Thẩm mỹ công nghiệp trong hội họa của Charles Sheeler

Charles Sheeler được coi là một trong những nghệ sĩ hòa hợp nhất với quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa của Mỹ. Nghệ thuật của ông cho thấy tinh thần tiên phong của Mỹ đã chuyển từ việc khám phá các biên giới tự nhiên sang tiến bộ công nghệ và công nghiệp của nước Mỹ đầu thế kỷ 20. Sheeler nổi tiếng với những tác phẩm hội họa thể hiện chính xác các hình thức công nghiệp, nhấn mạnh yếu tố trừu tượng và hình dạng hình học, sử dụng màu sắc rõ ràng và bề mặt nhẵn. Bài viết này nghiên cứu về sự thể hiện thẩm mỹ công nghiệp trong tranh của Charles Sheeler, qua đó góp phần làm rõ đặc điểm nghệ thuật và những đóng góp của Charles Sheeler trong lịch sử hội họa nước Mỹ

Những nhân tố tác động đến sáng tác hội họa của Charles Sheeler

Charles Sheeler sinh năm 1883 tại Philadelphia, Hoa Kỳ và mất ngày 7 tháng 5 năm 1965 tại Dobbs Ferry, NY. Ông là họa sĩ được biết đến nhiều nhất với những cách thể hiện chính xác các hình thức công nghiệp trong đó các phẩm chất trang trọng, trừu tượng được nhấn mạnh. Sheeler học tại Trường Nghệ thuật Công nghiệp ở Philadelphia và sau đó tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania.

Những chuyến đi tới châu Âu trong khoảng thời gian từ năm 1904 đến năm 1909 đã giúp nghệ sĩ có cơ hội tiếp xúc với những tác phẩm từ các nghệ sĩ theo chủ nghĩa Hiện đại châu Âu, nhất là sáng tác của Paul Cézanne, cũng như các họa sĩ Lập thể. Năm 1909, Charles Sheeler đến thăm ngôi nhà của Michael và Sarah Stein, những người bảo trợ thời kỳ đầu của Picasso và Braque. Trải nghiệm từ chuyến đi này đã truyền cảm hứng cho ông làm việc với phong cách Lập thể trong những năm đầu sự nghiệp.

Charles Sheeler kiếm sống bằng nghề nhiếp ảnh thương mại ở Philadelphia đầu những năm 1910. Ông bắt đầu chuyển hướng sáng tác về ngành công nghiệp Mỹ khi chuyển đến thành phố New York vào năm 1919 và hợp tác với nhiếp ảnh gia Paul Strand trong bộ phim tài liệu ngắn Manhatta – một bộ phim thử nghiệm ngắn mô tả một ngày ở khu hạ Manhattan. Thước phim nghiên cứu về kiến trúc thành phố, nhấn mạnh những góc quay đầy ấn tượng, truyền tải bố cục trừu tượng của cảnh quan đô thị đang có sự thay đổi nhanh chóng. Với tư cách một nhiếp ảnh gia thương mại, ông đạt được thành công trong suốt những năm 1920 cả về tài chính và nghệ thuật. Trong năm 1926, ông được thuê làm việc cho các ấn phẩm của Condé Nast, tạo nên những bức ảnh thời trang với các nhân vật nổi tiếng cho tạp chí Vogue và Vanity Fair.

