Hành trình phủ xanh biên giới Hà Giang

 

Một ngày cuối của năm 2022, tôi có nhận được cuộc gọi của anh Lại Quốc Tĩnh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Giang, anh giới thiệu với tôi về sự tìm hiểu của anh trên mạng xã hội Facebook và biết đến Câu lạc bộ họa sĩ Trẻ Thái Bình của chúng tôi. Anh nhận thấy đây là tổ chức có hoạt động trực họa tại các địa phương và vùng miền trên cả nước và được đông đảo những nhà chuyên môn, quản lý và đồng nghiệp đánh giá cao. Sau khi giới thiệu về bản thân, anh Tĩnh có ngỏ ý muốn được mời câu lạc bộ họa sĩ Trẻ Thái Bình sang năm 2023 lên tham gia chương trình khai mùa Du lịch cho Hà Giang và dự trại sáng tác tại Quản Bạ. Đồng thời cũng bày tỏ mong muốn các họa sĩ tham gia trực họa về vùng đất chạy dài theo đường biên giới với Trung Quốc như Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Và sau khi kết thúc trại sáng tác, ban tổ chức sẽ tuyển chọn một số tác phẩm tiêu biểu để bán đấu giá gây quỹ “Phủ xanh biên giới Hà Giang”.
Sau khi nghe anh Tĩnh trao đổi tôi hơi bất ngờ về lời đề nghị nhưng cũng nhanh chóng vui vẻ nhận lời. Bởi tôi nhận thấy đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa và nhiều cảm xúc đối với các họa sĩ trẻ, đặc biệt là những người chưa từng đến với Hà Giang – nơi địa đầu Tổ quốc. Và tôi nghĩ nhiều hơn đến những hoạt động ý nghĩa khác khi các tác phẩm sáng tác sẽ góp phần mua cây trồng trên đường biên giới của Hà Giang.

Sau khi ăn tết xong, tôi thông báo cho các họa sĩ trong câu lạc bộ về kế hoạch đi sáng tác trực họa tại Hà Giang, anh em nào cũng phấn khởi và xin đăng ký được tham gia. Tôi có trao đổi với anh Tĩnh về kế hoạch tham gia trại sáng tác, anh ủy quyền cho tôi lựa chọn số lượng họa sĩ và thời gian dự trại. Sau khi thống nhất tôi lựa chọn hai mươi thành viên của câu lạc bộ họa sĩ trẻ Thái Bình, hai họa sĩ là chi hội trưởng và chi hội phó mỹ thuật Lào Cai, một họa sĩ là giảng viên Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ, hai họa sĩ Hà Nội. Như vậy, số lượng họa sĩ khách mời là hai mươi lăm người kết hợp cùng với năm họa sĩ của chủ nhà Hà Giang. Thời gian dự trại sáng tác là bốn ngày từ 17/2 đến ngày 20/2, một thời khắc đủ độ của mùa xuân trên vùng đất cao nguyên đá địa chất toàn cầu.
Đúng 19h ngày 17/2 đoàn xe khởi hành từ thành phố Thái Bình đưa hai mươi họa sĩ trẻ lên với Hà Giang. Khi lên xe các họa sĩ đã chuẩn bị tinh thần, vật chất chu đáo. Câu lạc bộ có ba nữ họa sĩ xinh đẹp là: Trần Thị Thanh Hòa, Ngô Mến và Nguyễn Bích Ngọc, toàn những gương mặt trẻ và nhiệt huyết trong sáng tác và có trình độ chuyên môn vững vàng. Trên hành trình xuyên đêm, chúng tôi có những câu chuyện vui chia sẻ với nhau rất sôi nổi, xe cũng có hai bác tài xế thay nhau cho an toàn khi chạy đêm.

Trước khi đi, thật tình chúng tôi có chút lo lắng về tình hình thời tiết khắc nghiệt tại Hà Giang, có thể có mưa và lạnh giá ảnh hưởng đến khai mạc ngoài trời và trực họa. Theo kế hoạch tôi cùng đoàn vào viếng các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Vị Xuyên.

