NHIỆT CỦA MÙA XUÂN

 

Ngày đang dài hơn, ấm hơn và sáng hơn ở Bắc bán cầu,dưới đây là 10 tác phẩm tranh, điêu khắc, bản in, trang sức mang hơi thở của mùa xuân, giới thiệu bởi Christie’s.

Trong những thập kỉ cuối thế kỉ 19, khi đang ở đỉnh cao danh vọng, họa sĩ người Ireland John Lavery tập trung vào ‘la vie moderne’ (cuộc sống hiện đại), ghi lại những thú vui giải trí phổ biến của tầng lớp thượng lưu và trung lưu như chèo thuyền, quần vợt, bóng vồ.

Sir John Lavery, R.A., R.S.A., R.H.A. (1856-1941), ‘Bữa tiệc bóng vồ’, 1890-93. Sơn dầu trên toan. 36 x 72 in (91.4 x 182.9 cm). Ước tính: £1,200,000-1,800,000. Giới thiệu vào 22 tháng 3 năm 2022 tại Christie’s London

Được hoàn thành với kích thước hoành tráng, format kéo dài, gợi nhớ những tác phẩm lớn nhất và tham vọng nhất của Lavery, như tác phẩm năm 1885 ‘Bữa tiệc quần vợt’; ‘Bữa tiệc bóng vồ’ mô tả ba thành viên ăn vận tao nhã của gia đình Clarke giàu có, đang tận hưởng trò chơi bóng vồ vào cuối mùa xuân.
Một trong hai người phụ nữ cúi xuống để xem xét, người còn lại nhìn vào, biểu hiện của cô pha trộn giữa niềm vui chiến thắng và sự thích thú, có thể cô đã tìm được cách vượt qua đối thủ của mình. Ở hậu cảnh với mặt trời đổ bóng trên thảm cỏ, một số khán giả giơ cao chiếc lọng màu đỏ tươi và màu trắng của họ.
Với cách dùng màu và thể hiện sự di chuyển sống động, ‘Bữa tiệc bóng vồ’ là cách tiếp cận táo bạo của Lavery trong việc khắc họa chân dung và kỹ năng ghi lại những khoảnh khắc vụn vặt, những cuộc trao đổi thoáng qua.

Utagawa Hiroshige được xem là bậc thầy vĩ đại cuối cùng của nghệ thuật tranh khắc gỗ Nhật Bản, ukiyo-e. Ông nổi tiếng hơn tất cả nhờ hiệu ứng màu sắc tinh tế đáng chú ý, như trong tác phẩm này, từ màu hồng chuyển sang màu be, rồi màu xanh lá cây; và sở thích bắt lại những đặc trưng bốn mùa, những niềm hạnh phúc thoáng qua, những lễ hội ghi dấu thời gian.

Utagawa Hiroshige (1797-1858), ‘Kameido ume yashiki (Điền trang mận, Kameido)’. Tranh khắc gỗ. (36.2 x 24.4 cm). Ước tính: $30,000-40,000. Giới thiệu vào 22 tháng 3 năm 2022 tại Christie’s New York

Hình ảnh thứ 30 này trong loạt tranh in ‘100 cảnh tượng của Edo’ của Hiroshige, mô tả vườn mận bên bờ sông Sumida, một thắng cảnh nổi tiếng để thưởng ngoạn cây cối nở hoa vào đầu xuân. Tiền cảnh là thân và cành màu xám của loại cây được gọi là mận Ngọa Long. Hậu cảnh, sau hàng rào, là một nhóm du khách đang dã ngoại, ngắm hoa.

Lợi thế khác thường và cách dùng màu táo bạo của Hiroshige đã truyền cảm hứng cho nhiều họa sĩ phương Tây thế kỉ 19 trong đó có Monet, Whistler và Van Gogh. Trên thực tế, người thứ hai bị lôi cuốn bởi hình ảnh này đến mức đã vẽ một bức tranh sơn dầu ‘Vườn mận nở hoa theo phong cách của Hiroshige’ vào năm 1887, đúng 30 năm sau khi tác phẩm gốc được xuất bản, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Van Gogh Amsterdam.
Một liều thuốc giải đáng hoan nghênh cho những hình ảnh chiến tranh tàn khốc của ông, tranh phong cảnh của Nevinson cho thấy khía cạnh nhẹ nhàng của cuộc sống nông thôn thời bình. Chúng nằm trong những tác phẩm nổi tiếng và hấp dẫn nhất về mặt thị giác của ông, bức tranh mô tả một vườn cây ăn quả đang nở rộ này đặc biệt quyến rũ.

