Nghệ thuật công cộng góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến

Theo Khám phá ảnh hưởng của xã hội và nghệ thuật của Americans for the Arts, nghệ thuật là động lực lớn thứ 4 trong các quyết định được đưa ra khi lên kế hoạch cho một chuyến đi. Nghệ thuật cũng có thể là một điểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn cho điểm đến cũng như đảm bảo sự thỏa mãn nhu cầu của du khách. Nghệ thuật công cộng thành công nhất khi chủ đề của tác phẩm nghệ thuật dựa trên tiếng nói chung giữa các nghệ sĩ và cộng đồng. Các tác phẩm nghệ thuật công cộng không chỉ làm đẹp không gian, là niềm tự hào của người dân mà còn góp phần mang lại nguồn thu tài chính khổng lồ cho các thành phố.

Theo UNWTO (2007), các thành phần cơ bản của một điểm đến du lịch bao gồm:
– Những hấp dẫn về tài nguyên du lịch (tự nhiên, văn hóa, nhân tạo…)
– Các dịch vụ công cộng và tiện nghi cá nhân (cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, thông tin du lịch, dịch vụ khác…)
– Khả năng tiếp cận điểm đến (chính sách xuất nhập cảnh, dịch vụ hàng không, tàu biển, đường sắt…)
– Nguồn nhân lực du lịch (nguồn nhân lực được đào tạo, sự tham gia của cộng đồng địa phương)
– Hình ảnh điểm đến (tính độc đáo, các điểm tham quan, phong cảnh, chất lượng môi trường, sự an toàn, mức độ dịch vụ, sự thân thiện của cư dân địa phương)
– Giá cả (là yếu tố quan trọng tạo nên năng lực cạnh tranh của điểm đến).

Điều này cho thấy nếu như tài nguyên tự nhiên có thể bị tổn hại qua thời gian hoặc sự tàn phá của con người thì trái lại, tài nguyên nhân văn lại được bồi đắp qua năm tháng. Hơn bao giờ hết các cộng đồng nên đầu tư vào nghệ thuật như là một điểm nhấn tạo nên yếu tố hấp dẫn cho thành phố, góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch. Những nơi như bảo tàng, phòng trưng bày hoặc tác phẩm sắp đặt điêu khắc có thể thu hút khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Tuy vậy, phát triển một thành phố thành một điểm đến du lịch hấp dẫn không xảy ra trong một sớm một chiều. Để chuyển đổi một cộng đồng gắn với nghệ thuật công cộng cần một chiến lược và kế hoạch tổng thể, có thời gian để phát triển và những nhóm thành viên tâm huyết. Nghệ thuật công cộng có thể được sử dụng như một công cụ để hồi sinh và thúc đẩy cộng đồng, làm cho điểm đến trở nên hấp dẫn hơn.

Trích đoạn tranh thiếu nhi trên “Con đường Gốm sứ” do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội thực hiện.

Một đặc điểm nổi bật của các thành phố lớn là sự đan xen của nghệ thuật vào kết cấu đô thị. Nghệ thuật công cộng là các tác phẩm nghệ thuật do nghệ sĩ thực hiện cho các không gian văn hóa công cộng, nơi mọi người có thể chiêm ngưỡng và thưởng thức. Trong nhiều trường hợp, nghệ thuật công cộng được trưng bày ngoài trời và mọi người có thể tiếp cận tự do. Nghệ thuật công cộng đã có từ thời kim tự tháp và các bức tranh trong hang động. Yoyotte (1960) đã mô tả “khách du lịch graffiti” có niên đại 1244 trước Công nguyên, với các mình chứng đã được tìm thấy trong các ngôi mộ Ai Cập 1000 năm tuổi. Đó là sự tham gia của các nghệ sĩ tại cùng một địa điểm với sự góp sức về thời gian, sức lực và tiền bạc của cộng đồng. Nghệ thuật công cộng có thể bao gồm rất nhiều thể loại từ tác phẩm điêu khắc, kiến trúc, tranh đến hình vẽ trên tường, nắp cống, hoa văn lát nền hay âm nhạc, nghệ thuật ánh sáng và các yếu tố khác do những nghệ sĩ tạo ra.
Nghệ thuật công cộng thành công nhất khi chủ đề của tác phẩm nghệ thuật dựa trên tiếng nói chung giữa các nghệ sĩ và cộng đồng – nếu không có thể bị cộng đồng chối từ. Trên thực tế, thậm chí có thể bị tháo dỡ nếu thông điệp đi ngược lại các chuẩn mực xã hội. Vì vậy, để tránh tình trạng này, các đại diện của cộng đồng nơi tác phẩm sẽ được trưng bày phải tham gia chặt chẽ từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, bởi nghệ thuật công cộng bao gồm các hành động hoặc tác phẩm được thực hiện thay mặt cho toàn bộ cộng đồng.