Đoàn xe tiếp tục chuyển bánh trong tiết trời sương mù và lạnh rét, đường đi bắt đầu khó khăn, nhiều khúc cua tay áo và ngoằn ngoèo. Đến km0 tại quảng trường Hà Giang chúng tôi đón thêm một họa sĩ Nguyễn Hoàn Thiện từ Lào Cai sang chờ sẵn ở đó, thật là cuộc hội ngộ kỳ thú. Những ánh mắt nụ cười thân thiện đã giúp cho họa sĩ nhanh chóng hòa nhập với không khí của câu lạc bộ họa sĩ trẻ Thái Bình. Bác tài xế chậm rãi và cẩn thận đưa đoàn tiến dần đến khu nghỉ dưỡng H’mong Village cách trung tâm huyện Quản Bạ hơn chục km. 6h35 phút câu lạc bộ có mặt tại khu nghỉ dưỡng, ra đón đoàn là anh Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang trong khuôn mặt tươi cười và đầy hiếu khách. Tuy chúng tôi chưa gặp anh bao giờ nhưng khi bước xuống xe tôi đã nhận thấy ánh mắt nụ cười và sự chân thành từ con người của anh. Sau khi chào hỏi, giới thiệu làm quen, các họa sĩ trong đoàn, anh mời chúng tôi lên xe điện đi vào khu trung tâm để nhận phòng nghỉ ngơi. Một không gian tuyệt vời hiện ra trước mắt các họa sĩ. Ai cũng đều rất phấn khích và tràn đầy năng lượng sau một đêm dài trên xe ô tô nhưng không có chút mệt mỏi nào. Tất cả đều tràn đầy một cảm giác khó tả trong khung cảnh tuyệt đẹp ở đây, ai cũng tranh thủ chụp cho mình những tấm ảnh kỷ niệm… rồi đoàn được anh chủ tịch dẫn đi thăm các khu nhà nghỉ, khu vui chơi và được nghe anh hướng dẫn và giới thiệu về khu nghỉ dưỡng sang trọng này.

Đến 11h chúng tôi đi ăn trưa, một không gian ẩm thực đậm chất dân tộc nhưng rất sang trọng trong tư duy bài trí. Bữa ăn diễn ra trong không khí ấm áp của tiết trời lạnh giá vùng cao. Tại đây chúng tôi được gặp họa sĩ Lâm Tiến Mạnh- Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Giang- đơn vị phối hợp tổ chức trại sáng tác ý nghĩa này. Trong bữa tiệc chúng tôi trao đổi với nhau về kế hoạch và thời gian cụ thể trong bốn ngày tại vùng đất cực bắc của Tổ quốc. Mọi việc đúng như những dự kiến ban đầu của tôi và anh Tĩnh đã xây dựng qua điện thoại.

14h chiều, Ban tổ chức tiến hành khai mạc trại sáng tác trực họa cho các họa sĩ tại không gian ngoài trời trong khuôn viên đồi cỏ và xung quanh có rất nhiều cây đào, cây mận, cây lê đang tỏa hương, khoe sắc, xa xa là những dãy núi trùng điệp ẩn hiện trong sương tạo nên khung cảnh kỳ vĩ. Những lời khai mạc truyền cảm của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lại Quốc Tĩnh và Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Giang Lâm Tiến Mạnh cùng các quan khách tới dự như tăng thêm nguồn năng lượng mới cho các họa sĩ. Đến dự và đưa tin có báo và truyền hình Hà Giang, truyền hình Nhân dân cùng các đơn vị truyền thông khác. Lần đầu tiên diễn ra trại sáng tác trực họa tại Hà Giang với hai mươi lăm họa sĩ khách mời và năm họa sĩ chủ nhà diễn ra cùng lúc, các họa sĩ của câu lạc bộ trẻ Thái Bình chuẩn bị sẵn họa phẩm và thực hiện sáng tác ngay sau lễ khai mạc. Hoạt động này đã thu hút được rất đông những người dân bản địa, khách du lịch trong nước và quốc tế cùng nhau chiêm ngưỡng những Hà Giang mới trong các tác phẩm hội họa. Các họa sĩ hăng say trong những nét bút, vệt màu và hòa mình trong thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất quyến rũ, cuối buổi chiều chúng tôi tập trung các tác phẩm lại và trưng bày trên giá vẽ đã được chuẩn bị sẵn, hai mươi tư bức tranh được hoàn thành. “Một thành tích đáng nể” của anh em họa sĩ Thái Bình theo như lời của anh Nguyễn Hoàn Thiện Lào Cai trầm trồ và nhận xét đầy thán phục. Du khách được cảm nhận tác phẩm ra đời trực tiếp nên có nhiều sự đồng cảm, họ được tận mắt thấy sự hình thành và tài năng của các họa sĩ trực họa. Đây cũng là sự truyền cảm đến công chúng và những người yêu mến hội họa theo cách tự nhiên và gần gũi nhất.

