Về cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”

Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” (sau đây xin viết tắt là DTDGĐH) của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp xuất bản năm 2019. Cùng với cuốn: “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”, bộ sách này đã đạt giải B Giải Sách Quốc gia lần thứ 3 năm 2020.

Sách DTDGĐH dày 232 trang, với 513 bức ảnh trong đó có gần 300 bức tranh Đông Hồ. Ngoài lời nói đầu, sách được chia thành 3 chương: Chương I: Làng Đông Hồ, Chương II: Các dòng tranh dân gian sản xuất tại Đông Hồ, và chương III: Tranh dân gian khắc gỗ và vẽ tay.
Ở chương I các tác giả khảo cứu khá kỹ về lịch sử làng Đông Hồ, các ngôi đình, ngôi chùa, ngôi đền trong làng. Bia đá sau đình, bia đá trong khu mộ tổ dòng họ Nguyễn Đăng… rất công phu. Chương II phân ra các mục Tranh đồ thế; Tranh trổ – là những loại tranh ít được nhắc đến trên báo chí, truyền thông.
Theo đánh giá của T.S. Trần Đoàn Lâm (Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới): “Cuốn DTDGĐH như một bảo tàng thâu tóm được kỹ thuật, tinh hoa của dòng tranh dân gian độc đáo nhất Việt Nam. Qua từng trang sách có thể thấy được quá trình phát triển của làng tranh Đông Hồ, thấy được nghệ thuật dân gian vô cùng sống động. Bởi vậy, DTDGĐH xứng đáng là một tài liệu quý, đáng tin cậy, nhất là với những ai muốn tìm hiểu về lịch sử của làng tranh và tranh Đông Hồ” (trích trong bài “Làm “sống lại” dòng tranh Đông Hồ” tác giả Khôi Nguyên – Thời báo Ngân hàng ngày 26/08/2019).
Chúng ta đã biết nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là di sản văn hoá quốc gia và đã được làm hồ sơ đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Với ý nghĩa đó chúng tôi cho rằng việc nghiên cứu kỹ hơn nữa dòng tranh này sẽ giúp chúng ta bảo vệ, giữ gìn được những tinh hoa của dòng tranh, làm lan toả nó ra khắp nơi trên thế giới. Ưu điểm của cuốn sách là rất lớn, xin không nhắc lại nữa, bài viết này chỉ đi sâu vào phân tích, góp ý những chỗ mà chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn.
Xin đi ngay vào trọng tâm cuốn sách là chương 3: Tranh dân gian khắc gỗ và vẽ tay.

1. Những vấn đề nên xem lại
1.1. Tranh 234. Bà Nguyệt, tranh 235. Ông tơ:


Xin chụp lại cả ảnh và phần ghi chú:
Các tác giả sách DTDGĐH cho rằng con thú mà ông tơ cưỡi trong tranh là chim Phượng trống? Chúng tôi thì nhìn thấy đó là con Rồng, nó khác quá xa con chim Phượng mái (mà bà Nguyệt cưỡi).
Rồng, Phượng là hai trong bốn loài tứ linh: Long, Lân, Quy, Phượng rất quen thuộc trong văn hoá Việt Nam. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Phượng hoàng (còn được gọi là Phụng hoàng) nguyên thủy là các con chim trong thần thoại của người dân khu vực Đông Á chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, ngự trị trên tất cả các loài chim khác. Trước đây, con trống được gọi là Phượng còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn và Phượng cùng Hoàng đã được trộn lẫn vào nhau thành một thực thể giống cái, gọi là phượng hoàng, để cho nó có thể ghép cặp với long (rồng), là con vật mang ý nghĩa của giống đực”. (Bạn đọc có thể tham khảo thêm tích truyện “Nguyệt hạ lão nhân”- ông già dưới trăng, tức Ông Tơ).

1.2.Tranh 281. Trần Hưng Đạo. Anh hùng chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13.