Charles Sheeler – Nhà máy Amoskeag 2. 1948. Sơn dầu. 28 1/2 x 24 in. Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Crystal Bridges ở Bentonville, Arkansas Nguồn ảnh: [6]
Bước ngoặt trong sự nghiệp nghệ sĩ đến vào năm 1927, khi ông thực hiện loạt ảnh về nhà máy của Ford Motor tại thành phố River Rouge (bang Michigan) cho chiến dịch quảng bá của hãng. Ông đã dành sáu tuần để chụp ảnh các tòa nhà và máy móc tại khu phức hợp, và tổng hợp lại thành một bộ ảnh gồm 32 tấm [2, tr.18]. Tác phẩm không chỉ là sự thành công về mặt thương mại đối với hãng xe mà còn mang đến sự công nhận và đánh giá cao về mặt nghệ thuật từ giới chuyên môn vì vẻ đẹp trang trọng có yếu tố trừu tượng. Thông qua thể hiện những lý tưởng hiện đại về sức mạnh và năng suất của máy móc, khu phức hợp dưới sự tái hiện của Sheeler đã truyền tải viễn cảnh về một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ ở Hoa Kỳ.

Những đặc trưng về tạo hình trong nghệ thuật nhiếp ảnh, điều đã làm nên thành công cho nghệ sĩ, được Charles Sheeler tiếp tục phát triển và đưa vào trong nghệ thuật hội họa. Từ cuối những năm 1920, tranh và bản vẽ của Sheeler đã xuất hiện trong các cuộc triển lãm quan trọng tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, Câu lạc bộ Nghệ thuật Chicago và Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney, đồng thời lọt vào bộ sưu tập của những bảo tàng này, cùng với các nhà sưu tập nghệ thuật quan trọng đối với chủ nghĩa Hiện đại Mỹ như Duncan Phillips, Arensbergs và Ferdinand Howland. Đến năm 1931, Charles Sheeler tập trung sáng tác hội họa. Nhà buôn nghệ thuật Edith Halpert đã đề nghị được đại diện độc quyền cho nghệ sĩ tại phòng trưng bày Downtown của mình ở New York và khuyến khích ông cắt giảm công việc trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Thập niên 30 là khoảng thời gian ông sáng tác năng suất nhất với loạt tác phẩm mô tả nội thất, tĩnh vật, những dãy nhà trong nông trại và kiến trúc công nghiệp. Đến năm 1939, một triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại được tổ chức để vinh danh sự nghiệp nghệ thuật của ông. Cũng trong khoảng thời gian này, ông được tạp chí Fortune ủy quyền để thực hiện loạt tranh với chủ đề “Power” (Sức mạnh) và được xuất bản trong số ra tháng 2 năm 1940.

Vào năm 1942, Charles Sheeler chuyển tới Irvington, New York và định cư ở đó cho đến cuối đời. Để ổn định thu nhập do lo ngại lượng tiêu thụ trong thị trường nghệ thuật suy giảm vì chiến tranh, ông đã tìm đến Francis Henry Taylor, giám đốc của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, để xin việc. Do vậy, cho đến năm 1945, ông làm việc cho phòng xuất bản, chụp ảnh tư liệu cho các bộ sưu tập, phần lớn để phục vụ cho chương trình xuất của bảo tàng. Một trong những thành tựu lớn của Sheeler là xác định lại khái niệm về cảnh quan nước Mỹ. Sheeler đã thay thế những hình ảnh mục vụ về thiên nhiên nguyên sơ bằng một địa hình có nhiều nhà máy và khu công nghiệp, đồng thời bộc lộ vẻ đẹp của không gian đô thị và cảnh quan thành phố.

 

Charles Sheeler – Căn bếp. 1937. Bảo tàng Nghệ thuật Trẻ. Món quà của ông bà John D. Rockerfeller thứ 3. 1993. Nguồn ảnh: [6]
Khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, cảm thấy có lẽ cuộc sống đã trở lại bình thường, Sheeler xin nghỉ việc tại bảo tàng Metropolitan để có thời gian sáng tác hội họa. Ông có thói quen vẽ những bức tiểu họa bằng màu nước hoặc tempera trước khi thực hiện trên khổ lớn. Phong cách của ông có một sự thay đổi đáng kể, chuyển hẳn khỏi chủ nghĩa hiện thực sang những sáng tác trừu tượng hơn, hình thành nên dấu ấn đặc trưng cho phong cách cuối sự nghiệp của mình. Trong những năm cuối đời, Sheeler đã làm việc để kết hợp nhiều phối cảnh trong các bức ảnh của mình, bằng cách tạo ra một kỹ thuật chồng lên các âm bản ảnh để tạo ra một hình ảnh dùng làm mẫu cho một bức tranh.

Sự thể hiện thẩm mỹ công nghiệp trong hội họa của Charles Sheeler

Nghệ thuật của Charles Sheeler gắn liền với sự phát triển của thời đại, tập trung vào vẻ đẹp của thành phố lớn nơi có các tòa nhà chọc trời, khu công nghiệp với chuỗi dây chuyền sản xuất tự động và cấu tạo cơ khí của những cỗ máy khổng lồ. Những đường nét sắc cạnh, mảng màu phẳng không để lại vệt bút và lối vẽ tựa ảnh chụp đặc trưng của ông là những gì mà người ta thường liên tưởng đến khi nhắc đến phong cách Precisionism. Sheeler đã tìm thấy và nắm bắt được vẻ đẹp của thiết kế chức năng của các nhà máy, chuồng trại và tòa nhà chọc trời, cũng như sức hấp dẫn của sự trừu tượng hình học vốn có của những cấu trúc này. Các tác phẩm của ông phản ánh được quá trình hiện đại hóa và hiện đại hóa của nước Mỹ, cho thấy tinh thần tiên phong của người dân Mỹ khi chuyển từ việc khai thác hình ảnh tự nhiên sang những tiến bộ công nghệ và công nghiệp của quốc gia.

Sheeler đã nắm bắt một cách khách quan hình học, hình thức và sự trừu tượng của các tòa nhà, cấu trúc, máy móc và kiến trúc đang biến đổi và hiện đại hóa nước Mỹ, mở đầu cho phong trào Precisionism. Ông đã có một quá trình sáng tạo đa phương tiện đáng chú ý. Nghệ sĩ bắt đầu bằng cách chụp ảnh một đồ vật hoặc tòa nhà, sau đó tạo một bản vẽ dựa trên bức ảnh gốc, rồi sử dụng bản vẽ đó làm mẫu cho một bức tranh. Ông tin rằng quá trình này cho thấy rằng phương tiện truyền thông càng ít máy móc thì người nghệ sĩ càng tham gia nhiều hơn vào việc tạo ra vẻ đẹp của tác phẩm. Cuộc đối thoại phức tạp mà ông tạo ra giữa phương tiện và đối tượng là một trong những đóng góp lớn của ông cho chủ nghĩa hiện đại của Mỹ. Sheeler thực hành liên ngành trong công việc của mình. Ông đã tạo ra một bộ phim, tìm kiếm ảnh hưởng trong sự tương tác của bộ phim và đối tượng. Ngoài ra, ông cũng bị ảnh hưởng bởi các nhà thơ, khi ông dựa trên các cảnh quay trong bộ phim Walt Whitman’s Crossing Brooklyn Ferry (1856), và hợp tác chặt chẽ với William Carlos Williams để lý thuyết hóa các lĩnh vực và phương tiện khác nhau của chủ nghĩa hiện đại.

