn thuần túy phụng sự cho việc tạo ra các hiệu ứng đẹp cho chính nghệ thuật, dù vậy cũng chỉ là một cảm nhận ước lệ), “Trong một hình nghệ thuật đẹp thực sự, nội dung không là gì hết, hình thức là tất cả”; “Tự do tư tưởng”, “Nghệ thuật là tự do tuyệt đối – không biên giới – không quốc gia – vô chính phủ…” và là sự kết hợp của: “duy lý – phi lý – hư cấu – trực cảm và tưởng tượng”. Các nghệ sĩ hiện đại đều cho rằng cái đẹp tự nó ban bố luật lệ cho chính nó, phải chăng đó là những ý niệm đầu tiên khởi xướng gợi ý cho các trường phái nghệ thuật hội họa điêu khắc hiện đại ra đời? Nhà mỹ học người Ý Croce viết: “Nghệ thuật không phải là thứ hoạt động của ý chí, ý chí tốt chỉ tạo nên một con người tốt, chứ không thể tạo thành một nghệ thuật gia. Vì nghệ thuật vốn không phải là hoạt động của ý chí cho nên nó không liên quan đến đạo đức.”
Thẩm mỹ đương đại ngày nay càng trở nên đối nghịch với những quan niệm truyền thống trước đó. Các nghệ sĩ thị giác đương đại đã tìm thấy cái đẹp trong cả những sự mơ hồ, trừu tượng, vô hình, siêu hình, lộn xộn, không đẹp, khô khan, quá cỡ, sáo rỗng, khoa trương, nhàm chán, nhạt nhẽo, tầm thường, dị dạng, lố lăng, vô duyên, buồn cười, nhiễu nhại, quái dị, gớm ghiếc, chắp vá ,hỗn loạn, sự thối rữa, khủng khiếp, sự kinh tởm, thô tục, điên khùng, đe dọa, sắp đặt pha trộn đảo lộn bi hài giữa hiện thực và phi lý hư cấu…
Mỗi nghệ sĩ luôn cần có bản lĩnh và những khoảnh khắc xuất thần đem đến những đường kiếm của kẻ du hiệp dị nhân khôn quái vô chiêu uyên bác thông tuệ minh triết biết cương nhu tùy thời trên bề mặt và cấu trúc tác phẩm giống như danh họa Picasso. Tôi nghĩ rằng ông đã xoáy sâu khoan thấu vào tận cùng huyết mạch của tính tạo hình thuần túy để tạo nên cái đẹp.Những đường nét hình thểdữ dội mãnh liệt sâu sắc giàu năng lượng ngập tràn xung lực gây ấn tượng kỳ dị ưu tư đầy cảm hứng tự do biến hóa vô cùng xen lẫn cả tính trào lộng bi hài…(giờ đây khi thời đại thay đổi, giới nghệ thuật đương đại nhìn ông đã trở thành con đường mòn). Với tôi ông vẫn là “biểu tượng của tự do trong sáng tạo” và luôn là bậc thầy của sự “truyền bá cảm hứng tự do”, đó là nền tảng căn bản của tất cả các mối quan hệ trong quá trình sáng tạo. Ông khám phá ra con đường tự do lớn lao của mỗi cá nhân trong hành trình phiêu lưu sáng tạo nghệ thuật,không cam nhận số phận nhu mì ngoan ngoãn hiền lành như một kẻ nô tỳ trung thành phục vụông chủ và chắc hẳn ông phải là người luôn có: “Trí tưởng tượng ngông cuồng khùng điên của lý trí cảm xúc nỗi loạn”(ở đây lý trí nổi loạn hệ trọng hơn là cảm xúc nổi loạn bởi nó là ý thức là nhận thực nền tảng mang tính trí tuệ để nghệ sĩ có thể tạo dựng nên tác phẩm trong sự ngỡ ngàng bất ngờ đến phi thường với ngay cả giới nghệ sĩ nhà phê bình chuyên nghiệp hay có thể tạo ra một xu hướng thẩm mỹ mới trong nghệ thuật…) phiêu du trong không gian hữu hình ẩn chứa thế giới vô thức siêu thực và có cả sự mơ hồ trừu tượng. Có phải đó chính là điều sâu sắc tối thượng trọng yếu của nghệ thuật thị giác hiện đại và đương đại, gần như là sự biểu hiện tố chất cốt tử hệ trọng bậc nhất dẫn đưa một họa sĩ có thể trở nên một danh họa bậc thầy .