Mời bạn đọc so sánh hai bức tranh sau: Bên trái là bức tranh Trần Hưng Đạo trong sách DTDGĐH.
Bên phải là bức tranh Hoàng Trung, chụp lại trong cuốn sách “Imagerie populaire vietnamienne” của Maurice Durand xuất bản tại Paris năm 1960. Bản tiếng việt là “Tranh dân gian việt Nam sưu tầm và nghiên cứu” do Nguyễn Thị Hiệp dịch, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ chí Minh xuất bản năm 2023 (từ đây xin gọi là “cuốn sách của M.Durand”). Nếu soi thật kỹ thì thấy có vài khác biệt nhỏ như mắt, râu, mũ của nhân vật; đuôi, cổ con ngựa… Tuy nhiên, nhìn tổng thể chúng tôi cho rằng: Bức bên trái đã sao từ bức bên phải, sửa vài chi tiết, thay chữ Hoàng Trung bằng chữ Trần Hưng Đạo, ghi tên tác giả bên dưới. Chúng ta có thể hiểu về tính Dân gian: Thời gian trôi qua, một tác phẩm có thể có nhiều tác giả, nghệ nhân có thể thay đổi, thêm bớt. Tuy nhiên bức tranh này là tranh một danh nhân lịch sử, một “Anh hùng chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13”- như tác giả sách nhấn mạnh – thì cần rất thận trọng. Hoàng Trung là một trong ngũ hổ tướng của Thục Hán, cưỡi ngựa, cầm thanh long đao, tranh vẽ như thế rất hợp lý. Trần Hưng Đạo tước hiệu Quốc công tiết chế Hưng dạo Đại Vương, là người chỉ huy toàn quân đánh tan cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ ba (lần thứ nhất ông chỉ huy một cánh quân án ngữ ở biên giới phía bắc). Ông là người viết “Hịch tướng sĩ”, viết “Binh thư yếu lược”, người vạch kế sách, điều binh khiển tướng. Sử sách không ghi chép Trần Hưng Đạo sử dụng vũ khí gì, cứ cho rằng thời trẻ ông đã từng cầm thanh long đao, cưỡi ngựa thì đó cũng không phải là hình ảnh đặc trưng cho sự nghiệp của ông. Sau khi mất Trần Hưng Đạo còn được nhân dân tôn là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở rất nhiều nơi. Nghệ nhân dân gian có thể không nghiên cứu kỹ lịch sử, văn hoá, nhưng các nhà làm sách chuyên nghiệp, với nhiều tri thức, đã bỏ nhiều công lao điền dã, nhiều ngày khảo cứu ở các thư viện, có lẽ cũng nên xem lại. Xin nói thêm: bức tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở Khu du lịch Hồ Mây, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu diễn tả ông cưỡi ngựa, cầm đao đã bị rất nhiều người phê phán, họ cho rằng tư thế đó mô tả Quan Vân Trường thì đúng hơn. Hầu hết các tượng Trần Hưng Đạo khác trên toàn quốc đều ở tư thế đứng thẳng, một tay cầm cuốn sách, một tay đặt lên đốc kiếm.

1.3. Tranh 306. Con trẻ với Lộc (hươu) Chữ trên tranh:“Trẻ con và hươu”


Các tác giả sách DTDGĐH không quan sát kỹ bức tranh? Tranh này có phong cách hoàn toàn khác những bức tranh Đông Hồ có trẻ con như: “Em bé ôm gà”, “Em bé ôm cá chép”, “Em bé chơi chim”… trong tranh không có trẻ con mà chỉ có hươu con đang bú mẹ, nhân vật cõng hươu lớn tuổi rồi. Chữ trên tranh: “Diễm Tử phụ lộc” nghĩa là Diễm Tử cõng hươu. Bức tranh minh hoạ tích truyện Diễm tử Lộc nhũ phụng thân: Diễm tử khoác da hươu giả làm hươu con để vắt sữa hươu mẹ, mang về phụng dưỡng cha mẹ. Đó là một trong 24 gương hiếu thảo trong truyện Nhị thập tứ hiếu của Trung Quốc. Cuốn sách của Durand có tới 5 bộ tranh Nhị thập tứ hiếu, có chú thích rất tỉ mỉ. Sách DTDGĐH rất nhiều lần nhắc đến cuốn sách của M. Durand – thế nhưng rất tiếc, các nhà soạn sách lại chưa đọc kỹ M.Durand ?

