Kỷ niệm hai lần thăm họa sĩ Tôn Đức Lượng

Lần thứ nhất – Tháng 8 năm 2022, theo chân nhà sưu tập người Thái lan, ông Tira tới thăm họa sĩ Tôn Đức Lượng, người họa sĩ cuối cùng còn sống của lứa họa sĩ học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Với tôi đây là lần đầu tiên thăm ông, còn với nhà sưu tập Tira thì không thể nhớ có bao nhiêu lần viếng thăm họa sĩ khi mỗi lần sang Việt Nam. Dấu ấn lớn gần nhất là 10 năm trước Tira cùng họa sĩ Tôn Đức Lượng triển lãm bộ ký họa và ra mắt cuốn sách “Tôn Đức Lượng – Ký Họa Lịch Sử”, viết bởi họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2012.

Kể đến đây, thì không thể không nhắc tới những sự hoan hỉ trong giới mỹ thuật năm 2012, khi những tư liệu tranh, sách viết tỉ mỉ, trong sáng, theo dòng lịch sử của những người Thanh niên Xung phong trong kháng chiến thống nhất đất nước và cả người họa sĩ còn sống, được ghép lại hoàn chỉnh, tạo nên một chân dung Tôn Đức Lượng đầy đủ nhất, nhờ vào niềm đam mê hội họa của nhà sưu tập.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã viết về Tôn Đức Lượng “Người họa sĩ ký họa thuần túy dành trọn tuổi thanh xuân cho những chuyến đi xông vào thực tế và bom đạn…” (trích tr.24, sách “Tôn Đức Lượng – Ký họa lịch sử”).
Suốt cuộc đời họa sĩ ông không thay đổi nơi làm việc, từ khi tham gia kháng chiến chống Pháp rồi tới chống Mỹ. Nơi ở cũng không có bất kỳ sự thay đổi suốt 40 năm, cho dù đến hiện tại vẫn rất thiếu tiện nghi.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng ký tên vào bản tranh in từ bản khắc gỗ đã được nhà sưu tập Tira phục chế.
Tôn Đức Lượng – Khai hoang. 2022. Bản in khắc gỗ

Tiếp chúng tôi trong căn buồng khoảng hai chục thước vuông, trong ngõ phố Hàng Trống, Hà Nội. Thật mừng, ở tuổi 98, ông vẫn ngồi thẳng lưng tiếp chuyện. Những câu chuyện rỉ rả, chậm rãi, nhát gừng, xung quanh những ký ức về những bức tranh ký họa. Rồi lan sang những kỹ thuật tạo hình của những bản khắc gỗ, kỹ thuật pha, bôi, in màu của những bức tranh. Thỉnh thoảng đan xen trong câu chuyện là lời con trai của ông, thuật lại kỹ thuật sáng tác tranh của họa sĩ Tôn Đức Lượng. Con trai ông cũng là họa sĩ, ở cùng và chăm sóc ông lúc tuổi già, sinh sống bằng công việc vẽ truyền thần ở đầu ngõ.
Trên tường căn buồng nhỏ chỉ còn ba bức tranh, hai bức sơn dầu và một bức khắc gỗ. Bức tranh khắc gỗ duy nhất còn sót lại, kể từ khi họa sĩ Tôn Đức Lượng làm ra từ bản khắc gỗ, chắc cũng khoảng 20 năm rồi.

Bức tranh ghi lại phong cảnh vùng Phú Thọ, nơi ông đã ăn ở cùng lực lượng Thanh niên xung phong xây dựng Khu Kinh tế Thanh niên Phú Thọ giai đoạn 1971-1973. Kỹ thuật tạo hình màu thoảng nhìn dễ gần bởi những đường nét khoáng đạt, lớp màu tối giản, vàng nâu của đất đồi, xanh lá chỗ thẫm chỗ sáng của lá cọ, đặc sản của vùng đồi núi bán sơn địa đã đi vào tranh của nhiều danh họa Việt Nam.

Theo lời mô tả của họa sĩ Tôn Đức Lượng và con trai ông, thì sau khi in từ lớp sơn màu đen đầu tiên định hình các đường công – tua, đến phần màu, đòi hỏi sự tỉ mẩn, tính toán lớp màu trước sau mới đạt được độ sáng tối xa gần, giống như khi ta trực họa. Có thể nhận xét, dù là tranh khắc gỗ, những mỗi bức tranh đều vờn nhuần nhuyễn, bay bổng, không phô diễn kiểu cách kỹ càng, tựa như tranh thủy mặc. Có thể viện tới câu bình về tranh của một họa sư nổi tiếng Trung Hoa xưa, tranh của Mã Viễn, có trường thị giác “cho ta cảm giác chắc chắn của núi nhưng vẫn phóng khoáng và mộng mơ, nét không nhiều mà khí ngập tràn.” (trích tr.55, sách “Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật”, Vũ Hiệp).