Nghệ thuật công cộng có khả năng tiếp thêm sinh lực cho không gian công cộng, khơi dậy tư duy của con người và biến những nơi chúng ta sống, làm việc và vui chơi thành những cộng đồng thân thiện, đẹp đẽ và tương tác hơn. Sự hiện diện của nghệ thuật công cộng có thể nâng cao nhận thức, biến đổi cảnh quan và góp phần thể hiện các giá trị của cộng đồng. Theo thời gian, nghệ thuật công cộng có sức mạnh bộc lộ cá tính độc đáo của một thành phố cũng như từng khu dân cư của nó. Theo Norfolkarts, trung bình có khoảng 55 triệu người xem được tận mắt trải nghiệm nghệ thuật công cộng miễn phí mỗi ngày (gấp 1.000 lần so với số lượng khán giả chiêm ngưỡng phòng trưng bày nghệ thuật, bảo tàng và nhà hát cộng lại).

Trong số các thể loại nghệ thuật công cộng, điêu khắc được cho là hình thức phổ biến nhất. Tác phẩm điêu khắc công cộng có thể tồn tại như một danh lam thắng cảnh, tượng đài, trang trí kiến trúc, biểu tượng văn hóa, đại diện tôn giáo hay các đối tượng thẩm mỹ độc lập. Tác phẩm điêu khắc công cộng có thể truyền cảm hứng cho người dân và thúc đẩy ý thức về bản sắc cộng đồng, ghi lại và kỷ niệm các sự kiện quan trọng trong lịch sử của một cộng đồng hoặc một quốc gia nhất định. Nó cũng có thể nhằm mục đích thúc đẩy sự đoàn kết giữa mọi người bằng cách lý tưởng hóa tình cảm của cộng đồng, hoặc bằng cách tập trung vào một số mối quan tâm chung của cộng đồng. Các tác phẩm điêu khắc chứa đựng rất nhiều thông tin nếu người xem thấu hiểu các hình ảnh mà chúng truyền tải. Chúng thực sự cung cấp một cầu nối giữa các sự kiện văn hóa và cảm xúc của con người. Các tác phẩm điêu khắc công cộng, khi được sử dụng một cách khéo léo và sáng tạo, có thể thúc đẩy ngành du lịch của đất nước vì nhiều du khách quốc tế và trong nước sẽ thường xuyên ghé thăm các thành phố, thị xã được trang trí bằng các tác phẩm nghệ thuật mô tả các khía cạnh của văn hóa, khát vọng và giá trị thẩm mỹ.

Bức tường danh vọng (Dự án Nghệ thuật Công cộng Phúc Tân) của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế. Ảnh: họa sĩ Nguyễn Thế Sơn

