TRANH SƠN MÀI “VƯỜN XUÂN TRUNG NAM BẮC” CỦA NGUYỄN GIA TRÍ HIỆN TRỊ GIÁ BAO NHIÊU ? VÀ MẤY Ý KIẾN XUNG QUANH THẢM HỌA LÀM HỎNG TRANH NGUYỄN GIA TRÍ

 

Việc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh mới đây làm “vệ sinh” bức tranh sơn mài vĩ đại “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí gây tổn thất vô cùng nặng nề cho giá trị nghệ thuật của bức tranh, thiết nghĩ không cần phải khẳng định thêm nữa. Thảm họa đã rất rõ ràng, và có thể nói, tình trạng hư hại là vô phương cứu chữa.

Còn nếu ai nói về một khả năng “phục nguyên” nào đó cho bức tranh, thì điều đó chỉ là hão huyền, ảo tưởng, là chuyện hoang đường, bởi nếu làm được như vậy thì cũng không còn là nghệ thuật nữa, nhất là nghệ thuật của Gia Trí.

I. BỨC TRANH SƠN MÀI “VƯỜN XUÂN TRUNG NAM BẮC” CỦA NGUYỄN GIA TRÍ HIỆN TRỊ GIÁ BAO NHIÊU?

Một trong những cách tính thông thường và thuyết phục nhất trên thế giới hiện nay là phép tính tương đương về giá trị lao động. Hay nói cách khác, là lấy giá trị lao động (tiền lương, tiền công) của con người làm “bản vị”, bởi vì giá trị lao động là “giá trị sống”, bao hàm được cả những giá trị luôn luôn thay đổi, luôn luôn biến động của các kiểu chế độ tiền tệ (lấy vàng, bạc, lúa mỳ, thóc gạo… làm bản vị, làm thước đo giá trị và phương tiện lưu thông).

Nói đơn giản hơn, thì trong trường hợp này, chúng ta tính giá trị lao động của người họa sĩ (cụ thể là giá tranh) trong mối tương quan với giá trị lao động cơ bản của con người ở cùng thời điểm trong xã hội.

…  Trong lịch sử, có một số họa sĩ sống khốn khổ như Van Gogh, Gauguin, Modigliani, nhưng cũng có một số họa sĩ sống một cuộc đời mạ vàng như Vigée-Lebrun, Chardin hay Tocqué.

Nguyễn Gia Trí- Những nàng tiên. Trước 1940. Sơn mài. 290x 440cm. Sưu tập Géraldine Galateau, Paris (Ảnh chụp năm 2017)

 

Nguyễn Gia Trí – Vườn xuân. Khoảng 1943-44. Sơn mài. Rộng 12 mét vuông. Sưu tập nước ngoài

Riêng Bouguereau (1825-1905), họa sĩ Pháp nổi tiếng về “nghề nghiệp trau chuốt”, nếu năm 1875 giá mỗi bức tranh của ông là 30.000 phờ-răng vàng – thì chỉ 25 năm sau đấy đã lên tới 100.000 phờ-răng (cùng thời kỳ ấy, lương hàng năm trả cho một người thợ mỏ lao động 55 giờ một tuần là 1000 phờ-răng). Bouguereau đã từng nói một câu khét lẹt: “Je perds cinq francs chaque fois que je vais pisser” (Mỗi lần tôi đi tè là tôi mất tiêu 5 phờ-răng) – mà dựa theo đó, có thể tính, nếu mỗi lần đi “tè” của Bouguereau trung bình hết 5 phút thì lương mỗi năm của một người thợ mỏ chỉ bằng 1000 phút (tức khoảng 17 giờ) vẽ của ông.

Nguyễn Gia Trí – Vườn xuân Trung Nam Bắc. 1970-1989. Sơn mài. 200x540cm (trích mảng giữa). Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM (Ảnh chụp năm 2003)

Từ mấy lý do trên, chúng ta cũng có thể tìm ra được một con số “rất thực” cho bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí như sau:

Bức tranh đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mua vào năm 1991, với số tiền 600.000.000 đồng khi đó.

Cùng lúc đó: “Tiền lương, trợ cấp và sinh hoạt phí của công nhân, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội quy định tại các Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng được tính lại trên cơ sở mức lương tối thiểu 22.500 đồng/tháng” (theo Quyết định số 203/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ra ngày 28 tháng 12 năm 1988, do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký).

Và nay, chiểu theo Quyết định mới nhất của Chính phủ-  thì từ ngày 1 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ bản sẽ là 1.490.000 đồng (tức là so với thời điểm năm 1991 đã tăng lên 66,2 lần).

