BỘ LỊCH ẢNH “TIỂU CÔNG NGHỆ VIỆT NAM” VÀ MỘT THỜI PHÁT TRIỂN THỦ CÔNG MỸ NGHỆ Ở SÀI GÒN

 

Cách nay khoảng năm năm, khi họa sĩ Nguyễn Văn Trung từ Mỹ về chơi, tôi có hỏi ông về một bộ lịch nổi tiếng được thực hiện cuối năm 1959, mà mỗi tờ lịch tháng có đăng ảnh một hay hai sản phẩm thủ công mỹ nghệ của miền Nam. Ông Trung nhớ ra ngay vì lúc đó, ông mới học xong Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định và đang quan tâm đến thủ công mỹ nghệ, để rồi sau này lập ra công ty mỹ nghệ Mê Linh. Ông Trung kể đó là một bộ lịch dành cho năm 1960, in offset màu rất đẹp vì in ở nước ngoài, được nhiều người thích và dùng xong còn giữ lại.

Trong khoảng 20 năm la cà các tiệm bán sách cũ ở Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Nhân Tôn hay Cách Mạng Tháng Tám, Trần Huy Liệu, Trần Hưng Đạo… tôi có để ý và hỏi nhưng không có người bán sách nào thấy bộ lịch này bất cứ ở đâu. Nhưng may mắn là có vài tờ tạp chí đã giới thiệu bộ lịch tương đối đầy đủ.
Nối tiếp sự phát triển của thủ công mỹ nghệ miền Nam

Khu trưng bày sản phẩm sơn mài và đồ gốm Biên Hòa tại trung tâm Khuếch trương Công nghệ Việt Nam.

 

Bên trong gian hàng Tiểu công nghệ Việt Nam.

 

Nhóm Nhiếp ảnh đang chuẩn bị chụp ảnh thực hiện cuốn lịch màu năm 1960 “Tiểu công nghệ Việt Nam”.

Bộ lịch này là sự nối tiếp việc quan tâm phát triển ngành thủ công mỹ nghệ của miền Nam sau khi thành lập nhà nước VNCH từ hiệp định Geneve 1954. Đã có một số hoạt động cụ thể để khuếch trương ngành này. Đơn cử như năm 1958, ông Jack L. Lersen, một nhà vẽ kiểu trên vải xuất sắc tại Hoa Kỳ đến miền Nam giúp đỡ việc phát triển thủ công nghệ. Cũng trong năm 1958, tại Hội chợ Bruxelles (Bỉ) họa sĩ Đới Ngoạn Quân, giáo sư Trường Mỹ thuật Gia Định đã trình bày những tác phẩm điêu khắc trên ngà voi. Năm 1958 cũng là năm bận rộn của họa sĩ Nguyễn Thành Lễ, khi tổ chức Triển lãm sơn mài của ông tại số 42 Tự Do và mang tranh sơn mài do công ty Thanh & Lễ sang New York để theo cuộc Triển lãm lưu động các sản phẩm sơn mài và đồ gốm Việt qua các thành phố Mỹ như New York, Washington, Chicago, Detroit, Hollywood và San Francisco.

Theo tạp chí Trẻ tập 1 số 5, khoảng cuối năm 1959, Trung tâm Khuếch trương Tiểu công nghệ nhân dịp khai trương gian hàng Tiểu công nghệ Việt Nam tại đường Tự Do (Đồng Khởi ngày nay) đã hợp tác với Sở Thông tin Hoa Kỳ thực hiện bộ lịch màu 1960 do phía Hoa Kỳ ấn hành, với mục đích giới thiệu các sản phẩm tiểu công nghệ ở trong nước và trên thị trường quốc tế. Đề tài của bộ lịch là “Tiểu công nghệ Việt Nam”. Những người quản lý lúc đó nhận thấy ngành tiểu thủ công nghệ đã có từ lâu. Một số thủ công nghệ Việt Nam cũng đã từng nổi tiếng khắp Đông Nam Á, như nghề khảm xà cừ, nghề trạm trổ, nghề thêu, nghề làm đồi mồi là những nghề thủ công thuần túy Việt Nam, tỉ mỉ và công phu, mà những sản phẩm tinh xảo nhất là nhờ ở óc sáng tạo và sự khéo tay của người thợ. Các sản phẩm khác như chiếu hoa Phát Diệm, tơ lụa Hà Đông, nón bài thơ Huế, nón Gò Găng, đồ gốm Biên Hoà… xứng đáng được vinh danh. Song trải qua các biến cố, các nghề thuần tuý cổ truyền bị mai một và nhiều nghề thủ công khác cũng không còn cơ hội để phát triển và khuếch trương.

