Nhớ Cát Tường

Họa sĩ Cát Tường (Le Mur) học khóa 4 (1928-1933) tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, đồng môn với các họa sĩ: Lưu Đình Khải, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí… ông nổi tiếng là người đã sáng tạo và đưa vào đời sống các mẫu áo dài kiểu mới, thời đó người ta vẫn gọi là áo dài Le Mur – sống đời sang trọng, nhưng rất ít người biết đến việc ông sẵn sàng rời bỏ giàu sang để tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu và đã hy sinh anh dũng. Hồi ý của ông Hà Anh (Nguyễn Quốc Tài), một người bạn chiến đấu đã ghi nhận điều đó – Ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật.

Từ mặt trận An Khê tôi và Quảng là hai người có học lực tương đương với thành chung (diplôme) nên được Ủy ban Kháng chiến Miền Nam Việt Nam chọn đưa về Quảng Ngãi dự thi vào Trường Lục quân Trung học do tướng Nguyễn Sơn làm hiệu trưởng. Chúng tôi đã thi các môn hình học, toán, văn và sử. Hai chúng tôi đều đỗ trong số 500 sinh viên Bắc, Trung và Nam.

Tôi được sắp xếp vào trung đội 2 Đại đội 3, còn Quảng thì ở đại đội 1. Ở trung đội tôi có 3 nhân vật đặc biệt: Tuấn đỗ tú tài 1 trong nhóm Hoàng Mai Lưu, người lùn khoảng gần 1m50, trắng trẻo, đàn Tây bán cầm rất hay. Cát Tường ốm nhom, râu lún phún, mắt hơi sâu, nhưng tròng mắt đen sáng.Ybloc là đội khố đỏ mà đồng chí tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái giới thiệu với Bác Hồ: Anh Bloc là “vua” du kích Tây Nguyên. Trong 3 người này, tôi quen thân với anh Tuấn vì anh có tài phổ nhạc và viết bè (parti-tion). Còn anh Cát Tường thì lại quá thân với tôi. Vì là đại đội tôi có ra một tờ bích báo tên là Búa; Tờ này nổi tiếng trong 4 đại đội. Tờ Búa do Tố đỗ tú tài hai làm chủ biên, có các cây viết sừng sỏ như Ngụy Trường Sanh, Hoàng Bào, Trần Đình Mai và Cát Tường hợp tác. Còn tôi lâu lâu cũng xía vào vài bài thơ móc ngéo cho “chúng ghét”. Chủ trương của tờ Búa rất là “gồ ghề”, nó không cả nể ai kể từ tổng đội trường Đoàn Khuê đến các giáo sư ta và giáo sư Nhật cho tới các ông bà nhà bếp, nó đều mạnh tay “búa”. Cát Tường lại có biệt tài nói móc, nói cạnh rất hay và ai đọc cũng buồn cười nhưng lại rất thấm thía.

Họa sĩ Cát Tường

Tôi là người sống ở Quảng Ngãi 2 năm nên Tường xem như tôi là thổ công của vùng thị xã. Anh thường đi cặp kè với tôi và lân la lại các cửa hàng có các em gái đẹp mà tôi đã quen biết. Anh nói chuyện có duyên và không sàm sỡ như vài sinh viên khác. Anh nói: Này các em xem, anh vẽ Bác Hồ một phút là xong. Các cô chú ý trên cuốn sổ tay của anh – Anh chỉ phác qua nhẹ một hình tam giác, sau đó phần trên bằng phẳng là cái trán cao và tóc. Anh điểm thêm con mắt? mũi nhọn và tiếp đến bộ râu mép. Hình nhọn tam giác ở dưới là chùm râu dài. Các cô phục lăn và cười nói đến nỗi vui chuyện nên chúng tôi về đến nhà trường trễ 15 phút, vì nhà trường cho phép đi chơi trong ngày chủ nhật từ 7h30 đến 17h00 chiều. Kỷ luật nhà trường – gắt gao lắm. Các huấn luyện người Nhật rất nghiêm chỉnh. Tập hợp các sinh viên lên đứng không ngay ngắn cũng bị phạt, nói chuyện trong hàng: bị phạt, quần áo không chỉnh tề: bị phạt, tập họp không nhanh nhẹn: bị phạt, hát trong hàng không lớn: bị phạt, phát biểu không to cũng bị phạt… Đây là qui định của số huấn luyện viên Nhật và Việt Nam. Đây cũng là yêu cầu của tướng Nguyễn Sơn, tập hết lòng ra sức tập, chơi ra chơi. Tạp phải đổ mồ hôi ở thao trường thì ít đổ máu ở chiến trường. Tướng Sơn muốn các sĩ quan tương lai phải giỏi: biết điều khiển chiến sĩ và năm vững chiến thuật tác chiến để tùy cơ chiến thắng địch. Đó cũng là tác phong Nguyễn Sơn: chịu cực, chịu khó, vượt mọi trở ngại luôn khẩn trương, quyết đoán. Tướng Sơn luôn nói mọi sự chậm trễ trong quân đội đều không thể tha thứ. Cho nên trung đội trưởng trung đội 2 đã phạt 2 chúng tôi chạy quanh sân trường 4 lần sau đó bắt chúng tôi bò theo 4 kiểu. Cũng may sân trường học có lấp cát nên chúng tôi không bị trầu sướt tay chân. Tôi bò sau anh Tường, tôi to con và có sức khỏe nên tuy mệt cũng chịu đựng được, chỉ thương sót cho anh Tường ốm yếu khi thực hiện các lối bò. Đến lối bò trường sát đất, anh đuối sức vì phải bò đến 40m. Chân anh cơ hồ co lên chậm chạp nhưng anh cũng cố gắng trườn tới cho đến khi có lệnh hô nghỉ và giải tán. Anh Tường vội nhào lên giường tre nằm xuôi tay, xuôi chân. Tôi phải leo lên ngồi kế bên anh để bóp tay, bóp chân. Anh thều thào bảo tôi:

