TRẦN VĂN BÌNH, NHỮNG BỨC TRANH VỀ QUÊ HƯƠNG VÀ CON NGƯỜI

Trong khoảng 50 năm qua, các họa sĩ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cố gắng xác định một phong cách riêng trong sáng tác nghệ thuật thuần túy (bên cạnh các mẫu design), mang một phong cách thẩm mỹ có liên quan đến tính công nghiệp. Những thử nghiệm ban đầu cho thấy nghệ thuật lập thể (Cubism) có vẻ phù hợp với sự phân cắt hình thể, tính hình học hóa và cấu trúc lại không gian ba chiều. Họ không quá chú trọng đến sự tả thực, đậm nhạt và xa gần, mà nghiên cứu các hình mảng lớn, đường nét kỷ hà, tính cấu trúc chung của tác phẩm hội họa hay điêu khắc. Ngay cả một người ít để ý đến vấn đề này hơn, như họa sĩ Trọng Kiệm, cũng đã thử nghiệm lập thể ở mức độ nhất định. Trưởng thành trong những năm 1970/1980, họa sĩ Trần Văn Bình cũng nằm trong dòng chảy chung của các họa sĩ ngành design này. Ông làm báo, vẽ tranh cổ động và thiết kế đồ họa ứng dụng, sáng tác hội họa là đời sống cá nhân của ông, nhưng vẫn có âm hưởng chung với ngành nghề mà ông theo đuổi.
Quê hương Trần Văn Bình ở miền Quảng Ngãi, nhưng ông đã được sinh ra ngay trên chuyến tàu biển Ba Lan tập kết cuối cùng ra Bắc năm 1955. Lớn lên vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tốt nghiệp hệ trung cấp khoa mỹ thuật truyền thống – ngành sơn mài năm 1976, và chính trường này đã làm giấy khai sinh cho ông. Sau một thời gian công tác, ông theo học hệ đại học, khoa mỹ thuật truyền thống – ngành sơn mài, khóa 1983 – 1988 của trường. Có thể nói Trần Văn Bình được đào tạo bài bản để trở thành một nhà thiết kế ứng dụng (designer) và thành một nghệ sĩ sơn mài độc lập. Sự nghiệp design của ông nằm trong tình hình chung của sản xuất công nghiệp Việt Nam lúc đó còn rất sơ khai, hầu hết các mẫu mã đều mang tính thủ công, và cũng hầu hết sáng tác bao bì, nhãn mác, tranh áp-phích, logo đều thuộc khu vực của thiết kế đồ họa. Song cũng chính điều đó đã dành thời gian và thúc đẩy ông sáng tác hội họa sơn mài cho riêng mình. Sự qua lại về thẩm mỹ giữa design và hội họa cũng rõ nét qua từng tác phẩm.
Họa sĩ Trần Văn Bình (1955-2016). Ảnh: Bằng Lâm
TRẦN VĂN BÌNH – Quê hương. 1990. Sơn mài (bản sao). 120x200cm. Huy chương Bạc Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1990
Trước những năm 1980, chủ nghĩa Hiện đại (Modern Art) dường như bị cấm kỵ ở Việt Nam, nhưng design của các trào lưu Hiện đại vẫn có thể được nghiên cứu và ứng dụng, đặc biệt là những lý thuyết mà trường Bauhaus đặt ra cho nghệ sĩ nói chung và designer nói riêng. Rất nhiều họa sĩ của Trường Mỹ thuật Công nghiệp đi tiên phong khai phá nghệ thuật Lập thể, Trừu tượng, và bứt phá phong cách Hiện thực đang là quy phạm đương thời. Những người đi trước và đồng nghiệp của Trần Văn Bình, như Lê Công Thành, Nguyễn Hải có những tìm tòi lớn về ngôn ngữ Lập thể qua điêu khắc, những họa sĩ như Trọng Kiệm, Kim Bạch, Ngọc Thọ… có khả năng tháo dỡ một hình thể và tích hợp lại theo một chiều hướng khác. Trần Văn Bình hoạt động trong một không khí nghệ thuật như vậy và tất nhiên thời buổi Chiến tranh và Bao cấp kéo dài cũng đã tác động sâu sắc đến tinh thần nhân văn của mọi nghệ sĩ và chính họa sĩ nói riêng. Trừ một vài chân dung người thân được vẽ theo lối hiện thực, Trần Văn Bình đã đi tìm những cấu trúc tự nó trong các tranh phong cảnh, mà không dừng lại ở việc trực họa một cảnh vật nào, ông thường hòa trộn kiến trúc, cảnh quan, cây cỏ, và các chi tiết khác một cách phức hợp, đôi khi nhằng nhịt khó xác định hình thể thị giác. Có thể nói, ông không chịu là một người vẽ quá đơn giản.
