Trong khuôn khổ Triển lãm Nghệ thuật thiết kế quảng cáo Việt Nam, lần thứ nhất – năm 2024, sáng ngày 24/6, tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, Chi Hội đồ họa 2 – Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm cùng tên với chủ đề “Nghệ thuật thiết kế quảng cáo Việt Nam”. Sự kiện có sự tham dự của nhiều chuyên gia, các họa sỹ, những nhà thiết kế quảng cáo đến từ các đơn vị như Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học CMC…
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, “Nghệ thuật Thiết kế Quảng cáo Việt Nam 2024” là hoạt động đánh dấu việc lần đầu tiên diễn ra một triển lãm về nghệ thuật quảng cáo. Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao ý tưởng và đề xuất do Chi hội Đồ họa 2 xây dựng, đặc biệt chương trình có sự hỗ trợ đồng hành của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, sự quan tâm hưởng ứng của các chuyên gia, những nhà thiết kế quảng cáo đến từ nhiều đơn vị kinh doanh, đơn vị đào tạo nhân lực trong lĩnh vực quảng cáo, các họa sĩ chuyên và không chuyên trên cả nước. Tất cả đã gây cho triển lãm một sức hút, được đông đảo đối tượng quan tâm, đặc biệt là công chúng trẻ, khẳng định sự thành công của triển lãm, dù là lần đầu tiên tổ chức.
Thay mặt Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội ghi nhận sự sáng tạo và năng động của Ban tổ chức đã thực hiện được triển lãm trong thời gian ngắn nhưng đảm bảo chất lượng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Theo ông, quảng cáo là để chuyển tải thông điệp, để mọi người nhận biết, cảm nhận và tiếp thu…
Mỗi sản phẩm quảng cáo là một tác phẩm nghê thuật trong mỹ thuật ứng dụng.
Mỗi tác phẩm thiết kế quảng cáo cần hội đủ 7 yếu tố: Sáng tạo độc đáo, khác lạ…; Gây ấn tượng ngay trong 3 giây đầu tiên; Chuyển tải được nội dung cô đọng…; Phù hợp xu thế thời đại của từng đối tượng thụ hưởng…; Không gây phản cảm, trái thuần phong mỹ tục…; Tạo sự kích thích khám phá và tò mò cho số đông; Và cuối cùng là tạo sự mong muốn được trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ (mua sản phẩm)…
Họa sĩ Lê Tâm đến từ báo Văn nghệ Công an nhân dân cũng tự đặt câu hỏi: Công nghệ số có thực sự là kẻ cướp nghề của các họa sĩ không?
Theo ông, máy tính sinh ra cũng chỉ để làm trợ thủ cho họa sĩ mà thôi. Xét cho cùng, nội dung quảng cáo muốn “đốn tim” thì cũng phải lấy mỹ thuật dẫn dắt. Mọi ý tưởng giời bể đều bắt đầu từ nét phác thảo bút chì.
Ông cũng dẫn chia sẻ của tiến sĩ quản trị kinh doanh thương hiệu Nguyễn Hồng Lan về vai trò của nghệ thuật trong thiết kế quảng cáo như sau:
“Ý tưởng hay phải có hình ảnh chạm cảm xúc. Não vốn là cơ quan nhiều lý lẽ và nghĩ ngợi nhiều làm hao mòn trực cảm, dẫn đến nhiều sai lầm. Mô hình tháp AIDA cho thấy 4 bước cho tác động làm đối tượng phải: Một là chú ý, hai là hứng thú, ba là mong muốn, bốn là ra quyết định hành động. Phần nhiều quyết định của khánh hàng đều bắt đầu từ cảm xúc chứ không phải lý lẽ. Tim thúc đẩy hiệu quả hơn não. Một tác phẩm quảng cáo thường đưa đẩy tim lên vị trí của não một cách tích cực. Từ cảm động tới hành động ra quyết định chỉ là một tích tắc. Để có hình ảnh “chạm” trái tim thì không ai giỏi hơn các họa sĩ. Thứ tự ưu tiên thị giác tự nhiên bao giờ cũng là hình trước, chữ sau, động trước, tĩnh sau, lớn trước bé sau… Bắt đầu từ hình ảnh tĩnh 2D rồi mới động và có thể dùng các ngôn ngữ 3D và các ngôn ngữ hình ảnh khác. Ngôn ngữ dẫn lối cần thời lượng nhất định, hình ảnh dẫn dắt chỉ là một khoảnh khắc. Tốc độ của thông điệp hình ảnh là tốc độ ánh sáng”.
Thạc sĩ Bùi Minh Hải, giảng viên khoa Thiết kế Đồ họa, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho rằng: Nghệ thuật quảng cáo trong thời đại công nghệ số không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những thông điệp tiếp thị đơn giản, mà còn là sự kết hợp của sáng tạo, công nghệ và tương tác với người tiêu dùng. Trong kỷ nguyên số, nghệ thuật quảng cáo tại Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc, không chỉ về công nghệ mà còn về tư duy sáng tạo. Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và sự sáng tạo của con người đã tạo ra những chiến dịch quảng cáo hiệu quả, tiếp cận đúng đối tượng và truyền tải thông điệp một cách mạnh mẽ.
