Năm 1996, họa sĩ Dương Hướng Minh mở triển lãm cá nhân mang tiêu đề: “Cội nguồn, Đất nước, Tình ca” nhân kỷ niệm 60 năm tuổi nghề của ông. Trong 50 tranh trưng bày, phải kể đến ba tranh sơn mài cỡ lớn: “Thanh bình”, “Huyền thoại về cội nguồn Âu Lạc”, “Tuổi trẻ sinh viên” – mà theo ông – có tính chất chuyển hướng đề tài và ngôn ngữ biểu hiện, và đều đã được hoàn thành ngay trước ngày khai mạc triển lãm.
Năm 2000, trong bản tự kiểm điểm tư cách Đảng viên của mình sau 15 năm kể từ thời kỳ đổi mới, hoạ sĩ Dương Hướng Minh viết: “Bước vào môi trường sinh hoạt của thời kỳ kinh tế thị trường phát triển, bản thân vẫn giữ được nếp sống giản dị, thanh bạch, vẫn quan tâm rèn luyện thân thể đảm bảo cuộc sống khoẻ mạnh, minh mẫn, không còn một bệnh mãn tính nào dù là một nghệ sĩ, cựu chiến binh trên 80 tuổi đời.”
Về nghệ thuật, với ông vẫn là tiếp tục không ngừng “lo tìm kiếm và làm thế nào phát hiện được cái mới trong ngôn ngữ sáng tạo… góp phần làm phong phú tính chất tiên tiến của hội hoạ đương đại đậm đà bản sắc dân tộc”, như ông viết. Cũng vào năm 2000, ông đã vinh dự được đón nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Thực ra, tên gọi Dương Hướng Minh chỉ xuất hiện từ ngày 23/8/1945, ngày lịch sử Nam Bộ giành chính quyền từ đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn, đồng thời đã cầm vũ khí chống thực dân Pháp mưu đồ xâm lược nước ta một lần nữa.
Hoạ sĩ Dương Hướng Minh có tên thật là Nguyễn Văn Tiếp, sinh ngày 6/2/1919, trong một gia đình nho học yêu nước tại xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, vốn là cái nôi của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Ông ngoại ông, khóa sinh Bùi Văn Mạch đã từng là cánh tay tâm phúc của lãnh tụ nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật, sau bị quân thù đầu độc chết. Thất bại của cuộc khởi nghĩa khiến một số tướng lĩnh nghĩa quân bị địch xử tử tại trường bay Bạch Mai, cùng với sự tàn sát dã man dân lành: ba thôn xã Xuân Dục ngày ấy cũng bị địch triệt hạ không còn cây cối nào sống sót.
Năm 1936, Dương Hướng Minh (Nguyễn Văn Tiếp) vào học lớp dự bị Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1938, thi đỗ vào khoá 12, khoa hội hoạ. Ông học được ba năm thì bỏ, bắt đầu hoạt động nghệ thuật tự do, có một cuộc triển lãm cá nhân tại Nhà hát lớn Hải Phòng, tháng 12/1944, nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ của một số anh em trong Tổng hội Sinh viên.
1945-1954, ông trực tiếp tham gia chiến đấu trong lực lượng biệt động nội thành, rồi chuyển sang quân đội tại đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Tháng 12/1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chủ công bảo vệ khu tập kết Đồng Tháp Mười, ông đã cùng đơn vị tinh nhuệ đặc biệt trực thuộc Bộ tư lệnh Quân khu miền Đông, chuyển quân tập kết ra Bắc trên chuyến tàu cuối cùng của Ba Lan.
1955, ông được Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân điều từ đơn vị đặc công về Hà Nội, tham gia tổ chức xây dựng triển lãm quân đội ở phố Bích Câu.
1956-1959, lần lượt công tác tại báo “Quân đội Nhân dân”, Phòng Văn nghệ Quân đội và Bảo tàng Quân đội. Hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam.