Sự nghiệp hội họa của Sheeler bắt đầu để lại dấu ấn khi ông thực hiện một vài sáng tác dựa trên khung cảnh trong bộ phim tài liệu Manhatta mà ông hợp tác với nhiếp ảnh gia Paul Strand vào năm 1919. Bức Church Street El (Đường sắt phố Nhà Thờ) (1920) tái hiện một cảnh ở cuối thước phim, ghi lại toàn cảnh Broadway và phố Wall một cách ngoạn mục với tầm nhìn từ tòa nhà Empire xuống đường sắt bên dưới và hình ảnh một đoàn tàu đang từ từ tiến đến. Ánh nắng cuối ngày rực rỡ lọt qua khoảng trống giữa hai khu nhà, rọi sáng một mảng tường lớn và in bóng của những tòa nhà cao tầng xuống đường tàu. Những bờ tường trở nên sắc cạnh, mảng màu phẳng và gần như không thấy được vệt bút lông. Sheeler đã trừu tượng hóa đối tượng miêu tả của mình, đơn giản hóa các hình khối và loại bỏ khá nhiều kết cấu kiến trúc như sự phức tạp của hệ thống đường sắt ngầm đan xen bên phải khung cảnh. Các mặt phẳng lấy cảm hứng từ phong cách Lập thể với hòa sắc ấm tạo thành những mảng hình chồng lên nhau, nhấm mạnh yếu tố hình học của khung cảnh. Và rõ ràng nhất đó là việc Sheeler đã loại bỏ hoàn toàn hình ảnh của con người ra khỏi bố cục mà cảnh quay ban đầu vốn là khung cảnh nhộn nhịp khi người dân chuẩn bị đón chuyến tàu để tan làm. Ngoài việc truyền tải vẻ đẹp hiện đại của đô thị, khung cảnh vắng bóng người với sự tĩnh lặng như thế này thể hiện cảm giác cô đơn của các cư dân nơi đây, một khía cạnh cảm xúc khác đằng sau sự hoàng nhoáng và nhộn nhịp của cuộc sống đô thị.

Đó là tác phẩm mở đầu cho loạt tranh phong cảnh đương đại sau này với cách áp dụng hiệu ứng lấy nét sắc sảo với những góc độ quan sát được trợ giúp từ ống kính máy ảnh. Ở tác phẩm New York no.2 (1951), Sheeler mượn kỹ thuật chồng hình trong nhiếp ảnh, ông lồng ghép hai điểm nhìn khác nhau để tạo nên một hình ảnh độc đáo. Ban đầu người xem sẽ bị thu hút bởi cách diễn tả tòa nhà chọc trời với góc nhìn từ dưới lên. Độ hút sâu vào không gian tạo thành những đường chéo ấn tượng ở trung tâm tác phẩm, gợi cảm giác về tầm vóc hoành tráng của công trình. Điểm nhìn còn lại là từ một vị trí ngang tầm mắt, miêu tả các tòa nhà thẳng đứng, tạo thành nhịp điệu vuông góc mặt tranh. Sang đến lớp hình thứ hai, độ đậm nhạt của lớp hình được giảm xuống, tựa như một lớp kính mờ phía trên mặt tranh. Về tổng thể, bức tranh gồm nhiều màu sáng, thiên về gam lạnh. Những mảng hình giao nhau giữa các tòa nhà được thể hiện bởi các độ màu đậm hơn. Dù quang cảnh được tái hiện khá gần với hiện thực, nhằm tránh việc quá nhiều chi tiết sẽ khiến bố cục mất trọng tâm và trở nên rối rắm, Sheeler chủ động loại bỏ nhiều chi tiết trong kiến trúc, rõ ràng nhất là dãy ô cửa ở các điểm giao nhau hay tại khu vực sấp bóng. Để diễn giải rõ hơn, nghệ sĩ từng nói: “Nhiếp ảnh là bản chất được nhìn qua con mắt để thấy cái bên ngoài, còn hội họa là nhìn qua con mắt để thấy cái bên trong. Nhiếp ảnh ghi lại không thay đổi hình ảnh đơn lẻ, trong khi hội họa ghi lại nhiều hình ảnh do nghệ sĩ cố ý dẫn dắt” [5, tr.1]. Có lẽ, trong quá trình chụp hình tại New York, ý tưởng cho bức tranh này đã được nhen nhóm, và khi nhiếp ảnh không thể đưa ra được giải pháp để hoàn thiện bố cục, Sheeler đã lựa chọn hội họa để đạt được hiệu quả thẩm mỹ về thị giác mà ông mong đợi.