Tôi băn khoăn tự hỏi có phải nghệ thuật thực sự “điên rồ” không thể lý giải đúng sai khi có những họa sĩ chẳng cần có “ý thức quan niệm” gì về ý tưởng nội dung chủ đề bố cục bút pháp đường nét sắc màu để được gọi là “nghệ thuật hội họa” hay “nghệ thuật tạo hình”. Họ chẳng cần tô vẽ hòa sắc gì hết trên bề mặt tranh. Họ không cần vẽ bất cứ một đường nét nào và hoàn toàn đơn sắc không có thêm bất cứ một màu sắc nào để “hòa thanh” phối màu sao cho có nhịp điệu của hòa sắc trên bề mặt tranh chẳng khác nào như một nghệ sĩ chơi đàn dương cầm từ đầu đến cuối buổi biểu diễn chỉ chơi đúng một vài nốt nhạc duy nhất hay là một vài hợp âm đơn giản duy nhất. Ví dụ như họa sĩ người Mỹ Robert Ryman (1930 – 2019), ông không hề học qua bất kỳ trường lớp hay một khóa học mỹ thuật hội họa nào nhưng đã trở nên danh tiếng với những bức tranh đơn sắc toàn màu trắng được coi là thuộc về hội họa tối giản và nghệ thuật khái niệm. Ông đã khám phá ra một miền đất mớí trong hội họa: ông không bao giờ cố gắng tạo ra một hình thể bởi đường nét hội họa – thay vào đó thể hiện những biến thể vô tận màu trắng của sơn như là chủ đề trong chính nó. Ông muốn truyền đạt sự tinh khiết tinh thần hay có thể gọi là niềm hân hoan thuần khiết trong đó ngầm ẩn chứa cả tâm linh.
Hầu hết mọi người và ngay cả những họa sĩ các nhà phê bình danh tiếng cũng phải ngỡ ngàng bối rối bất ngờ choáng váng khi xem tranh của ông như bước vào một cõi khác và liên tục phải đặt ra rất nhiều những câu hỏi tại sao. Tranh ông thường chỉ có các sắc thái của màu trắng trên nền tường trắng và có bức đã được Christie’s bán đấu giá vào năm 2015 lên tới 20,6 triệu $. Tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York và nhiều Bảo tảng hiện đại danh tiếng khác…
Ngược lại với màu trắng của Robert Ryman là màu đen họa sĩ người Mỹ Ad Reinhardt (1913 – 1967) nhà văn nhà phê bình nhà giáo dục được mệnh danh là “nhà tiên tri” của chủ nghĩa Tối giản. Ông nổi tiếng được coi là thành tựu đỉnh cao với những bức tranh được gọi là “đen” – tranh của ông hầu hết là sắc thái đen ẩn chứa những thay đổi tông màu và sắc độ cực kỳ tinh tế với ý tưởng để cho ta bước vào một không gian sâu sắc và có thể cảm nhận được sự đồng nhất của vũ trụ. Ông gọi màu đen là “điểm trừu tượng tuyệt đối” và cũng là “con số không tuyệt đối của nghệ thuật”. Ông làm việc gần như độc nhất với màu đen và thế giới nghệ thuật luôn coi ông là một bậc thầy về nghệ thuật hội họa mang tính biểu tượng cao… Ông trở thành một trong những thủ lĩnh có tác phẩm thách thức với những tìm kiếm của nghệ thuật biểu hiện trừu tượng (ông từ chối không tham gia vào phong trào của chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng). Reinhardt đã tìm cách thanh lọc loại bỏ gần như tuyệt đối các màu sắc đường nét khỏi nghệ thuật tối giản như những thứ xa lạ với nghệ thuật. Những điều có thể được diễn đạt bằng lời nói mà thay vào đó là cách biểu hiện của phi ngôn ngữ nhưng vẫn có thể tự biểu lộ tâm trạng bản thân bằng sự khao khát chắt lọc tối giản đến cực độ để bức tranh trở thành một trải nghiệm trực quan duy nhất. Nó có sức mạnh gây nên cảm giác hoang mang, lòng trắc ẩn u mặcvà nỗi ám ảnh về cõi tâm linh tĩnh lặng và có thể khám phá sự yên tĩnh của sự trừu tượng hoàn toàn tuyệt đối.