Christopher Richard Wynne Nevinson, A.R.A. (1889-1946), ‘Bốn mùa: mùa xuân’, 1918. Sơn dầu trên toan. 24 x 20 in (61 x 50.8 cm). Ước tính: £20,000-30,000. Giới thiệu vào 23 tháng 3 năm 2022 tại Christie’s London

Với các lớp màu phân mảng và chồng chéo, tác phẩm là thử nghiệm của Nevinson với phong cách của các tác giả Hiện đại, bao gồm chủ nghĩa Lập thể và chủ nghĩa Vị lai, vào những năm đầu thế kỉ 20. Màu xanh đậm của cây cối được kết hợp tuyệt đẹp với màu hồng sẫm của hoa và cầu vồng sau một cơn mưa rào bất chợt. Rất ít cảnh bắt được không khí, sự khó đoán của thời tiết mùa xuân như thế này.

Ban đầu bị ảnh hưởng bởi Trường phái St Ives, bao gồm Ben Nicholson và Barbara Hepworth, họa sĩ người Cornish Peter Lanyon (1918-1964) đã trở thành một trong những người đi đầu trong trường phái Trừu tượng Biểu hiện ở Anh. Ông tìm nguồn cảm hứng từ môi trường xung quanh mình, đặc biệt là cảnh quan gồ ghề của Cornwall, cũng như các cộng đồng và các ngành công nghiệp của nó. ”Tôi không thể vẽ một bức tranh không liên quan gì đến môi trường đầy quyền năng mà tôi đang sống”, ông từng nói.

Peter Lanyon (1918-1964), ‘Gần mây, Tháng 5’, 1963. Mực, than củi, phấn dầu, bột màu trên giấy. 9½ x 13½ in (24.2 x 34.4 cm). Ước tính: £7,000-10,000. Giới thiệu vào 23 tháng 3 năm 2022 tại Christie’s London

Năm 1959, ông chơi tàu lượn, điều này có tác động tức thì và mang tính biến đổi với những bức tranh của ông. Lanyon lưu ý: “Một tác dụng của việc lướt đi, trải nghiệm nhiều và nhiều hơn nữa trong không gian, là làm sáng những bức tranh của tôi.”

Vẽ năm 1963, một năm trước cái chết thương tâm của họa sĩ trong một tai nạn tàu lượn, ‘Gần mây, Tháng 5’ có những vạt rộng màu xanh lam nhạt tạo ra bởi những nét vẽ nhanh và tự tin. Sáng và thoáng, nó chứa đựng cảm giác của tự do, bay bổng, lướt trong không gian trong sáng tuyệt vời.

‘Radha và Krishna trên sân thượng’, vùng đồi Pahari, Ấn Độ, đầu thế kỉ 19.8½ x 5 in (21.5 x 12.8 cm). Ước tính: £10,000-15,000. Giới thiệu vào 31 tháng 3 năm 2022 tại Christie’s London

Bức tranh đầu thế kỷ 19 này mô tả một cảnh trong loạt truyện Baramasa (‘Bài hát của các mùa’) của nhà thơ thế kỷ 16 Keshavdas. Trong lịch Hindu, tháng Chaitra, được minh họa ở đây, tương ứng với tháng Ba và tháng Tư.

Cặp tình nhân Radha và Krishna ngồi trên sân thượng, xung quanh là cây bụi, chim chóc và hoa, tất cả đều biểu trưng cho mùa xuân. Phía sau, một khung cảnh nông thôn nhộn nhịp mở ra, dân làng lấy nước, thu hoạch mùa màng và chèo thuyền trên mặt nước. Màu vàng và xanh nhạt đem đến cho bố cục sự tươi mới, đúng với thời điểm của mùa xuân.

