Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có hình tượng, hình ảnh), trong họa có thơ (chất tâm hồn, hồn thơ).
Xuân về, Tết đến, trẻ, già, gái, trai ai ai cũng rộn ràng, tươi tắn đón bao niềm vui với nhiều mong ước được thực hiện khác với thường ngày; Có giờ phút được thảnh thơi, vui thú với gia đình, cảnh vật; Thưởng thức của ngon, vật lạ với thi vị riêng có, điều đó ngày nay người ta thường gọi là đi du lịch (dù là trong nước hay ngoài nước), còn ngày trước các cụ nhà ta thường gọi là thưởng xuân, vui xuân…
Ngoài việc trang hoàng nhà cửa cho đẹp đẽ, ấm cúng, khang trang để đón đợi những điều may mắn tốt đẹp do thần linh, ông bà tiên tổ phù hộ, phù hợp với tâm linh của con cháu, chúng ta còn nhắc đến hàng năm khi xuân về, Tết đến là mua sắm tranh tết hay gọi là tranh dân gian.
Tết xưa, các phiên chợ Tết có bán tới hàng vạn bức tranh Tết, đủ các thể loại: tranh thờ cúng, tranh chơi, tranh thế sự, tranh chuyện… Có thứ tranh đơn, có thứ tranh bộ. Có loại tranh đơn vẽ gọn một câu chuyện, một đề tài, các tranh bộ thì gồm có tranh nhị bình (2 bức), tranh tứ bình (4 bức) thể hiện trọn vẹn một chủ đề. Thông thường tranh treo trên tường thường được vẽ trên những bức tranh dài (tức chiều cao từ 0,80m đến 1m) và có chiều rộng từ (0,35m đến 0,40m), khi treo đủ bộ 4 bức hoặc 2 bức thì trên tường đã được trang hoàng khá đẹp mắt. Nhưng cũng có những bộ tranh bốn bức (tứ bình) được vẽ trên khuôn khổ vuông vức, mỗi chiều 0,35m x 0,35m và tranh vẽ được thể hiện trong một bố cục hình tròn gây nên một hiệu quả thẩm mỹ khác lạ.
Bố cục tranh vẽ trong một hình tròn thực sự là khó vẽ, thể hiện được đầy đủ tình tiết câu truyện, nhân vật và cảnh vật có sự giao lưu tình cảm; Đường nét, hình khối cấu trúc cảnh vật và các nhân vật phải thuận mắt ưa nhìn. Những bộ tranh như vậy ít có và tác giả thực sự là một bậc thầy tài năng.
Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn đọc trong dịp đón năm mới Quý Mão – 2023 một bộ tranh khá quý hiếm trong hàng vạn bức tranh dân gian được thực hiện khoảng những năm 1940 – 1950 của thế kỷ trước.
Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có hình tượng, hình ảnh), trong họa có thơ (chất tâm hồn, hồn thơ).
Bộ tranh tứ bình này thể hiện theo nội dung của một bài thơ tứ tuyệt (4 câu) bằng chữ Hán rất phổ biến “thời xưa” (tôi viết là thời xưa vì thời kỳ 1940 tôi mới độ 7, 8 tuổi và sau đó, tôi vẫn thường nghe đọc và học thuộc lòng bài thơ này).
“Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi”.
Dịch nghĩa:
Mùa xuân dạo chơi trên cỏ “thơm”
Mùa hạ nếm ngó sen xanh trong đầm
Mùa thu nhắm rượu ngâm hoa cúc
Mùa đông ngâm thơ cảnh tuyết bay.
Ý nghĩa bài thơ rất hàm súc; vừa ca ngợi cảnh vật của 4 mùa Xuân, Hạ, Thu Đông mỗi mùa có một sắc thái riêng, sản vật riêng, cảnh vật riêng, mang lại sự thưởng thức sâu đậm cho tâm hồn con người. Rất thanh nhã và rung động. Và có một ẩn ý sâu kín. Đây là một bài thơ vịnh 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông tượng trưng như thời gian trải qua của đời người, kiếp người: Thuở ấu thơ (Xuân sinh ra), trưởng thành (mùa Hạ), chín chắn (mùa Thu) và già lão (mùa Đông). Đó là chu kỳ tuần hoàn của một năm, cũng là chu kỳ một vòng đời của một kiếp người. Bởi vậy, bài thơ như một lời chúc phúc, mừng thọ cho các bậc phụ lão, mong các bậc ông bà, cha mẹ được thưởng hạnh phúc trọn vẹn 100 năm (Thọ), đông con nhiều cháu hiền thảo (Phúc) và cuộc sống được an nhàn, đề huề (Lộc). Trong cái trọn vẹn hạnh phúc đó bao gồm cả ông bà, cha mẹ và cháu con. Nên bố cục bộ tranh trong hình tròn cũng là bao hàm cả nội dung và hình thức của thơ và họa.
“Xuân du phương thảo địa” (Mùa xuân dạo chơi trên cỏ thơm), tứ thơ mênh mang, đẹp đẽ. Ta không thể không gợi nhớ về đại thi hào Nguyễn Du, khi ông viết những câu thơ lục bát rất súc tích mà ngắn gọn tả cảnh Xuân về:
“Cỏ non xanh tận chân trời.