Với điêu khắc thì sao. Tác phẩm “Untitled”(Vô đề – 1972) của Donald Judd cũng đơn giản chỉ là môt khối kim loại hình lập phương vuông vức không hề có thêm bất kỳ một chi tiết nhỏ nào hay những chỗ lồi ra lõm vào để được mang cái gọi là “nghệ thuật tạo hình” mà chẳng thấy “tạo hình” nó nằm ở đâu trong cấu trúc của tác phẩm… Chủ nghĩa tối giản muốn giản lược bức tranh hoặc điêu khắc về dạng đơn giản nhất để trọng tâm của tác phẩm sẽ là các yếu tố vật lý thuần túy nhất của nó như chính nó. Tác phẩm không có dấu vết của cảm xúc hay cảm quan trực giác, phẩm chất cá tính nghệ sĩ ít được biểu lộ trong tác phẩm.
Tôi, người viết bài này bởi không được trực tiếp chiêm ngưỡng những tác phẩm của cả hai họa sĩ đó… Chắc hẳn tôi chỉ có thể trầm tư suy tưởngđể hiểu tác phẩm qua ảnh chụp… Phải chăng nghệ thuật của Robert Ryman và Ad Rainhardt đã hướng đạo chúng ta có một bước nhảy vượt trội về khả năng thấu thị thẩm mỹ với những hình ảnh trừu tượng vô hình thể đơn giản đến bất ngờ phi thường giúp tâm trí ta đi sâu vào thế giới trầm tư suy tưởng. Một điều gì đó thiêng liêng cao siêu bí ẩn huyền nhiệm siêu việt vượt quá giới hạn của trí tưởng tượng thông thường và chúng thật vô cùng giản đơn mà các nghệ sĩ thời của hai ông không thể nhận ra nhìn thấy. Rất có thể Robert Ryman dẫn đưa tâm hồn ta trải nghiệm tận hưởng sự thanh khiết lịch lãm cao nhã bồng bềnh phiêu dạt trên những vầng mây mang sắc thái yên bình của thiên đường trắng. Còn những sắc thái đen của Ad Rainhardt lại gây hoang mang ám ảnh mơ hồ cho ta nhìn thấu cõi hư vô tận cùng của vũ trụ xa xăm – được lắng nghe âm nhạc huyền linh bí hiểm trong sự tĩnh lặng vô bờ tuyệt đối…
Phải chăng nghệ thuật tối giản cùng nghệ thuật hhái niệmvới phương thức tư duy và khả năng thấu thị thẩm mỹ đến sự đơn giản cùng cực đã mở rộng và làm sâu sắc thêm về nghệ thuật hội họa hiện đại? Có phải nghệ thuật của họ thực sự đã có sự xúc tác thúc đẩy vào sự thay đổi nhận thức thẩm mỹ đối với hội họa cùng thời ?