Vào cuối những năm 1920, sự chuyển biến về đề tài sáng tác của Sheeler đến từ hợp đồng nhiếp ảnh thương mại với công ty Ford Motor và thời gian nghiên cứu tại khu công nghiệp bên dòng sông Rouge ở Michigan. Ông có cơ hội tuyệt vời để tiếp cận gần hơn với ngành công nghiệp, và với quy trình sản xuất phía sau các bức tường của nhà máy, nhờ đó công việc của ông càng gắn bó chặt chẽ hơn với công cuộc cơ khí hóa.

Charles Sheeler Quang cảnh New York. 1931 Nguồn ảnh: [6]
Bộ đôi tác phẩm American Landscape (Phong cảnh nước Mỹ) (1930) và Classic Landscape (Phong cảnh cổ điển) (1931) mang tiêu đề táo bạo khi nó như tuyên ngôn về việc phá vỡ truyền thống yêu thích cảnh quan thiên nhiên của người dân Mỹ và được dùng để chỉ khung cảnh bên trong khu công nghiệp sông Rouge. “Phong cảnh cổ điển” dưới cái nhìn của Sheeler là hình ảnh nhà máy xi măng được quan sát từ đường ray của tuyến đường sắt chạy về phía bắc. Men theo hướng đường tàu thẳng tắp, cắt chéo nửa dưới của bức tranh, người xem nhìn thấy những bức tường trắng xóa và ống khói cao vút, vượt trội hơn hẳn so với hệ thống mái kéo dài theo chiều ngang bên dưới. Từ đó, những cột khói xám của quy trình công nghiệp được xả vào bầu không, choán đến phân nửa diện tích của khoảng trống phía trên, như thể đang dần dần che khuất bầu trời. Nằm ở phía bên trái bố cục, gần trung tâm, là các trụ kim loại màu đồng xếp thành cụm, xung quanh là những đụn cát nhấp nhô. Gam màu trung tính hơi nghiêng về tông ấm khiến tổng thể bức tranh trở nên sáng bừng. Các đối tượng trong tranh đều chứa đựng ba dạng thức hình học đơn giản: hình tam giác, hình chữ nhật và hình trụ. Chúng hiện hữu trong các yếu tố nhân tạo, và cả yếu tố tự nhiên như đám mây trắng khi bị làn khói xám cắt ngang, hình thành nên hai hình tam giác lớn đối trọng với nhau trên bầu trời. Sheeler chứng minh điều ông đã khẳng định hai năm trước khi ra mắt Upper Deck (Trên boong tàu) (1929), rằng có thể lồng ghép vào trong một tác phẩm hội họa các thiết kế về cấu trúc với ngụ ý trừu tượng và trình bày dưới lối miêu tả hoàn toàn hiện thực [1].Classic Landscape (Phong cảnh cổ điển) có sự kết hợp thẩm mỹ công nghiệp vào hội họa qua chủ đề, bối cảnh và thông điệp về sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Dù tác phẩm được thực hiện dựa trên bộ ảnh thương mại mà công ty Ford đặt hàng với Sheeler, việc lựa chọn hình ảnh để chuyển thể sang chất liệu sơn dầu hoàn toàn dựa trên ý muốn của tác giả. Ông khéo léo chọn một khung cảnh không quá cụ thể, nó không thể chỉ ra chính xác đây là công trình nằm trong khu công nghiệp sông Rouge hay là một phần của ngành sản xuất ô tô. Khung cảnh trong tranh có thể bắt gặp được tại bất cứ nơi nào, nhờ vậy, mà nó có thể đại diện cho bối cảnh của ngành công nghiệp nói chung, ý nghĩa bao hàm khái quát hơn, cũng gần hơn với từ “cổ điển” mà Sheeler đã dùng.