TÔN ĐỨC LƯỢNG – Chuẩn bị cầu ngầm cho xe qua – TNXP C553, Hà Tĩnh. 1974. Sơn dầu. 43x55cm
TÔN ĐỨC LƯỢNG – Khai hoang. 1973. Khắc gỗ
TÔN ĐỨC LƯỢNG – Cô gái Mường khu kinh tế Thanh niên. 1974. Sơn dầu. 37x55cm

Niềm đam mê với hội họa, sự theo đuổi tới tận cùng xuyên suốt gần hai thập kỷ của ông Tira cùng bộ sưu tập ký họa Tôn Đức Lượng, để rồi ba năm trước, ông lại thuyết phục họa sĩ và gia đình nhượng lại 4 khối gỗ khắc và 8 bản tranh khắc. Thời điểm chuyển giao, nhìn bằng mắt thường cũng thấy, các bản khắc gỗ bị hư hại nhiều, cần phải phục chế mới có thể in được tranh.

Suốt hai năm Covid 2020-2021 là thời gian các nghệ nhân Thái phục chế bản khắc và tiến hành in tranh thử nghiệm. Điểm khó nhất chính là hoàn thiện bản in cuối cùng đẹp như bức tranh khắc gỗ treo trên tường nhà họa sĩ Tôn Đức Lượng, thì chưa làm được, cần phải sang Việt Nam hỏi kỹ thuật họa sĩ Tôn Đức Lượng. Và chuyến sang Việt Nam này, gặp họa sĩ Tôn Đức Lượng của nhà sưu tập Tira cũng vì lẽ đó.
Lần thứ hai tháng 10 năm 2022, họa sĩ Tôn Đức Lượng tiếp tục sáng tạo ở tuổi 98. Thật kỳ diệu; Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết rất rõ trong cuốn “Tôn Đức Lượng – ký họa lịch sử”, rằng sự nghiệp hội họa của Tôn Đức Lượng chủ yếu là các bức ký họa, đồ họa, ông có một số tác phẩm sơn dầu hay lụa, quả thực ngay trong nhà họa sĩ cũng chỉ còn duy nhất hai bức tranh sơn dầu. Đi tìm kiếm tranh họa sĩ Tôn Đức Lượng ở các bộ sưu tập tư nhân cũng rất hiếm, khối lượng hơn 200 tranh của họa sĩ Tôn Đức Lượng đang nằm ở trong bộ sưu tập bên Thái Lan của ông Tira.
Tháng 10 năm 2022, trong một lần thăm Bảo tàng Mỹ thuật tư nhân đầu tiên ở Việt Nam là Bảo tàng Mỹ thuật của họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ ở chân núi chùa Thầy, Sài Sơn, Hà Nội tôi đã được chiêm ngưỡng hai bức tranh sơn dầu nữa của họa sĩ Tôn Đức Lượng, vẽ cảnh những người thanh niên trong màu áo bộ đội đang vần những tảng đá trên suối, ký đề Tôn Đức Lượng.

Duyên nào mà tranh hiếm lại có trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ. Bà giám đốc Bảo tàng, bà Ngọc Mỹ sinh năm 1948, bà cùng sinh hoạt trong Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật Xứ Đoài, nơi họa sĩ Tôn Đức Lượng là thành viên của ban chủ nhiệm tới tận cuối đời. Bà kể đã sưu tập từ thập niên 1990 của thế kỷ trước, từ một thành viên ban chủ nhiệm và trưng bày trong bảo tàng từ đó. Bà chia sẻ, muốn tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời bức tranh, nhưng một nỗi bà giờ cao tuổi, từ lâu bị tiền đình, không đi xe ô tô được. Tôi vui vẻ, tự nguyện giúp bà tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời các bức tranh của họa sĩ Tôn Đức Lượng.

Trong các tấm hình tư liệu chụp năm 2012, dịp họa sĩ Tôn Đức Lượng cùng nhà sưu tập Tira, nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng triển lãm tranh và ra mắt sách tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, tôi còn thấy bà Phan Thị Ngọc Mỹ, thay mặt cho Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật xứ Đoài, ôm bó hoa tặng họa sĩ Tôn Đức Lượng.