Phải chăng cho dù thế giới này rất rộng lớn nhưng người nghệ sĩ vẫn cảm thấy nó quá chật hẹp bởi nên người nghệ sĩ luôn khao khát sáng tạo nên một thế giới tinh thần mới riêng biệt vượt ra khỏi khung trời giới hạn của hiện thực đang bao trùm nên đời sống hàng ngày của con người. Và chính nghệ thuật trừu tượng là một vũ trụ mới một thiên đường thẩm mỹ mới bí ẩn vô ngôn nhưng ngập tràn cảm xúc cùng tiếng nói của xung đột nội tâm trong sự trải nghiệm sáng tạo nhằm biểu lộ tính tinh thần tuyệt đối không bị các yếu tố của hiện thực khách quan tác động làm lu mờ đi tính trừu tượng vốn là một đặc tính tự nhiên quý báu được Thượng đế ban tặng cho trí tuệcon người. Phải chăng nghệ thuật trừu tượng làm thăng hoa dẫn đưa tâm hồn tư tưởng chúng ta lên một tầm mức cao hơn siêu việt hơn hướng đến những điều kỳ diệu mà trước đó chúng ta không thể nhìn thấy…và một cách gián tiếp cộng hưởng xúc tác kích thích tâm hồn trí tuệ có những tư tưởng mới những khám phá phát minh mới…
Từ ba ví dụ trên chúng ta thấy ngay rằng nghệ thuật hiện đại đòi hỏi ý tưởng tư duy sáng tạo thẩm mỹ hệ trọng hơn là kỹ năng kỹ sảo sự công phu khổ luyện để thể hiện tác phẩm.
Và tôi lại băn khoăn mông lung tự hỏi: “Có phải nghệ thuật đương đại luôn kỳ dị bí hiểm làm ta khó hiểu luôn phải đặt câu hỏi và đôi khi cảm xúc ta hoang mang chơi vơi không trọng lượng trong sự xao nhãng lãng quên thực tại. Tâm trí ta như lạc vào thế giới của sự “điên khùng thác loạn tâm thần “bởi nó vượt quá giới hạn của lý trí nhận thức do trí tưởng tưởng của cá nhân người nghệ sĩ sáng tạo nên… Những định luật nguyên lý điều luật nào quy định giá trị thẩm mỹ? Những ai là người có quyền lực có thẩm quyền sử dụng những điều luật đó để quyết định giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm hội họa điêu khắc. Có phải chính là những nhà giám tuyển, các học giả nhà phê bình, các bảo tàng nghệ thuật…? Những ai là người có khả năng tài chính dùng số tiền khủng chi trả cho tác phẩm? Có phải chính là các nhà sưu tập nhà buôn tranh, các bảo tàng và những tỷ phú giàu có? Có phải họ cũng là những người còn trên cả “Trí tưởng tượng ngông cuồng khùng điên của lý trí cảm xúc nỗi loạn” dám liều lĩnh phiêu lưu mạo hiểm bỏ ra nhiều triệu USD để mua những thứ được gọi là kiệt tác chẳng hề có hình hài đường nét màu sắc gì lấp lánh hấp dẫn trên bề mặt tranh.Chẳng hề có công phu khổ luyện rèn rũa kỹ năng kỹ xảo hay những “khối cục hòn quái dị ba lăng nhăng” không cósinh khí không có bất kỳ hình hài phi thường gì để gây chấn động cảm xúc tâm hồn…? Có phải họ là những người thống trị thế giới nghệ thuật. Họ quyết định giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị bằng tiền của tác phẩm và thị hiếu của họ có mắc sai lầm khi đánh giá tác phẩm ? Hỡi ơi !!! Với thân phận bé nhỏ của một kẻ sinh ra lớn lên ở một xứ sở có khoảng cách rất xa “nền văn minh Nobel” thì làm sao có thể thấu hiểu hết được những câu chuyện kỳ dị quái đản tưởng như hoang đường của thế giới nghệ thuật hiện đại và đương đại ? Điều này đối với tôi chỉ còn biết đặt niềm tin vào hiện thực lịch sử.