Nhân dịp khánh thành gian hàng Tiểu công nghệ Việt Nam, Tổng Thống VNCH tuyên bố: “Từ trước đến nay, ngành tiểu công nghệ chưa phát triển vì kỹ thuật sản xuất thô sơ, sự trình bày kém phần mỹ thuật, giá trị sản phẩm không thuần nhất và phần đông tư nhân thiếu vốn để cải tiến và khuếch trương. Vì vậy tôi đã cho thành lập Trung Tâm Khuếch Trương Tiểu Công Nghệ bằng cách giúp các nhà hành nghề về mặt tài chính cũng như về phương diện kỹ thuật”. Từ đó, Trung Tâm Khuếch Trương Tiểu Công Nghệ được thành lập từ tháng 8 năm 1958, có nhiệm vụ thúc đẩy phong trào tiểu công nghệ, khuyến khích sản xuất những mẫu mã mới để xuất cảng, giúp kỹ thuật sản xuất, giúp vốn với lãi suất thấp để có thể hạ giá sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hướng dẫn giới tiểu công nghệ thu dụng học sinh tốt nghiệp các Trường Mỹ Nghệ và Kỹ Nghệ Thực Hành và hướng dẫn các học sinh này thành lập các khu tiểu công nghệ. Ngân sách hoạt động cho trung tâm lúc đó là 280.500 USD và 19.975.000 đồng VNCH để khuếch trương ngành thủ công nghệ Việt Nam và tìm thị trường ở trong nước và ngoại quốc. Ngoại viện Mỹ còn cấp một ngân khoản là 1.000.000 bạc Việt Nam để sửa chữa lại nhà cửa của trung tâm. Trung tâm tìm cách bán lẻ các sản phẩm trên thị trường trong nước cũng như ở nước ngoài. Tuy nhiên Trung tâm không cạnh tranh với các thợ thủ công mà trái lại sẽ là nơi để triển lãm không mất tiền những sản phẩm mới chế tạo của họ và của các sinh viên ngành mỹ nghệ không đủ sức để giới thiệu sản phẩm. Tất cả những nguồn lợi thu được qua việc bán các sản phẩm sẽ dùng để trả những chi phí tổn chi phí và giúp đỡ những chương trình khuếch trương sản phẩm thủ công nghệ.

 

Các người mẫu Kim Chi (trái) và Mai Hân chụp bên tờ lịch có in ảnh của mình và các sản phẩm.

 

Nghệ sĩ Kim Vui cầm trang Lịch tháng 4 in hình cô đang giới thiệu sản phẩm.

 

Trang tháng Giêng của Lịch với cô Mai Hân làm mẫu ảnh bên cạnh sản phẩm thủ công nghệ trưng bày tại Gian hàng công nghệ Việt Nam”.

Để xúc tiến những chương trình trên, trung tâm được sự giúp đỡ của tổ chức Russel Wright Associates, một công ty của Mỹ chuyên về ngành thủ công nghệ và họ giúp đỡ kỹ thuật, gồm có việc giới thiệu và bán những sản phẩm mới. Năm 1959, công ty Russel Wright Associates đã tổ chức một cuộc triển lãm những sản phẩm thủ công nghệ Việt Nam tại New York rất có kết quả.

Ngoài ra, Trung tâm đã cố gắng tìm thêm thị trường ngoại quốc để có thể xuất cảng sản phẩm đan bằng lạt hoặc là qua các nước trong khối Liên Hiệp Anh, sản phẩm mây và tre và nghệ phẩm qua Pháp và các sản phẩm nhật dụng qua Tây Đức. Gian hàng công nghệ Việt Nam đặt tại số 86 đường Tự Do (Đồng Khởi) nay là nơi trưng bày những sản phẩm là kết quả việc hướng dẫn các nhà tiểu công nghệ, về kỹ thuật cũng như mỹ thuật. Nơi đây là nơi triển lãm thường xuyên để hấp dẫn khách hàng, là nơi quảng cáo hiệu nghiệm, tìm kiếm mở rộng thị trường. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, cũng có một gian hàng của Trung tâm.
Thực hiện bộ lịch

Trở lại bộ lịch 1960. Việc chuẩn bị thực hiện bộ lịch này đòi hỏi mất nhiều công phu. Trung tâm Khuếch trương Tiểu công nghệ đưa các sản phẩm đẹp nhất đến để trưng bày cho việc chụp ảnh. Những người tổ chức mời một số ca sĩ danh tiếng của miền Nam lúc đó như Kim Vui (sau này còn là diễn viên điện ảnh), ca sĩ Kim Chi, ca sĩ Lệ Hoa… và một số nữ sinh có ngoại hình xinh đẹp để làm người mẫu ảnh chụp với các sản phẩm. Các chuyên viên ban nhiếp ảnh của Hoa Kỳ bố trí chụp ảnh ngay gian hàng công nghệ và trước đó, họ phải điều động nhân viên, di chuyển các dụng cụ máy móc tối tân, đèn pha, xếp đặt các bối cảnh, lựa chọn những góc cạnh mỹ thuật để chụp những tấm hình màu đặc sắc và mất nhiều thời gian xếp đặt ngắm nghía hàng giờ trước khi bấm.

