ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA – MỸ THUẬT TẠI CHÙA PHƯỚC TƯỜNG, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

Chùa là một trong những loại công trình kiến trúc sớm nhất ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng và hình thành từ thuở vùng đất Sài Gòn mới được khai khẩn do nhu cầu tâm linh luôn song hành với nhu cầu sinh hoạt của con người. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử đến nay, không còn nhiều những công trình kiến trúc chùa cổ được lưu giữ nguyên vẹn trên thành phố này do sự tàn phá của thời gian hay do những lần trùng tu theo thị hiếu tâm linh hiện đại dần của con người. Thế nên bài viết hôm nay xin nhắc đến một di tích hiếm hoi mà nét đặc trưng văn hóa- mỹ thuật thể hiện rất rõ qua di tích chùa chiền, đó là chùa Phước Tường, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa Phước Tường trước đây có tên là Phước Quan, là một ngôi chùa cổ có niên đại gần 300 năm, tọa lạc ở số 13/32 đường Lã Xuân Oai, Phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một ngôi chùa theo phái Bắc Tông, là ngôi tổ đình danh tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh,được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận và cấp bằng ngày 27/7/1993 và công nhận là di tích kiến trúc mỹ thuật theo quyết định VH/QĐ 43 ngày 7/1/1993.

Hình 1

Về lịch sử xây dựng, chùa đã lưu truyền một huyền thoại rằng khi xưa vùng đất này là một vùng đất hoang, cây cối um tùm và nhiều thú dữ. Nhà cửa thưa thớt, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn trên vùng đất mới. Chùa được dân làng chung sức dựng lên để có chỗ dựa tinh thần tín ngưỡng. Vào một đêm nọ, có một con hổ đi ngang chùa nhìn thấy tượng ông Hộ Pháp đứng trước sân chùa, hổ lao tới vồ lấy. Sáng ra, các vị tăng trong chùa thấy xác hổ nằm chết cạnh pho tượng bị gãy mất một cánh tay. Các tăng sĩ bèn đem xác hổ ra sau vườn chùa chôn cất, còn tượng Hộ Pháp thì chôn trong sân chùa rồi xây tháp.Từ đó, trên sân chùa có một ngôi tháp, dân làng thường xuyên cúng bái, cầu xin mọi chuyện tốt lành, tai qua nạn khỏi đều được linh ứng. Do vậy, chúng sinh, Phật tử xa gần thường xuyên đến chùa cúng bái. Cái tên Phước Tường (Phước lành đem đến cho muôn dân)cũng từ đấy mà ra.Điều này cũng cho thấy nét tiêu biểu của di dân phương Nam xưa thuở đi mở đất, một vùng đất hoang vu ngút ngàn nhiều cọp, đầm lầy đầy ấp muỗi mòng, rắn rít, kinh rạch đầy ấp cá sấu chờ mồi

“Tới đây xứ sở lạ kỳ

Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”

(Ca dao)

Chùa được Thiền sư Linh Quang – Phật Chiếu sáng lập vào năm 1741. Ban đầu, chùa ở gần chợ Tăng Nhơn Phú. Đến năm 1834, chùa được dời về địa điểm hiện nay. Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Hiện trạng ngôi chùa ngày này là kết quả của những đợt trùng tu vào những năm 1930, năm 1952 và năm 1991. Tuy nhiên, chùa Phước Tường vẫn còn giữ được vẻ đẹp cổ xưa.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các ngôi chùa đều có đường nét rất khác nhau, tuy nhiên mỗi ngôi chùa đều mang vẻ đẹp đặc trưng của nó. Sánh ngang hàng với các chùa cổ xưa, nổi tiếng nhất ở nơi đây như Giác Lâm, Giác Viên, Phụng Sơn, chùa Phước Tường vẫn còn giữ lối kiến trúc truyền thống trong một không gian rộng lớn, đầy nét thiên nhiên, được điểm tô với nhiều họa tiết điêu khắc vô cùng tinh vi, sắc sảo.