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Không một tâm hồn Việt Nam nào không thổn thức khi được gieo vào tâm hồn mình một hồn thơ, một hồn họa như hai câu thơ của Nguyễn Du và…Ta nên đi du lịch, du xuân khắp Đất, Trời này !
Trên bức tranh thứ hai của bộ tứ bình này, có đề câu thơ chữ Hán “Hạ thưởng lục hà trì” và lời thơ được dịch là: “Mùa hạ nếm ngó sen xanh trong đầm”.
Theo tôi có lẽ không hợp với tiêu chí: họa trong thi và tình trong tài vì: Chỉ có nếm ngó sen xanh trong đầm thì tứ thơ nông cạn và hình tượng không đẹp, tình không sâu. Tôi còn nhớ câu thơ mà tôi đã đọc và học thuộc lòng, thì câu đó như sau: Hạ thưởng nguyệt hà trì: mùa Hạ ngắm trăng trong đầm sen, như vậy chữ thưởng nguyệt thông dụng trong văn thơ cũ mới đắc địa ở ngữ cảnh này, vì ngắm trăng sáng; trời, nước trong veo, trăng vờn sóng nước, trăng luồn bóng hoa; Nước xanh, lá sen màu lục, trăng sáng tỏa trắng, những màu sắc đó làm hình ảnh một đêm trăng vừa lộng lẫy làm đẹp mỹ cảm, mỹ quan, vừa làm dịu mát tinh thần, tâm hồn trong một mùa hè nóng nực của phương Nam chúng ta.
Chúng ta tán thưởng thành công của bộ tranh bốn bức này là bởi vì tác giả đã vượt qua được các hình tượng nghệ thuật biểu trưng của văn học về một chủ đề ca ngợi thiên nhiên một cách cụ thể, để phối hợp tả cảnh gia đình mẹ con đầm ấm phù hợp với những chi tiết cảnh vật có đặc tính riêng đã được gợi mở rất trữ tình trong bài thơ tứ tuyệt.
Bức tranh thứ nhất tả người mẹ và bốn đứa con dạo chơi trên cỏ, bên gốc một cây hoa nở trên cành, đầy cành còn nụ hàm tiếu. Mỗi đứa trẻ đều có những hoạt động phù hợp với trò chơi, động thái rất tự nhiên, hoạt bát, tình cảm mẹ con rất đầm ấm, hạnh phúc.
Bức tranh thứ hai vẽ cảnh gia đình bên đầm sen. Một bé ngồi thuyền đang vịn cành lá sen để hái hoa sen, hai bé khác đang dâng mẹ bông sen búp sen đã hái. Người mẹ vừa nếm hạt sen vừa âu yếm nhìn các con.
Bức tranh thứ ba vẽ cảnh dưới mái hiên nhà, bên cạnh những chậu hoa cúc vàng, một biểu hiện đặc trưng của mùa thu hoa cúc nở; Các con đang cung kính dâng lên cho mẹ hiền một chén rượu hoa cúc.
Bức thứ tư tuy không tả được cảnh tuyết trắng bay như lời thơ gợi ý, thì tranh cũng diễn tả được cảnh vật đặc trưng của ngày Đông là: Cành tùng vẫn đượm lá, trong vườn còn sót lại vài bông hoa, lũ trẻ vẫn hái được vài bông hoa dâng mẹ để cắm bình hoa đẹp trên bàn thơ văn của mẹ.
Bộ tranh bốn bức gia đình và bốn mùa là một bộ tranh đẹp góp phần xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa – nghệ thuật của dân tộc ta trong thể loại tranh dân gian thoát khỏi tính thiêng mà trở về loại tranh chơi tươi mát, vẽ vui đời.
Bức tranh được bố cục chặt chẽ trên từng bức, các chi tiết động thái đều được chọn lọc để thể hiện tình cảm của các nhân vật tùy theo chủ đề của từng tranh. Chính vì vậy mà cả bộ tranh có hình thức diễn đạt phong phú.
Tranh vẽ có bút pháp hiện thực, đường nét mềm mại, hình họa chính xác. Mỗi một hình vẽ là một hình ảnh sinh động, đáng yêu.
Tranh được khắc toàn bộ hình vẽ trên ván gỗ rồi được in bằng mực đen trên nền giấy có nhuộm màu da cam hoặc các màu sắc rực rỡ như đỏ, điều, vàng. Trên cơ sở bản khắc toàn bộ hình vẽ bằng nét đen, người thợ sẽ khắc nhiều chi tiết (cần có in vẽ màu sắc) bằng những bản khắc gỗ khác, để in đệm màu trắng lên các chi tiết đó. Trên cơ sở có màu trắng in đệm, làm mẫu mực của hình khắc gỗ, người thợ vẽ – họa sĩ có thể tô màu phẩm khác nhau phù hợp với tính chất đặc trưng của từng sự vật như: màu da, màu áo, màu váy, màu hoa, màu lá, màu thuyền bè, cây cỏ… để hoàn thiện bộ tranh. Với đặc điểm này, người ta còn gọi tranh này là tranh đồ (vẽ lại trên nét đã in trước).
Cách làm tranh này đã tạo nên một diện mạo khác với các dòng tranh mà lâu nay ta đã biết như Đông Hồ, Hàng Trống hay Kim Hoàng. Phong cách nghệ thuật gần gũi với nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội.
Mùa đông, Nhâm Dần 2022
PHAN NGỌC KHUÊ