Kết thúc một ngày với những tình cảm dạt dào và khó tả trong bữa tối tại nhà hàng sang trọng của khu nghỉ dưỡng. Những chén rượu nồng của hương vị ngô đặc sản của đồng bào người H’mong đã đưa các họa sĩ đến với những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Buổi sáng ngày thứ hai với sự chuẩn bị từ sớm, đoàn chúng tôi được anh Nguyễn Văn Chiến – Phó chánh văn phòng Hội Văn học nghệ thuật Hà Giang – người đồng hành cùng chúng tôi trong những ngày sáng tác ở đây. Anh đưa chúng tôi vào bản Nặm Đăm của người Dao, cách nơi ở hơn chục km. Bản có 100% người Dao sinh sống nên văn hóa đều đồng nhất. Đến nơi đây các họa sĩ tỏa đi khắp các con đường của bản để tìm cảm hứng cho khung hình trong tranh. Đoàn chia làm những nhóm nhỏ. Không gian tuyệt đẹp này được các họa sĩ thể hiện trên những tác phẩm với những hình hài mới, màu sắc mới và cảm xúc mới. Người đồng bào Dao lấy làm lạ bởi lẽ họ chưa chứng kiến các họa sĩ vẽ tranh bao giờ, mặc dù họ đã làm du lịch và tiếp xúc với rất nhiều khách ta và nước ngoài. Ông Vàng A Sùa chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ được xem họa sĩ vẽ, hôm nay các họa sĩ vẽ đẹp quá, bản mình được lên tranh, được lên tivi rồi, vui quá” và mời các họa sĩ vào nhà uống rượu.
Đoàn ăn trưa tại nhà văn hóa của bản với gói xôi ngũ sắc và những miếng giò lụa thơm ngon được nhân viên khu nghỉ dưỡng H’mong Village chuẩn bị từ sáng. Bữa cơm nhanh chóng kết thúc trong những âm thanh của nụ cười và giọng nói vang lên từ núi rừng của họa sĩ. Sau đó đoàn lên xe và đi về bản Cán Tỷ cách đó 20km, đây cũng là một bản đặc sắc của đồng bào người H’mông sinh sống, tại đây có thành cổ Cán Tỷ được quân đội Pháp xây dựng ngay từ những ngày đầu chiếm đóng Hà Giang (1887) gồm hai bức tường thành bằng đá hộc có bề dày gần 1m nằm đối diện với nhau qua sông Miện. Trên tường có các lỗ châu mai hướng về phía Bắc.
Cuối buổi chiều đoàn trở về khu nghỉ dưỡng, ở đây đã có thêm giá vẽ để trưng bày được anh Tĩnh chuyển từ thành phố Hà Giang đến. Bốn mươi bốn bức tranh được trưng bày, anh Tĩnh có mời thêm họa sĩ Dũng Râu ở Đồng Văn và là Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang xuống giao lưu với trại sáng tác. Anh Dũng Râu nhận xét: Không thể tưởng tưởng được các họa sĩ lại có sự làm việc tốc độ như thế này, sức làm việc thật đáng nể. Các họa sĩ cùng nhau chiêm ngưỡng những thành quả của mình và đồng nghiệp, nhiều tác phẩm ấn tượng và mang hơi thở của vùng cao nguyên đá đã hòa quyện vào tranh. Kết thúc một ngày sáng tạo hiệu quả, các họa sĩ được thỏa sức ngắm phong cảnh và con người nơi đây, để nhận thấy được giá trị của cuộc sống thật giản dị và chân thành. Những tác phẩm mang đến tình yêu thương con người và quê hương đất nước, nghệ thuật gắn kết và lan tỏa yêu thương.