Bởi vậy, cũng dễ tính ra: Trị giá “cứng” của bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” (kể từ 1 tháng 7 năm 2019) sẽ là:

600.000.000 đồng x 66,2 = 39.720.000.000 đồng (Ba mươi chín tỉ bảy trăm hai mươi triệu đồng).

Nếu con số này đáng được chấp nhận thì việc làm hỏng bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng có nghĩa là đã làm hỏng một tài sản công trị giá 39.720.000.000 đồng, chưa nói bức tranh đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia, với giá trị văn hóa và tinh thần dường như độc nhất vô nhị của nó.

 

II. MẤY Ý KIẾN XUNG QUANH VIỆC LÀM HỎNG TRANH “VƯỜN XUÂN TRUNG NAM BẮC” CỦA NGUYỄN GIA TRÍ

Ngay sau khi Nhà thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn, trên kênh CNN đã có một câu bình luận: Đây là một vụ “11 tháng 9” do sai lầm (mistake) của con người.

Vậy, việc làm hỏng bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí có phải do sai lầm của con người hay không?

Trên VTV1 (chuyên mục “Việt Nam Hôm nay”, 17h50 Chủ nhật ngày 26 tháng 5 năm 2019), cũng đã đưa ra một tiêu đề: “Bảo vật Quốc gia hư hỏng do bảo quản sai”?!

Vậy, chữ “sai” này có thể chấp nhận được hay không? Có lẽ là không! Mà phải nói cho chính xác là do “vô ý thức”. Vì riêng trong trường hợp này, những người làm hỏng hoàn toàn không nhận thức được việc mình làm. Đúng hay sai cũng đều có kiểu của nó. Đây thì chẳng ra kiểu nào cả. Hậu quả nhãn tiền ra rồi, chắc những người làm hỏng ấy cũng không hề tự thấy (khéo còn tự cho là hay, tốt, là sáng tạo), mà có thấy cũng chẳng biết vì đâu.

Nguyễn Gia Trí – Thiếu nữ bên Hồ Gươm. Khoảng 1943-1944. Sưu tập của một bảo tàng ở Indonesia

* * *

Thực ra, “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, không phải như một số nhà báo đã viết, là bức tranh có kích thước lớn nhất của Nguyễn Gia Trí. Ít nhất nó nhỏ hơn nếu so với hai bức “Những nàng tiên” và “Vườn xuân” ông sáng tác vào cuối những năm 30 đầu những năm 40 của thế kỷ trước (xem minh họa).

 “Vườn xuân Trung Nam Bắc” cũng có thể được xem như một tác phẩm đỉnh cao của Nguyễn Gia Trí, nhưng nếu nói nó là đỉnh cao nhất thì e cũng chưa thực sự công bằng với nghệ thuật của ông. Giá trị lớn nhất ở đây – chính là sự tổng kết, thể hiện qua “cái đinh” cuối cùng của một sự nghiệp hội họa lẫy lừng – của Gia Trí.

Người viết bài này đã có dịp nghiên cứu trực tiếp tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” cách đây chừng 25 năm, sau khi bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vài năm. Trải nghiệm của cá nhân người viết là như thế này:

  1. “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, về căn bản, là một tập hợp, hay nói bóng bẩy hơn, là sự “di trú” của các hình tượng, các mô-típ đã từng có trong hầu hết các tác phẩm đề tài “thiếu nữ- vườn cây- lầu tạ” của Nguyễn Gia Trí – vào một tác phẩm. Và tất nhiên, như một chủ kiến- vào một phong cách kỹ thuật. Và 2…
  2. “Vườn xuân Trung Nam Bắc” là một điển hình cho phong cách sơn mài cổ điển đồng nhất (laque unie) nói chung, của Nguyễn Gia Trí nói riêng. Về cơ bản, nó được vẽ bằng bốn màu: đỏ, đen, vàng, trắng (sử dụng các chất liệu cổ truyền và cổ truyền dưới dạng mới). Và 3…
  3. Nếu vào những năm 1940-1944, nghệ thuật vẽ tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí nổi bật bởi một hình thức vẽ như “phác thảo”, đặc biệt với những nét vàng kim chói sáng, bay bổng – thì ở tác phẩm này, “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, để đạt được hiệu quả ấy, ông lại chủ yếu áp dụng lối vẽ “phân điểm” (pointillisme), tạo hình và đưa toàn bộ tranh vào nhịp điệu bằng hằng hà sa số những điểm trắng, sáng, với vô vàn sắc thái của vỏ trứng. Đây là một lối vẽ cực kỳ khó, đòi hỏi sự phi thường cả về tư duy lẫn kỹ năng mà chỉ có ở Nguyễn Gia Trí.

