Tardieu (1870-1937) đã rẽ vào một khúc quanh định mệnh khi ông nhận được Giải thưởng Đông Dương (Prix de l’Indochine) (1) và một học bổng sang Đông Dương. Con trai ông, nhà thơ danh tiếng Jean Tardieu (1903-1995) tuyên bố cha của ông “đã chuẩn bị cho hành trình này gần giống theo cách Gauguin rời châu Âu về miền châu Đại Dương viễn mơ, như một cuộc khai phóng và đổi mới…” (2). Ngày 05/01/1921, Victor Tardieu xuống tàu ở cảng Marseilles, ông đã lần đầu tiên trong đời cảm nhận được không khí miền nhiệt đới Việt Nam vào ngày 02/02/1921.
Tại Hà Nội, ông đã gặp một họa sĩ người Việt, Nguyễn Nam Sơn (1899-1973), họ cùng nhau xây dựng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo nghị định ký ngày 27/10/1924, do Toàn quyền Martial-Henri Merlin chuẩn y.
Trong suốt thời gian hơn 12 năm làm chức vụ Hiệu trưởng, hoàn toàn bị cuốn hút bởi sứ mệnh giáo dục, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng, sau một cơn bệnh viêm phế quản, Victor Tardieu từ trần tại Hà Nội ngày 12/6/1937, ở tuổi 67.
Rất nhiều báo chí đã đưa tin về sự kiện quan trọng này.
86 năm đã trôi qua… nhân dịp ngày giỗ của ông, để tưởng niệm công lao của một người Thầy, chúng tôi xin chuyển ngữ Điếu văn của ông Bertrand – Giám đốc Nha học chính, kiêm Giám đốc Đại học Đông Dương được đăng trên Nhật báo Tương lai Bắc Kỳ (Avenir du Tonkin), số ra ngày thứ Tư, 16/06/1937, trang 11 (Lưu trữ “Victor Tardieu”, Institut National d’Histoire de l’Art (INHA), Paris, coll. Jacques Doucet, N° 125 – Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp).
Tất cả chú thích trong bài này do chúng tôi ghi nhận.
TRÊN NẤM MỘ CỦA HỌA SĨ TARDIEU SUR LA TOMBE DU PEINTRE TARDIEU
Chúng tôi đã bị một cú đánh tàn nhẫn vào thứ Bảy vừa qua, giữa bữa liên hoan tuyệt đẹp tại trường, tin tức về cái chết của ông Victor Tardieu giáng xuống như tiếng sấm nổ. Ngày hôm trước, vị Hiệu trưởng của chúng ta còn làm việc, ra hiệu lệnh, gọi điện thoại, bàn việc đi nghỉ ngơi, và lên kế hoạch cho tương lai. Chúng tôi ấp ủ niềm hy vọng rằng sự mệt mỏi, mà đôi khi ông ấy phàn nàn với những người thân thiết của mình, không có nguồn gốc sâu sắc, chỉ đơn giản đến từ một mùa hè miền Bắc đặc biệt khó khăn. Đêm thuộc địa dường như có một cái gì đó tàn bạo và khốc liệt hơn những đêm ở quê nhà. Chúng tôi đã phải cúi đầu. Cuộc sống thường được tạo nên từ sự cam chịu.
Nhưng sau đó, điều chịu đựng khó khăn nhất là kỷ niệm, dường như ký ức giống như một tia hy vọng mới. Hãy nhớ. Hãy quay trở lại 67 năm, 50 năm về trước. Victor Tardieu đã sớm được gọi là một trường hợp xuất sắc, sinh viên của trường Lyon, sau đó là trường Mỹ thuật Paris, ông thành công rực rỡ và nhận được nhiều giải thưởng cao. Một số tranh của ông đã được nhà nước mua lại cho các Bảo tàng ở Paris, Lyon và Rennes, ông thực hiện những bức bích họa danh tiếng. Vào năm 1922, ông giành được giải thưởng Đông Dương.(3)
Định mệnh đã an bài. Năm sau ông đến Đông Dương,(4) thiết tha với việc thành lập trường Mỹ thuật, nhậm chức Hiệu Trưởng vào năm 1924 và không bao giờ rời khỏi chức vụ này. Ngôi trường này là tác phẩm của ông. Ông đã tạo ra các phân khoa khác nhau, tìm thầy dạy học, thổi vào ấy linh hồn năng khiếu thiên bẩm của mình với ý thức nghệ thuật cao. Ông khám phá được những bí mật của tư duy Viễn Đông: tìm ra được ý nghĩa sâu sắc xuất hiện dưới những hình thức đặc biệt, hiểu được trong thực tế đó là sự diễn đạt của thiên tài, và đã tiếp cận nó. Ông là người đầu tiên và hơn ai hết hiểu rằng tâm hồn An Nam là một trong những tâm hồn có tính nghệ sĩ nhất trên thế giới, nhưng chưa tìm thấy công thức phát triển, vẫn còn đang lần tìm con đường nghệ thuật riêng, phải được giúp đỡ trong quá trình vươn lên đầy khó khăn. Và đó là mơ ước đẹp đẽ, cũng là sự thành tựu tuyệt vời của ông.