Tượng vũ nữ Chăm bằng đất nung bên hai cô người mẫu.

 

Chao đèn bằng ngà, bàn sơn mài của công ty Thành Lễ cùng ca sĩ – diễn viên điện ảnh Kim Vui.

 

Tượng gốm Biên Hòa và cô Mai Hân.

 

Bộ ly chén sơn mài của công ty mỹ nghệ Thành Lễ trên bàn ăn của công ty André Sang, cùng ca sĩ Mai Hân.

Trong khi ban nhiếp ảnh chụp ảnh ở gian hàng công nghệ, tại xưởng vẽ của Sở Thông tin Hoa Kỳ, các họa sĩ cũng phác họa hình bìa, trình bày phần nội dung của bộ lịch này với khổ lớn khoảng 50×35 cm, gồm một ảnh bìa và mười hai trang in màu cho mười hai tháng trong năm. Việc in ấn được đưa ra nước ngoài thực hiện.
Bố trí từng trang lịch như sau: Tháng Giêng: cô Đỗ Mai Hân, tháng Hai: nữ ca sĩ Kim Chi, tháng Ba các cô Mộng Lan, Đỗ Mai Hân và Minh Dung, tháng Tư: nữ ca sĩ Kim Vui, tháng Năm: cô Đỗ Mai Ngân, tháng Sáu các cô Thanh Hiền và Phạm Hồng Hà, tháng Bảy cô Giáng Tuyết, tháng Tám cô Đỗ Mai Hân, tháng Chín hai nữ ca sĩ Lệ Hoa và Kim Vui, tháng Mười cô Thanh Hiền, tháng Một cô Thu Nga, tháng Chạp các cô Phạm Hồng Hà, Thanh Hiền, Minh Lân và Võ Oanh Oanh.
Lịch được phát hành vào tháng Chạp năm 1959.

Sau khi thực hiện bộ lịch này, việc quảng bá thủ công mỹ nghệ của miền Nam vẫn tiếp tục phát triển. Đến năm 1961, Đại học Columbia (Hoa Kỳ) đã tổ chức cuộc Triển lãm mỹ thuật và Tiểu thủ công nghệ Việt Nam (miền Nam). Hơn 100 sản phẩm đồ sứ, sơn mài, y phục, vải vóc, đồ trang sức, nhạc khí xưa và hiện đại cùng một số vật dụng tiểu thủ công nghệ của đồng bào dân tộc vùng cao nguyên miền Trung đã được trưng bày. Cuộc triển lãm này trong chương trình triển lãm lưu động các cổ vật quý giá và các sản phẩm tiểu thủ công nghệ hiện đại của Việt Nam, khai mạc vào 26 tháng 10 năm 1960- tại viện Smithsonian ở Washington. Đến năm 1963, khai mạc Triển lãm Văn hóa và Tiểu thủ công nghệ Việt Nam ở Viện Pháp Việt, đường Sait Jacques, Paris. Các sản phẩm trưng bày là tranh lụa, đồ gỗ, tranh sơn mài, đồ mỹ thuật cổ, đồ ngà, đố sứ, hàng thêu, thảm dệt… đồ cổ từ thế kỷ 17 và 18 của các nhà sưu tập tư nhân ở Huế và Sài Gòn như kiếm cổ, huy chương bằng bạc, vàng và ngọc thạch, chiếu chỉ phong tước viết trên gấm, ấn triện…
Đã có một thời, ngành thủ công mỹ nghệ miền Nam được phát triển bằng những cách thức như vậy.

Phạm Công Luận

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

NHỮNG THẢM HỌA PHÁ HOẠI TRANH Ở BẢO TÀNG

  1. Ngày 14 tháng 1 năm 1911, kiệt tác “Đi tuần đêm” của danh họa Rembrandt tại Bảo tàng Amsterdam đã bị một thợ đóng giày thất nghiệp đồng thời là cựu đầu bếp của Hải quân rạch bằng...

NHỮNG NGÔI NHÀ CÓ QUỶ

  Từ Đông sang Tây, trang trí kiến trúc luôn xuất hiện những khuôn mặt hung dữ, gớm ghiếc, nhe nanh, trợn mắt của quỷ dữ, của ác thần. Những khuôn mặt đó xuất hiện từ rất sớm trong các...

Độ lùi… Một giá trị lớn của sưu tập

    Một trong vài điều kiện chính của nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) là “tác phẩm/món hàng phải được tạo tác từ năm năm trở lên, phải thuộc sở hữu của một nhà sưu tập, một trung...

Chiêm ngưỡng “Bảo vật quốc gia – Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam”

(Chinhphu.vn) – Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức khai mạc Trưng bày: “Bảo vật quốc gia – Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam”. Kỷ niệm 78 năm...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực IV (Bắc miền Trung) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...