***

 

Đại diện Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật xứ Đoài tặng hoa cho họa sĩ Tôn Đức Lượng trong buổi triển lãm của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, năm 2012.
Bà Phan Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ, tại thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, chùa Thầy, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Tháng 10 năm 2022, tôi cùng họa sĩ Phạm Huy Thông (người bạn thân, trợ giúp cho ông Tira) tới thăm họa sĩ Tôn Đức Lượng lần thứ hai. Ngay khi gặp lại bức tranh, họa sĩ nói liền, ông vẽ năm 1971-1972, vẽ thanh niên xung phong Hà Tĩnh tại cung đường bom Mỹ đánh phá khốc liệt và đúng với nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng mô tả, những bức tranh có ấn tượng thị giác lắm, dáng người bẩy đá dưới suối được Tôn Đức Lượng vẽ đi vẽ lại nhiều lần. Có lẽ hình ảnh đó tiêu biểu cho cuộc sống mở đường của những Thanh niên Xung phong ở đây, với tất cả sự vất vả của họ. Chúng ta để ý đến dáng người thanh niên cúi xuống, dùng tay vần tảng đá với lực hỗ trợ từ đòn bẩy.

Trong hoàn cảnh chiến tranh bom đạn khốc liệt, thiếu thốn họa phẩm vô cùng, thì để vẽ một tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu, dường như là công việc vô cùng khó khả thi, chỉ có thể bằng đam mê, kiên định của họa sĩ Tôn Đức Lượng, tác phẩm sơn dầu mới được hoàn thành. Và cũng vì lẽ đó tác phẩm “Chuẩn bị cầu ngầm cho xe qua”, “Thanh niên Xung phong Hà Tĩnh” đã ra đời là một sự kỳ diệu. Và thật may mắn, cả hai đã được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ.
Lần thăm thứ hai với họa sĩ Tôn Đức Lượng, chỉ hai tháng nữa thôi, ông bước sang tuổi 99, tôi được chứng kiến sự tái sinh của các bản khắc gỗ, sự hồi sinh nghệ thuật của lão họa sĩ, có thể nói, ông tiếp tục sáng tạo tới hơi thở cuối cùng.

Tám bản khắc gỗ, mỗi bản được in ra 12 tấm, do các nghệ sĩ Thái Lan làm tại Gallery 333, Băng-Cốc, với chất liệu mực, màu, giấy tốt, gửi sang Việt Nam, lão họa sĩ Tôn Đức Lượng ngắm cẩn thận từng tấm tranh, rồi ký lên các góc tranh.

Một chi tiết thật xúc động, lão họa sĩ, như con tằm nhả những sợi tơ cuối cùng, tay cầm bút, nét ký vẫn bay bướm, đậm nét, ký tới giữa chừng, ông mệt, chúng tôi đề nghị ông nghỉ, xin một hôm khác tới để ông ký tiếp… Cảm động lắm bởi ông đã lao động tới những hơi thở cuối cùng vì một niềm đam mê giản dị, suốt đời được vẽ.
Ông, họa sĩ Tôn Đức Lượng (1925-2023) người họa sĩ khóa 18, người cuối cùng còn sống của thế hệ các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người học trò của người thầy duy nhất, họa sư Nam Sơn (theo lời tự thuật của chính họa sĩ), đã ra đi vào tháng 2 năm 2023.

Dòng người đến tiễn đưa người họa sĩ gắn bó cả đời với Đoàn và Thanh niên Xung phong Việt Nam, có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Thanh niên Xung phong, có Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – họa sĩ Lương Xuân Đoàn, và cả những người bạn tuổi gần đất xa trời, vẫn ở Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật Xứ Đoài lặn lội đường xa tới tiễn ông. Trong dòng người đó có nhà sưu tập Tira bay từ Thái Lan sang, ông đem theo 20 kg sách về Tôn Đức Lượng để gửi tặng gia đình cố họa sĩ và bè bạn Việt Nam…

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực IV (Bắc miền Trung) lần thứ 25 năm 2020

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM              Số:...

Họa sĩ Hoàng Công Luận sự nghiệp sáng tác và đào tạo

Năm 1958, đặc khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) mở đợt chỉnh đốn vùng than, được gọi là cải tiến quản lý xí nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất...

HỌA SĨ SỸ NGỌC: HIỆN THỰC – SÁNG TẠO

  Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII (1939 – 1944) cùng khóa với các họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Trọng...

NGHỆ NHÂN SƠN MÀI ĐINH VĂN THÀNH: ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO NỀN NGHỆ THUẬT SƠN MÀI VIỆT NAM

Tôi là cháu ngoại của cụ Phó Thành (Đinh Văn Thành) là nghệ nhân sơn mài vốn quen biết nhiều họa sĩ của Trường Mỹ thuật Đông Dương từ thời Pháp thuộc. Tôi có may mắn được sinh ra và lớn...

BỐN CHIẾC LỌ VÀ NHỮNG SỐ PHẬN

  Một buổi chiều, tôi đến chơi thăm ông bạn làm điêu khắc. Ông ngồi bần thần nhìn mấy chiếc lọ gốm trước mặt, chung quanh là những bức tranh cùng mấy giá sách. – “Lâu mới lại...