Cơ hội làm việc với công ty Ford tạo cơ hội cho Sheeler tiếp cận với quy trình sản xuất, cung cấp tư liệu cho những sáng tác về bộ phận cơ khí mà ông đã từng thể hiện sự quan tâm và hứng thú như trong tác phẩm Upper Deck (Trên boong tàu). Với chủ đề này, thành công tiếp theo mà ông đạt được tiếp tục tạo nên một dấu mốc ấn tượng trong sự nghiệp hội họa của Sheeler. Bức Suspended Power (Sức mạnh bị đình chỉ) (1939) miêu tả một tuabin được hạ xuống vị trí tại đập thủy điện mới ở Guntersville, Alabama. Lúc bấy giờ tuabin được xem như một trong những thành tựu về khoa học kỹ thuật. Bức tranh nằm trong chuỗi tác phẩm, gồm cả nhiếp ảnh và hội họa, khám phá các loại năng lượng công nghiệp, cơ khí và tự nhiên ở Hoa Kỳ mà ông được tạp chí Fortune ủy quyền.

Trong sáng tác của Sheeler, chiếc tuabin có một kích thước khổng lồ, gần như choán đa phần diện tích bề mặt, và các chi tiết trong cấu trúc của cỗ máy cơ khí được miêu tả cẩn thận và tỉ mỉ. Kích thước to lớn với ba cánh quạt sắc bén và phần mũi nhọn hướng xuống dưới của nó lại dường như tiềm ẩn những dự đoán về ảnh hưởng của công nghệ đối với con người. Vị trí lơ lửng trong không trung ngay bên trên những người công nhân vốn nhỏ bé hơn rất nhiều khiến cỗ máy mang tính uy hiếp. Khi so sánh bức tranh với tấm ảnh gốc mà Sheeler sử dụng làm tư liệu sáng tác, dễ thấy hình ảnh của nhiều công nhân đã bị loại bỏ khỏi bố cục. Hai nhân vật bên miệng hố được thể hiện rõ ràng nhất trong tranh dường như không thực sự đảm nhận một công việc, họ chỉ đơn giản đứng quan sát quy trình một cách thụ động. Người đồng nghiệp còn lại ở vị trí phía trên cũng chỉ được miêu tả một cách mờ nhạt và bị che khuất đến nửa người. Bề mặt sàn xung quanh được tác giả dọn sạch sẽ và trông nhẵn mịn trong khi thực tế vốn có những mảnh vụn của gỗ và các dụng cụ xếp lộn xộn khắp nơi. Nguồn nhân lực bị lược bỏ khỏi khung cảnh như để nhấn mạnh khả năng và hiệu suất của những cỗ máy cơ khí, đồng thời chỉ ra thực tế về việc cắt giảm nhân công tại các nhà máy thời điểm bấy giờ

Charles Sheeler – Nhà chọc trời. 1922 Sơn dầu trên toan. 20×12,9 inch. Bộ sưu tập Philip. Nguồn ảnh: [6]
Charles Sheeler – Những ô cửa sổ. 1952 Nguồn ảnh:[6]
Sheeler triệt để xóa bỏ sức lao động trong Suspended Power (Sức mạnh bị đình chỉ), không chỉ qua việc xóa đi sự hiện diện của người lao động trong bố cục mà còn qua cách loại bỏ sự hiện diện của chính bản thân người họa sĩ khi cố gắng làm mịn những nét cọ. Tại triển lãm của mình ở bảo tàng MoMA không lâu sau đó, ông giải thích: “Trong những ngày tháng ở trường nghệ thuật, mức độ thành công trong những nét cọ dữ dội được cho là bằng chứng về sự thành công của bức tranh. Ngày nay, với tôi, dường như tôi muốn loại bỏ phương pháp vẽ tranh này càng xa càng tốt để chúng không cản trở việc xem xét nội dung của bức tranh”. [4, tr.10] Đặc điểm sáng tác này đã được Sheeler áp dụng từ những năm đầu sự nghiệp, khi ông chuyển những bức hình về cảnh quan đô thị hiện đại sang chất liệu sơn dầu. Ở thời điểm bấy giờ, nghệ sĩ thiên về lối tả thực, ông cố gắng tái hiện cảm giác về bề mặt chất để đảm bảo hiệu quả thị giác mang lại gần như một tấm ảnh. Ở tác phẩm River Rouge Plant (Nhà máy sông River Rouge) (1932), một góc cảnh nhà máy bên sông được ghi lại. Toàn thể bức tranh như được vẽ bằng những lớp sơn mỏng. Mặt tường lớn của nhà máy phía xa có màu kem sáng, nổi bật ở trung tâm khung cảnh. Bề mặt hình phẳng, đường nét sắc cạnh đến chính xác. Hinh khối của công trình kiến trúc được gợi lên nhờ sự tương phản sắc độ mạnh giữa các mặt tường và đường bóng đổ bên dưới rìa mái nhà, cùng với những độ chênh lệch sắc độ rất nhỏ trên một mặt phẳng. Những vệt cọ chỉ hiện hữu rõ nhất ở khu vực mặt sông, khi Sheeler cố gắng diễn tả sự rung động của mặt nước. Tông màu kem ấm được lặp lại một lần nữa nhưng bớt sự rõ ràng, sắc nét. Chúng tạo thành tổ hợp các màu sắc hòa quyện vào nhau và khi chiêm ngưỡng từ xa, những nét cọ sẽ trở nên mờ dần và mặt nước sẽ trông tựa như thật. Toàn thể bố cục của River Rouge Plant (Nhà máy sông River Rouge) có thể được chia làm ba phần theo chiều ngang. Các công trình kiến trúc ở chính giữa, cũng là các yếu tố nhân tạo, nổi bật với những đường nét và chi tiết được miêu tả rõ ràng. Trong khi đó, bầu trời ở phần trên và dòng sông phía dưới, cũng là các yếu tố tự nhiên, là những mảng hình mềm mại hơn, vừa làm nổi bật các dãy nhà, vừa gợi cảm giác về sự chuyển động và nhịp sống, giúp cho bức tranh không trở nên cứng nhắc một cách khô khan.

Càng về cuối sự nghiệp, các tác phẩm hội họa của Sheeler càng trở nên phẳng hơn, lược bỏ nhiều chi tiết hơn và có sự cách điệu nhiều hơn nhằm làm rõ tính hình học trong kiến trúc và cơ khí. Tác phẩm Conversation Piece (Đoạn hội thoại) (1952) là một ví dụ cho sự chuyển hướng trong đặc trưng sáng tác của nghệ sĩ. Lấy màu ghi xanh làm chủ đạo, bức tranh là hình ảnh kiến trúc nông thôn tiêu biểu với dãy nhà chính màu kem ở khu vực trung tâm bố cục, nổi bật ở phía xa là tháp chứa lớn có màu trắng sáng. Trong khi đó, khu vực tiền cảnh có màu tối hơn, chủ yếu là các độ màu ghi, đen và tím lạnh của hàng rào, tường nhà kho, và chồng củi bên góc phải, được điểm xuyết bởi màu xanh lục tươi của bãi cỏ và bụi cây dưới chân tường. Các đối tượng trong khung cảnh được thể hiện dưới dạng hình phẳng, những dạng thức hình học sẵn có trong kiến trúc nhà có thể thấy được tương đối rõ ràng, từ hình trụ của tháp chứa cho đến các mái đầu hồi hình tam giác. Trong tác phẩm này, Sheeler tiếp tục sử dụng những lớp hình có độ trong chồng lên nhau. Lớp hình thứ hai có màu ghi tím, là những mảng hình đơn giản, có cả những đường hình sắc cạnh, cũng có chỗ là một hình dạng mơ hồ, không có chi tiết bên trong, tựa như một lớp bóng đổ lên trên tòa nhà. Ở thời điểm khi thực hiện bức tranh này, Sheeler đang khám phá mối quan hệ giữa trí nhớ và thị giác. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1959, ông giải thích rằng khi quan sát xung quanh, sau khi chúng ta đặt tầm mắt lên vật thể đầu tiên, thì ngay sau đó sẽ có những dao động về hình ảnh đè lên trên những gì võng mạc vừa ghi lại và ông đã sử dụng những gì mà ông quan sát được bằng cả thị giác và trí nhớ để tạo nên thành quả cuối cùng [3].