2.Một số đoạn văn trích nhưng không dẫn nguồn.
2.1.Tranh 317. “Kê cúc (gà trống bên cây cúc).
Chú gà trống hùng dũng, một chân gân guốc choãi (nguyên bản là chữ “xoạc”) ra, chân kia bám vào tảng đá, vươn mình lên như sắp gáy-mà cũng như sắp bước vào một trận quyết chiến”.
2.2. Tranh 318-319. Gà thư hùng.
“Một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con. Trên tranh có dòng chữ nôm “Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông”- một lời chúc thật sâu sắc! (Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh)… Gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc tạo nên sự mềm mại (nguyên bản là “sự nũng nịu”). Gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên – tạo nên tư thế chủ gia đình, che chở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc, đầm ấm trong một gia đình”.
2.3. Tranh 336. Cóc tây múa kỳ lân.
“Cách làng Đông Hồ chừng 1km có một đồn Tây (hiện nay mấy cái lô cốt vẫn còn). Lính Tây thường từ đây đi lùng sục vào các làng nhũng nhiễu dân chúng. Thế nhưng những dịp tết Tây chúng lại tổ chức hội hè có cả các trò chơi cổ truyền của ta như Múa lân, Rước rồng, và cả những trò chơi mới như Leo cột mỡ, Liếm chảo… Cụ đồ Long đã sáng tác các bức: “Cóc Tây múa kì lân”, “Chuột Tàu rước rồng vàng”. Cóc và chuột là những con vật trong tranh cổ Thầy đồ cóc và Đám cưới chuột nay được gán cho Tây, Tàu!”
Ba đoạn văn in nghiêng trong ngoặc kép ở trên, đều trích của Phùng Hồng Kổn trong các bài “Chữ trên tranh Đông Hồ” đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 32 tháng 2 năm 2001; “Phương ngôn trên tranh Đông Hồ” đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 107 tháng 1 năm 2002; “Gà lợn trong tranh Đông Hồ” đăng trên Tạp chí Thế giới trong ta số 464 tháng 1 năm 2017. Tất cả các nội dung đó cũng được đăng trên Phungkon’blog (và đã có nhiều trang mạng chia sẻ).
3. Triết lý âm dương trong tranh Đông Hồ.
(Mục 3. này là quan điểm riêng của người viết bài, bạn đọc và các tác giả sách DTDGĐH tham khảo).
Người việt yêu thơ hẳn ai cũng nhớ câu thơ của thơ Hoàng Cầm: “Mẹ con đàn lợn âm dương, chia lìa đôi ngả. Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã, bây giờ tan tác về đâu? ”
Từ xa xưa, con người ở phương Đông qua trải nghiệm cuộc sống đã đúc rút ra triết lý âm dương. Ban đầu là những khái niệm rất cụ thể: Giống cái-âm, giống đực-dương, đất-âm (biểu tượng là hình vuông), trời-dương (biểu tượng là hình tròn), dần dần người ta đã tìm ra nhiều cặp đối lập phổ biến khác: Phía bắc lạnh-thuộc âm, phía nam ấm-thuộc dương; mùa đông-ấm, mùa hạ-dương; đêm-âm, ngày-dương và còn rất nhiều cặp âm dương khác: mềm-cứng; tĩnh-động; chậm-nhanh; tối-sáng… Về sau người ta lại phát hiện ra những quy luật cơ bản của nguyên lý âm dương:
– Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm có dương, trong dương có âm.
– Âm và dương luôn gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hoá cho nhau, âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương; dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm.
Thuyết âm dương biến hóa không ngừng: Thái cực sinh lưỡng nghi, lương nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Lưỡng nghi là âm và dương, tứ tượng là thái âm, thái dương, thiếu âm và thiếu dương. Bát quái là càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn , đoài.