Bởi vậy: Theo quan sát ban đầu của người viết (rất tiếc là chưa được quan sát trực tiếp), trong việc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh làm “vệ sinh” bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí – thì riêng phần làm hư hại giá trị, hiệu quả thẩm mỹ của vỏ trứng – có lẽ – là phần nghiêm trọng nhất không có cơ cứu vãn.

Nguyễn Gia Trí – Vườn xuân Trung Nam Bắc (trích mảng trung tâm). Ảnh chụp năm 1993

 

Nguyễn Gia Trí – Vườn xuân Trung Nam Bắc (trích mảng trung tâm). Ảnh chụp năm 2003 (Đã có biểu hiện ô-xy hóa).

 

Nguyễn Gia Trí – Vườn xuân Trung Nam Bắc (trích mảng trung tâm). Ảnh chụp tháng 5.2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật T.p Hồ Chí Minh

* * *

Về lý thuyết, một bức tranh sơn mài sau khi hoàn thành từ 3 đến 10 năm mà vẫn ổn định, nếu được bảo quản tốt thì nó chỉ tiếp tục “già” đi theo thời gian chứ hiếm khi có xảy ra “tai biến” (ngoại trừ những tai biến xuất phát từ vóc). Tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí cũng có thể được xếp vào trường hợp này, cho dù ở mảng trung tâm của bức tranh, quá trình ô-xy hóa đã diễn ra khá nhanh và đáng lo ngại (nên chú ý: bức tranh đã được vẽ từ 1969-70 đến 1989, tức là có tới 14 năm nó được vẽ và hoàn thành trong điều kiện cực kỳ khó khăn sau chiến tranh, nhất là khó khăn về vật liệu vẽ).

Việc “vệ sinh” một bức tranh sơn mài thực ra cũng rất đơn giản. Nhìn chung (nghĩa là đa phần chứ không phải tất cả) cái gì da người, cơ thể người chịu được, chịu mãi được – thì tranh sơn mài cũng chịu được. Sơn mài chỉ sợ nhất là bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

Người ta có thể dùng nước bồ kết, nước pha xà-phòng hữu cơ (giống như loại xà-phòng bánh màu vàng sẫm thời bao cấp, hiện ở một số nước phương Tây vẫn có bán), hoặc nước pha thuốc đánh răng, cùng với vải mềm để làm sạch mặt tranh, rồi tráng bằng nước sạch (nước cuối cùng tốt nhất bằng nước cất). Cần thì toát một lớp sơn mỏng vào khi kết thúc.

… Trên thực tế, không phải không có người sử dụng giấy ráp trong quá trình “vệ sinh” tranh sơn mài. Nếu cứ cho như vậy là “đúng” – thì họ có thể áp dụng cách làm đó cho cùng một bức tranh được bao nhiêu lần, nếu không muốn nói là đang “xóa dần nó đi”? Nên nhớ độ dày của các lớp màu “thịt”, đặc biệt của lớp màu “biểu bì” của tranh sơn mài có thể phải tính bằng micro-mét, thậm chí bằng nano-mét đứng về mặt cảm nhận. Ngay cả trong việc dọn rửa nhà vệ sinh có gạch và đồ tráng men, có ai chấp nhận sử dụng giấy ráp không?

Trên thực tế, cũng không phải không có người “vệ sinh” tranh sơn mài bằng nước rửa chén. Nhưng nếu nước rửa chén là lành, là hoàn toàn vô hại – thì tại sao các bà nội trợ khi rửa chén bằng nước rửa chén lại thường phải cẩn thận đeo găng tay?

Thảm họa, tóm lại: trước hết và trên hết, do sử dụng giấy ráp; thứ hai, do tác động mài mòn của giấy ráp kết hợp với tác hại của nước rửa chén (đặc biệt nếu tiến hành rửa-đánh đồng thời, cùng một lúc với cả hai cái đó); thứ ba, tác hại của bột chu (bột lộc giác, thứ bột mới xuất hiện chừng mươi mười lăm năm nay, chủ yếu chỉ dùng để đánh bóng đồ sơn mỹ nghệ), vì bột chu cũng có sắc tố (nâu đen), nó có thể thành một thứ dịch màu thấm vào mặt tranh đã bị non và trở nên háo nước sau khi đánh giấy ráp… Chưa kể, trong quá trình thực hiện, nếu để mặt tranh nằm ngang thay vì để dựng đứng thì mọi tác hại liên quan đến nước càng tăng lên.

Dùng giấy ráp (cho dù là giấy ráp 2000 cùn đến mấy), bột chu, nước rửa chén để “vệ sinh” tranh sơn mài giống như cách làm của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, xin nhắc lại, là một hành động “vô ý thức”, vô tiền khoáng hậu, bất chấp mọi hiểu biết thông thường, sơ đẳng nhất.