1960-1982, ông chuyển ngành sang Bộ Văn hóa: giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam, cán bộ nghiên cứu Viện Mỹ thuật và cuối cùng làm Ủy viên Ban biên tập Tạp chí “Văn hoá – Nghệ thuật” (nay là báo Văn hoá). Bởi vậy ông cũng là tác giả của một số tham luận hội nghị và một tập bản thảo dưới dạng nhật ký tư liệu khoa học tương đối hoàn chỉnh về mỹ thuật ứng dụng và nhất là về tạo dáng công nghiệp; bên cạnh đó là mảng hoạt động báo chí của ông, chủ yếu đăng trên tạp chí “Cộng sản” và báo “Nhân dân”.
Một thời kỳ dài, Dương Hướng Minh đã được xem như một trong những “người lính gác về tư tưởng” của Đảng trong lĩnh vực mỹ thuật.
Là một hoạ sĩ kỳ cựu từng có một thời kỳ “huyền thoại – trữ tình”, những tác phẩm như Vườn mộng, Trăng – Gió – Bướm – Hoa, với “một vẻ ngớ ngẩn hay và một cách đặt màu lạ” (Nguyễn Đỗ Cung, “Ngày nay” 23/12/1939) – trên thực tế, ngay từ những năm 1943-1944, Dương Hướng Minh (lúc ấy còn gọi là Nguyễn Văn Tiếp) – ”… do phát hiện thấy vạn vật chuyển động trong không gian ba chiều tạo nên đường chân trời cong – ông viết – nên đã vẽ hàng loạt ký hoạ để thể nghiệm và sáng tác các tác phẩm đầu tay theo bút pháp nghệ thuật động với nội dung hiện thực phê phán”, qua một số tranh sơn dầu: “Đẩy đổ cửa Ga Hàng Cỏ mà đi” (khổ lớn 130x160cm), “Công nhân đi tầm trong sương mù”, “Xếp hàng chờ gạo và chết đói” (vẽ trực tiếp tại Hải Phòng)…
Về bức tranh “Đẩy đổ cửa Ga Hàng Cỏ mà đi”, chính hoạ sĩ có lời chú giải như sau: “Đây là bức tranh hiện thực phê phán được thể hiện theo bút pháp nghệ thuật động. Bức tranh này bắt nguồn từ hiện thực nóng bỏng diễn ra ngày ấy tại Ga Hàng Cỏ… Từ Hải Phòng lên Hà Nội, tôi liền đến khu học xá thăm một số bạn sinh viên, đúng vào thời điểm có nhiều sinh viên rủ nhau ra nhà ga để chứng kiến cảnh nhân dân ta đã mấy ngày liền đến đấu tranh đòi bọn quân phiệt Nhật mở cửa ga để họ đi tàu sau mấy ngày chờ đợi, nhất là do chúng chiếm lĩnh tàu để chuyển quân và lương thực nên chúng rất ngoan cố. Chúng còn dùng lính sen đầm của Pháp hỗ trợ, ngăn cản hàng ngàn dân luôn sẵn sàng phá đổ cửa ra sân ga.
Tìm được mấy bạn chí cốt, lại đã mang theo mình phương tiện ghi chép, tôi theo ngay anh em ra ga để cảm nhận hiện thực ngang trái đang diễn ra căng thẳng.
Khi vừa đến nơi đúng lúc nhân dân đẩy đổ cửa ga chính, mở ra một vòm trời bừng sáng, đầy ắp nắng quái chiều hôm. Lớp lớp nhân dân ùn ùn ào ra cửa hất tên sen đầm Pháp ngã bổ ngửa xuống sân và giẫm đạp vô tội vạ lên người tên hiến binh Nhật đã ngã sấp, không cựa được. Hàng bao nhiêu nón của bà con giơ cao để dễ bề lao ra sân tiếp nhận nguồn nắng quái cũng tạo nên tính chất kỳ vĩ của hiện trường mà nhân dân như vùng lên làm chủ trong việc giành lấy tàu mà đã được anh em lái tàu ủng hộ”…
Điều đáng tiếc là những bức tranh hiện thực ở thời kỳ “tiền chiến” của hoạ sĩ Dương Hướng Minh cùng với cả một kho tranh của ông cất giấu tại một địa điểm trên núi Côn Sơn đã bị mất trong một cuộc càn quét lớn của quân Pháp năm 1947…
Tuy nhiên, phải đến 1957, sau hơn 10 năm “gác bút để cầm súng”, qua tác phẩm sơn mài “Kéo pháo ở Điện Biên Phủ”, nghệ thuật hiện thực của Dương Hướng Minh quả tình mới tạo ra được một dấu ấn quan trọng nhất, khi mà trong đó những tư tưởng và phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đương thời đã được ông tiếp thu và thể hiện hoàn toàn thích hợp, thay vì một tính hiện thực vốn dĩ là “tự phát” ở các thời kỳ nghệ thuật của chính ông trước đó.