Các nghệ nhân Đông Hồ đã ứng dụng lý thuyết này rất sáng tạo trong việc sáng tác mẫu tranh. Trên các con lợn trong các tranh lợn đàn, lợn độc, lợn ăn lá dáy, và cả con lợn trong tranh thổ công, táo quân, mỗi con đều có hai cái khoáy theo biểu tượng âm dương. Tranh rước trống cũng có biểu tượng đó trên mặt trống. Dưới đây là biểu tượng âm dương trên tranh Đông Hồ.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, Tranh Đông Hồ cổ, cũ luôn có đôi. Các thế hệ nghệ nhân làm tranh sau này từ các nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm (1914-2022), Nguyễn Đăng Sần (1918-1982), Nguyễn Hữu Sam (1930-2016), Trần Nhật Tấn (1938-2008), Nguyễn Đăng Chế (1937) có sáng tác một số mẫu tranh nhưng chủ yếu là tranh đơn. Hai nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm và Nguyễn Đăng Sần có sáng tác vài bộ tứ bình. Các nghệ nhân trẻ ở làng hiện nay cũng vậy, chỉ sáng tác tranh đơn. Như vậy việc sáng tác tranh đôi đã dừng lại (cho đến nay) ở hai nghệ nhân: Phùng Đình Năng (1912-1993) với các đôi tranh: “Văn minh tiến bộ – Thể dục trấn hưng”, “Huấn luyện bình dân học vụ” và Nguyễn Thế Lãm (1913-1978) với các đôi tranh: “Bảo vệ hoà bình – Kiến thiết quốc gia”, “Vang lừng tiếng hát tiếng hò”, “Việt Nam độc lập Bác Hồ muôn năm – Cùng nhau hát múa mấy bài , khải hoàn ngợi khúc xây đài vinh quang”.
Trong một đôi, hai tranh có cùng phong cách, bố cục, màu sắc, có khi hoàn toàn đối xứng. Chữ trên tranh (có thể là thơ, là câu đối) cũng là tín hiệu để nhận ra cặp đôi của tranh. Hai tranh nếu không phải là một đôi thì cố ghép cũng không thành. Bản thân hình thức đôi tranh như vậy đã thể hiện triết lý âm dương, nội dung nhiều đôi tranh lại càng làm rõ điều này, chẳng hạn: Ông tơ-bà nguyệt (ông tơ-dương, bà nguyệt-âm; Văn trường-Võ trường (văn-âm, võ-dương); Hứng dừa-đánh ghen (hứng dừa: êm đềm, hạnh phúc-âm, đánh ghen: bất hạnh, náo động-dương); Dạ xướng ngũ canh hoà-Nhật minh tam tác thụy (đêm-âm, ngày – dương)…
Cuốn sách DTDGĐH không nói gì tới triết lý âm dương. Trên bảng thống kê tranh Đông Hồ trong cuốn sách của Durand có một cột “thể thức” ghi: tranh bộ, tranh đơn; tranh đôi (nghĩa là các tác giả có thấy tranh đôi rồi, nhưng chưa khai thác sâu?). Trong sách có nhiều tranh đã được đặt cạnh nhau như “một đôi”, nhưng cũng có không ít đôi tranh bị tách ra mỗi nơi một bức. Nhiều tranh khác có đôi rất rõ ràng mà tác giả không nhận ra nên vẫn gọi nó là tranh đơn. Có một số tranh có đôi nhưng do tác giả sách chưa sưu tập được đầy đủ nên cũng gọi nó là tranh đơn.
Sau đây chúng tôi xin thống kê một số tranh trong sách DTDGĐH chưa được xếp đúng đôi, bổ sung tranh còn thiếu, nếu chú thích tranh chỗ nào chưa chính xác thì chúng tôi sẽ sửa lại.
3.1.Tranh 266. Thục An Dương Vương. Cặp đôi của tranh này là bức 274. Triệu Việt Vương. Trên hai tranh có đôi câu đối: Thần long hiến đâu mâu-Linh qui tứ thần nỗ (Rồng thần hiến đâu mâu (một loại mũ của võ tướng); Rùa thiêng ban nỏ thần). Rõ ràng đây là đôi tranh, từ bố cục đến chữ nghĩa. Cùng đề tài này Đông Hồ còn có đôi tranh Vua Hùng kén rể-Truyện đẻ trăm trứng (mà sách không có).
3.2. Tranh 267. Phù Đổng Thiên Vương.

Ghi chú: chữ trên tranh Phù Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân (chữ nho). Trên tranh không có chữ “Phù” (đọc từ trái qua phải) – thế thì mới đối được với vế kia: Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận, vế này ở tận số 279, màu không hợp đôi. Chúng tôi đưa một phiên bản khác, loại in nét rồi tô màu (một tranh ghi bằng chữ Hán hoặc Nôm một tranh ghi bằng chữ quốc ngữ thì không thể ghép thành đôi).
3.3.Tranh 268. Trưng Vương và tranh 270. Triệu Ẩu là một đôi, nên để cạnh nhau, điều chỉnh cho kích thước bằng nhau. Trên đôi tranh có câu đối: Trưng vương sát Hán tường-Triệu Ẩu trục ngô quân-rõ ràng là tín hiệu của đôi tranh.
3.4. Tranh 269. Trưng Vương trừ giặc Hán và tranh 272.Triệu Ẩu đánh quân Ngô là một đôi, nên để cạnh nhau. (tranh 272 bị thiếu chữ)
3.5.Tranh 271. Bà Triệu cưỡi voi, thiếu một vế: đối xứng sang bên phải.


3.6.Tranh 273. Ngô Vương Quyền (chữ nho), thiếu bức Trần Hưng Đạo, chúng tôi đưa lên đôi cùng màu:


3.7.Tranh 275. 276, 277, 278. Đinh Tiên Hoàng. thiếu cặp đôi, chúng tôi cũng chưa sưu tập được những bức còn thiếu này. Theo bản in cổ thì hai bức 275, 276 in trong sách đã bị cắt mất một phần bo rộng, đây là một sê-ri tranh khác biệt với tranh thông thường. Kích thước giấy vẫn là 26×37 cm nhưng phần khung bên trong tranh là 11x20cm, loại này (có các đôi tranh: Nghinh xuân-Đại cát; Đấu vật-Rước trống, Lơn ăn lá dáy) thường chỉ in hai màu và viền đen.

