Art talk “Những kỷ niệm về họa sỹ, Liệt sỹ Tô Ngọc Vân” đưa công chúng đến với những ký ức về ông thông qua những tác phẩm, những câu chuyện xúc động của các khách mời, gia đình, học trò, đồng nghiệp.
Ngày 11/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức chương trình Art talk “Những kỷ niệm về họa sỹ, Liệt sỹ Tô Ngọc Vân” nhân 70 năm ngày họa sỹ, Liệt sỹ Tô Ngọc Vân hy sinh và 80 năm ra đời tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé,” tác phẩm do họa sỹ Tô Ngọc Vân sáng tác, đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Họa sỹ, Liệt sỹ Tô Ngọc Vân đã hy sinh gần Chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 70 năm. Hành trang mà ông để lại lúc hy sinh là những bức ký họa về cuộc sống, chiến đấu của Quân và dân ta.
Art talk “Những kỷ niệm về họa sỹ, Liệt sỹ Tô Ngọc Vân” đã đưa công chúng tới với những ký ức về họa sỹ, Liệt sỹ Tô Ngọc Vân thông qua những tác phẩm của ông, qua những câu chuyện kể đầy xúc động của các khách mời, gia đình, học trò, đồng nghiệp của cố họa sỹ.
Tại chương trình, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, Ủy viên viên Hội đồng phê bình Mỹ thuật thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ nhiều thông tin thú vị về cuộc đời, sự nghiệp của danh họa Tô Ngọc Vân.
Các diễn giả khẳng định họa sỹ Tô Ngọc Vân là một nhân cách lớn của nền hội họa Việt Nam. Ngay từ những năm học trong Trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sỹ Tô Ngọc Vân đã sớm nghiên cứu kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu và là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu này ở Việt Nam.
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ cảm xúc của ông với những tác phẩm mỹ thuật của họa sỹ Tô Ngọc Vân như tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé,” bức tranh khắc gỗ “Hồ Chủ Tịch làm việc ở Bắc Bộ phủ”…; về ký họa chiến trường và những giá trị mà họa sỹ Tô Ngọc Vân để lại trên từng tác phẩm…
“Họa sỹ Tô Ngọc Vân là danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, một con người tài hoa, sớm đi theo kháng chiến và là điển hình của người nghệ sỹ-chiến sỹ. Ông là họa sỹ đầu tiên hy sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ.
Những gì ông để lại là tài sản quý giá, những bài học chưa bao giờ cũ cho các thế hệ họa sỹ đến sau,” họa sỹ Lương Xuân Đoàn xúc động chia sẻ.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, Ủy viên viên Hội đồng phê bình Mỹ thuật, Nguyên Phó trưởng phòng Nghiên cứu, Sưu tầm-Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chia sẻ với công chúng về những giai đoạn sáng tác của họa sỹ Tô Ngọc Vân, từ một họa sỹ, nhà phê bình mỹ thuật cho đến một họa sỹ-chiến sỹ xuất sắc trên mặt trận văn hóa, văn nghệ Việt Nam, tham gia trên các nẻo đường chiến dịch giai đoạn 1945-1954, cho đến khi ông hy sinh.
Công chúng cũng được nghe các khách mời chia sẻ những câu chuyện liên quan đến tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” được họa sỹ Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1944, đến nay vừa tròn 80 năm. Tác phẩm được công nhận là Bảo vật Quốc gia, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Đặc biệt, người yêu hội họa nhiều thế hệ vô cùng xúc động khi nghe họa sỹ Ngọc Linh – một trong số các học trò của họa sỹ Tô Ngọc Vân tại khóa Mỹ thuật kháng chiến (1950-1954) chia sẻ kỷ niệm về những ngày ông gặp gỡ họa sỹ Tô Ngọc Vân trên đường ông đi Chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 4/1954.
Họa sỹ Tô Ngọc Thành, con trai của danh họa Tô Ngọc Vân, cũng cho biết khi đi lên Điện Biên Phủ, cha của ông đã xác định là lên chiến trường có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm đi, với mong muốn vẽ được những tác phẩm chân thực nhất về chiến trường.
Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật chia sẻ, Art Talk “Những kỷ niệm về họa sỹ, Liệt sỹ Tô Ngọc Vân” được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xây dựng với mục đích đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, tạo cơ hội để khách tham quan, những người yêu nghệ thuật được gặp gỡ và giao lưu trực tiếp với những nghệ sỹ, những diễn giả khách mời những ký ức về họa sỹ, Liệt sỹ Tô Ngọc Vân, giúp công chúng yêu nghệ thuật, đặc biệt là các bạn trẻ có thêm những hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp của họa sỹ Tô Ngọc Vân, đồng thời thêm trân trọng những di sản mà ông để lại./.
Nguồn: Trang thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương