TẾT ƠI!

 

Lứa 6X ở Hà Nội thì ai ai cũng hai lần phải đi sơ tán, rời thành phố về quê để tránh bom Mỹ. Lần đầu, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, tháng 8 năm 1964, Mỹ bắt đầu ném bom phá hoại các tỉnh miền Bắc nhất là các thành phố như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng và các khu công nghiệp. Lần hai là năm 1972. Bố mẹ đưa anh em tôi về quê ở với ông bà. Quê bà nội tôi là một ngôi làng cổ, nằm cạnh sông Đáy. Có chùa làng, có đình, có xóm trại ngoài đê, có ruộng cấy lúa, có đất bãi nhiều phù sa trồng màu, ngô, khoai, đỗ. Cổng làng theo kiểu tam quan trên cổng chính có đề bốn chữ “Vọng tự nhập xuất”. Đi và về, ra vào luôn lấy đó làm nếp ứng xử. Tự là chữ, là văn, là văn hóa. Vừa là trọng chữ nghĩa, trọng văn hóa mà cũng là luôn mang văn hóa để sống ở làng cũng như ra ngoài. Phía trước làng là đầm sen. Mùa hạ, mùa sen, làng xóm như được ướp trong mùi hoa sen…

Mươi năm đầu đời của tôi trải qua hai lần sơ tán. Khoan hãy nói chuyện đạn bom mà nhìn ở một chiều khác, quả thực với tôi cũng là may mắn. Tôi được về quê, được sống trong làng. Nếu không thế thì tôi không thể có vốn sống về đời sống nông thôn, làng quê. Đề tài làng quê có lẽ là đề tài chính yếu trong hội họa của tôi. Vẽ thế nào về cái gì ấy mới là quan trọng nhưng nếu như không có cái khoảng hiện thực mà mình hiểu, mình yêu thì vẽ sao được. Hồi ức về chăn trâu, kéo vó, hái sen, cấy cầy… luôn đi về trong tranh tôi. Theo ý của Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Quân thì nghệ thuật của người Việt, văn hóa Việt chính là ở làng. Làng là đơn vị cơ bản tạo ra nước Việt. Nước Việt là nước-làng, làng nước. Chèo thì khởi từ sân đình làng, rối nước ở thủy đình, là những loại hình sân khấu đặc trưng của người Việt.
Điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ 16,17,18 là đỉnh cao của nghệ thuật Việt. Là nguồn cảm hứng chủ đạo của bậc thầy Nguyễn Tư Nghiêm với những bộ tranh Kim-Kiều, Thánh Gióng và Điệu múa cổ. Làng Kim Hoàng, làng Đông Hồ với những dòng tranh dân gian cùng tên cũng là những cành nhánh tạo nên cái cây nghệ thuật truyền thống của người Việt.

LÊ THIẾT CƯƠNG – Cung cầm lựa những ngày xưa Mà hương bạc mệnh bây giờ là đây (Kiều đang chơi đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe) 2021. Bột màu trên vải màn bồi giấy dó

Trở lại chuyện Tết nhất, cái Tết đầu tiên ở quê của tôi là Tết Bính Ngọ 1966. Chỉ còn nhớ mỗi chuyện được loay hoay cạnh ông xem ông tôi tô lại lớp màu đã phai của bức tranh ngựa /Hàng Trống. Màu vàng nghệ và màu tím của quả mồng tơi. Có thể khi rời Hà Nội về quê, ông đoán rằng không thể ngày một ngày hai sẽ hết bom đạn nên đã cuộn theo bức tranh ngựa Hàng Trống chăng? Nhà của bà tôi làm kiểu nhà cổ truyền, ba gian hai chái lợp rạ, có sân trước, sân đất nện, có vườn sau, chuối sau, cau trước, có chum tương, bể nước. Trước nhà là một cái ao thả cá và bèo tây. Cạnh ao có một bụi tre to, hơn trăm gốc. Bà tôi cho đào một cái hầm giữa bụi tre, “nếu bom Mỹ ném thì không thể rơi xuyên qua bị tre dầy đặc những thân những cành được”.

Năm ngoái tôi làm một dự án nghệ thuật, tôi vẽ hơn hai chục bức tranh trên cảm hứng từ Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Bạn tôi hỏi, lần đầu đọc Kiều là từ khi nào? Tôi chả nhớ, nhưng nhiều câu Kiều tôi thuộc từ khi chưa biết đọc biết viết. Ấy là do bà hay ru anh em tôi bằng Kiều. Nửa đêm, đang ngủ, máy bay Mỹ đến, bà bế anh em tôi lao qua sân chui vào cái hầm giữa bụi tre. Rồi ru chúng tôi ngủ, ngay trong hầm để đỡ chạy lên chạy xuống vì cứ độ 1,2 giờ máy bay Mỹ sẽ quay lại. Cứ thế, đêm này qua đêm khác. “Trăm năm trong cõi người ta…” đều đều lẫn trong tiếng gầm rú của B52, của tên lửa, của bom rơi.
Bố tôi làm việc ở Hà Nội, mẹ làm ở Thái Nguyên vài ba tháng mới về quê thăm anh em tôi một lần. Những đêm B52 trút bom xuống Hà Nội, nhất là 12 ngày đêm năm 1972. Đứng ở bờ ao nhìn phía ấy sáng rực một góc trời. Sợ và nhớ bố mẹ, nhớ Hà Nội, cả thương nữa. Càng nhớ khi đã lại năm hết Tết đến rồi. Chả hiểu Mỹ lấy đâu ra bom đạn mà nhiều thế? “Những năm bom đạn vàng như lúa đồng”…
Tháng 1/1973, Hiệp định Paris ký kết, hết bom hết đạn. Bố mẹ tôi về quê chia tay ông bà, đón chúng tôi trở lại Hà Nội ăn Tết. Tết Quý Sửu, cái Tết im tiếng súng đầu tiên ở miền Bắc.
Bà tôi khóc khi tiễn chân gia đình tôi đến đầu làng. Bà bảo: “Bao nhiêu năm đạn bom sống chết bà cháu có nhau, bây giờ hòa bình, Tết sắp đến thì lại bỏ bà đi à?”
Thế là, không như tụi trẻ em khác, về hết thành phố. Chúng tôi ở lại ăn Tết với bà.
Hoa thủy tiên không còn về Hà Nội từ 1955, cho đến mươi năm gần đây mới xuất hiện trở lại ở các chợ hoa mỗi dịp Tết. Tết 1973 ấy, bà và mẹ tôi làm hoa thủy tiên, làm giả thôi để đón xuân, đón Tết, mừng hết bom đạn. Rễ và củ bằng hành tây, thân bằng rau muống, hoa tỉa bằng đu đủ xanh. Sau này, năm 1974 khi làm phim “Đến hẹn lại lên”, mẹ tôi cũng làm hai bát thủy tiên giả cho bối cảnh nhà nhân vật Bình đón Tết.

Hồi chiến tranh và hậu chiến nghèo đói, thiếu thốn đủ thứ rồi đạn bom chết chóc… nghèo nhưng an lành. Ngược lại giờ có vẻ khá khẩm giàu có nhưng lại nhiều bất an? Nhà Phật có khái niệm “nhất tâm”. Hồi trước có được an lành một phần là do nhất tâm chăng?
Chiều 30, nhìn đĩa bánh kẹo có vài cái, lũ trẻ con phụng phịu. Bà tôi bảo: “Các cháu ơi, nhiều đêm ôm các cháu, cắp nách mỗi đứa một bên chạy xuống hầm trú ẩn bà chỉ cầu hết bom đạn, bà cháu mình ăn cơm với muối cũng sướng rồi…”

Sáng mùng 1, ông dậy sớm, tôi đứng cạnh xem ông viết chữ, năm nào ông cũng viết một đại tự tùy từng năm, mỗi năm mỗi khác. Ông vừa uống trà, vừa ngẫm ngợi, mãi mới hạ bút, viết quẻ Hằng, Lôi Phong Hằng. Hằng là thường hằng. Với mong ước, hòa bình sẽ bền vững, sẽ còn mãi.

12.2021

Lê Thiết Cương

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Tình cảm của Lãnh đạo và nhân dân các nước trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các Di tích tưởng niệm Người  

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đi bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại những dấu ấn sâu đậm về tình hữu nghị, tình đoàn...

Hội họa của Lê Phổ: Từ Hà Nội tới Paris

Lê Phổ (1907 – 2001), tốt nghiệp khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l’École des Beaux-Arts d’Indochine), hiện là một trong những danh họa Việt được nhắc tới nhiều nhất trên...

Nhớ họa sĩ Nguyễn Thụ, người thầy kính yêu!

Họa sĩ Nguyễn Thụ sinh năm 1930, tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương) khoá Tô Ngọc Vân (1957 – 1962 ) cùng các hoạ sĩ Vũ Giáng Hương, Phạm...

Họa sĩ Nguyễn Siên – Một đời cống hiến cho nghệ thuật nước nhà

Nguyễn Siên là một nghệ sĩ Hậu chiến và Đương đại, sinh năm 1916. Tác phẩm của Nguyễn Siên đã được đưa ra đấu giá nhiều lần, với giá bán thực tế dao động từ 1.461 USD đến 244.754 USD, tùy...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Màu sắc hòa quyện giữa hai nền văn hóa vùng cao

Hôm nay, tại trung tâm phồn hoa đất Hà Thành, triển lãm “Câu chuyện vùng cao” của hai họa sĩ Hướng Tâm Đường và Trần Nguyên Thế đã mang đến cho công chúng thủ đô được sống trong...

“Vầng trăng cổ tích” qua nét vẽ của thiếu nhi

TTH.VN – Hơn 30 học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Huế vừa được tham gia cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Vầng trăng cổ tích” nhân dịp Tết Trung thu do Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp...

Ra mắt bộ sưu tập tranh quý của họa sĩ Huế

TTH.VN – Nhiều tác phẩm quý của các danh họa xứ Huế được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tập trong 5 năm qua lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng. Triển lãm mỹ thuật “Tác phẩm...

THANH NGỌC – THIẾU NỮ DÂN TỘC

Hội họa của Thanh Ngọc là hội họa của tình cảm, và bao giờ cũng bắt nguồn từ tình cảm chân thực. Trong một thời gian dài, mỗi năm bà đều có ít nhất hai tháng đi thực tế từ miền Bắc đến...

NGUYỄN GIA TRÍ VÀ TRANH SƠN MÀI TRỪU TƯỢNG

  Đầu thập niên 1960, không hề hẹn trước, Nguyễn Gia Trí gần như cùng lúc với các họa sĩ miền Nam như Phạm Tăng, Nguyễn Quỳnh, Đinh Cường, Nguyễn Phước… đã thăm dò cùng nghệ thuật trừu...