Charles Sheeler dành cả sự nghiệp để tái hiện những phát triển về công nghiệp và kỹ thuật tại một số thành phố lớn của Hoa Kỳ đầu thế kỷ 20. Hội họa là tấm gương phản chiếu của thời đại, cùng lúc đó, mỗi thời đại biểu đạt chính nó qua những dấu hiệu bề ngoài. Sheeler đã thành công trong việc ghi lại đời sống đô thị và dấu ấn của quá trình công nghiệp hóa, không chỉ bằng ống kính máy ảnh, mà còn qua các tác phẩm hội họa của mình.

Lê Yến Nhi

 

Tài liệu tham khảo:
1. Murphy, Jessica (2009), Charles Sheeler, Metropolitan Museum of Art.
2. Sheeler, Charles; Friedman, Martin; Hayes, Bartlett & Millard, Charles (1968), Charles Sheeler: Essays by Martin Friedman, Bartlett Hayes, Charles Millard (Charles Sheeler: Bài luận của Martin Friedman, Bartlett Hayes, Charles Millard), Smithsonian Institute Press.
3. Smithsonian Archives of American Art (2002), Oral History Interview with Charles Sheeler, 1959 June 18 (Cuộc phỏng vấn lịch sử với Charles Sheeler, ngày 18 tháng 6 năm 1959), Smithsonian Archives of American Art.
4. The Museum of Modern Art (1939), Charles Sheeler: Paintings, Drawings and Photographs with an Introduction by William Carlos Williams (Charles Sheeler: tranh vẽ, hình vẽ và nhiếp ảnh cùng với lời giới thiệu bởi William Carlos Williams), The Museum of Modern Art.
5. Troyen, Carol (1987), Charles Sheeler, Paintings and Drawings (Charles Sheeler: Các tác phẩm hội họa), Boston: The Museum of Fine Arts.
6. Wikimedia Commons. https://commons.wikimedia.org

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Có thể bạn quan tâm

KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9 (1945-2020): HAI TRIỂN LÃM QUAN TRỌNG NGAY SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

  I. TRIỂN LÃM VĂN HÓA 1945 Trong những ngày sôi sục khí thế cách mạng, Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam đã khai mạc Triển lãm Văn hoá ngày 7 tháng 10 năm 1945 tại nhà Khai Trí Tiến Đức (nay là số...

ĐÔI NÉT VỀ TRANH LỤA TRUNG HOA

  Nguồn gốc Việc sản xuất và sử dụng lụa được bắt đầu khoảng 5.000 năm trước. Trong triều đại nhà Thương và Chu, có nhiều loại lụa như: la, ỷ, cẩm. Sau thời Tần và Hán, sản xuất tơ...

GỐM BIÊN HÒA THỜI BALICK

  Tên tuổi của gốm Biên Hòa gắn liền với Trường Mỹ nghệ Biên Hòa. Trường Mỹ nghệ Biên Hòa gắn liền với tên tuổi ông bà Balick. Thời kỳ ông bà Balick (1923 – 1950) “Thời Balick” là cách...

Triển lãm mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024

Ngày 1.2, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã khai mạc triển lãm “Mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Sự kiện nhằm chào đón Xuân Giáp...

CUỘC ĐỜI, NĂM THÁNG VÀ ĐỔI THAY

  Tôi bén duyên với Tạp chí Mỹ thuật từ năm 1996, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội một thời gian rất ngắn, chỉ trên dưới một tháng. Đến nay, chính xác 26 năm gắn bó với địa...