* * *

Phá nhanh và phá vô ý thức thì sửa lại càng phải thận trọng, từ tốn, phải có ý thức thực sự. Nghe nói người ta đang muốn sửa nhanh, đâu như chỉ một hai năm gì đó?!

Bức tranh “Danaé” của Rembrandt ở Bảo tàng Ermitage bị một kẻ “biến thái” hắt a-xít năm 1985- phải đến 1997, tức 12 năm sau, mới phục hồi được. Xét về con số thì bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí rộng gấp ba lần bức “Danaé”, bởi vậy nếu tính một cách thô thiển, chúng ta có thể sẽ phải mất tới 36 năm để làm việc đó (tất nhiên, ở mức của ta chứ không phải của người Nga), với điều kiện việc phục chế là khả thi.

Phục chế là một công việc đòi hỏi đồng thời cả khoa học và nghệ thuật, do những người có chuyên môn sâu về phục chế thực hiện, dưới sự hỗ trợ và giám sát của các nghệ sĩ và các nhà khoa học. Việc sửa chữa, phục chế tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí cũng cần được xem như một công trình cấp quốc gia, cấp nhà nước, nếu chưa có người, chưa có phương pháp, chưa có phác đồ và phương tiện đủ đáp ứng thì chưa thể tiến hành được. Thậm chí chúng ta phải cầu viện các chuyên gia nước ngoài đến từ các nước giỏi nghề sơn và có truyền thống phục chế đồ sơn như Trung Quốc, Nhật Bản.

Bước đầu tiên chắc chắn phải là bước đánh giá những tác động từ bên ngoài vào bức tranh, dư lượng chất ngoại lai và tác hại tiềm tàng của nó. Ồ! Đến giờ mà hình như vẫn còn chưa biết, chưa chỉ ra được “nước rửa chén” người thợ làm “vệ sinh” bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí đã sử dụng chính xác là loại nào, tên gì, thành phần hóa học ra sao – thì những người “chịu trách nhiệm” khắc phục hậu quả kể cũng “thánh” thật!

 

Hà Nhì

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Odilon Redon người tự minh họa giấc mơ

Odilon Redon (1840 – 1916) là một nghịch lý khuất lấp. Ông sống giữa thời đại Ấn tượng và hậu-Ấn tượng trăm hoa đua nở của những Renoir, Gauguin và Van Gogh. Song, ngoại trừ được công nhận trong...

Thực hành giám tuyển trong giáo dục nghệ thuật

Với tư cách là một nghệ sĩ-nhà giáo dục, tôi ví vai trò cố vấn-hướng dẫn của mình giống như vai trò của một curate-người chăm lo, được tin tưởng chăm sóc những sinh viên đại học bằng...

Mối quan hệ giữa mỹ thuật ứng dụng và các loại hình nghệ thuật khác

Khi nói tới mối quan hệ qua lại giữa các ngành nghệ thuật, tới sự trợ giúp và ảnh hưởng lẫn nhau của chúng; cũng như sự tác động của các loại hình nghệ thuật khác tới sự sáng tạo mỹ...

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

KỂ TIẾP VỀ PHÁI

Năm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Bùi Xuân Phái (1/9/1920-1/9/2020). Ông được giới mỹ thuật đánh giá rất cao về bút pháp độc đáo không thể trộn lẫn ông với một họa sĩ nào trước, cùng...

SƯU TẬP TRANH VĂN XƯƠNG

  Lê Văn Xương – Sự thanh thản cả về cảm xúc lẫn thẩm mỹ Dọc hành trình nghệ thuật có những người tìm đường riêng độc đáo của mình, họ là những người mở đường. Có con...

Lắng nghe những câu chuyện lịch sử, mỹ thuật về Điện Biên Phủ

Đề tài Chiến thắng Điện Biên Phủ – trang sử vẻ vang vẫn là niềm hứng khởi, mạch nguồn sáng tạo cho nhiều thế hệ nghệ sỹ thể hiện thành công các tác phẩm mỹ thuật trong suốt 70...

NHIỆT CỦA MÙA XUÂN

  Ngày đang dài hơn, ấm hơn và sáng hơn ở Bắc bán cầu,dưới đây là 10 tác phẩm tranh, điêu khắc, bản in, trang sức mang hơi thở của mùa xuân, giới thiệu bởi Christie’s. Trong những thập kỉ...

CÔNG VĂN TRUNG – CỔ ĐỒ VÀ CÀNH LỰU

    CÔNG VĂN TRUNG (1907 – 2003) Tác phẩm: Cổ đồ và cành lựu Năm sáng tác: 1965 Chất liệu: Màu nước Kích thước: 50x62cm Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội   Công Văn Trung vẽ không nhiều,...