Buổi tối ngày thứ hai là không khí sôi động hẳn lên, các họa sĩ đã quen nhau hơn, cảm giác gắn bó gần gũi hơn, trong bữa tiệc câu chuyện nghệ thuật lại được thắp sáng.
Sang ngày thứ ba các họa sĩ tạm dừng việc vẽ trực họa để đi thực tế tại Đồng Văn. 4h30 sáng xe đưa chúng tôi tiến về cột cờ Lũng Cú. Cung đường Hạnh Phúc là khó khăn nhất trong hành trình, trên xe có thêm những người bạn họa sĩ trẻ Hà Giang và người dẫn đường mà chúng tôi gọi là “Vua Vương” rất nghệ sỹ. Trải qua 60km chúng tôi đến với chợ Đồng Văn sôi động, tại đây các họa sĩ được tìm hiểu về văn hóa chợ của đồng bào các dân tộc trong chợ phiên hàng tuần. Rất nhiều hình ảnh được các họa sĩ ghi lại bằng điện thoại, đây cũng là cách lấy tư liệu khi chưa có đủ thời gian sáng tác trực tiếp. Ăn sáng, uống chén rượu ngô với những người xuống chợ từ đêm hôm trước, họ thân thiện và rất dễ gần. Nữ họa sĩ thì mải mê với những hình ảnh ở khu chợ cổ Đồng Văn. Đối với hội họa Việt Nam hiện đại thì nơi đây đã từng đón rất nhiều họa sĩ tên tuổi của “thế hệ Đông Dương” sáng tác về mảnh đất và con người Đồng Văn, chúng tôi là thế hệ sau kế tiếp các bậc tiền bối tiếp tục vẽ nên một Đồng Văn mới. Sau khi thỏa mãn những nhãn quan về văn hóa chợ, chúng tôi tiến đến nơi thiêng liêng của Tổ quốc – cột cờ Lũng Cú.
Cảnh quan dưới chân cột cờ là núi non trùng điệp xen kẽ bởi những khoảnh ruộng bậc thang tạo nên một vẻ đẹp rất hoang dã, đặc trưng của vùng Hà Giang – Cực Bắc địa đầu của Việt Nam. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Những năm sau đó như 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian, trong đó năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.

Buổi chiều chúng tôi về khu nhà Vương, khu dinh thự của vua Mèo hay còn được gọi với tên Nhà Vương tọa lạc trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1898 và hoàn thành vào chín năm sau đó tức 1907. Quá trình xây dựng tốn mười lăm vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay. Đây quả là một kiến trúc và văn hóa đặc sắc. Các họa sĩ được hướng dẫn viên Vương râu đi cùng đoàn giới thiệu về lịch sử của khu nhà. Tất cả đều tỏ vẻ khâm phục và kính trọng tài năng của kiến trúc này, thăm quan hết mọi gian phòng của khu nhà mất khá nhiều thời gian nhưng mọi người đều vui và không cảm thấy mệt mỏi sau cung đường khúc khuỷu. Trở về khu nghỉ dưỡng vào lúc 19h chúng tôi kịp vào ăn bữa tối trong không khí vui vẻ.