Trường Mỹ thuật ngày càng tốt hơn một cơ cấu, ngày càng tốt hơn một trường học. Đó là một khu bảo tồn và phát triển các tổng hợp nghệ thuật Pháp-An Nam, nơi mà những phẩm chất của chủng tộc của chúng ta kết hợp hài hòa với tính cách Đông Dương, tại ngôi trường này những điều tốt nhất của nghệ thuật thực sự được tạo ra. Victor Tardieu đã đào tạo nhiều đội sinh viên, họa sĩ, nhà điêu khắc, dàn trải khắp nơi ! Sự liên minh văn hóa đã gắn chặt trên khuôn mặt nghiêm trang cổ xưa của An Nam những ý tưởng mới, xuất phát từ tâm tư của ông. Mọi thứ tốt đẹp được thực hiện ở đất nước này đều mang dấu ấn của ông.
Ông không chỉ nghĩ về một nghệ thuật tuyệt vời, mà còn về những thành tựu thủ công khiêm tốn nhất, ông dành tình yêu thương rất dịu dàng đối với những sinh viên đam mê cái đẹp. Các dự án mới vẫn đang hình thành, như đồ nội thất, gốm sứ, dệt, sẽ biến trường học của ông trở thành ngôi nhà sáng tạo nghệ thuật đẹp nhất và phong phú nhất ở Viễn Đông của chúng ta. Ông đã thành lập Hiệp hội An Nam Chấn hưng Nghệ thuật và Kỹ nghệ, nơi tràn ngập tương lai, và đã dũng cảm chấp nhận chức vụ đại biểu nặng nề với vai trò Ủy viên Quản lý Đông Dương tại Triển lãm Toàn cầu năm 1937. Đến từ những suy nghĩ nghệ thuật của ông, sự tham gia của người Đông Dương trong triển lãm này được hiện thực hóa trước mắt, cho thế giới thấy những giá trị đạo đức của đất nước Đông Dương xinh đẹp. Và thậm chí trong nhiều tháng năm nữa, dự kiến, ý tưởng, những bức tranh được chọn, phương châm lấy cảm hứng từ ông, các gian hàng và đường viền trang trí do ông tạo ra sẽ chiến thắng dưới bầu trời yên tĩnh tuyệt đẹp của Paris, và nguồn cảm hứng hào phóng ấy sẽ tỏa sáng trên thế giới.
Victor Tardieu có những phẩm chất đẹp nhất của con người và nhân dân Pháp, sự rõ ràng của tâm hồn, hoạt động trí tuệ, ý thức sắc sảo về vẻ đẹp nghệ thuật, ý chí đúng đắn, sức mạnh sáng tạo. Một nghệ sĩ thực thụ, ông đã đưa ra bằng chứng trong bích họa vĩ đại đáng ngưỡng mộ trang trí giảng đường Đại học Đông Dương. Ông đã truyền cảm hứng sáng tạo cho hàng trăm ngàn bộ óc trẻ và mang đến cho họ sở thích về cái đẹp và tình yêu nghệ thuật.
Ông cũng không trốn chạy danh dự, xứng đáng với những phần thưởng danh giá:
Bắc đẩu Bội tinh, hạng Sĩ quan (đệ tứ đẳng),
Huy chương Liên minh trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất,
Bội tinh Hội đồng Liên minh Quân sự Ý, hạng Chỉ huy (đệ tam đẳng),
Biểu đức long tinh, Đệ Tam hạng,
Kim Khánh hạng nhất,
Ông chính là một gạch nối các vùng đất huynh đệ giữa Pháp, Ý, An Nam và ở khắp mọi nơi ông đều là một trong những người giỏi nhất, như một sứ đồ truyền giáo.