Chính bởi cảm xúc chủ quan của người sáng tạo nên khi cuộc sống thay đổi thì nghệ thuật cũng biến đổi theo chu trình tiến hóa. Bản chất sáng tạo chính là nhu cầu tự thân của người nghệ sĩ đòi hỏi phải có những cảm xúc mới lạ không lệ thuộc vào nền tảng trước đó đã trở nên khô cứng đóng băng cảm xúc và lý trí. Từ đó hàng loạt các quan niệm mới thúc đẩy sự ra đời của các xu hướng nghệ thuật mới phát sinh và sự ra đời của “chủ nghĩa hậu hiện đại” là tất yếu.
Nghệ thuật đương đại không có ranh giới xác định. Những nghệ sĩ lớn bậc thầy và những nghệ sĩ có “trí tưởng tượng ngông cuồng khùng điên của cảm xúc lý trí nổi loạn” là những người tiên phong biết tạo nên những nguồn năng lượng thẩm mỹ mới vượt quá ranh giới của nghệ thuật thị giác để vươn tới mở ra những giá trị thẩm mỹ khác lạ.
Yêu suy tư triết lý và nghệ thuật hướng tâm hồn trí tuệ ta đến sự tôn nghiêm cao quý thiện tâm thiện mỹ và lòng từ bi.
Nghệ thuật đương đại luôn bùng nổ đòi hỏi: “Trí tưởng tượng ngông cuồng khùng điên của lý trícảm xúc nỗi loạn.”
Là nghệ sĩ đừng sợ cô đơn, nó có thể xúc tác giúp bạn thăng hoa trở thành thiên tài. Nghệ sĩ chưa dám dấn thân sống cô tịch có cuộc đời “đệ nhất tài tử”- khó có thể trở nên thiên tài.
Nghệ thuật là sứ giả của thiên đàng, ở đâu không có nghệ thuật ở đó vẫn còn đời sống mông muội.
Nghệ thuật truy tìm cái đẹp, cái đẹp cũng chính là linh hồn của nghệ thuật và của vạn vật .
Linh hồn nghệ sĩ hòa nhập với năng lượng thần khí của thánh thần sáng tạo nên kiệt tác.
Những tác phẩm nghệ thuật kỳ vĩ đều mang tính biểu tượng.
Tự do là biểu tượng của cuộc đời, vẻ đẹp duy mỹ là biểu tượng của nghệ thuật.
Vẻ đẹp nghệ thuật khai ngộ tâm trí ta hướng đến sự bất tử của linh hồn tự do.
Gây choáng váng hút hồn đánh động tinh thần đó chính là cái đẹp.
Điêu khắc gần với vua chúa, hội họa gần với quý tộc.
Điêu khắc đem đến linh hồn cho tất cả những vật thể nó đi qua.
Điêu khắc là những hình thể phảng phất gợi nên bóng dáng của linh hồn.
Điêu khắc tham lam bạo chúahơn hội họa bởi nó luôn thèm khát chiếm hữu không gian.
Hội họa lẳng lơ đa tình kiêu sa quyến rũ hơn điêu khắc bởi nó ưa thích nhiều màu sắc đường nét.
Vẻ đẹp tối thượng của một tác phẩm điêu khắc ngoài trời ở mọi thời đại: Nó làm biến đổi thế giới không gian thiên nhiên trở nên trác tuyệt hơn như có sự hiện hữu hư ảo huyền linh của âm nhạc thánh thần.
Họa sĩ vẽ đẹp. Tiến sĩ,họa sĩ vẽ không đẹp.
Khi cầm bút vẽ tranh ai cũng có thể là nghệ sĩ, để trở nên danh họa chắc hẳn phải có sự dẫn dắt tâm linh của bậc thánh thần.