Sang ngày thứ tư tôi họp đoàn và thông báo về những công việc đã qua của ba ngày và chuẩn bị khung tranh, đặt tên và lập danh sách tác giả tác phẩm. Chúng tôi phân công họa sĩ Phạm Đức Tài và Khổng Minh Hưng chịu trách nhiệm in tên tranh. Tôi và họa sĩ Đinh Văn Lợi, Phạm Xuân Hồng cùng tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu cho buổi chiều bế mạc trại và bán đấu giá. Chúng tôi làm việc nghiêm túc và hăng say, các cán bộ nhân viên khu nghỉ dưỡng cùng giúp đỡ và cùng nhau chuẩn bị sân khấu cho chiều bế mạc trại. Anh Tĩnh khá hài lòng và khâm phục các họa sĩ, anh bày tỏ: Mặc dù chưa bế mạc nhưng cảm thấy rất nể phục các họa sĩ tài năng của Thái Bình cũng như trại sáng tác. Chúng tôi phân công nhau xếp giá vẽ và trưng bày tranh, tổng số tác phẩm sáng tác là 86 bức tranh, hội đồng nghệ thuật sơ tuyển được 42 bức tranh chất lượng tiêu biểu. Sau đó tôi, anh Lâm Tiến Mạnh, anh Tĩnh, anh Dũng Râu tuyển chọn lại lần hai và chốt trưng bày bán đấu giá 38 tác phẩm. Đến 14h30 chiều các vị đại biểu đến dự lễ bế mạc trại bao gồm bà Nguyễn Thị Hoài – phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang, ông Sèn Thăng Long – Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cùng các ông bà đại diện các cơ quan ban ngành đến dự, đặc biệt còn có các mạnh thường quân, những doanh nghiệp và nhà sưu tập cũng đến dự buổi bế mạc trại sáng tác và tham gia mua tranh ủng hộ chương trình “Phủ xanh biên giới Hà Giang”. Trong không khí tiết trời mùa xuân của Quản Bạ, buổi tổng kết diễn ra gọn nhẹ nhường cho buổi bán đấu giá các tác phẩm hội họa. Các nhà sưu tập, mạnh thường quân đã đặt mua những tác phẩm có giá khởi điểm từ 5 triệu đến 10 triệu đồng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Kết thúc buổi đấu giá, BTC đã thu được tổng số tiền là 77 triệu đồng, đồng thời trao tặng Giấy chứng nhận cho các hội viên tham gia trại sáng tác lần này. Buổi tối, chúng tôi có bữa tiệc chia tay trong lưu luyến với ban tổ chức và khu nghỉ dưỡng H’mong Village.

Trại sáng tác mỹ thuật lần này đã mở ra cơ hội cho các hoạ sỹ được trải nghiệm khám phá vùng đất, phong cảnh và bản sắc văn hoá các dân tộc tại huyện Quản Bạ nói riêng, cao nguyên đá Hà Giang nói chung. Đây cũng là dịp để các hoạ sỹ được giao lưu gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm trong sáng tác nghệ thuật, thông qua các tác phẩm của các họa sĩ sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang.
Câu lạc bộ họa sĩ trẻ Thái Bình đã có những đóng góp cho chương trình đầy ý nghĩa. Nghệ thuật lan tỏa yêu thương và gắn kết con người khắp mọi miền tổ quốc. Một hành trình xanh và tràn đầy hy vọng nơi biên cương địa đầu tổ quốc.!

Hoàng Trung Dũng 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

TẢN MẢN CHUYỆN MUA BÁN TRANH Ở SÀI GÒN XƯA

  Ngày 25 tháng chín năm 1932, tại Tòa Khâm sứ Trung kỳ đặt tại kinh đô Huế đã bày cuộc triển lãm tranh vẽ long trọng.  Tòa Khâm có mời vua Bảo Đại đến ngự lãm cùng các quan lại, thân hào...

GIÁ TRỊ CỦA NGHỆ THUẬT (PHẦN 3)

   Nghệ thuật tự nó và xét dưới khía cạnh vật chất là vô giá trị, theo nghĩa đen là chả có tích sự gì. Bản nhạc đánh lên, nghe hay xong là hết. Bức tranh chỉ là tấm toan bôi mầu. Bộ phim...

62 cá nhân đoạt giải cuộc thi vẽ tranh “Đan Mạch trong mắt em”

(ĐCSVN) – Với bức tranh “Tiếng kêu từ biển xanh”, em Chu Hà Giang – học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) đã giành giải Đặc biệt cuộc thi vẽ tranh “Đan Mạch...

TRẦN VĂN BÌNH, NHỮNG BỨC TRANH VỀ QUÊ HƯƠNG VÀ CON NGƯỜI

Trong khoảng 50 năm qua, các họa sĩ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cố gắng xác định một phong cách riêng trong sáng tác nghệ thuật thuần túy (bên cạnh các mẫu design), mang một phong cách...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VI (TP. Hồ Chí Minh) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...