Người thiết kế đồ họa không chỉ là những nghệ sĩ mà còn là những nhà chiến lược, biết cách tận dụng công nghệ để tối ưu hóa hiệu quả công việc. Họ là những người hiểu rõ ngữ cảnh văn hóa, cảm xúc của người tiêu dùng, và có khả năng tương tác, hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan để tạo ra những chiến dịch quảng cáo thành công. Trong bối cảnh kinh tế và xã hội không ngừng thay đổi, người thiết kế đồ họa phải không ngừng học hỏi, đổi mới và thích nghi với những xu hướng mới. Sự sáng tạo không ngừng và khả năng ứng biến linh hoạt chính là chìa khóa giúp họ duy trì và phát triển vai trò của mình trong ngành quảng cáo.
Thạc sĩ, NCS Trương Thị Thu Thủy, Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại Học Quốc Gia Hà Nội lấy sự kiện Starbucks Red Cup Day để khẳng định: Starbucks là một trong những thương hiệu nổi tiếng không chỉ với những thức uống thơm ngon mà còn bởi những chiến dịch truyền thông và thiết kế quảng cáo sáng tạo, thu hút sự chú ý và yêu thích của đông đảo khách hàng. Song hành với kỹ thuật truyền thông thì không thể không kể đến phần thiết kế đồ hoạ. Hãy biến thiết kế thành vũ khí bí mật cho chiến dịch truyền thông của thương hiệu và cùng chinh phục những đỉnh cao mới trong thị trường đầy cạnh tranh.
Họa sĩ Nguyễn Minh Kiên, phó khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Đại học CMC cho rằng: họa sĩ với vai trò chủ thể của sáng tạo nghệ thuật tạo ra những tác phẩm chân thực và ứng dụng vào thực tế, vì vậy cần theo kịp sự phát triển của thời đại, đồng thời làm phong phú thêm hình thức biểu đạt nghệ thuật thể hiện dấu ấn cá nhân. Thay vì những phác thảo vẽ tay mất khá nhiều thời gian, chúng ta có thể tạo những phác thảo trên thiết bị di động, máy tính bảng… có thể điều chỉnh dễ dàng và đáp ứng trên mọi nền tảng bao gồm ấn phẩm và nền tảng số hóa. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thúc đẩy sự phát triển của các loại hình nghệ thuật mới, trở thành xu hướng phát triển của nghệ thuật hiện đại. Các thế hệ họa sĩ kế tiếp chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, phát huy giá trị của công nghệ số kết hợp tư duy thẩm mĩ, cập nhật tính thời đại là tiêu chí cốt yếu cho nghệ thuật phát triển bền vững.
Tham gia triển lãm Nghệ thuật thiết kế quảng cáo Việt Nam lần thứ nhất năm 2024, họa sĩ Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội liên hiệp VH, NT tỉnh Yên Bái viết: Dự triển lãm lần này tôi mới thấy được nghệ thuật thiết kế quảng cáo và in ấn của Việt Nam ngày càng được tiếp cận với các nước đang phát triển, đổi mới và hiện đại từ chỗ lạc hậu khó khăn như chiếc máy tính “còn nằm mơ” như tôi cách đây hơn 20 năm thì nay về Hà Nội trong triển lãm được xem các tác phẩm xuất sắc của các em sinh viên các trường Đại học mỹ thuật công nghiệp; Đại học Kinh doanh & Công nghệ; Đại học CMC… tại triển lãm mới thấy sự hiện đại của nghệ thuật thiết kế quảng cáo, công nghệ in ấn và các phương tiện hiện đại ngày nay… càng xem càng thấy mình còn thiếu, còn lạc hậu…
Phát biểu chia sẻ tại buổi tọa đàm, họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, cho rằng: Nghệ thuật quảng cáo không chỉ là sản phẩm của nghệ thuật mà còn là sản phẩm đa phương tiện bao gồm kỹ thuật, mỹ thuật, ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh, ánh sáng trên cơ sở các nền tảng văn hóa khác nhau, quảng cáo còn như một quá trình “trung gian kết nối” các khía cạnh xã hội… của bất cứ nền kinh tế thị trường nào, ngoài chức năng là đường dẫn, kết nối các nhà sản xuất, dịch vụ với khách hàng… Quảng cáo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng, xây dựng thương hiệu và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Khi hiểu được vai trò vô cùng to lớn của các họa sĩ thiết kế, hiểu được tâm tư của rất nhiều họa sĩ thiết kế, các designer. Các đơn vị, công ty quảng cáo, các doanh nghiệp, dịch vụ…. cần có một sân chơi để công nhận, kết nối, gặp gỡ giao lưu giữa các họa sĩ, nhà thiết kế, các kỹ sư công nghệ, các nhà doanh nghiệp… Chi hội Đồ họa 2, Hội Hội Mỹ thuật Việt nam, đã quyết định tổ chức một triển lãm đầu tiên trên quy mô toàn quốc, nhằm thu hút, mời gọi sự tham gia của các họa sĩ chuyên nghiệp, các sinh viên ưu tú đã, đang làm các công việc thiết kế quảng cáo… cùng hội tụ và sẻ chia, cùng nhau giới thiệu nghệ thuất thiết kế quảng cáo từ thô sơ đến hiện đại, từ tối giản đến tối đa kỹ thuật, với rất nhiều phong cách và kỹ thuật thể hiện được phô diễn trên các sản phẩm quảng cáo, to, nhỏ, lớn, bé các thể loại, có thể nói “Triển lãm Nghệ thuật quảng cáo Việt Nam 2024” là một cuộc trình diễn, một cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên của các họa sĩ đồ họa, các designer trong nghành quảng cáo Việt Nam 2024.
PV.