Hư cấu phi lý là hai viên ngọc thô của nghệ thuật, hãy mài rũa cho nó trở nên lấp lánhcó thể đến trọn đời bạn vẫn thấy nó chưa hoàn mỹ.
Cái đẹp không quan tâm bạn giàu hay nghèo. Nó có thể đi theo bạn khi bạn thực sự sa ngã si mê cuồng tín nó.
Vẻ đẹp của điêu khắc như người đàn bà đẹp đa tình gọi hồn thi nhân nghệ sĩ buông thả con tim,lắng đọng sâu xa luôn gợi ảo giác bí ẩn tâm linh.
Vẻ đẹp hội họa như cô gái tuổi xuân trong trắng tinh tuyền hồn nhiên tươi mát kiêu sa.
Vẻ đẹp thuần túy của nghệ thuật luôn đòi hỏi dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ.
Thiên nhãn, thiên cảm, thiên tuệ là ba năng lượng trực giác thần bí của nghệ sĩ bậc thầy.
Nghệ thuật là ngôi đền khai sáng, mỗi nghệ sĩ thiên tài là một cánh cửa mở ra cho chúng ta bước vào chiêm ngưỡng,cái đẹp giúp tâm hồn thăng hoa tự do tư tưởng thiện tâm thiện mỹ.
Nghệ thuật không có đúng sai chỉ có đẹp và không đẹp .
Xét cho cùng nghệ thuật là đi tìm cái đẹp, là lạc thú của niềm đam mê và trí tưởng tượng.
Quyền uy tối thượng của nghệ thuật là vẻ đẹp duy mỹ, quyền uy tối thượng của nghệ sĩ là sáng tạo thẩm mỹ.
Con người dừng viết là dừng tư duy.Con người ngưng sáng tạo là ngừng tiến hóa nền văn minh. Nghệ thuật luôn xúc tác kích hoạt sự sáng tạo.
Viết vẽ là hai người bạn tình đẹp quyến rũ hút hồn lẳng lơ đa tình bất trị luôn quyến rũ làm cho thi sĩ nghệ sĩ luôn trong tâm trạng “ưu tư khổ đau man mát khùng điên”.
Nghệ sĩ bình thường yêu chung thủy, nghệ sĩ lớn đa tình .
Nghệ sĩ được chung sống với nghệ thuật là niềm vui lớn được tận hưởng giá trịtác phẩm là số phận .
Nghệ sĩ sáng tạo nên cảm hứng, cảm hứng cho ra đời tác phẩm.
Nghệ thuật trừu tượng hướng tâm hồn đến sự thuần khiết tinh khiết cao nhã siêu việt viên mãn nhất của tinh thần.
Khi tinh thần đạt đến sự cao nhã tinh túy thuần khiết nhất, cảm xúc nội tâm của người nghệ sĩ hướng đến nghệ thuật trừu tượng.
Nghệ thuật trừu tượng giàu trí tưởng tượng bậc nhất, nó giúp ta bùng nổtrực giác tâm linh nhìn sâu vào vũ trụ xa xăm và hiểu rằng Thượng đế đã sáng tạo nên tất cả.
Điều kỳ diệu của nghệ thuật: Trong trạng thái trực giác tâm linh xuất thần, người nghệ sĩ chỉ buông vài đường nét vệt màu trên bề mặt tranh cũng có thể tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ.
Danh họa Picasso đã sai lầm khi không công nhận nghệ thuật trừu tượng bởi danh họa là bạo chúa của nghệ thuật hữu hình.
Khi tâm hồn trí tuệ đạt đến sự tinh túy thanh khiết cao nhã minh triết tự nó có thể phát sinh những ý tưởng đẹp về thi ca và nghệ thuật.
Trí tưởng tượng ngông cuồng khùng điên của lý trí cảm xúc nỗi loạn có thể giúp ta thăng hoa sáng tạo.
