Một trong vài điều kiện chính của nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) là “tác phẩm/món hàng phải được tạo tác từ năm năm trở lên, phải thuộc sở hữu của một nhà sưu tập, một trung gian nào đó”. Khi hỏi vì sao phải vậy? Lý Bích Ngọc (chủ của Lythi Auction) cho biết: “Tôi muốn có một độ lùi, một khoảng cách nhất định với bất kỳ tác phẩm, vật phẩm nào, để khách quan hơn trong việc nhận định về giá trị và giá cả của nó”. Độ lùi quan trọng vậy sao?
Thật vậy. Độ lùi… là một trong vài điểm chính yếu của sưu tập. Không phải lúc nào xưa/cũ cũng đồng nghĩa với giá trị cao và giá cả cao, nhưng chắc chắn trong một lô hàng đồng đẳng, xưa/cũ luôn được ưu tiên chọn lựa nhiều hơn.
- Trong bài viết ngắn có tên “Ông bình vôi” (năm 1956), Phan Khôi mở: “Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi. Đều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho “nhà trung” thường dùng; một thứ hình tròn mà đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho “nhà sang” dùng. Cả hai đều để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên”.
Rồi Phan Khôi kết: “Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi ủ rũ trên trần hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ông. Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ này cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt: “Những kiếp người sống lâu trăm tuổi/ Y như một cái bình vôi/ Càng sống càng tồi/ Càng sống càng bé lại”.
Tất nhiên Lê Đạt và Phan Khôi không viết về cái bình vôi như chính cái bình vôi, mà là viết về đạo làm người, về đối nhân xử thế. Chứ ngày nay, sau độ lùi trăm năm, những cái bình vôi “toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho nhà sang dùng” mà Phan Khôi đề cập đã trở thành đối tượng săn lùng của giới sưu tập. Nghĩa là cùng một sự vật, khi thay đổi hệ quy chiếu và quan niệm, giá trị và giá cả thay đổi.
Trong bài của Phan Khôi, bình vôi khi dùng xong thì thành “ông bình vôi” được thờ cúng ở các ngã ba ngã tư đường, trang nghiêm như một vật tổ. Ngày nay tục ăn trầu đang suy giảm nhanh chóng, do hoàn cảnh sống thay đổi, ra đường ít thấy việc thờ bình vôi, cũng như thờ các vật dụng khác. Nhưng khi bước vào các bộ sưu tập, các nhà đấu giá, bình vôi lại được trân trọng, lùng kiếm. Đã có những giao dịch công khai (qua đấu giá) và trao tay, nhiều bình vôi bán hơn một tỷ đồng.
Nghĩa là, khi bình vôi rời bỏ đời sống bình thường của một vật dụng thường nhật để trở thành vật phẩm ngày càng khan hiếm – tục ăn trầu suy giảm nhanh – giá trị và giá cả của nó đã thay đổi. Nhà sưu tập rất quan tâm đến giá trị khan hiếm, nên khi vật dụng bình thường bắt đầu trở nên khan hiếm, họ sẽ sưu tập, trao đổi, mua bán, làm giá, nâng giá…, rồi đấu giá.
- Tranh thì khác cổ vật ở vài khía cạnh, nhưng nguyên tắc về độ lùi vẫn khá giống nhau. Ví dụ như sơn mài Thành Lễ. Tại miền Nam trước 1975, vì quá phổ biến, nên nhiều tác phẩm sơn mài (chứ không phải đồ mỹ nghệ, trang trí) của Thành Lễ bị đánh giá thấp về mặt nghệ thuật. Nhưng gần đây, sau nửa thế kỷ, thương hiệu Thành Lễ đã trở lại cùng các phiên đấu giá quốc tế và quốc nội, chúng được chia thành tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm trang trí khá rõ ràng.
Trong hơn 30 năm (từ 1943 đến năm 1975), sơn mài nghệ thuật Thành Lễ và các sản phẩm khác của thương hiệu này đã rất nổi tiếng, được ưu chuộng tại nhiều nước. Ví dụ tranh sơn mài Thành Lễ được treo tại lâu đài của tổng thống Pháp Charles de Gaulle ở Colombey-les-Deux-Églises (La Boissery), tại tư dinh của tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, tại tư dinh vua Hassan II ở thành phố Ifrane (Morocco), tại Tổ chức y tế thế giới (OMS) ở Thụy Sỹ…
Thành Lễ đã tham gia có các cuộc triển lãm sơn mài tại Pháp (1952), Thái Lan (1954), Philippines (1956), Hoa Kỳ (1959). Năm 1964, đoạt huy chương vàng tại hội chợ quốc tế Munich (Đức), năm 1969 và 1970 nhận huy chương, bằng danh dự tại hội chợ Paris (Pháp)… Trong nước, sơn mài Thành Lễ cũng nhận được nhiều huy chương danh giá thời bấy giờ. Ngày 20/4/1990, kênh truyền hình nhiều người xem nhất châu Âu là TF1 (Pháp) đã phát một phóng sự về sản phẩm sơn mài Thành Lễ, tiết lộ nhiều thông tin mới về thị trường.
Một trong các điều kiện tăng giá trị và giá cả của vật phẩm chính là việc so sánh thông qua độ lùi năm tháng. Vì có một thành tựu lẫy lừng, tự thân chất lượng vật lý cũng rất tốt, giá bán trong quá khứ khá cao, nên ngày nay được lùng kiếm nhiều hơn cũng là điều dễ hiểu. Chính nhờ sự thử thách qua độ lùi mà sơn mài Thành Lễ đang tăng trưởng nhanh về giá trị và giá cả hiện nay.
Cũng chính độ lùi cho ta thấy tầm nhìn xa của Thành Lễ. Từ lúc tách xưởng ra riêng, Thành Lễ mở cơ sở ngay tại tỉnh Bình Dương với 12 họa sĩ, 2 nghệ nhân, 20 thợ mộc, 60 thợ sơn, 4 thợ chạm, 1 thợ cẩn xà cừ. Đỉnh điểm, xưởng sơn mài Thành Lễ có đến 500 công nhân và họa sĩ, chuyên viên làm việc. Những họa sĩ có tiếng từng làm việc tại đây như Nguyễn Văn Tuyền (Ba Tuyền), Châu Văn Trí, Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Duy Liêm, Nguyễn Tấn Tam, Nguyễn Văn Tám, Lương Định Tánh, Trần Văn Nam, Văn Thoạt, Trần Văn Sáu, nghệ nhân Sáu Sa…
Về đề tài, dù có kinh nghiệm học thuật và thương mại quốc tế, nhưng ngày từ đầu Thành Lễ đã bám sát văn hóa, lịch sử, nghệ thuật Việt như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên…, các tích về Hai Bà Trưng, Đống Đa, Bạch Đằng Giang…, các phong cảnh đặc trưng từ Nam chí Bắc.
Bình Dương cũng là nơi có kinh nghiệm cao về sơn mài mỹ nghệ, nguồn vật liệu nội sinh và ngoại nhập khá phong phú. Nhờ sử dụng nguồn sơn chính yếu từ Nam Vang (Campuchia) – chất lượng cao và ổn định – nên các sản phẩm sơn mài tại Bình Dương trước 1975 có độ bền khá tốt. Với độ lùi gần nửa thế kỷ, nay đứng trước một tác phẩm sơn mài của Thành Lễ và các tác phẩm từ nơi khác, nếu chú ý riêng về giá trị vật lý, độ bền, độ tươi sáng, sơn mài Thành Lễ sẽ dễ được chọn lựa, vì nó ưu trội hơn rõ rệt.
Lý Đợi