 

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Đá nhân tạo Biên Hòa

  Năm 1933, ông Robert Balick, hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa thành lập một tổ chức gọi là La Société coopérative artisanale des potiers et fondeurs de Bienhoa (Hợp tác xã Mỹ nghệ thủ công của...

Có thể bạn quan tâm

TRANH SƠN MÀI “VƯỜN XUÂN TRUNG NAM BẮC” CỦA NGUYỄN GIA TRÍ HIỆN TRỊ GIÁ BAO NHIÊU ? VÀ MẤY Ý KIẾN XUNG QUANH THẢM HỌA LÀM HỎNG TRANH NGUYỄN GIA TRÍ

  Việc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh mới đây làm “vệ sinh” bức tranh sơn mài vĩ đại “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí gây tổn thất vô cùng nặng nề cho giá trị...

Triển lãm: Nguyên và “Nguyên”.

Vào lúc 17h00 thứ Ba ngày 14 tháng 11 năm 2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm: Nguyên và “Nguyên” của họa sĩ Nguyễn Trần Thảo Nguyên. Triển lãm giới...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC VIII – ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LẦN THỨ 23 NĂM 2018

  Từ ngày 07/8 đến 14/08/2018, tại Nhà Văn hóa Người cao tuổi tỉnh Bến Tre đã diễn ra triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII – Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 23 năm 2018. Triển lãm trưng bày 201...

Một kỷ niệm với Trần Duy

Một kỷ niệm Huế, những ngày tháng Tám… Tôi quen Trần Duy từ thuở ấy. Hai đứa gặp nhau ở Sở Tuyên truyền Trung bộ mới thành lập. Bấy giờ, anh Nguyễn Duy Trinh là Ủy trưởng Tuyên truyền Trung...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...