3.8.Tranh 280. Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên (chữ quốc ngữ), thiếu bức Ngô Vương Quyền đánh giặc Hán (chữ quốc ngữ). Thực ra đôi tranh này là dị bản của đôi tranh 273 ở trên, thay chữ nho bằng chữ quốc ngữ.

3.9.Tranh 296.Thầy đồ cóc. Ở dưới có ghi thêm: “Thường tranh Đông Hồ có từng cặp, đăng đối nhau”. Rất tiếc là các tác giả không khai thác sâu điều đó. Cặp đôi của tranh này là tranh 332 (rất xa nhau). Chúng tôi xếp lại để bạn đọc thấy rõ.

Sách ghi chú “Chữ trên tranh: “Lão oa giảng độc” (lão oa là con cóc già, “giảng độc” là dạy học)”. Trong chữ Hán âm oa có rất nhiều chữ. Chữ trên tranh (đọc từ phải sang trái) oa: là con ốc sên. Chữ oa này: mới có nghĩa là con ếch, cóc (theo từ điển Hán Nôm online). Thế mới biết chữ nho rất khó, chúng tôi phỏng đoán, tác giả đầu tiên của mẫu tranh này, người nghĩ ra ý tưởng bức tranh thì viết đúng, nhưng trải qua nhiều năm tháng, do tam sao thất bản, hoặc do nghệ nhân cắt ván đã nhầm lẫn, nghe “Lão oa giảng độc” cứ thế đưa vào một chữ oa mà chưa tra cứu thật kỹ, dẫn đến tình trạng này. Đôi tranh này thuộc loại kinh điển của Đông Hồ, được đưa lên Tem từ thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (cùng các đôi tranh Đấu vật-Rước trống; Hứng dừa-Đánh ghen).
3.10. Tranh 307 (trang 326). Trai tài ôm cóc tía; Gái sắc bế cầu xanh. (sách đánh số nhầm tranh này là 327). Đến phần Dị bản lại xuất hiện hai đôi tranh cùng tên của hai gia đình nghệ nhân khác nhau. Nếu cứ coi tranh của mỗi nhà (phân bố màu khác nhau) là một dị bản thì tranh nào cũng có vài dị bản, thế thì cuốn sách này dầy gấp nhiều lần. Chúng tôi cung cấp một dị bản thực sự, tô màu, có câu đối nôm: Chị cả vẫn vốn giàu; Anh chiêu dòng thế đại. Nghệ nhân chơi chữ theo kiểu nói lái – rất thú vị.


3.11. Tranh 313. Gà đàn. Trùng với một bức trong đôi tranh 320 .
3.12. Tranh 315. Gà đại cát. Thiếu bức gà Nghinh xuân. Bức gà Nghinh xuân này đến nay (đầu năm 2024) ở làng Đông Hồ cũng chưa có, chúng tôi tạm phục chế (bằng máy tính) tranh gà Nghinh xuân như sau (theo kiểu cố thì tranh này có bo rộng):
Chữ trên đôi tranh này là lời chúc: Đón xuân an lành.


3.13.Tranh 316. Dạ xướng ngũ canh hoà (đêm gáy năm canh đều đăn). Thiếu bức đối xứng: Nhật minh tam tác thụy (ngày gáy mang tới ba điều tốt lành). Giống như tranh gà đại cát, đến nay (đầu năm 2024) ở làng Đông Hồ cũng chưa có bức tranh gà Nhật minh, chúng tôi tạm phục chế bằng máy tính:


3.14.Tranh 317. Cúc kê. Thiếu bức đối xứng:

3.15.Tranh 318. 319. Gà thư hùng. Đây là một đôi, nên xếp ngang nhau.
3.16. Tranh 320.Gà đàn (theo đôi). Nên xếp ngang nhau, hai con gà mẹ quay vào nhau..
3.17.Tranh 322. Lợn ăn lá dáy. Thiếu bức đối xứng.
Đôi tranh này cũng thuộc sê-ri tranh có bo rộng, kích thước tranh 11×20 cm trên khổ giấy bình thường kích thước 26×37 cm. Tranh in trong sách DTDGĐH theo bản mới bo hẹp.