Tác phẩm của Barbara Hepworth rạng rỡ trong ánh nắng của mùa xuân. Được đúc vào năm 1969, tác phẩm thể hiện sự quan tâm của Hepworth với mối liên hệ giữa các hình thể và một vũ trụ đang giãn nở.

Dame Barbara Hepworth (1903-1975), ‘Đĩa và dây (Mặt trời)’,. (47.9 cm), chưa tính đế. Ước tính: £120,000-180,000. Giới thiệu vào 22 tháng 3 năm 2022 tại Christie’s London

 

David Hockney (1937), ‘Ngược sáng phong cách Pháp’, 1974. 997 x 916 mm. Ước tính: £40,000-60,000. Giới thiệu vào 24 tháng 3 năm 2022, Online

 

Tác giả đề cập đến mặt trời, mặt trăng, các thiên thể trong các tác phẩm của mình với tần suất ngày càng tăng từ năm 1969, năm loài người hạ cánh trên mặt trăng, hoàn thành một thập kỉ thử nghiệm khoa học đáng nhớ.

‘Về mặt địa lý, chúng tôi gắn bó (với St Ives) đến nỗi cả mặt trời và mặt trăng đều mọc và lặn trên mặt nước với ánh hào quang tuyệt vời, thực tế này gây ra một sự căng thẳng đáng kể cho cuộc sống hằng ngày của tôi”, tác giả chia sẻ.

Tác phẩm hình mặt trời này đánh dấu sự trở lại với ngôn ngữ của chủ nghĩa Hiện đại với tính trật tự cao, với các chùm dây được đặt trên các hình cơ bản, gợi nhớ đến các bản vẽ hình học của Hepworth từ đầu những năm 1940, sự gắn kết của bà với các nguyên tắc Kiến tạo. Tác phẩm được triển lãm lần đầu vào mùa xuân 1970, cùng với một tác phẩm bằng nhôm được đặt tên ‘Mặt trăng’.

Trong cả sự nghiệp lâu dài của mình, David Hockney đã tìm hiểu tất cả bốn mùa, ghi lại sự thay đổi màu sắc, tâm trạng và ánh sáng tại các thời điểm trong năm theo nhiều phong cách và phương tiện khác nhau. Được sản xuất năm 1974 với số lượng 36 phiên bản giới hạn, dựa trên bức tranh cùng tên của họa sĩ, hiện được đặt trong bảo tàng Ludwig ở Cologne, ‘Contrejour in the French Style’ (Ngược sáng theo phong cách Pháp) mô tả quang cảnh từ một cửa sổ ở Pavillon de Flore, góc tây nam của Bảo tàng Louvre.

Sau sự đổ vỡ của mối quan hệ với Peter Schlesinger vào đầu những năm 70, Hockney chuyển đến Paris, nơi ông bắt đầu mối quan hệ công việc với thợ khắc nổi tiếng Aldo Crommelynck. Đặc biệt, Commelynck đã hướng dẫn Hockney cách khắc màu, một phương pháp mới cho ra các mảng màu tự nhiên hơn.
Kỹ thuật khắc của tác phẩm này bám sát bố cục, đồng thời nội thất được diễn tả bằng một loạt các kỹ thuật intaglio, tạo ra những biến thể của đường nét và kết cấu. Ví dụ, nền lốm đốm được diễn tả bằng kĩ thuật sugar-lift, trong khi kĩ thuật soft-ground được dùng để mô tả ánh nắng tắt trong hốc tường. Với độ sáng vượt trội, bạn có thể thực sự cảm nhận được không khí mùa xuân tràn qua cửa sổ.

 

Trâm cài hình bướm bằng titan và thạch anh tím, Wallace Chan.4.7 cm. Ước tính: HK$45,000-65,000. Được giới thiệu online cho đến 24 tháng 3 năm 2022.