Trong thời kỳ 10 năm đỉnh cao của hội hoạ sơn mài hiện thực Việt Nam (1954-1964), có thể nói bức tranh “Kéo pháo ở Điện Biên Phủ” của Dương Hướng Minh là một trong những tác phẩm thành công xuất sắc, không chỉ bởi tính chất tuyên ngôn và tính chính luận cao cả của chủ đề mà còn bởi tính sử thi chiến đấu oai hùng và sâu lắng, là hiện thân của mục tiêu kiên định, ý chí đấu tranh, sức mạnh đoàn kết, khí phách và chính nghĩa Việt Nam.
“… Kéo pháo ở Điện Biên Phủ, sơn mài, 1957 – tác giả Dương Hướng Minh viết chú giải – dự Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1958, Giải thưởng Mỹ thuật Toàn quốc 1958. Tranh thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Kéo pháo đã tham dự cuộc Triển lãm Mỹ thuật các nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Thủ đô Moskva, Liên Xô, năm1959 (chính xác khai mạc ngày 29/12/1958. Q.V), sau đó đưa triển lãm lần lượt đến tám nước Đông Âu trong hai năm 1959-1960. Năm 1959, Bác Hồ giao cho Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bộ Ngoại thương phối hợp hoàn thành trong một năm bức tranh thêu chuyển thể từ tác phẩm Kéo pháo ở Điện Biên Phủ. Bác đã sang thăm Trung Quốc và mang bức tranh thêu tặng Mao Chủ tịch.
Kéo pháo ở Điện Biên Phủ được Bộ Quốc phòng yêu cầu tái dựng kịp để Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Quốc phòng và toàn dân, đem chúc thọ Bác Hồ nhân dịp sinh nhật của Người 19/5/1959. Bức tranh này đã được Bác đưa đến lễ khai mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ III của Đảng, sáng ngày 5/9/1960, để chào mừng và tặng Đại hội. Tiếp đến, được chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng”.
Trong mảng sáng tác về đề tài cách mạng-kháng chiến, Dương Hướng Minh còn được chú ý qua một số tác phẩm sơn mài khác: “Chèn pháo” (1960, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), “Trường Sơn” (1980), “Giáp trận” (1990), “Trường Sơn mùa lá đỏ”, “Giáp trận II”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ”… Và hầu như ở tác phẩm nào ông cũng có những lời chú giải hết sức cụ thể và xác thực về lai lịch của những nhân vật – hình tượng, những sự kiện, những bối cảnh mà ông đã từng xúc cảm và thể hiện bằng nghệ thuật.
Bình sinh là người giản dị, ngay thẳng, thuần phác; có bản lĩnh và lòng dũng cảm, giàu ước mơ, niềm tin và khát vọng cống hiến, lại được hun đúc trong ngọn lửa truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình – con đường sớm đến với chủ nghĩa hiện thực của Dương Hướng Minh âu cũng là một điều tự nhiên và dễ hiểu, và chính điều đó đã làm nên giá trị chủ yếu cho nghệ thuật của ông. Trong nền nghệ thuật hiện thực, đặc biệt là hiện thực cách mạng-kháng chiến Việt Nam thế kỷ 20, mặc nhiên Dương Hướng Minh có một vị trí riêng biệt.
Ông mất tại Hà Nội năm 2008
Nhân dịp Năm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội 2010, một cuộc triển lãm có tính chất hồi cố các tác phẩm của Dương Hướng Minh đã được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm UNESCO phát triển Văn hoá và Thể thao cùng gia đình họa sĩ đứng ra tổ chức. Cuộc trưng bày năm ấy đã cho công chúng thêm một lần nữa hiểu rõ hơn về một hoạ sĩ cựu chiến binh lão thành nổi tiếng, cùng một sự nghiệp hội hoạ không kém phần độc đáo của ông.
Năm 2012, họa sĩ Dương Hướng Minh đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.