NHỮNG NGÔI NHÀ CÓ QUỶ

 

Từ Đông sang Tây, trang trí kiến trúc luôn xuất hiện những khuôn mặt hung dữ, gớm ghiếc, nhe nanh, trợn mắt của quỷ dữ, của ác thần. Những khuôn mặt đó xuất hiện từ rất sớm trong các nền văn hóa, trong các thời kỳ tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau.Tựa như ánh sáng và bóng tối luôn đi với nhau. Bên cạnh những khuôn mặt thanh cao, tinh khiết của các thiên thần, của tiên, của Phật thì luôn xuất hiện những khuôn mặt hăm dọa, hung bạo, ghê gớm của ác thần, ma quỷ.
Những khuôn mặt hung ác này đến từ thần thoại, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nó có những tên gọi khác nhau như Satan, Lucifer, Beelzebub, Mephistophele (phương Tây)… hay Kala, Kirtimukha, Yashka, Rakshasas, Rahu, Mahakala, Thao thiết, Barong, Rangda…(phương Đông). Những khuôn mặt ấy, có hình tướng và danh xưng khác nhau nhưng chung một mục đích tạo ra một sức mạnh có tính áp chế, khiến bất cứ ai nhìn vào đó đều kinh hãi, khiếp sợ.

Ác quỷ – Ác thần và sự khác biệt trong nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa là quan niệm về cái Ác. Dù Ấn Độ giáo hay Phật giáo thì cái Ác và cái Thiện luôn song tồn. Người Ấn Độ cổ xưa không có quan niệm phân minh Thiện Ác. Trong ảnh tượng học thì tính Ác và tính Thiện rất rõ ràng, ác quỷ, ác thần với Thiện thần đối lập nhau như nước với lửa. Nhưng minh triết của thần thoại Ấn Độ không phân khai nhị nguyên một cách duy lý, Thiện – Ác song tồn ngay trong một thực thể. Ví dụ như thần Shiva thì Mahakala biểu hiện hình tướng hung dữ nhất của vị thần này. Với Mahakala, thần Shiva thể hiện rõ nhất tính chất hủy diệt. Người Trung Hoa cổ đại không nghĩ như vậy, họ dành riêng cho cái ác trong bóng đêm, trong tăm tối của địa ngục. Trên thiên giới của văn hóa Trung Hoa không có chỗ cho cái Ác. Cũng vì thế thần thoại Trung Hoa thiếu hẳn những Ác thần siêu việt mà chỉ có những Ác quỷ, và chỗ của Ác quỷ là địa ngục. Lão Tử có một ý rất hay «thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật như sô cẩu». Nhưng quan niệm về thiên địa bất nhân không được hình tượng hóa trong thần thoại Trung Hoa. Đấng tạo hóa trong thần thoại Trung Hoa không có hình tướng bạo liệt, hung dữ.

Chiếc mặt nạ “mascherone” ở Venice

 

Hình quỷ La Hầu (thường gọi hổ phù) trên hồi nhà Đông Dương học xá ở Paris

Khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, những hung thần như Dạ Xoa, Bà La Sát được “phân công” ngay xuống địa ngục. Cho nên địa ngục luôn được mô tả với cảnh chúng sinh tội lỗi bị các Dạ Xoa hành hạ. Trong Ấn Độ giáo, Dạ Xoa (Yashka) chỉ là hung thần vào trong Phật điện của mình. Sư tử hay Ca lâu la (Garuda) đều là những ác thú đều được hiện diện cùng chư Phật. Đó là điều rất khác trong chốn bồng lai thần tiên của Đạo giáo. Thế giới của Thái Thượng Lão Quân, Tây Vương Mẫu ít thấy ác quỷ. Đặc biệt, với sự hưng thịnh của Nho giáo, kể từ thời Tống trở đi, ma quỷ ngày một tiêu giảm.
Khổng Tử không nói tới bạo lực và không bàn chuyện quỷ thần, không ưa những điều hoang đường, huyễn hoặc. Mỹ học của Nho giáo là mỹ học của cái Thiện – Thực. Đó cũng là mặt hạn chế của Nho giáo – luôn bị coi là một hệ tư tưởng kìm hãm sự sáng tạo.

Tính hai mặt của cái Ác, những chiếc mặt gớm ghiếc, hung dữ đương nhiên đại diện cho cái ác, nhưng cần hiểu cái ác trong quan niệm tín ngưỡng và tôn giáo, trong ngữ cảnh văn hóa cụ thể. Trong hệ thống Ấn Độ giáo, Phật giáo, cái Ác không tách rời, không phân khai với cái Thiện. Đó là là một chỉnh thể.
Phần lớn khuôn mặt được tạo tác ở góc chính diện, luôn nhìn thẳng về phía trước, với con mắt to, trợn tròn, răng nhọn hoắt, có thể có sừng, râu bờm tua tủa. Hình ảnh quỷ dữ không chỉ xuất hiện ở các không gian đền miếu, chùa chiền, nhà thờ mà ở một số nơi còn thấy xuất hiện ở trên nhà dân.

Ngói quỷ trên một ngôi đền ở Nhật Bản

 

Ngói quỷ ở Nhật Bản

Kirtimukha có lẽ là khuôn mặt hung dữ nhất, kinh khủng nhất lại là “khuôn mặt của vinh quang”, là biểu tượng kiến trúc thường thấy trên các ngôi đền thờ Ấn Độ giáo ở Ấn Độ và Đông Nam Á, và cũng thường thấy trong kiến ​​trúc Phật giáo. Kirtimukha là một trong những đại diện của thần Shiva. Là khắc tinh của quỷ Rahu. Nếu như Rahu không xuất hiện nhiều trong các ngôi đền Ấn Độ giáo thì trong các ngôi chùa Phật giáo ở Đông Nam Á lại rất phổ biến (đặc biệt là các ngôi chùa ở Thái Lan). Kirtimukha ở Tây Tạng gọi là Senge Dongma, được trang trí trên các cánh cửa cung điện hay các tủ rương đựng đồ quý báu.
Ở châu Âu trong thời kỳ nghệ thuật Gothic hình ảnh quỷ Satan (hoặc Lucifer) được chạm khắc trên mặt đứng của các tòa nhà. Ở Venice, Florence (Ý) ở trên những cột đá, cổng vòm, tháp chuông vào khoảng thế kỷ XIV thường có những chiếc mặt nạ “mascherone”. Biểu cảm chung cho những mascherone là những cái nhìn nham hiểm, cau có, nhăn nhó và kỳ quái với cái tai thú mọc ra, miệng há rộng như chỉ chực nuốt chửng người qua đường. Kiểu thức này cũng khiến ta liên tưởng tới hình mặt quỷ trên trang trí bờ mái ở Nhật Bản. Đó chính là ngói quỷ- Onigawara là một loại vật liệu trang trí mái nhà phổ biến trong kiến trúc cổ truyền của Nhật Bản.
Trong nghệ thuật Phật giáo còn có Yaksha (Dạ Xoa) và Rakshasas (Bà La Sát). Trong thực tế thì hai ác thần này nhập làm một. Trong nghệ thuật trang trí Phật giáo ở Thái Lan và những ngôi chùa Khmer Nam Bộ của Việt Nam, Yaksha trở thành các vị thần hộ pháp ở dạng hình thức tượng tròn. Xét về kích thước và niên đại thì các pho tượng Yaksha (hoặc Rakshasas) xuất hiện sớm hơn và kích thước to hơn rất nhiều, bảo lưu nhiều yếu tố gốc của Ấn Độ giáo.

Sự khác biệt giữa Rahu và Kirtimukha

Trong nghệ thuật cổ xưa của Ấn Độ, cả ác quỷ và ác thần cùng xuất hiện trên trang trí kiến trúc. Kirtimukha ở Đông Nam Á thường gọi là Kala, rất phổ biến trong các đền thờ của vương quốc Champa. Hầu hết các đền thờ Champa thờ thần Shiva, cho nên hình ảnh Kala thấy nhiều trên các vòm cửa. Cũng là khuôn mặt hung tợn, thường làm bằng đất nung và đá sa thạch, nhưng Kala (tức Kirtimukha) không có cánh tay thò ra như vẫn thấy ở Tây Tạng. Từ mồm Kala thường tuôn ra những dải hoa. Kiểu thức này vẫn bảo tồn trong nghệ thuật Phật giáo. Trên bệ tượng bồ tát hiện trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có hình ảnh Kala rất đặc trưng. Kiểu thức này có thể đã ảnh hưởng tới Đại Việt. Trên vì nóc chùa Hương Trai hay đình Thụy Phiêu có hình quỷ lớn, mồm tuôn ra dải hoa ôm lấy lá đề.
Rahu đại diện cho sự tàn phá, hỗn loạn bất tận của vũ trụ. Quả thật, Rahu, một ác quỷ có kích thước khổng lồ thỉnh thoảng lại nuốt mặt trời, mặt trăng. Cuộc đụng độ giữa Rahu và Kirtimukha được mô tả trong bản kinh tối cổ Skanda Purana. Mặc dù không có cuộc chiến long trời lở đất nào xảy ra, nhưng không vì thế, đó không phải là cuộc đụng độ vĩ đại giữa Ác thần và Ác quỷ. Đương nhiên, phần thắng đã thuộc về Ác thần Kirtimukha.

Kirtimukha trên ngôi đền ở Indonesia

 

Kala trên ngôi đền ở Champa

 

 

Senge Dongma ở Tây Tạng

Kirtimukha (cũng là kīrttimukha, một từ ghép bahuvrihi dịch có nghĩa là “gương mặt vinh quang”). Sở dĩ có tên gọi đẹp đẽ này vì đó là tên gọi gắn liền với thần Shiva. Câu chuyện của Kirtimukha bắt đầu khi một vị vua vĩ đại Jalandhara, người nhờ sự tu hành phi thường đã tích lũy cho mình những sức mạnh không thể cưỡng lại. Trong khi quá tự phụ về sức mạnh, ông cử sứ giả của mình, quái vật Rahu (tức La Hầu), người có nhiệm vụ chính là che khuất mặt trăng, để thách thức Shiva. Rahu yêu cầu thần Shiva phải từ bỏ viên ngọc sáng ngời của mình là người vợ Parvati cho vị vua vĩ đại Jalandhara.

