CUỘC ĐỜI, NĂM THÁNG VÀ ĐỔI THAY

 

Tôi bén duyên với Tạp chí Mỹ thuật từ năm 1996, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội một thời gian rất ngắn, chỉ trên dưới một tháng.
Đến nay, chính xác 26 năm gắn bó với địa chỉ thân yêu: Tòa soạn Tạp chí Mỹ thuật, số 44B Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tôi cũng đã làm việc dưới sự chỉ đạo của bốn Tổng Biên tập. Từ nhà điêu khắc Trần Tuy, họa sĩ Trương Hạnh, nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Hùng đến họa sĩ Đặng Thị Bích Ngân. Mỗi vị Tổng Biên tập đều để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Mỗi sếp một cá tính và một phương thức vận hành công việc tòa soạn khác nhau nhưng tựu chung đều là những người tận tâm với công việc.

Cuộc sống, công việc vẫn đều đặn diễn ra trong an nhàn…
Năm 2015, sau 19 năm công tác, tôi chính thức đảm nhận vị trí là người đứng đầu, phụ trách Tạp chí Mỹ thuật. Sau rất nhiều năm gắn bó với Tạp chí, đúc rút kinh nghiệm từ những Tổng Biên tập tiền nhiệm, tôi muốn tìm một hướng đi mới cho Tạp chí. May mắn thay, tôi nhận được sự giúp đỡ từ nhiều các bác, các chú, các anh chị, các người bạn, các đồng nghiệp hoạt động đã lâu trong lĩnh vực nghệ thuật. Chính nhờ những sự giúp đỡ, góp ý, cổ vũ, động viên của họ, Tạp chí dần biến chuyển, có một sự thay đổi mới từ nội dung đến hình thức.

 

Tập thể cán bộ Tạp chí Mỹ thuật và Nhà xuất bản Mỹ thuật chụp ảnh lưu niệm tại
Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Tạp chí Mỹ thuật và 10 năm thành lập Nhà xuất bản Mỹ thuật (22/6/1977 – 22/6/1997)

Về căn bản, Tạp chí nào cũng vậy, muốn thu hút người đọc phải có nội dung hấp dẫn và hình thức đẹp. Trong thời đại của các nền tảng cá nhân internet phát triển vô cùng mạnh mẽ, chỉ cần một chiếc máy tính, một chiếc ipad, hoặc đơn giản nhất là điện thoại cảm ứng cầm tay (mà hầu hết ai cũng có ít nhất một chiếc) dễ dàng truy cập tin tức mọi lúc, mọi nơi… thì tiếng nói của báo giấy trở nên vô cùng yếu ớt. Vậy, làm thế nào để báo giấy phát triển được đây?
Sau khi nghiêm túc đánh giá lại vị thế hiện tại của Tạp chí (thời điểm năm 2015). Ban lãnh đạo đặt ra phương châm làm việc với một slogan nội bộ “Tạp chí cung cấp những gì bạn đọc cần chứ không phải những gì Tạp chí có”.

– Về nội dung: Bạn đọc cần ở Tạp chí những dữ liệu nghệ thuật quý, những bài viết nghiên cứu sâu, những bức tranh xưa hiếm quý, những họa sĩ nổi tiếng thời trước và rất nhiều dữ liệu nghệ thuật hiện đại trong nước, trên thế giới.
– Về hình thức: Ngoài nội dung sâu sắc, phong phú, Tạp chí cần phải dày dặn hơn, nhiều trang hơn, thiết kế hiện đại, đẹp mắt, chất lượng in tốt v.v…
Những điều ấy không thể xây dựng trong một sớm, một chiều bởi vì Tạp chí Mỹ thuật không có ngân sách. Ngân sách Tạp chí chỉ có:
– Quỹ lương từ ngân sách Nhà nước theo quy định chung.- 50 triệu/1 năm tiền hỗ trợ xuất bản Tạp chí từ ngân sách Nhà nước.
– Kinh phí mua Tạp chí chủ yếu đến từ Hội Mỹ thuật Việt Nam – cơ quan chủ quản của Tạp chí với một định lượng kinh phí nhất định.
– Năm 2015, Tạp chí chỉ xuất bản 6 số/1 năm; 64 trang/1 số. Số lượng khoảng hơn 1000 cuốn.

Trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cho bài viết số Xuân Ất Mùi 2015 Ảnh chụp tại nhà riêng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (phố Phan Bội Châu, Hà Nội)

Vậy, làm thế nào có kinh phí để in số trang nhiều hơn, đẹp hơn, trả nhuận bút tốt hơn cho các nhà nghiên cứu, các tác giả viết bài để thu hút bạn đọc. Vấn đề “kinh phí” luôn là điều kiện đầu tiên mà đơn vị nào cũng phải đưa vào vị thế chiến lược. Nếu ví Tạp chí với một trung tâm thương mại nghệ thuật thì trung tâm đó phải sáng sủa, đẹp đẽ về mặt hình thức, bên trong thì phong phú hàng hóa với những bức tranh đẹp để người xem muốn vào khám phá, thưởng thức…mà cụ thể ở đây là bỏ thời gian (đi đến) và bỏ tiền (ra mua) chứ không phải ngồi một chỗ và lướt mạng.

Ban lãnh đạo Tạp chí quyết định, ngoài việc in Tạp chí trên giấy theo lối truyền thống, nhất định phải chạy song song nhiều nền tảng internet khác, mà cụ thể ở đây là: website, facebook, pagebook, instagram…để nội dung Tạp chí đến bạn đọc nhanh nhất, cập nhật nhất có thể. Ví dụ như đưa tin về triển lãm, phiên đấu giá, review các tác phẩm nghệ thuật, kỷ niệm ngày sinh của một danh họa nào đó v.v…ngay lập tức thì phải chạy trên website, facebook và pagebook. Nhưng nếu như thế thì báo giấy ế mất. Nếu muốn báo giấy không ế, sẽ phải in những bài nghiên cứu sâu sắc, nhiều tư liệu quý và quan trọng nhất là in nhiều bức tranh xưa quý hiếm được lưu giữ trong các bộ sưu tập tư nhân với lời bình nghệ thuật hay về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật…mà những thứ ấy trên báo giấy mới có giá trị lưu giữ dài lâu. Tạp chí muốn mỗi ấn phẩm ra đời sẽ như một công trình nhỏ đẹp đẽ có giá trị để người yêu nghệ thuật lưu giữ trong tủ sách cá nhân của mình.
Và may mắn thay, nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều sự hợp tác, nhờ những nỗ lực của toàn thể Tòa soạn, Tạp chí đã đạt được một số thành công nhất định, được nhiều cảm tình, yêu mến của bạn đọc.

Các chuyên mục mới lần lượt được mở ra như “Trò chuyện trong tháng”; “Sưu tập – Collection”; “Góc nhìn”; “Những tác phẩm đi cùng năm tháng; các “Chuyên đề”… phần nào đó đã cung cấp cho bạn đọc những tư liệu, hình ảnh thông tin quý về mỹ thuật truyền thống, hiện đại, thế giới.

Tạp chí tăng dần số trang và lượng phát hành. Từ năm 2017 thì ổn định ở 128 trang cho 1 kỳ báo bình thường và 228 trang cho kỳ báo đặc biệt số Tết. Riêng số Tết thường có bưu thiếp, túi đẹp tặng bạn đọc. Số lượng phát hành Tạp chí Tết lên đến 2500 bản.

Tập thể cán bộ Tạp chí Mỹ thuật và Nhà xuất bản Mỹ thuật trong chuyến đi thực tế chùa Nôm (Hưng Yên), tháng 2/2019

Song song với lời khen, cổ vũ, khích lệ, động viên là những lời góp ý chân thành, những lời phê bình có gai, những sự thiếu tin tưởng…nhưng Tạp chí vẫn vững bước với mục tiêu đã chọn, tiếp thu chân thành tất cả các ý kiến để sửa đổi từ nội dung đến hình thức ngày càng hoàn thiện hơn nữa.

Bởi đã mạnh dạn làm thì phải có cải tiến, phải thay đổi. Nếu cứ ngồi im, không làm vì sợ ý kiến này, ý kiến kia, sợ bóng, sợ gió, ngại va chạm…thì sẽ không có bước đột phá. Tạp chí cũng đón chờ mọi ý kiến đóng góp. Nếu có sai sót về mặt tư liệu, hình ảnh ngay lập tức sẽ đăng đàn xin lỗi trên các nền tảng online và trên báo giấy chứ không lấp liếm hay lờ đi. Không những thế Tạp chí còn “welcome” mọi bài viết phản hồi hai chiều. Phản hồi nào cũng đều giúp ích cho sự phát triển của Tạp chí…
Năm 2022, Tạp chí Mỹ thuật tròn 45 năm thành lập (1977-2022), hiện đã là Tổng Biên tập thứ 12 phụ trách. Năm 2017, Tạp chí đã long trọng làm lễ kỷ niệm 40 năm thành lập với sự hiện diện của nhiều khách quý. Lần kỷ niệm 45 năm này, do một số điều kiện khách quan và chủ quan nên Ban Biên tập Tạp chí Mỹ thuật chỉ xin kỷ niệm gọn nhẹ trong số chuyên đề này.

Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Tạp chí Mỹ thuật, tôi xin thay mặt Ban Biên tập trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban lãnh đạo Hội đã tạo điều kiện, đến bạn đọc đã yêu quý chúng tôi suốt nhiều năm qua. Xin chân thành gửi lời tri ân những nhà nghiên cứu, nhà sưu tập trong và ngoài nước đã cung cấp hình ảnh, tư liệu những bức tranh quý để Tạp chí trở thành nơi chuyển tiếp (có chọn lọc cẩn thận), lan tỏa những gì đẹp đẽ và có ích đến muôn nơi. Đặc biệt, xin gửi lời cảm ơn, yêu thương đến toàn bộ cán bộ nhân viên Ban Biên tập Tạp chí Mỹ thuật đã đồng lòng làm việc, vun đắp, xây dựng một diện mạo mới cả về chất và lượng cho Tạp chí.
Cuộc đời, năm tháng với rất nhiều đổi thay sẽ làm cho cuộc sống đầy màu sắc và hương vị. Có ngọt ngào, có muộn phiền, có đôi lúc chùn chân, mỏi gối, suy giảm năng lượng…nhưng đó mới là cuộc sống. Chỉ cần mỗi người là một hạt cát có ích thì cuộc đời luôn đáng để cống hiến…

Hoàng Anh

Hàm Long, Hà Nội, tháng 5.2022

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC VII – ĐÔNG NAM BỘ LẦN THỨ 23 NĂM 2018

  Từ ngày 28/08 đến 03/09/2018, tại Trung tâm Văn hóa Tỉnh Bình Thuận, đã diễn ra triển lãm Mỹ thuật khu vực VII – Đông Nam Bộ lần thứ 23 năm 2018. Triển lãm đã trưng bày 145 tác phẩm của...

Hình ảnh rồng tiên đi vào nghệ thuật và đi ra thế giới

  Bài tham luận Hội thảo Quốc tế về Di sản Văn hóa – Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật năm 2022, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). Cách nay tròn 10 năm, tại...

 Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III (Tây Bắc – Việt Bắc) lần thứ 25 năm 2020

Triển lãm tổ chức tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên không khai mạc do dịch Covid-19. Triển lãm trưng bày 223 tác phẩm của 206 tác giả. Trong đó 108 tác phẩm của 91 tác giả là hội viên Trung...

Thông báo lần thứ 2 về triển lãm Mỹ thuật khu vực 6 (TP. Hồ Chí Minh) lần thứ 26 năm 2021

     ...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC VIII (ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

                             ...