Khi bạn không thể có: “Trí tưởng tượng ngông cuồng khùng điên của lý trí cảm xúc nỗi loạn”. Bạn hãy cạn một ly rượu ngon và đi tìm nó ở bến bờ cô đơn.
Khi những khoảnh khắc xuất thần lóe sáng, tâm hồn người nghệ sĩ đi lạc lang thang vào cõi thiên đường thẩm mỹ.
Hậu hiện đại cũng chỉ là một trào lưu đừng vội ảo tưởng, nó có thể sẽ hủy hoại thời gian và làm cho bạn thêm tâm trí hoang mang tâm thần hoảng loạn trong sự nghèo túng.
Âm nhạc không thể rời xa bảy nốt nhạc Đo Rê Mi Fa Sol La Si.Văn chương thi ca không thể rời bỏ ngôn ngữ chữ viết. Hội họa điêu khắc không thể đoạt tuyệt với đường nét màu sắc và hình thể. Cả ba mãi mãi trường tồn vĩnh cửu.
Cái đẹp rất gần gũi nhưng cũng vô cùng xa cách, trọn kiếp đời phiêu lưu đi tìm mãi rồi bất chợt lại thấy nó hiện hữu trong mơ.
Tôn giáo của nghệ thuật chính là cái đẹp.
Quá trình sáng tạo là hành trình thức tỉnh nhận thức của con người trong sự tiến hóa: Đa hệ là nguyên lý sinh tồn của thế giới tự nhiên.
Phải chăng với nghệ sĩ quá trình sáng tạo thiên về trực giác nhiều hơn là lý trí.
Thời nay đương đại, số đông các nghệ sĩ đều có thiên hướng sáng tạo nên những tác phẩm mang tính tâm linh chất tâm thần hoang mang mơ hồ hoang dại điên điên quỷ quáicó thể gây ấn tượng mãnh liệt làm chấn động con tim.
Khi người sáng tạo bùng cháy phát sinh những ý tưởng siêu việt, nhà phê bình cũng cần có những cảm xúc sáng tạo siêu việt để có được những ngôn từ dị biệt đủ sức mạnh giải mã tác phẩm. Người nghệ sĩ luôn mơ màng bay bổng cho cảm xúc bản năng vô thức tuôn trào: niềm vui – tình yêu – hạnh phúc – hy vọng – sự thanh lọc tâm hồn – niềm khao khát – bình an – sự cao cả cùng với những lo âu – hoang mang – hồi hộp – mê muội – bất an – hoài nghi – cô đơn – thất vọng và đau khổ. Tất cả được tương tác trong một trạng thái phấn khích cao độ để cho sự sáng tạo tối thượng ra đời. Đó là điều thách thức với nhà phê bình. Ông ta phải trải qua một nghịch lý đáng sợ: Phải tỉnh táo hơn – dũng cảm hơn – táo bạo hơn -phiêu lưu hơn – bản lĩnh hơn – lý trí hơn – phi thường hơn – nhưng tâm hồn vẫn phải buông thả trí tưởng tượng của mình tự do bay bổng có thể hòa nhập vào tác phẩm… Từ đó tạo nên một xung lực một biến dạng khác của tâm hồn có khả năng giải mã khám phá những thỏa mãn mà người nghệ sĩ đã tạo nên. Đó là phần thưởng cao quý và quyến rũ nhất mà nhà phê bình có được.