Thực tế là nghệ thuật đại chúng có khả năng làm cho mọi người hạnh phúc hơn, đặc biệt là nếu các nghệ sĩ nắm bắt được chính xác các giá trị và cảm hứng của xã hội. Nghệ thuật có sức mạnh thay đổi trạng thái tinh thần và thái độ của con người. Cảm xúc khơi dậy từ người xem có thể khuyến khích sự đánh giá tích cực và xu hướng tự nguyện đối với các tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm nghệ thuật công cộng không chỉ làm đẹp không gian, là niềm tự hào của người dân mà còn góp phần mang lại nguồn thu tài chính khổng lồ cho các thành phố. Theo nghiên cứu của Chan (2008), tác phẩm Waterfall của thành phố New York với số tiền đầu tư hơn 15,5 triệu USD nhưng tác động kinh tế ước tính đã mang lại cho thành phố sau bốn tháng trưng bày là 69 triệu USD trong đó khoảng 26,3 triệu đô la chi tiêu gia tăng từ 1,4 triệu khách đến xem chương trình và khoảng 26,8 triệu đô la là chi tiêu gián tiếp. Nhiều thành phố như Paris, London, Berlin hay Amsterdam… không thiếu cả chất liệu, nghệ sĩ và ngân sách để kiến tạo nên các tác phẩm nghệ thuật công cộng trong khi những thành phố nhỏ bé hơn và ít được biết đến hơn lại chủ động lựa chọn nghệ thuật công cộng là một trong những điểm chính để thu hút khách tham quan.

Phố đi bộ Phùng Hưng (Dự án Đưa nghệ thuật vào không gian sống). Ảnh: họa sĩ Nguyễn Thế Sơn

Thành phố Denver (Colorado, Hoa Kỳ) cung cấp hành trình tham quan đi bộ với nghệ thuật công cộng. Chương trình Nghệ thuật Công cộng của Denver yêu cầu các chủ đầu tư khi lên kế hoạch phát triển một khu vực đô thị có vốn hơn 1 triệu đô la đều phải dành ít nhất 1% ngân sách cho nghệ thuật công cộng trong khu vực đó. Trong hai thập kỷ qua, Denver đã hoàn thành hơn 150 tác phẩm nghệ thuật theo chương trình này. Tour đi bộ với nghệ thuật là một cách tuyệt vời để hướng mọi người tham quan một vòng thành phố của bạn và khuyến khích họ đến thăm các khu vực khác nhau của thành phố, mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng khi khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương. Tampa (Florida, Hoa Kỳ) lại sáng tạo một tour đi bộ đặc biệt vào ban đêm giới thiệu 17 tác phẩm nghệ thuật trên một con đường dài 2,6 dặm. Các nhà hàng và cửa hàng của địa phương cũng có thể trở thành một phần của các điểm dừng chân dọc theo tuyến đường đi bộ để thu hút sự chú ý của du khách.

Việt Nam trong thời gian gần đây cũng có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng thu hút cư dân địa phương cũng như du khách đến tham quan, không chỉ ở những thành phố lớn mà còn ở những khu vực nông thôn hay thị xã xa xôi. Chưa kể đến chất lượng nghệ thuật của các dự án nhưng có thể khẳng định rằng nhu cầu xuất hiện cũng như nhu cầu thưởng thức những dự án nghệ thuật công cộng như vậy là xu thế của một xã hội đương đại trong bối cảnh lan tỏa văn hóa toàn cầu và làn sóng đô thị hóa. Một số dự án lớn có thể kể đến như việc mở rộng và hoàn thiện thêm chiều dài của con đường gốm sứ tại Hà Nội, tác phẩm gắn gốm nghệ thuật Nhà gương trong công viên Thống Nhất của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và nhóm họa sĩ Tân Hà Nội; Dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Quốc – Việt Nam làng bích họa Tam Thanh; Làng bích họa 3D (Gành Yến, Quảng Ngãi) thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ vẽ tranh tường của thành phố Hồ Chí Minh; Làng bích họa đảo bé An Bình (Lý Sơn, Quảng Ngãi) của nhóm 10 họa sĩ đến từ Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; Làng bích họa Tam Hải (Quảng Nam) của 25 sinh viên kiến trúc đến từ Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng; Làng bích họa Australia – Việt Nam (Cao Lãnh, Đồng Tháp) của các họa sĩ Úc, Việt Nam và sinh viên trường ĐH Đồng Tháp; Dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng với sự hợp tác phối hợp của Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Korean Foundation, UN Habitat và các nghệ sỹ tình nguyện; Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân với sự tham gia của 15 nghệ sỹ từ Huế, Sài gòn, Hà Nội và 2 nghệ sỹ nước ngoài sinh sống ở Hà Nội nhiều năm. Các dự án nghệ thuật này đều trở thành điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch tới tham quan, chiêm ngưỡng, góp phần gia tăng sự biết đến và ưa thích cho điểm đến du lịch trên truyền thông xã hội.

Làng bích họa Tam Thanh (Dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn – Việt). Ảnh: Adrien Jean

Tuy nhiên, để thực sự các dự án nghệ thuật công cộng trở thành yếu tố góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch cần sự bắt tay chặt chẽ hơn nữa của cả ngành văn hóa và du lịch cũng như sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương và sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Một là, cần sớm xây dựng và ban hành quy chế về không gian cho nghệ thuật công cộng. Một công trình xây dựng nào đó, dù là của Nhà nước hay tư nhân trước khi được cấp phép xây dựng cần tuân thủ quy định dành bao nhiêu phần trăm diện tích cho không gian công cộng hoặc một tỷ lệ nhất định vốn đầu tư. Nếu quy chế về không gian trở thành luật thì nền tảng cho nghệ thuật công cộng sẽ dễ dàng kiểm soát ngay từ đầu. Đồng thời cũng cần xây dựng quy chế bảo vệ, bảo dưỡng tác phẩm nghệ thuật để duy trì độ bền đẹp của các công trình, tác phẩm nghệ thuật công cộng. Quy chế sẽ hậu thuẫn về cơ chế, chính sách cũng như nguồn vốn cho các dự án nghệ thuật công cộng, đảm bảo vai trò của chính quyền địa phương. Hai là, dự án nghệ thuật công cộng nhất thiết phải có giám tuyển, là người xây dựng ý tưởng, lựa chọn loại hình, tính toán không gian, chọn chất liệu sử dụng và mời đúng nghệ sĩ có khả năng thực thi hạng mục. Việc tuyển chọn từ đầu đảm bảo tác phẩm vừa đạt được hiệu quả cao về thẩm mĩ và độ bền với thời gian, tăng tính chuyên nghiệp cho dự án. Cùng với giám tuyển, Hội đồng nghệ thuật độc lập gồm nhiều loại hình có trách nhiệm đánh giá toàn bộ công trình, dự án từ khi còn là ý tưởng đến khi hoàn tất. Theo Họa sĩ Lê Thiết Cương, “một tác phẩm nghệ thuật không vi phạm thuần phong mỹ tục, không vi phạm yếu tố nhạy cảm chưa phải là yếu tố cuối cùng quyết định để xuất hiện trước công chúng. Căn bản nhất vẫn là tác phẩm đó có hay, đẹp không – xét ở mọi phương diện”. Ba là, ngành du lịch cần có sự liên kết hợp tác với ngành văn hóa để nghiên cứu và chủ động đề xuất một số vị trí cần xây dựng tác phẩm nghệ thuật công cộng với mục đích tạo điều kiện thuận tiện cho việc kết nối tuyến du lịch. Chẳng hạn như sự cần thiết của các tác phẩm nghệ thuật công cộng khai thác giá trị nghề truyền thống tại các làng nghề; xây dựng các chương trình du lịch kết nối các dự án nghệ thuật công cộng như tour đi bộ nghệ thuật, khai thác các bộ sưu tập tại các bảo tàng Nhà nước và tư nhân; xây dựng các chương trình du lịch nghệ thuật, du lịch sáng tạo để du khách không chỉ chiêm ngưỡng mà còn trải nghiệm và học hỏi kỹ thuật nghề từ nghệ nhân cũng như những nghệ sĩ… Bốn là, vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng cũng như tối đa lợi thế của truyền thông xã hội trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh điểm đến du lịch gắn bó với nghệ thuật công cộng, là việc kết hợp với công nghệ số để xây dựng bản đồ du lịch trực tuyến cho các tác phẩm nghệ thuật để du khách có thể đưa nghệ thuật trở thành một trong những ảnh hưởng quan trọng khi lên kế hoạch cho các chuyến đi của họ.
Một lần nữa phải khẳng định rằng, nghệ thuật công cộng tạo điểm nhấn cho không gian đô thị và hoàn toàn có điều kiện trở thành một yếu tố hấp dẫn then chốt khi xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch cho các thành phố, thị trấn.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Americans for the Arts. (n.d.). ARTS + SOCIAL IMPACT EXPLORER. Retrieved from Americans for the Arts: https:/www.americansforthearts.org/socialimpact.
2. Chan, S.(2008, October 21). City Puts “Waterfalls” Impact at $69 Miillion. Retrleved from cityroom. blogs.nytimes.com: _ https://cityroom.blogs.nytimes.com/2008/10/2 I/city-puts-impact-of-waterfalls-at-69-million/
3. Lê Thiết Cương. (5/2018), “Nghệ thuật công cộng -Quy chế và bản sắc ”. Tạp chí Kiến trúc.
4. Denver. (n.d.). Downtown Public Art. Retrieved from denver.org: https:/Avwww.denver.org/things-to-do/itineraries/downtown-public-arU.
5. Franklin, A. (2018). 4rf tourism: 4 new fleld for tourist siudies. Tourist Studies.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Odilon Redon người tự minh họa giấc mơ

