Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu lục địa Ấn Độ và áp đặt chế độ thực dân, được gọi là “Raj thuộc Anh”. Sự áp chế về chính trị đã dẫn theo sự áp chế về nghệ thuật. Phong cách Công ty (Company style) ra đời và được chính quyền thực dân ủng hộ. Những nghệ sĩ đi theo xu hướng này phần lớn đã từng làm việc trong các chi nhánh của công ty Đông Ấn và các công ty nước ngoài khác. Đó là một phong cách chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa Lãng mạn Anh, sử dụng chất liệu thuốc nước là chủ yếu, hình họa và phối cảnh của phương Tây nhưng vẫn lưu giữ chút ít âm hưởng nghệ thuật Mughal truyền thống.

Abanindranath Tagore (1871 – 1951)

Bước sang thế kỷ 20, cùng với các phong trào đấu tranh chính trị xã hội để giành độc lập, ý thức dân tộc trong giới văn nghệ sĩ cũng được đẩy lên cao mà tiêu biểu nhất là hoạt động của gia tộc Tagore. Gia tộc này có nguồn gốc từ Calcutta, đã dẫn dắt phong trào Phục hưng vùng Bengal và sản sinh ra nhiều vĩ nhân cho Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tôn giáo, xã hội, văn học nghệ thuật… trong đó có đại thi hào Rabindranath Tagore. Trong lĩnh vực mỹ thuật, một người thuộc gia tộc này là Abanindranath Tagore, mà theo gia phả là cháu họ của Rabindranath Tagore, đã có công rất lớn trong việc xây dựng nền mỹ thuật hiện đại Ấn Độ tự chủ và độc đáo trước thách thức của nghệ thuật Thực dân phương Tây.

Abanindranath Tagore (1871-1951) là người sáng lập Hội nghệ thuật phương Đông Ấn Độ và trường phái nghệ thuật Bengal, một dòng chủ lưu và có ảnh hưởng sâu sắc tới nghệ thuật Ấn Độ thế kỷ 20. Chính vì vậy mà có nhiều ý kiến cho rằng ông chính là “cha đẻ của mỹ thuật hiện đại Ấn Độ”. Tagore tin vào các hình thức và kỹ thuật vẽ tranh truyền thống của Ấn Độ, đồng thời nghi ngờ nền nghệ thuật phương Tây mà ông cho rằng quá thiên về “vật chất”. Tư tưởng xuyên suốt trong các tác phẩm của ông là quay về với cái gốc tinh thần của nghệ thuật truyền thống Ấn Độ. Tuy nhiên, Tagore không bám víu vào truyền thống một cách cứng nhắc và sô-vanh, mà vẫn cho thấy sự chịu ảnh hưởng từ các nghệ sĩ phương Tây hiện đại, đặc biệt là từ họa sĩ người Mỹ Whistler. Một phần vì lý do này mà các nhà quản lý nghệ thuật Anh trước cách mạng đã phải “nhắm mắt” chấp nhận tư tưởng mang tính dân tộc của ông. Tagore cho rằng truyền thống Ấn Độ có thể được điều chỉnh để thích ứng với những giá trị mới của phương Tây. Điều này đồng thời cũng sẽ thúc đẩy một nền nghệ thuật tiến bộ và đặc sắc của Ấn Độ.

ABANINDRANATH TAGORE – Bharat Mata. 1905. Màu nước. Victoria Memorial Hall, Calcutta, Ấn Độ. Giữa bối cảnh đất nước bị thực dân xâm chiếm, đề tài Bharat Mata đã cho thấy khát vọng độc lập chính trị cho dân tộc mình đồng hành cùng độc lập nghệ thuật. Biểu tượng Mẹ Ấn Độ ở đây trong trang phục truyền thống với bốn tay cầm: quyển sách, tấm vải trắng, chiếc vòng, bó lúa. Tuy tác phẩm chưa phải là một kiệt tác về tạo hình thuần túy, nhưng ý nghĩa chính trị, xã hội của nó rất lớn.

 

ABANINDRANATH TAGORE – “Hoàng hậu của Asoka”. 1910. Màu nước

 

ABANINDRANATH TAGORE – “Kết thúc chuyến đi”. 1913. Màu nước Màu nước

Mặc dù sớm ý thức được tính dân tộc trong nghệ thuật, nhưng khởi đầu sự nghiệp hội họa Tagore cũng có mối liên hệ nhất định với phong cách Công ty, như ta thấy ở các tác phẩm “Chuyến ghé thăm của Shah Jahan” (1902), “Đêm nhạc hội” (1906), “Hoàng hậu của Asoka” (1910)… Càng về sau Tagore càng bị ảnh hưởng nhiều hơn từ lối vẽ tiểu họa truyền thống; ông từ chối cách vờn khối mạnh cũng như luật phối cảnh của phương Tây, đồng thời đề cao không gian huyền bí, nửa thực nửa hư của những câu chuyện lịch sử, truyền kỳ dân gian. Loạt tranh vẽ theo đề tài “Nghìn lẻ một đêm” khoảng năm 1928-1930 là tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của Tagore. Ở đó, ông đã gửi gắm quan điểm xã hội và tư tưởng nghệ thuật của mình vào trong các truyện cổ bằng lối thể hiện giàu tính ẩn dụ. Qua các bức tranh của mình, Tagore đã khéo léo phơi bày những bất công của xã hội thực dân và dự cảm về một chủ nghĩa quốc tế đại đồng, công bằng cho các dân tộc.