 

William Kentridge (sn 1955), ‘Diên vĩ Hà Lan’, 1993. In. 1207 x 795 mm. Ước tính: £20,000-30,000. Giới thiệu vào 24 tháng 3 năm 2022, Christie’s Online

 

Gary Bunt (1957), ‘Hồi tưởng’, 2021. Sơn dầu trên toan. 24 x 29 in (61 x 73.6 cm). Ước tính: £5,000-8,000. Giới thiệu vào 23 tháng 3 tại Christie’s London

Người ta đang ngày càng quan tâm tới những tác phẩm của nhà điêu khắc và nhà thiết kế người Hong Kong Wallace Chan. Một triển lãm mang tên Totem sẽ mở tại Fondaco Marcello, trong suốt sự kiện triển lãm Venice Biennale. Đây là thời điểm hoàn hảo cho sự xuất hiện của chiếc trâm hình bướm óng ánh này.
Chế tác bằng thạch anh tím và titan, tác phẩm mang tiếng vọng của đất, như các tác phẩm bằng ngọc lam, vỏ sò, mã não được thấy trên sàn trình diễn mùa xuân năm nay.

Khung cảnh giản dị về cuộc sống nông thôn nước Anh trong tranh của Gary Bunt thể hiện với đầy đủ các mùa, thời tiết và tâm trạng. Với một nhân vật tên Bert cùng người bạn đồng hành là chú chó trung thành của mình, tham gia các hoạt động nông thôn điển hình như chăn cừu, cho gà ăn, đào khoai tây. Trong một vài bức tranh, họ phải lê bước trên tuyết, ở những nơi khác, họ đắm mình trong ánh nắng rực rỡ.
Trong bức tranh này, Bunt ghi lại cảnh đôi bạn thảnh thơi nghỉ trong một khu rừng. Cảm giác yên bình sâu lắng tràn ngập, những tán cây xanh tươi, ánh nắng chói chang và những luống hoa chuông nở rộ mang đến niềm vui bình dị của mùa xuân.

Sinh năm 1955 tại Johannesburg, William Kentridge được biết đến nhiều nhất với các tác phẩm – từ các bức vẽ bằng than, thảm trang trí, tác phẩm điêu khắc đến các bộ phim hoạt hình và sân khấu – phản ứng lại những di sản của chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc. Ông cũng sản xuất các bản in về phong cảnh nông thôn và hoa.

Hoàn thành năm 1993 và được in trong 50 bản bởi Jack Shirreff tại Xưởng 107, tác phẩm khắc hình cành hoa diên vĩ Hà Lan với kích thước lớn, thể hiện kỹ thuật, khả năng xử lý đáng kinh ngạc của tác giả.
Do kích thước lớn và những khó khăn về mặt kỹ thuật, các bản in có thể khác nhau đáng kể, bản in này đặc biệt quyến rũ, với sự tương phản ấn tượng giữa màu xanh lam và xanh lá cây.

Thu Huyền (dịch)
Nguồn: Christie’s

 

 

Tin cùng chuyên mục

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Có thể bạn quan tâm

Xem tranh Hàng Trống “kể” truyện cổ dân gian

NDO – Chiều 18/3, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phan Ngọc Khuê tổ chức khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”, một...

Phiên đấu giá lần thứ 32 & Các họa sĩ châu Á – Tác phẩm nghệ thuật lớn

Trong phiên đấu giá lần thứ 32 “Họa sĩ châu Á – Những tác phẩm quan trọng” được tổ chức vào ngày 14 tháng 03 tới đây, Aguttes, với cương vị là nhà đấu giá hàng đầu trên thị...

MỘNG BÍCH – CÂY ĐẠI THỤ CỦA LÀNG TRANH

  Họa sĩ Mộng Bích  (Nguyễn Thị Mộng Bích) sinh năm 1933, quê huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (trung cấp  1956-1960, đại học 1965-1970) . Từ 1960, bà là...

TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN CÙNG NHÀ GIÁO – NHÀ SƯU TẬP NGUYỄN BÁ ĐẠM: NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ, HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ ?

  “Người muôn năm cũ” ở đây mà tôi muốn nhắc đến chính  là cụ Nguyễn Bá Đạm – nhà giáo – nhà sưu tập tranh, được mọi người mặc nhiên coi là người bạn tri kỷ nhất của...

Bộ sưu tập – Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 9-10 năm 2019

  Tư tưởng và nghệ thuật của Trần Duy diễn biến qua một mối tưởng phản: một bên là con người xuất thân từ tầng lớp quan lại phong kiến “con vua cháu chúa” ở Huế, một bên là con...