Luôn có tinh thần chiến đấu và sáng tạo, tuy nhiên ông đã gục ngã trên chính chiến trường do mình chọn, giống như một anh hùng cổ đại, không uốn mình. Quý vị thân mến, quý vị có thấy ở đó một loại biểu tượng bi thảm ? Gia đình khuyên nên nghỉ ngơi, họ bảo hãy cảnh giác. Ông đã xây dựng nên một mặt trận, và từ sự can đảm thầm lặng ấy xuất hiện một bài học tuyệt vời và thượng đẳng. Tư tưởng của ông sẽ không rời bỏ chúng ta, cũng không rời bỏ vùng đất Đông Dương, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của ông: tất cả được khắc ghi khắp đường phố, trong mọi nhà, nơi nơi trưng bày các tác phẩm của những nghệ sĩ mà ông đã đào tạo, qua đồ trang sức, những mảnh đăng-ten, những vật dụng thường nhật… Chính nhờ tâm linh mà chúng ta tồn tại, ông sẽ sống mãi một cách thực sự với thế hệ sau, trong bao trái tim.
Với tình yêu ông nuôi dưỡng những điều tốt đẹp nhất, ngay cả những người đã rời xa nhiều năm nhưng ông vẫn trung thành quyến luyến, những người mà ông đã hỗ trợ khi cần thiết, vì tuy bề ngoài tỏ vẻ nghiêm khắc nhưng trong ông là một trái tim dịu dàng, rất tình cảm và ngọt ngào.
Đối với ông, các sinh viên gần như là những đứa con trai của mình, họ biết rõ điều đó, và đã chứng minh với mọi người trong ngày hôm nay bằng nỗi buồn và sự gắn bó. Ký ức về ông chắc chắn sẽ sống trong trái tim của họ, giống như một trong những tổ tiên ông bà mà họ tôn thờ và yêu quý nhất.
Tôi muốn trong một vài tháng nữa, một bức tượng bán thân do thầy giáo và sinh viên khắc trên ngọc đá của đất nước này, được dựng lên trước ngôi trường này, nơi một chút gì của ông vẫn còn lưu dấu, để nói với các thế hệ tương lai với nụ cười hơi mệt mỏi thường thấy: Đây là một người đàn ông đã làm việc với trái tim yêu tuổi trẻ, yêu vùng đất An Nam, một người đàn ông có trách nhiệm, một nghệ sĩ cao quý, một người Pháp vĩ đại.
***
Thi thể Victor Tardieu được quàng tại nghĩa địa Tây cho đến thời điểm di chuyển về Pháp. Tất cả chi tiết đều được tường thuật một cách rõ ràng trong thư Nam Sơn gửi bà Tardieu viết ngày 3/9/1937 (5). Theo đó, Victor Tardieu được đưa đến Hải Phòng bằng tàu lửa ngày 26/8 sau đó đưa về Pháp bằng tàu Linois ngày 28/8/1937.
Tại Pháp, buổi tang lễ được diễn ra với sự hiện diện của gia đình và thân hữu vào n gày 03/11/1937 tại một làng nhỏ ngoại ô Paris, nghĩa trang Villiers-sous-Grèz (vùng Seine-et-Marne).(6)
Khi có dịp, chúng tôi sẽ chuyển ngữ những tài liệu nói trên.
Với những dòng chữ này, xin tri ân con người của đất nước Pháp đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai, đã đặt nền móng và dựng xây một nền Mỹ thuật Việt Nam vững chắc. Thành phố Hà Nội xứng đáng có một con đường mang tên ông.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi
Chú thích:
1. Nghị định lập Giải thưỏng Đông Dương do Toàn quyền Antony Wladislas Klobukowski ký năm 1910, do “Hội Thuộc địa Nghệ sĩ Pháp” (Société Coloniale des Artistes français) đề xướng với ý định phát khởi nghệ thuật phương Tây tại Đông Dương. Giải thưởng này đã ban cho 21 họa sĩ, đầu tiên là Ferdinant Olivier (1873-1956) và cuối cùng là Louis Bâte (1898-1948).
2. Jean Tardieu, “Tiểu sử Victor Tardieu”, bản nháp viết tay. Lưu trữ “Victor Tardieu”, Institut National d’Histoire de l’Art (INHA), Paris, coll. Jacques Doucet, N° 125-10 N° 125-11/d.6, trang 1. “Il avait accueilli ce départ en Orient un peu à la façon de Gauguin quittant l’Europe pour la fabuleuse Océanie, comme une libération et un renouvellement…”
3. Victor Tardieu đoạt Giải thưởng Đông Dương năm 1920 chứ không phải năm 1922.
4. Xem ghi chú số 04.
5. Thư Nam Sơn gửi bà Victor Tardieu, ngày 03/9/1937, (Lưu trữ “Victor Tardieu”, INHA, op.cit.).
6. Abeille du Bugey, op.cit.