3.18.Tranh 323.Lợn độc. cũng thiếu bức đối xứng:
Kiểu đôi tranh đăng đối như thế này trong sách DTDGĐH có ở tranh 326. Lợn đàn. Ghi chú “mẫu của Bộ Văn hoá Pháp”- một lần nữa tiếc cho các tác giả sách không khai thác sâu vấn đề này.


3.19.Tranh 327. Quốc gia thịnh trị. Thiếu bức Thiên hạ thái bình.
Tranh Vinh qui bái tổ ở dưới là số 329, đánh nhầm thành 327.


3.20.Tranh 328. Cá đàn. Tranh này là phiên bản của tranh tranh 377 Lý ngư vọng nguyệt, thiếu tranh đối xứng.
3.21.Tranh 330. Đánh ghen. Cặp đôi của nó là tranh Hứng dừa ở vị trí 498. Đây là đôi tranh kinh điển của Đông Hồ, tranh đẹp, nội dung hóm hỉnh, sâu sắc, thể hiện rõ triết lý âm dương: Hứng dừa: êm đềm hạnh phúc thuộc âm; Đánh ghen sôi động, bất hạnh thuộc dương. Sách in mỗi nơi một tranh làm mất đi nửa giá trị. Xin xếp lại:


3.22.Tranh 331. Đánh ghen. Một phiên bản khác. Cặp đôi của nó là tranh Hứng dừa ở vị trí 499. Chữ trên tranh: “Trong như ngọc, trắng như ngà”, đối với “Nhân lão như tâm bất lão” Nôm đối với tự, rất hóm hỉnh.
Hai tranh Đánh ghen sau xếp trong mục “Tính dị bản của tranh Đông Hồ”. Cách trình bày như thế không nhất quán, làm người đọc rất khó theo dõi. Mà thực ra trong mục “Đề tài của tranh Đông Hồ” nhiều tranh đã có dị bản rồi, theo chúng tôi nên bỏ hẳn mục Tính dị bản đi (đưa nó vào từng tranh nếu có dị bản)


3.23. Tranh 334. 335. Truyện Trê cóc. Đây là một đôi, nên xếp ngang nhau, điều chỉnh kích thước bằng nhau.
3.24.Tranh 336. Cóc tây múa kỳ lân. Chú thích tên tranh sai. Đó là tranh Phụng lân , thiếu tranh Nghinh long.


3.25.Tranh 337. Chuột tàu rước rồng vàng . Thiếu Tranh Cóc tây múa kỳ lân. Đó chính là đôi tranh trên chỉ thay hai lá cờ cổ bằng cờ Pháp và cờ Trung Hoa Dân Quốc. Tranh Chuột Tàu nghệ nhân vẽ sai màu cờ Trung Hoa Dân Quốc. (sách DTDGĐH chọn tranh này in rất to ở đầu chương I ?). Sau đây là phiên bản tô màu:


3.26.Bộ tranh đôi 338. 339. Giai tứ khoái, gái bảy nghề. Đã xác định là đôi thì nên xếp ngang hàng, điều chỉnh cho kích thước như nhau.
3.27.Tranh 367. Truyện Quan âm. Bản in này bị cụt mất phần trên của miếu có chữ Hương tích; thiếu bức cặp đôi là Bạch Tước.
3.28.Tranh 398. Bịt mắt bắt dê, Tranh 399. Đu quay-Bắt chạch trong chum. Đôi tranh nhưng màu sắc khác xa nhau nên trông nó cọc cạch. Chú thích chữ trên tranh: “Đu đôi bắt chạch” thế mà lại gọi tên tranh là “Đu quay” là sai. “Đôi” là hai người nam nữ (“Trai co gối hạc khom khom cật. Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”-Hồ Xuân Hương). Tên đôi tranh đối nhau: Bịt mắt bắt dê-Đu đôi bắt chạch. (Sách Durand chú thích đôi tranh này cũng sai).
3.29.Tranh 400. Đấu vật. Cặp đôi với tranh 409. Rước trống. Sách chọn in không phải bản tranh cổ. Đôi tranh gốc như thế này (có bo rộng):


3.30.Tranh 410, 411. Chăn trâu thổi sáo và Thả diều. Đôi tranh này có nhiều phiên bản giống nhau hình vẽ, khác dòng chữ. Sách đưa bản này có chữ “Nhất tướng phúc lộc điền” đối với “Hà diệp cái thanh thanh” chưa chuẩn. Chúng tôi cung cấp bản (trích từ cuốn sách của Durand) ghi: “Vũ thu phong nhất dực” (Một cánh diều trong gió thu), vừa sát với nội dung tranh vừa đối với “Hà diệp cái thanh thanh” hay hơn. Ở đây nghệ nhân chơi chữ cả cách xếp đặt đối xứng. Tranh “Thổi sáo” đọc từ phải sang trái – như đọc chữ nho bình thường, nhưng tranh “Thả diều” đọc từ trái sang phải. Ngoài ra tranh thổi sáo còn có phiên bản ghi chữ: “Thiên thanh lộng địch suy” (trời xanh trong tiếng sáo).