Mặc dầu sống ở miền Bắc từ thơ ấu, nhưng âm hưởng quê hương Quảng Ngãi lại lớn dần trong ông, như một hoài vọng quá khứ. Điều đó cũng chỉ được thực hiện sau những năm 1975/1980, khi có điều kiện đi lại Bắc – Nam, và dần hình thành các loạt sáng tác đồng quê. Nhưng thực ra cảnh vật lại trộn lẫn giữa phong cảnh làng quê đồng bằng Bắc bộ và miền Ngũ Quảng phía Nam. Sự trộn lẫn này dẫn đến cảnh vật không thuần túy một không gian, mà đan xen hư hư thực thực. Mái đình, cây đa, sông nước, núi non, trẻ chăn trâu, người cày ruộng… đan nhập vào nhau, đôi khi không rõ ràng, và trở thành các nhịp điệu trừu tượng trong tranh. Cái nhịp điệu này cũng phát triển dần dần, vì như mọi họa sĩ lúc đó, họ từ từ kết hợp giữa hiện thực và biến đổi thành trừu tượng, chứ không dứt khoát thay đổi ngay, cũng là một hạn chế thời cuộc.
TRẦN VĂN BÌNH – Việt Nam-Hà Nội-Hồ Gươm. 1995. Sơn mài. 120x240cm
TRẦN VĂN BÌNH – Chân dung cụ Trịnh Triều. 1984. Bột màu. 73x53cm
Loạt vẽ về Tây Nguyên, những năm 1990, cũng là một sự phát triển các đề tài dân gian thông thường, mang tính sắc tộc và tín ngưỡng. Bản thân các biểu tượng, hoa văn, nhà mồ, tượng nhà mồ Tây Nguyên cũng có liên hệ với tâm linh và đặc thù sắc tộc hàng ngàn năm hơn là một cái gì đó thực tại. Những cái đó, làm cho các họa sĩ khai thác nhanh chóng tiếp nhận tính biểu hiện, đôi khi siêu hình, và một đời sống tinh thần luôn tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại, từ thực tại đến không tưởng. Trần Văn Bình bắt đầu để ý đến tính biểu trưng phương Đông trong tranh, như trạng thái Thiền và triết lý âm dương.
Từ những năm 2000, Trần Văn Bình chú ý nhiều hơn đến sáng tác sơn mài đen trắng – tức là tranh thuần vỏ trứng và sơn then. Ông giảm dần màu sắc trong tranh, nhưng tăng cường tính phức hợp của nhịp điệu, những hình thể nhân gian đi lại, múa may, uốn lượn, đôi khi đượm một sắc thái buồn. Hình như đến năm 2015, ông có cảm giác gần cái chết, nên đẩy nhanh sáng tác của mình. Hàng loạt tranh lớn nhỏ ra đời vắt kiệt sức của ông, nhưng không bộc lộ chút nào yếu đuối than vãn. Nó là loạt tranh về số phận, về đời người, thật rõ ràng trong đen trắng, nhưng cũng thật trớ trêu, vì cái muốn và cái không muốn xảy ra chẳng theo ý con người. Đây là thành công sâu sắc nhất của ông trong cuộc đời sáng tác.
TRẦN VĂN BÌNH – Chân dung. 1997.Đĩa sơn mài
TRẦN VĂN BÌNH – Đôi mắt. 2015. Sơn mài. 60x180cm. Bức tranh cuối cùng của họa sĩ
Trong  giới mỹ thuật nói chung, họa sĩ Trần Văn Bình có một tên tuổi khiêm nhường, dù ông tham gia khá nhiều triển lãm. Người ta biết ông là nhà báo, họa sĩ sơn mài chuyên nghiệp, nhưng ít biết tranh ông thế nào. Ông cũng rất ít nói về mình, và tôi cũng chỉ biết ông sơ sơ, mà rất tiếc ông cũng qua đời sớm, khi mới qua tuổi 60. Khoảng năm 2007, họa sĩ Ngô Chính có dẫn tôi qua chơi xưởng vẽ của ông Bình, nhân gặp họa sĩ Việt kiều là anh Quy. Mỗi người một chuyện, thời cuộc, Tây Ta, cũng chẳng đề cập đến tranh pháo gì cả. Tôi chỉ để ý là ông Bình có những bức sơn mài đen trắng khổ lớn, mà không kịp hiểu sâu hơn. Thời gian qua đi, khi chị Hảo vợ ông muốn làm một cuốn sách riêng cho chồng, thì tôi mới có dịp đến nhà xem những gì ông để lại. Đó là một phòng tranh tràn ngập suy tư về thân phận con người, sự khắc khoải không nguôi của một người có vẻ còn nhiều điều muốn nói. *
Phan Cẩm Thượng
*Triển lãm cá nhân tranh sơn mài “Quê hương” của họa sĩ Trần Văn Bình diễn ra từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 12 năm 2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

Nam Ho Ceramic 2023

...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC I – HÀ NỘI CHUYÊN NGÀNH ĐỒ HỌA, ĐIÊU KHẮC, MỸ THUẬT ỨNG DỤNG LẦN THỨ 23 NĂM 2018

  Từ ngày 06/08 đến ngày 16/08/2018, tại nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra triển lãm Mỹ thuật khu vực I – Hà Nội ngành Đồ họa, Điêu khắc và Mỹ thuật Ứng dụng...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực IV Bắc miền Trung lần thứ 26 năm 2021

   ...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 311&312 tháng 11-12/2018

...

“Nghê nơi cửa Khổng sân Trình” Cuộc đối thoại liên ngành Công nghệ – Di sản và Nghệ thuật

Suốt nhiều thế kỷ qua, người Việt chúng ta luôn hướng về Văn Miếu – Quốc Tử Giám để nguyện cầu những điều đẹp đẽ nhất, về tri thức, về sự nghiệp, về cơ hội được trở thành...