Odilon Redon (1840 – 1916) là một nghịch lý khuất lấp. Ông sống giữa thời đại Ấn tượng và hậu-Ấn tượng trăm hoa đua nở của những Renoir, Gauguin và Van Gogh. Song, ngoại trừ được công nhận trong...

Thực hành giám tuyển trong giáo dục nghệ thuật

Với tư cách là một nghệ sĩ-nhà giáo dục, tôi ví vai trò cố vấn-hướng dẫn của mình giống như vai trò của một curate-người chăm lo, được tin tưởng chăm sóc những sinh viên đại học bằng...

Mối quan hệ giữa mỹ thuật ứng dụng và các loại hình nghệ thuật khác

Khi nói tới mối quan hệ qua lại giữa các ngành nghệ thuật, tới sự trợ giúp và ảnh hưởng lẫn nhau của chúng; cũng như sự tác động của các loại hình nghệ thuật khác tới sự sáng tạo mỹ...

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Thông báo lần thứ 2 về triển lãm Mỹ thuật khu vực 4 (Bắc miền Trung) lần thứ 26 năm 2021

 ...

Ngôi nhà 41 Hàng Bài

  Căn biệt thự cổ kính thiết kế theo lối kiến trúc Pháp, nằm trên phố Hàng Bài, một con phố chính rất đẹp gần Hồ Hoàn Kiếm. Tầng một của căn biệt thự trước kia là nơi nấu bếp, để...

Nhà điêu khắc Nguyễn Hoàng Ánh – Người giữ nhịp cho nền điêu khắc miền Nam giai đoạn 1986 đến nay

  Lịch sử khai sinh và hình thành nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam nói chung từ thời kỳ nghệ thuật Đông Dương cho đến cuối những năm thập niên 80 của thế kỷ 20 đã sản sinh ra khá nhiều...

BA BỨC TRANH VẼ BÁC HỒ CỦA QUANG PHÒNG

  Tôi không biết họa sĩ Quang Phòng, bố tôi, đã vẽ bao nhiêu bức tranh về Bác Hồ, nhưng cả ba bức tôi được biết thì đều rất đặc biệt đối với tôi. Bức đầu tiên bố tôi vẽ năm 1946,...

NHỮNG NGÔI NHÀ CÓ QUỶ

  Từ Đông sang Tây, trang trí kiến trúc luôn xuất hiện những khuôn mặt hung dữ, gớm ghiếc, nhe nanh, trợn mắt của quỷ dữ, của ác thần. Những khuôn mặt đó xuất hiện từ rất sớm trong các...