“Chủ nhật sau nhớ về nhà trường sớm nhé”.

Về Pháp văn anh nói lưu loát hơn tôi. Về môn Mác xít, nhà trường chia làm 2 lớp nói tiếng Việt và tiếng Pháp do Hồ Chí Long, người Đức là con nuôi của Bác Hồ dạy tiếng Pháp. Hai chúng tôi đăng ký học bên tiếng Pháp về duy vật biện chứng và tư bản luận. Thầy giáo bắt các sinh viên phải ôn tập viết lại tiếp thu của mình. Trong khi tôi loay hoay được nửa trang thì anh Tường đã làm đầy trang giấy. Quả thật anh là người thông minh và tiếp thu nhanh chóng lời giảng của ông thầy.

Hai tháng đầu, chúng tôi học rất gian khổ. Sáng dậy theo kèn báo thức 5 giờ, chúng tôi phải sửa soạn chỗ ngủ, mặc quần áo trong 5 phút và đeo ba lô, súng ốp ra sắp hàng, sau đó chạy đều. Ông hiệu trưởng Sơn (tướng Nguyễn Sơn) nhiều khi đi từ mặt trận về, thường chạy dẫn đầu để sinh viên các đại đội chạy theo ông. Thường thường đến Núi But hay ra cầu Trà Khúc khoảng 5 cây số. Ở đó chúng tôi tập thể dục 1 tiếng và lại chạy trở về. Khi vào đến thành phố thì đi đều và hát. Một lần chúng tôi hát nhỏ, huấn luyện viên Nhật Phan Lai thay vì chạy vào trường, ông hô! Mục tiêu sân ga, chạy đều! Thế là chúng tôi đã biết mình bị phạt chạy thêm 4 cây số nữa. Trưa hôm ấy, anh Tường không ăn được cơm vì mệt, anh chỉ uống nước, tuy nhiên buổi học chính trị lúc 14h00 tại giảng đường anh vẫn có mặt.

Một hôm tôi đưa bài bích báo cho Tố và hỏi: – Cát Tường có bài không ? Tố bảo: chưa nhận được kỳ nào chả có. Các cậu không biết Cát Tường chủ tiệm may Le Mur, anh là họa sĩ đầu tiên đã sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài ở Hà Nội. Tôi chợt nhớ đến chị tôi, chị có 2 tủ áo dài đủ kiểu đủ màu của nhà thiết kế Le Mur, nào kiểu kín cổ, cổ trái tim, cổ tròn, tay phồng… Người chị này cũng là hoa khôi xứ Quảng. Khi hát bài Thiên Thai đã bị tướng Sơn sửa ?? Bào dẹp bài ủy mị này đi, khi nào ta đánh tan bọn xâm lăng Pháp giành độc lập, tự do lúc ấy tha hồ hát.

Khi nói đến Le Mur tôi lại nhớ, kỷ niệm khó quên hồi trước Cách mạng tháng Tám, tôi cùng người anh họ đi dự buổi nói chuyện của hội Truyền bá Quốc ngữ là một hội kín khuyến khích lòng yêu nước của đồng bào. Tôi ngồi gần Cát Tường mà không biết đến Ban tổ chức mời nhà may Le Mur phát biểu tôi mới biết người ngồi bên tôi là Cát Tường. Hồi ấy, anh trắng trẻo, tóc chải mượt để lộ vầng trán cao, rộng. Con mắt đen láy và sáng. Mũi cao hơi khoằm. Miệng rộng, cổ lộ yết hầu. Tướng anh trông giống như một ông tham, ông phán thời Pháp thuộc. Tôi nhìn con người ốm yếu kia hôm nay lại là Cát Tường hồi xưa chăng. Tôi bảo chị tôi mua thêm bánh để anh ăn bồi dưỡng, vì tôi quí anh.