Về sau, Tagore đã có cơ hội tiếp xúc với các nhân vật văn hóa châu Á khác, như nhà sử học nghệ thuật Nhật Bản Okakura Kakuzo và họa sĩ Yokoyama Taikan. Qua đó, ông bắt đầu kết hợp các yếu tố truyền thống thư pháp Trung Quốc và Nhật Bản vào nghệ thuật của mình, đồng thời tìm cách xây dựng một mô hình chung cho nghệ thuật châu Á hiện đại kết hợp các yếu tố văn hóa tinh thần truyền thống.

ABANINDRANATH TAGORE – Thuyền trưởng Sinbad. 1930. Một câu chuyện cổ được thể hiện như là một ẩn dụ về xã hội Ấn Độ đương thời với những nhân vật có tôn giáo, nguồn gốc khác nhau, và cả những “ông Tây” nữa.

 

ABANINDRANATH TAGORE – “Ông lão kể chuyện và Sheherzade”. 1930

 

ABANINDRANATH TAGORE – Ganesh-janani. 1937. Màu nước

***

So sánh Abanindranath Tagore với những họa sĩ bậc thầy đầu tiên tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí… chúng ta thấy có sự tương đồng nhất định. Đó là ý thức xây dựng một nền nghệ thuật dân tộc độc lập giàu bản sắc, dùng các công cụ tiên tiến của thực dân phương Tây để phát huy mạch truyền thống bản địa. Thực dân, dù sao cũng là một chương đau buồn trong lịch sử của Ấn Độ, Việt Nam, nhưng nhờ vào vốn truyền thống sâu dày mà những nghệ sĩ của các nước thuộc địa đã dung nạp tài tình cái “tiên tiến” của phương Tây để làm phong phú thêm nền nghệ thuật của chính mình.

Huệ Viên

(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 307-308, tháng 7-8 năm 2018.

Tin cùng chuyên mục

Frank Perrin – “Cầu nguyện, Tình yêu, Đối kháng” qua ngôn ngữ người mù

Frank Perrin là một nghệ sĩ người Pháp sống ở Paris, người đã dành một phần đời mình để khám phá khái niệm về Chủ nghĩa Hậu tư bản và biên soạn một bản tóm tắt về những nỗi ám ảnh...

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

GIÁO SƯ, HỌA SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN TRẦN ĐÌNH THỌ

  Họa sĩ Trần Đình Thọ sinh năm 1919,  quê tỉnh Hưng Yên, sống chủ yếu tại Hà Nội. 1939-1944, ông học và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 13. Ngay từ trước Cách mạng...

Lượm lặt #1

Ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật xin đăng lại những mẩu truyện ngắn ở chuyên mục Lượm lặt trên các số Tạp chí Mỹ thuật đầu tiên, bắt đầu từ số Tạp chí Mỹ thuật số 10-11-12/1977 (số...

ĐIÊU KHẮC HIỆN ĐẠI CỦA VIỆT NAM: AI Ở ĐÂU, BAO GIỜ THẾ NÀO ? QUA CÁCH NHÌN CỦA ĐÀO CHÂU HẢI

  Quang Việt (QV): Nếu nói về điêu khắc hiện đại Việt Nam, hay chặt chẽ hơn, điêu khắc hiện đại “của Việt Nam”, anh có thể bắt đầu như thế nào? Đào Châu Hải (ĐCH): Đúng đấy. Ở...

BÙI XUÂN PHÁI – CHÂN DUNG HỌA SĨ NGUYỄN DUNG

    Một số họa sĩ hiện đại, đặc biệt như Matisse, đã coi vẽ hình như một hoạt động sáng tạo tác phẩm. Ở đây, quy mô vẽ cũng là một yếu tố quan trọng, nó có thể nhỏ, vừa, mà...

Tia- Thủy Nguyễn – Nghệ sĩ độc lập và tự chủ về tài chính dễ sáng tác và tự do hơn

  Tia-Thủy Nguyễn: sinh năm 1981, lớn lên ở Hà Nội, hiện ở TP. Hồ Chí minh. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006. học bổng du học tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc...