THỬ TÌM NHỮNG BỨC TRANH BẤT HỦ CỦA HỘI HỌA VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

 

KÌ II: 5 BỨC TRANH CỦA NGUYỄN SÁNG

TIẾP THEO SỐ XUÂN CANH TÝ (SỐ 325&326, 1-2/2020)

Hội họa Việt Nam thế kỷ 20 có để lại một vài tên tuổi lớn. Nếu chỉ được phép chọn ra ba người, thì một trong ba người ấy sẽ rất khó nếu không phải là Nguyễn Sáng.
Bằng tác phẩm, người nghệ sĩ chứng minh tên của mình. Và Nguyễn Sáng đúng là một nghệ sĩ như vậy. Hội họa Nguyễn Sáng là hiện thân cho mọi khát vọng được phát biểu, được biểu lộ trong những hoàn cảnh khó khăn. Bằng thứ ngôn ngữ bác học sơ đồ hóa, ký hiệu hóa, hiện đại tới mức đã trở thành cổ điển, và bằng trái tim nóng bỏng, ông đã dịch những nội dung sử thi của cuộc sống thành hội họa, và làm cho hội họa trở nên bất tử.
Nếu Nguyễn Gia Trí đã cho rằng, chỉ có những bức tranh trừu tượng của “Gia Trí” mới thực sự là “fini” / “xong”, là “unique” / “duy nhất”- thì trái lại – những bức tranh “fini”, “unique” nhất của “Sáng”, đúng như Nguyễn Sáng đã nói, chính là những bức tranh hiện thực mang khuynh hướng biểu hiện và có tính xã hội: Những bức tranh “Cách mạng”.
Nghệ thuật Nguyễn Sáng không mang tính “độc đạo” như thường thấy ở một số tài năng lớn khác. Đối với các họa sĩ lớp sau, mà niềm mơ ước luôn luôn hướng tới những chân trời mới lạ, ông đã mở ra cho họ những con đường.

Nguyễn Sáng. Hà Nội, khoảng 1959

 

1. GIẶC ĐỐT LÀNG TÔI
1954. Sơn dầu trên vải. 87x127cm
Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam
Đây là một trong những tác phẩm quan trọng nhất, không chỉ đối với sự nghiệp hội họa của Nguyễn Sáng, mà với cả nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Nó cũng là một trong số hiếm hoi những tranh sơn dầu còn sót lại của thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Bức tranh đã được Nguyễn Sáng vẽ tại thị xã Tuyên Quang, trong một căn nhà của Ty Thông tin, sau khi ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Về lý do ra đời của bức tranh, trong bài “Sáng tác tranh Giặc đốt làng tôi”, Nguyễn Sáng đã viết: “… Tây Bắc giàu đẹp và hùng vĩ. Nhưng mấy năm giặc ở đây, rừng núi xơ xác. Những thôn bản trù phú mọc ven đường đi, chỉ còn trơ lại những vết tro xám, những cột kèo cháy nham nhở. Lúc đó vào giữa mùa xuân, hoa đào hoa mai nở tưng bừng, cam vàng chín đỏ ối, càng làm những bản vắng người thêm ọp ẹp, tàn tạ…dân chúng vào sâu trong lán, ăn rêu đá, ăn củ nâu, củ báng.
Tôi nhớ mãi hình ảnh những bà cụ già độc nói là khóc, đêm không ngủ được, ho cả đêm, những em bé lạc bố mẹ mặt lúc nào cũng ngơ ngác hơi một tiếng động là sợ, những chị Thái tươi đẹp bị địch hiếp nằm lăn lóc trên mảnh chăn sui khóc mắt sưng húp. Một bà cụ nắm lấy tay tôi: Mẹ đợi các con lâu lắm rồi, sao bây giờ người Cụ Hồ mới về? Rồi nức nở kể lại ngày sống cơ cực dưới gót giặc
.
NGUYỄN SÁNG – Giặc đốt làng tôi. 1954. Sơn dầu trên vải. 87x127cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
… Ngày ngày bom na-pan của địch dội xuống. Chiến dịch cuồn cuộn, óc tôi lúc nào cũng tưng bừng, hình ảnh Tây Bắc tươi đẹp, của người Tây Bắc hiền lành, của những cuộc sống bị chà đạp cơ cực. Tôi thấy tôi có nhiệm vụ phải tố cáo những hành động dã man của giặc, kêu gọi bộ đội căm thù tiến lên đòi lại đất nước tươi đẹp Tây Bắc, đòi lại đời sống yên lành, thơ mộng của người dân Tây Bắc”.
Thật đáng tiếc, Nguyễn Sáng là một họa sĩ để lại rất ít tư liệu, từ ký họa, hình nghiên cứu, phác thảo đến bản hình mẫu. Bởi vậy chúng ta cũng hầu như không biết được gì về các quá trình thực hiện tác phẩm của ông, mà theo lẽ thông thường, một tác phẩm bố cục lớn như “Giặc đốt làng tôi” phải có.
“… Hình ảnh những thôn bản cháy rụi, những người dân hiền lành tôi yêu như ruột thịt, hình ảnh bộ đội ta nườm nượp ngày đêm kéo đi như nước, nhảy múa trong đầu – Nguyễn Sáng viết tiếp – Tôi mải miết vẽ từ sáng sớm cho đến chiều nhọ mặt người, có khi quên cả ăn. Đêm không vẽ được người bứt rứt khó chịu. Nhiều lúc tôi có ý muốn kỳ lạ, chỉ muốn mặt trời không lặn hai ba ngày liền để tôi có thể vẽ liên tục. Đêm nằm trằn trọc không ngủ được, tôi lúi húi dậy thắp đèn soi từng mặt người trên tranh. Lại nhớ những ngày Tây Bắc… Tôi thấy bất mãn với tôi. Diễn đạt chưa đúng, chưa sâu, chưa xứng đáng những lời gửi gắm của đồng bào Tây Bắc. Tôi lại xóa đi vẽ lại một anh bộ đội, tôi vẽ đi vẽ lại đến gần hai chục lần. Làm sao phải nói lên được tình cảm anh bộ đội vừa căm thù giặc vừa yêu thương đồng bào”.
NGUYỄN SÁNG – Một nghiên cứu cho tranh “Giặc đốt làng tôi” 1954. Bút sắt, chì than và phấn nâu. 25x32cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội
Trong hội họa cũng như trong thi ca, cảm xúc luôn chi phối, và đôi khi nó quyết định cả kỹ thuật, hoặc giúp cho người nghệ sĩ tránh hoặc vượt qua được những vấn đề nan giải của kỹ thuật. Người ta thường hay chê Nguyễn Sáng vẽ sơn dầu “như cào như cấu vào mặt tranh” một cách thiếu chủ đích. Nhưng quả thực, ở đây, bằng những nét bút rất dài, mãnh liệt, Nguyễn Sáng đã tạo ra được một hiệu quả tốt tương ứng với cường độ dữ dội của cảm xúc trong ông, chúng hòa trộn con người vào bối cảnh và làm xáo động cả bầu không khí. Sự sắc sảo trong phân tích hình thái học, nhịp điệu và nhất là sức trượt của bố cục (giữa hai tuyến nhân vật có hướng chuyển động trái chiều nhau) đã đẩy kịch tính lên cao một cách tự nhiên. Chất anh hùng ca đã không loại trừ đi tình cảm yếu đuối của những con người đang đi tìm sự che chở.
Tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1954, trong phòng gương của Nhà hát lớn Hà Nội, người xem đã phải chen chúc nhau để được chiêm ngưỡng tác phẩm “Giặc đốt làng tôi”. Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam xưa nay, đó là một hiện tượng chưa từng có.
2. TÌNH CẢM HỌA SĨ
1956-1981. Sơn dầu trên vải. 70x110cm
Chưa xác định được nơi lưu giữ
Hình ảnh tư liệu
Bức tranh này vốn nằm trong sưu tập của chính tác giả, nó đã xuất hiện lần cuối cùng trước công chúng tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1985, và kể từ đó đến nay không còn biết nó đang ở đâu nữa.
Thật khó tin, vì chỉ sau hai năm vẽ tranh “Giặc đốt làng tôi”, với bút pháp hiện thực ấn tượng, hội họa của Nguyễn Sáng đã có một bước ngoặt đáng kể như thế này sang địa hạt của nghệ thuật biểu hiện chủ nghĩa.
NGUYỄN SÁNG – Tình cảm họa sĩ. 1956-1981. Sơn dầu trên vải. 70x110cm. Hình tư liệu
Được bắt đầu từ 1956, nhưng phải mất tới 25 năm sau, năm 1981, bức tranh “Tình cảm họa sĩ” mới được Nguyễn Sáng hoàn thành. Sự kéo dài về thời gian, vô hình trung, càng cho thấy sức mạnh tinh thần hiếm có của ông, và cả khả năng tiên tri của ông trước hiện thực cuộc sống, về những vấn đề, thường là nhức nhối, mà lịch sử và chiến tranh luôn luôn để lại, hết lần này đến lần khác, có khi chồng chất lên nhau, và cho dù bề ngoài có thể khác nhau, nhưng cái ác, sự đau khổ, nỗi dằn vặt, sự che chở, tình thương đồng loại, tuyệt vọng, hy vọng, cái thiện, hay niềm vui – về bản chất ở mọi thời vẫn là giống nhau.
Có thể nói, Nguyễn Sáng là họa sĩ đầu tiên đã phát hiện và đưa chủ đề “những đứa con hoang, những đứa bé khác màu da được sinh ra từ chiến tranh” vào hội họa, bằng một sự trang nghiêm và bằng một tình cảm nhân từ đến như vậy.
Hội họa, ở đây, như đã được thực hiện theo những lệnh có được do cảm biến từ âm thanh của lời nói, của lời an ủi, vỗ về, vô cùng rung động, ấm áp. Cái giai điệu du dương của bố cục, cái duyên dáng của hình họa được cách điệu trên nền tảng vững chắc của các kỹ năng hàn lâm, cái man mác, sáng trong, trung tính của hòa sắc trắng nâu – đã quyện vào nhau để tạo nên một cảnh sinh hoạt gia đình bình dị, vừa thực vừa hư, một sự lan tỏa êm dịu của tâm hồn, làm thổn thức đến tận đáy lòng những ai đã từng được gặp nó.
3. GIỜ HỌC TẬP
1960. Sơn mài. 80x120cm
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Sẽ là thiếu sót nếu đưa bức tranh này ra khỏi danh mục các tác phẩm quan trọng nhất của Nguyễn Sáng, không hẳn vì nó là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của cả thời kỳ nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa của nước ta, mà chủ yếu vì lý do nó đã đánh dấu một bước đi then chốt của Nguyễn Sáng trên quá trình cảm thụ, nhận thức và xác định mục tiêu mới trước hiện thực, cũng như trên quá trình hoàn thiện các thủ pháp hư cấu, thủ pháp xây dựng nhân vật, để tiến tới sự ra đời của tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” sau đó ba năm.
NGUYỄN SÁNG Giờ học tập. 1960 Sơn mài. 80x120cm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
NGUYỄN SÁNG – Một nghiên cứu cho tranh “Giờ học tập”. 1960. Chì. 29x40cm Bộ sưu tập nghệ thuật Quang Phúc, Hà Nội
“Địa chỉ” thực tế để xây dựng bức tranh có thể không xác định được chắc chắn, nhưng đây chắc chắn là một bức tranh sinh hoạt miêu tả cảnh học tập buổi tối của công nhân sau giờ lao động. Nó có thể đã được Nguyễn Sáng thai nghén từ những chuyến đi của ông tại các vùng mỏ than ở Quảng Ninh.
Dễ dàng thấy ở đây một công phu nghiên cứu theo truyền thống dựng tranh tại xưởng họa: bố cục, hình, màu chặt chẽ, gắt gao (thậm chí hơi khắc khổ), và sự quay trở về với kỹ thuật tạo ảo giác không gian bằng những hiệu quả sáng tối. Tất cả những cái đó đã tạo nên một khác biệt lớn, không chỉ so với các tác phẩm của các họa sĩ khác cùng thời kỳ, mà ngay cả so với các tác phẩm khác ở cùng thời kỳ, thậm chí cùng năm của chính Nguyễn Sáng.
Các nhân vật ở đây không chỉ đơn thuần được xác nhận như là những “thực thể” trong các mối quan hệ xã hội mang tính lịch sử, mà đã được xác nhận vượt hẳn lên thành những chủ thể công dân trong bối cảnh lịch sử cụ thể, xác thực với số phận riêng của từng con người. Và mẫu hình nhân vật này sẽ còn được gặp lại trên tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, nhưng không phải ở tư cách người công nhân, mà ở tư cách của những người lính.
4. Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ
1963. Sơn mài. 112x180cm
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Nếu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân ta kéo dài 9 năm – thì Nguyễn Sáng cũng cần đúng 9 năm để ấp ủ và hoàn thành tác phẩm này.
Năm 1954, Nguyễn Sáng đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi chiến dịch vĩ đại thắng lợi, ông đã có ngay bức tranh sơn dầu nổi tiếng “Giặc đốt làng tôi”. Và kể từ đấy, nguồn cảm hứng sử thi của ông về cuộc kháng chiến ngày càng trở nên hùng tráng và sâu sắc.
Tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” không chỉ là một bản tuyên ngôn chính trị, thể hiện niềm kỳ vọng trước Tổ quốc, trước Đảng, trước nhân dân và dân tộc. Đây thực sự còn là một bản tuyên ngôn nghệ thuật, đánh dấu lần đầu tiên trong hội họa Việt Nam, mối quan hệ giữa “chủ thể” – người vẽ và “khách thể” – đối tượng vẽ đã được đặt ra một cách rõ ràng nhất, và cũng đã được giải quyết bằng một cách mạnh mẽ nhất.
NGUYỄN SÁNG – Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ. 1963. Sơn mài. 112x180cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Có thể nói, Nguyễn Sáng là họa sĩ Việt Nam đầu tiên đã phát hiện ra sự kiện “kết nạp Đảng” như một đề tài của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Và điều đặc biệt nhất là qua một đề tài mang tính chính luận như vậy, ông đã tiến gần tới cái gọi là “phép giải biến” hình ảnh giống như của chủ nghĩa lập thể, mang đầy tính chủ quan, và hướng đến các hình hình học, sự đơn giản, trên cơ sở từ bỏ các hiệu quả gây ảo giác như thực về không gian. Ở khía cạnh hiện đại, Nguyễn Sáng thực sự là một họa sĩ đi tiên phong, và có thể vì vậy, người ta đã phải mất rất nhiều thời gian để hiểu và trân trọng những giá trị thực chất của tư tưởng và nghệ thuật Nguyễn Sáng trên bức tranh này.
Năm 1996, Nguyễn Sáng được truy tặng Giải thưởng Hồ chí Minh về văn học nghệ thuật. Năm 2013, bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của ông đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam.
5. THIẾU NỮ VÀ HOA SEN
1972. Sơn dầu trên vải. 80x120cm
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Năm 1968 là năm “Tiến lên” của nhân dân ta nhằm xốc tới giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước. Một năm Mậu Thân đầy bi tráng, với vô vàn suy tư và cảm xúc, phán đoán và hy vọng, đã được ghi lại trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, như “Đường chúng ta đi” ca khúc của Huy Du hay “Thảo luận Việt Nam” kịch sử thi của nhà văn, họa sĩ người Đức Peter Weiss.
Đó cũng là một năm quan trọng đã tích thêm thế năng sáng tạo cho Nguyễn Sáng, hối thúc ông quay trở lại với những luận đề chính trị, sau một thời kỳ dài vẽ chân dung.
Duyên cớ trực tiếp để có được bức tranh này đã đến từ một lời đề nghị, theo đó, Nguyễn Sáng sẽ thực hiện một bức tranh có chủ đề “Việt Nam chiến đấu” để trưng bày tại một văn phòng ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ở Paris.
Từ bỏ một ý đồ ban đầu hết sức “thông thường”, vẽ một thiếu nữ Việt Nam đứng cầm súng, Nguyễn Sáng đã chuyển sang vẽ một thiếu nữ Việt Nam ngồi bên hoa sen, trên nền bức tranh “Gióng” của ông, và vẽ bằng chất liệu lụa.
NGUYỄN SÁNG – Thiếu nữ và hoa sen. 1972. Sơn dầu trên vải. 80x120cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Bức tranh ở đây chính là bản “tái tạo” của Nguyễn Sáng, bằng chất liệu sơn dầu, từ chính bức tranh lụa ấy.
Điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa bản thứ nhất và bản thứ hai nằm ở chiếc áo dài của người thiếu nữ, màu trắng đã được thay thế bằng màu đen, mà về thực chất, chính là sự chuyển đổi một “hài âm” sang một “nghịch âm”, bởi vì trước đó, ở ngoài đời cũng như trong hội họa, hầu như chưa có bất cứ một hình dung nào về một chiếc áo dài màu đen như thế trong những tình huống tương tự.
Nếu Gauguin đã từng cho rằng: đối với người họa sĩ, rất khó để biểu đạt cái cao cả, kỳ vĩ, cái sâu thẳm, trên một tấm vải chỉ rộng có một thước vuông, thì quả thực, ở đây, Nguyễn Sáng đã vượt qua được thử thách ấy.
GAUGUIN – Vairumati. 1887. Sơn dầu. 73x92cm. Bảo tàng Orsay, Paris
NGUYỄN SÁNG – Thiếu nữ và hoa sen. 1972. Lụa. Hình tư liệu
Bức tranh này của Nguyễn Sáng cũng có một sự tương đồng thật đáng ngạc nhiên với bức “Vairumati” (vẽ một nhân vật trong truyền thuyết của người Tahiti) của Gauguin: hình tượng người thiếu nữ được đặt ở diện thứ nhất, hai vai nới rộng, hông thu hẹp (biểu hiện của sự huyền bí), thế ngồi nghiêng kiều diễm, bên cạnh có một vật biểu tượng (của Gauguin là một con chim lạ màu trắng đang cắp ở chân một con thằn lằn biểu thị cho sự vô ích của những lời nói phù phiếm; của Nguyễn Sáng là một cái lọ gốm cổ cắm hoa sen, biểu thị cho sự sum vầy nơi nguồn cội, cái thanh cao, một vẻ đẹp Việt Nam lộng lẫy mà kín đáo), phía sau có những hình trang trí biểu tượng, tất cả đã tạo ra một sự xuất hiện đầy tính siêu nhiên.
Qua tranh “Thiếu nữ và hoa sen”, Nguyễn Sáng tưởng như đã quán triệt hết cái tinh túy tinh thần của nghệ thuật Á Đông cổ, của nghệ thuật hiện đại, của tranh dân gian Đông Hồ, bằng một đồng bộ hội họa thanh thản một đi không bao giờ trở lại. Người thiếu nữ trong tranh trông tựa như một con chim thiêng đang chuẩn bị bay vút lên, báo hiệu thời khắc khải hoàn đã tới rất gần.
Quang Việt

 

Tin cùng chuyên mục

Odilon Redon người tự minh họa giấc mơ

Odilon Redon (1840 – 1916) là một nghịch lý khuất lấp. Ông sống giữa thời đại Ấn tượng và hậu-Ấn tượng trăm hoa đua nở của những Renoir, Gauguin và Van Gogh. Song, ngoại trừ được công nhận trong...

Thực hành giám tuyển trong giáo dục nghệ thuật

Với tư cách là một nghệ sĩ-nhà giáo dục, tôi ví vai trò cố vấn-hướng dẫn của mình giống như vai trò của một curate-người chăm lo, được tin tưởng chăm sóc những sinh viên đại học bằng...

Mối quan hệ giữa mỹ thuật ứng dụng và các loại hình nghệ thuật khác

Khi nói tới mối quan hệ qua lại giữa các ngành nghệ thuật, tới sự trợ giúp và ảnh hưởng lẫn nhau của chúng; cũng như sự tác động của các loại hình nghệ thuật khác tới sự sáng tạo mỹ...

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Khắc phục bất cập trong hoạt động mỹ thuật

Từ nay đến hết ngày 30/1/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công khai lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/NĐ-CP (ngày...

Giới thiệu tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ trong phiên đấu giá tháng 11 của Nhà đấu giá Aguttes

...

NGHỆ THUẬT HOÀNG SÙNG ĐA DẠNG, TRỮ TÌNH

  Họa sĩ Hoàng Sùng chào đời trên miền đất cổ Hưng Yên ngày 1 tháng 3 năm 1926. Thuở ấu thơ, ông được học chữ Hán, được làm quen với các thư tịch cổ và được hưởng sự quan tâm giáo...

SÀNH THƯỞNG NGOẠN – NHỮNG LỜI BÀN CỦA MỄ PHẤT VỀ HỘI HỌA

  Mễ Phất (1051-1107), tự là Nguyên Chương, hiệu Tương Dương mạn sĩ, Hải nhạc ngoại sử, là người Tương Dương, Hồ Bắc. Người đời gọi ông là Mễ Tương Dương. Ông cùng với Thái Tương,...

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm tỉnh Lào Cai

Đợt triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm tỉnh Lào Cai (23/9/1958 – 23/9/2023) do Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh thực hiện sẽ kéo dài hơn 1 tháng. Tham gia triển lãm có 50 tác...