Các sinh viên tập kiếm và lưỡi lê. Nhìn lại chỉ có Lê Thiên Tào và Cát Tường hô “Sát! Sát” lớn hơn các sinh viên khác. Khi Cát Tường hô và đâm lê tới trước, mồm anh mím lại, mắt trợn lên như là đã thấy quân thù trước mặt. Trong 2 tháng đầu có thi thử và Nhà trường loại ra 50 người, số còn lại được ra các đơn vị gần mặt trận để các sinh viên quen với không khí chiến trường. Trong dịp này, tại cuộc tấn công Củng Sơn một sinh viên đã bị thương.

4 tháng sau ra trường. Cát Tường đậu nhưng điểm không cao. Anh được cấp trên đưa vào trung đoàn bảo vệ Thủ đô. Vì anh giỏi tiếng Pháp nên những cuộc đụng chạm giữa Pháp và Việt Nam, trung đoàn đưa anh trong ban Hòa giải. Nửa tháng sau toàn quốc kháng chiến bùng nổ anh được chỉ huy một trung đội và anh đã bố trí các chiến sĩ bắn chim sẻ (bắn tỉa) để tiêu hao sinh lực địch. Các dẫy nhà tại Hà Nội lúc ấy là những chiến hào, nhà này đục thông qua nhà khác, ngoài đường xếp bàn, ghế cây cối làm chướng ngại vật nên lính Pháp khi hành quân đều bị ta chặn đánh từ trên lầu cao cho đến các ngõ ngách dưới nên chúng tiến rất chậm. Các anh được một số ít đồng bảo ở lại tiếp tế lương thực. Suốt 2 tháng cầm cự với bọn lính Pháp. Cuộc chiến giữa ta và địch không cân sức buộc ta phải rút lần ra ngoại ô Hà Nội, đi về các ngả Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương… Kiểm điểm lại các sinh viên lục quân đã hy sinh trên 40 người. Sau này các anh em kể lại về Cát Tường bực quá, anh thông báo cho đơn vị khi nghe tiếng Sát thì tấn công. Anh cùng 1 đội viên bò lên 2 phía. Anh kia tới gần ném lựu đạn còn anh tìm cách khiển chế hỏa lực địch, thừa lúc nhá nhem tối anh đã bò nép theo ven tường sau đó nhảy lại chỗ ụ súng, hai tay anh dơ cao nồng lên và hất cây FM đang nhả đạn vào trong. Anh hô: “Sát!Sát”. Một đội viên kịp thời quăng quả lựu đạn. Anh Tường bị một loại tiểu liên làm anh ngã xuống nhưng 1 đội viên đã thừa cơ nhảy vào tiêu diệt 1 tên địch trong đám khói nghi ngút của lựu đạn. Đấy là cuộc chiến gay go giành từng tấc đất của những khu phố Hà Nội.

Cao quý thay! Con người tưởng như ốm yếu lắm lại có một hành động dũng mãnh làm cho địch khiếp kinh khi nghe tiếng “Sát!Sát”. Thế là anh Tường đã bỏ lại sau lưng một tiệm may to lớn nổi tiếng khắp Hà Nội và các tỉnh, anh bỏ lại sự giàu sang, vinh hoa, phú quý để đáp lời kêu gọi của Tổ quốc đang lâm nguy để làm người chiến sĩ và đã hy sinh anh dũng trên chiến lũy Hà Nội.

Hà Anh

(*) Bài viết được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 183, tháng 3 năm 2008.

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về hai bức tranh vẽ năm 1978 của Nguyễn Sáng

    Hai bức tranh của Nguyễn Sáng trong bài viết này là câu chuyện cảm động của những người anh em bè bạn chơi với nhau rất thân tình. Tuy không máu mủ ruột rà nhưng có những lúc trong...

Những áng mây bay của nghệ sĩ Việt giữa lòng Paris

NDO – Con phố Matignon, nằm ngay giữa trung tâm quận 8 của thủ đô Paris (CH Pháp), nổi tiếng với vô số không gian trưng bày của những nghệ sĩ tên tuổi trong nhiều lĩnh vực như: hội họa, kiến...

DƯƠNG HƯỚNG MINH – HIỆN THỰC CUỘC ĐỜI HIỆN THỰC NGHỆ THUẬT

  Năm 1996, họa sĩ Dương Hướng Minh mở triển lãm cá nhân mang tiêu đề: “Cội nguồn, Đất nước, Tình ca” nhân kỷ niệm 60 năm tuổi nghề của ông. Trong 50 tranh trưng bày, phải kể đến...

Lịch khai mạc triển lãm mỹ thuật khu vực lần thứ 24 năm 2019

...

TRIẾT LÝ NHÂN SINH CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG HÌNH TƯỢNG CON LỢN

  Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp Câu thơ của Hoàng Cầm như reo một nốt nhạc vào lòng Tết nét hoài cổ về những bức tranh dân gian xưa. Những tranh...