Khi Shiva nhận được lời đề nghị khiếm nhã, ngay lập tức, từ con mắt thứ ba của Shiva bùng nổ một luồng sức mạnh khủng khiếp. Đó chính là con sư tử hung dữ với những chiếc răng nanh khổng lồ và cái miệng há hốc đòi nuốt chửng mọi thứ. Quỷ Rahu đã vô cùng khiếp sợ và xin lạy Shiva tha mạng. Shiva đã chấp thuận nhưng con quái vật hung dữ, tham lam đã xuất hiện với cơn đói cồn cào. Shiva bèn gợi ý con quái vật này rằng hãy ăn thịt từ đuôi rồi bàn tay bàn chân mình. Quái vật đã nghe lời và Shiva hài lòng với kết quả đó, và cái tên “Gương mặt vinh quang” là tên gọi của Kirtimukha. Shiva cũng yêu cầu nó phải luôn xuất hiện trước ngôi đền Shiva. Trong mỹ thuật Champa Kirtimukha đã xuất hiện nhiều ở các đền tháp. Nhưng ít có cảm giác đồ sộ như từng thấy ở các ngôi đền Ấn Độ giáo ở Nam Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, với hình ảnh của chiếc mặt nạ dị thường Kala trở thành người bảo vệ ghê rợn, đầy cảm hứng cho kiến trúc của những ngưỡng cửa ngôi đền Shiva.

Trong nghệ thuật Thái và Khmer, sự hiện diện của Rahu nhiều hơn hẳn Kala. Về sự khác biệt này của Rahu và Kala, có hai ý khái quát quan trọng, với Rahu, con quỷ này luôn gắn với sự bất tử (có thể là chữ Thọ, hồ lô, chữ Vạn, Bát quái), còn Kala thì không có các biểu tượng này. Rahu luôn gắn với mây còn Kala thì không có, không nhất thiết phải có. Vì Rahu là Ác thần của cõi trời, trong chiêm tinh học thuộc về Cửu diệu tinh quân còn Kala thì không liên quan đến hệ thống thiên văn học của cả Ấn Độ và Trung Hoa.

Với người Việt lâu nay, đặc biệt ở Bắc Bộ thì Kala hay Rahu đều gọi chung là Hổ phù. Nhưng thực chất Kala và Rahu như trình bày ở trên rất khác biệt về danh xưng, hình tướng và ý nghĩa biểu tượng. Trong các ngôi đình, đền miếu, chùa chiền người Việt từ khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII đặc biệt thịnh hành đồ án quỷ La Hầu. Thậm chí ở đầu hồi của tòa nhà Đông Dương học xá ở Paris được xây đầu thế kỷ XX cũng đắp nổi hình tượng này. Cho đến nay, tên gọi, công năng của tòa nhà này đã thay đổi nhiều sau nhiều lần trùng tu, nhưng hình ảnh con quỷ này vẫn ngự trị trên bầu trời Paris.

Trần Hậu Yên Thế 

 

Tin cùng chuyên mục

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Có thể bạn quan tâm

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC VI (TP. HỒ CHÍ MINH) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

                                               ...

Lấy nét lại (refocus) nhân sự kiện Biennale nhiếp ảnh quốc tế photo Hanoi 23

  Nhiếp ảnh hiếm khi được nhận diện trong bối cảnh thực hành nghệ thuật ở Việt Nam từ xưa tới nay. Loại hình nghệ thuật này hầu như không tồn tại trong bất kỳ một thiết chế nghệ...

TRẦN VĂN CẨN – NGƯỜI ƯƠM MẦM

  Từ nhiều năm nay, trong nghề làm báo của mình, tôi thường đến gõ cửa phòng của nhiều nghệ sĩ cao tuổi. Trong khoảnh khắc chờ đợi, tim tôi bao giờ cũng xao động âm thầm bởi ý nghĩ, chỉ...

Tác phẩm vẽ Nhà thờ lớn Hà Nội trên nắp capo ôtô đoạt giải UOB Painting of the Year tại Việt Nam

(SGGPO) – Nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến với tác phẩm Thủy Phủ vừa đạt giải cao nhất cuộc thi UOB Painting of the Year năm đầu tiên tại Việt Nam. Qua tác phẩm đặc biệt sơn xịt trên nắp ôtô, Minh...

BỨC CHÂN DUNG CUỐI CÙNG VẼ TẶNG VỢ

  Bùi Xuân Phái vẽ rất nhiều chân dung. Ở tất cả các tranh chân dung của ông, người ta thấy người mẫu thường là những người rất thân với họa sĩ, được ông dành tất cả tình cảm như...