Những khao khát bản năng – trí tuệ minh triết – “trí tưởng tượng ngông cuồng khùng điên của lý trí cảm xúc nỗi loạn”- tâm linh – tư tưởng siêu việt của nhà phê bình đạt tới điểm tận cùng giới hạn va chạm mãnh liệt với niềm khao khát bản năng trí tuệ minh triết – “trí tưởng tượng ngông cuồng khùng điên của lý trí cảm xúc nỗi loạn“- tâm linh -tư tưởng siêu việt của người nghệ sĩ . Một sự hòa nhập ngẫu nhiên hoàn hảo linh thiêng thần thánh để một triết lý một lý thuyết thẩm mỹ mới phát sinh ra đời…
Các nhà mỹ học, nhà phê bình nghệ thuật luôn phải đối mặt với những khó khăn để xác định đâu là giá trị đích thực của một trường phái hay của một tác phẩm nghệ thuật riêng lẻ bởi các nghệ sĩ luôn sáng tạo ra các quan niệm thẩm mỹ riêng biệt đối nghịch “phủ định” nhau. Nó đòi hỏi các nhà phê bình nghệ thuật luôn phải “mài rũa con mắt và ngòi bút thẩm mỹ ” và triết lý phê bình phải tìm ra một phương pháp luận đa hệ hay một phong cách, một trường phái có hệ tư tưởng triết lý phê bình đủ tính thẩm mỹ. Có cách nhìn độc đáo có thể xác định được các giá trị thẩm mỹ của sáng tạo nghệ thuật, bình luận phê phán tranh luận chú giải giúp cho người thưởng ngoạn có thể nhận thức nhìn ra giá trị thẩm mỹ trong các tác phẩm nghệ thuật. Bởi nên như hầu hết các triết gia thời nay quan niệm: “Phương pháp thật sự của phê bình thẩm mỹ giống như của mọi khoa học, không còn có thể mang tính lý thuyết chuẩn mựcmà phải mang tính thực chứng”- và “Mỹ học là khoa học về nghệ thuật.”
Người viết bài này cùng rất nhiều các nghệ sĩ thuộc thế hệ 5x hơn nửa đời người đã trải qua sự giáo dục thẩm mỹ bởi một nền nghệ thuật duy nhất mang tên “Hiện thực xã hội chủnghĩa”. Và rồi thật may mắn từ sau những năm 1995 cho đến nay, chúng ta đã được tự do hơn trong sự chiêm ngưỡng tiếp xúc gián tiếp, trực tiếp với nghệ thuật phương Tây hiện đại thật vô cùng lớn lao vĩ đại… Chúng ta đã được khai mở trí thức thẩm mỹ đỉnh cao cùng các trường phái của nghệ thuật hiện đại và đương đại của nhân loại. Các nghệ sĩ ở những thế hệ sau trẻ hơn, nhiệt huyết, giàu năng lượng, có nhiều ưu thế hơn và ngày càng trưởng thành sâu sắc. Chắc chắn họ sẽ có nhiều kiệt tác để trở nên là di sản nghệ thuật quý giá cho hậu thế…
Người xưa nói: “Đạo lớn vô hình – đạo nhỏ hữu hình”. Suy ngẫm bàn về thẩm mỹ nghệ thuật có khác gì bàn về “Đạo lớn vô hình…”- quả là vô cùng khó khăn mênh mông vô tận… có đến hàng ngàn hàng vạn cuốn sách của các bậc thiên tài vĩ nhân cũng chẳng thể đi đến hồi kết. Với vốn tri thức ít ỏi cùng môi trường nghệ thuật ở quá xa nền văn minh nhân loại, bởi nên đôi khi tâm trạng vẫn “hoang mang mơ hồ” khi cái đẹp của mỗi thời đại luôn đem đến cho ta những cảm xúc suy tư đầy “nghịch thuyết mâu thuẫn”, “Cái thời nay cho là đẹp thời sau lại xem thường – cái thời nay không đẹp thời sau lại ngợi ca”, “chẳng biết đâu là phải, chẳng biết đâu là quấy” …ngay cả những bậc siêu phàm “mai danh ẩn tích” dành trọn cả cuộc đời sống trong cô tịch nghiên cứu suy tư nghiền ngẫm cũng đành bất lực không thể tiên tri về nghệ thuật trong tương lai sẽ ra sao?
Vân Thuyết