3.31.Tranh 427. Canh điền nhi thực. 428. Nông sự khai cơ. Rõ ràng là đôi tranh cả về bố cục, màu sắc lẫn chữ nghĩa, tiếc rằng các tác giả sách không cho là một đôi-mặc dù ngay trước đó, tranh 425-426 đã được xếp là tranh đôi ?
3.32.Tranh 432. Tổ tôm điếm. Thiếu bức Sóc đĩa sòng. Đây là phiên bản tô màu.

3.33.Tranh 433. Nhảy đầm. Thiếu bức Đá bóng: Đây là phiên bản tô màu.


3.34.Tranh 434. Phong tục cải lương. Đây là dị bản của đôi tranh 98, 99 (tô màu) nằm ở mục Lịch sử tranh dân gian Đông Hồ. Sắp đặt như thế chưa hợp lý. Chúng tôi cung cấp đôi tranh in màu trên giấy điệp:


4. Các vấn đề khác
4.1. Tranh vẽ tay.
Nhắc tới tranh Đông Hồ là nhắc tới loại tranh in màu trên giấy dó quét điệp, chất liệu hoàn toàn được làm từ thiên nhiên-đó mới là “đặc sản” của Đông Hồ, không nơi nào trên đất Việt Nam cũng như thế giới có loại tranh này. Học sinh tốt nghiệp THPT ai mà không biết đến câu thơ của Hoàng Cầm (mà trong sách DTDGĐH cũng dẫn lại) “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong. Màu dân tộc sáng bừng trên giấy Điệp”. Còn tranh vẽ tay?
– Các tranh: Khổng Tử và 10 học trò, Phúc lộc thọ, Đại tự bát tiên: Đây là loại tranh thuỷ mặc, có xuất xứ từ Trung Quốc, được vẽ bằng mực nho trên (thường là) giấy roki. Ở nước ta tranh thuỷ mặc được nhiều người ở nhiều vùng khác nhau cùng vẽ chứ không chỉ ở Đông Hồ.
– Cuốn thư thì được làm rộng khắp hơn nữa, không chỉ vẽ trên giấy mà còn được làm bằng gỗ, gỗ sơn son thếp vàng, rồi cuốn thư đá, cuốn thư xây gạch…
– Ngoài ra còn một số tranh vẽ tay của các nghệ nhân sau này sách DTDGĐH xếp vào mục Tranh cổ động- rất chính xác. Những tranh này ghi lại dấu ấn của một thời, nó được in trên báo chí, có chức năng cổ động cho các phong trào mà nhà nước hoặc địa phương phát động. Đa phần các tranh này có rất nhiều chi tiết, thiếu chất thô mộc, dân dã của tranh cổ Đông Hồ.
Như vậy theo chúng tôi, đưa tranh vẽ tay ngang hàng với tranh khắc gỗ là chưa thoả đáng, chỉ nên nhắc qua như tranh Đồ thế, tranh Trổ giấy thôi. Tiện đây cũng nói thêm: Tranh khắc gỗ là nói chung, nó chia ra hai loại thì tranh in màu trên giấy dó quét điệp –theo chúng tôi-mới là quốc bảo, có giá trị cao hơn nhiều so với tranh in nét rồi tô màu (thường tô bằng phẩm nhuộm).
4.2.Những lỗi “ngộ nghĩnh”
4.2.1. Mời bạn đọc xem mấy bức tranh cùng chú thích:
– Tranh 308.Phúc lộc song toàn. “Hai em bé mỗi em cầm một con cá chép”:


– Tranh 310. Em bé ôm mèo.

Theo Từ điển:
“Cầm: Động từ: giữ trong bàn tay hoặc giữa các ngón tay. cầm bút viết; cầm xẻng; cầm tay nhau…
Ôm: Động từ: vòng hai tay qua để giữ sát vào lòng, vào người: ôm eo;
ôm con vào lòng; bé quàng tay ôm lấy cổ mẹ…
Cưỡi: Động từ: ngồi trên lưng hoặc vai, hai chân thường bỏ sang hai bên. cưỡi ngựa; thuyền cưỡi sóng ra khơi..”
4.2.2. Cuốn sách của M.Durand nói tới nhiều dòng tranh dân gian Việt Nam, các tác giả sách DTDGĐH đã tìm ra những tranh Đông Hồ trong sách đó và lập thành “Bảng xác định tranh Đông Hồ trong sách của M.Durand” (trang55). Trong bảng đó có vài từ rất ngộ nghĩnh.
– STT 93. Tên tranh “Xà tinh xuất hiện” cột thể thức ghi: Tranh bộ 5 chiếc từ 382-386.
– STT 98.Tên tranh. “Lễ hội kén phò mã”, cột thể thức ghi: Tranh bộ 4 cái từ 387-390.
– STT 109. Tên tranh “Các nhân vật chính”, cột thể thức ghi: Tranh bộ 4 chiếc từ 425-418
• Chiếc giày, chiếc tất, chiếc đũa… sao lại chiếc tranh?
• Cái cối, cái chày, cái rổ, cái giá… sao lại cái tranh?
Người ta thường gọi là tờ tranh, bức tranh hoặc chỉ một từ: Tranh. Có lẽ những nhầm lẫn trên là “lỗi đánh máy” ?
Làm sách khảo cứu là việc rất công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, khoa học. Một cuốn sách khá đồ sộ như thế mắc phải vài lỗi cũng là việc khó tránh, chúng tôi chân thành góp ý với các tác giả, mong được đọc sách tái bản chỉn chu hơn.

                         Phùng Hồng Kổn 

 

Tin cùng chuyên mục

MỸ THUẬT VIỆT SOI TỪ PHÍA KHÁC

(Lời dẫn trong cuốn sách cùng tên của tác giả Trần Hậu Yên Thế, Nhà xuất bản Mỹ thuật 2021) Lịch sử mỹ thuật Việt, ngay từ ban đầu, được ghi chép lại qua con mắt của những người xa lạ....

BÀN VỀ HỆ SINH THÁI DUYÊN HẢI TRÊN TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN (PHẦN MỘT)

  Bài thứ nhất: TRẢ LẠI TÊN CHO ẾCH Cho đến nay, sau hàng nghìn năm, nghệ thuật Đông Sơn vẫn làm chúng ta say mê, khâm phục và chứa đựng rất nhiều bí ẩn. Có rất nhiều loài động vật...

ĐẦU XUÂN NÓI CHUYỆN MÚA NGHÊ

  Nghi vấn từ bức tranh múa Lân Đông Hồ Bức tranh có nguyên văn chữ Hán là Phụng Lân, cho nên từ lâu được gọi là là tranh múa Lân. Chữ Lân đây là Kỳ Lân, một linh vật huyền...

ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA – MỸ THUẬT TẠI CHÙA PHƯỚC TƯỜNG, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

  Chùa là một trong những loại công trình kiến trúc sớm nhất ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng và hình thành từ thuở vùng đất Sài Gòn mới được khai khẩn do nhu cầu...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

NHỮNG NGHỆ SĨ KỲ LẠ, NHỮNG CÂU CHUYỆN KỲ LẠ, NHỮNG KỶ NIỆM KỲ LẠ (PHẦN 2)

  1. ÔNG ĐÀO HUY NGỌC, ÔI MỘT ĐỜI NGHỆ SĨ Thân tặng nữ họa sĩ H.T.N., người đã từng biết ông Đào Huy Ngọc Trong ký ức của tôi, hình bóng ông thoắt ẩn, thoắt hiện, lướt khẽ như ma. Ông...

CON ĐƯỜNG RIÊNG CỦA HỒ HỮU THỦ

  Ông được gọi là “thuật sĩ của sơn mài”. Trên báo Journal d’Extrême Orient  người ta so sánh ông với Chagall, với Henri Rousseau (*). Những bức sơn dầu và sơn ta treo ở nhà ông đậm chất lãng...

TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC IV (BẮC MIỀN TRUNG) LẦN THỨ 25 NĂM 2020

Triển lãm không tổ chức khai mạc và chấm giải thưởng qua ảnh chụp tại văn phòng Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tổng số tác phẩm dự chấm giải thưởng qua ảnh 130 tác phẩm của 123 tác giả trong đó...

Học hội họa theo lối hàn lâm ở Barcelona và Florence

  Hội họa ngày nay đã phát triển rộng lớn đến mọi tầng lớp người yêu hội họa. Xã hội phát triển đã thúc đẩy một phần không nhỏ từ những năng khiếu tuổi nhi đồng, thiếu niên cho...

Lịch tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ 24 năm 2019

,      ...