Bước vào chùa, du khách sẽ đi qua cổng tam quan theo lối kiến trúc truyền thống của nhiều chùa Việt Nam (hình 1). Tổng thể kiến trúc chùa qua về hướng nam, là hướng phổ biến của các ngôi chùa nam bộ, vì đây là hương Bát Nhã, hướng của trí tuệ, của sự quáng chiếu tượng trưng cho sức mạnh trí tuệ giúp người tu hành diệt trừ u mê, phát triển thiện tâm. Cổng tam quan của chùa được xây dựng quay về hướng Bắc vào năm 1990 bởi hòa thượng trụ trì Thích Bửu Ngọc. Do đó, không giống như các ngôi chùa khác với kết cấu tiền điện và chánh điện nằm ở phía trước gần cổng chính, tiền điện và chánh điện của chùa Phước Tường nằm ở phía sau cách xa cổng.

Chùa có  kiến trúc được bố trí theo chữ “L” ngược- một kiểu công trình kiến trúc phổ biến ở Thành phố Hồ Chí Minh vào thế kỷ XVIII- XIX, chia làm trục chính và trục phụ. Đầu tiên là Tiền Điện, Chính Điện, Tổ Đường, Giảng Đường, sân viên tĩnh rồi tới Trai Đường. Chính Điện và Trai Đường chùa Việt được bố trí “bát dần” nối tiếp nhau không nằm riêng lẻ, tuy nhiên Trai Đường ở đây được xây cất rộng rãi (khác với chùa Bắc và chùa Trung Bộ). Không gian chùa thoáng đãng và có nhiều cây xanh, đa phần trồng cây ăn trái với nhiều hoa kiểng tạo nên cảnh trí hữu tình mang sắc thái Nam Bộ, tách biệt với không gian đô thị ồn ào tại một thành phố đứng đầu về kinh tế ở Việt Nam. Đây là điểm đặc trưng của khuôn viên chùa Nam Bộ, trong khi đa số các vườn chùa truyền thống của Việt Nam trước đây, chủ yếu, thường trồng cây lâu năm có giá trị.

Kiểu khung sườn để dựng chùa cũng là một nét kiến trúc đặc sắc cần được đề cập. Có thể nói chùa Giác Lâm, Giác Viên, Phước Tường, Phụng Sơn là những ngôi chùa điển hình cho kiểu khung sườn chịu lực thuần gỗ còn nguyên vẹn từ thế kỷ XVIII còn tồn tại đến ngày nay. “Bộ sườn kết cấu tương đối đơn giản hơn các chùa Đàng Ngoài. Các vì kèo nối với nhau tạo thành bộ khung hình tứ tượng, kẻ chuyền nối nhau ở đỉnh, mái, tạo thành những lá kèo, định vị với nhau bằng con xỏ, có chồng cối đỡ ở giữa. Kẻ chuyền luôn được thả và gác lên được cột và cũng được định vị bằng con xỏ” (1).

Hình 2

 

Kiến trúc mặt tiền của khu vực Tiền Điện dễ khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh quen thuộc của những ngôi nhà cổ ba gian thường thấy của Nam bộ vào thế kỷ XVIII- XIX. Chính điện của chùa là kiểu nhà dân gian truyền thống với cấu trúc một gian hai chái, bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ. Bốn cột này tạo nên một khoảng nên hình vuông, khác với tứ trụ tạo thành hình chữ nhật của nhà rường dân dụng. Và với khoảng nền hình vuông, không giang nội thất được mở rộng đều ra bốn phía, lấy trọng tâm ở giữa là tiêu điểm quan trọng nhất, vuông vức và không lệch bốn phương tám hướng. Không gian hình vuông ấy tạo nên sự hội tụ linh khí trời đất vào trung tâm, tạo nên sự thiêng liêng dành cho việc thờ Phật và các vị Bồ tát và sự chuyên tâm cho người tu hành. Việc sử dụng kiểu nhà tứ trụ để làm chánh điện thờ Phật xem như một chuẩn mực phổ biến đối với các chùa cổ Nam Bộ.

Phía trước, trong khoảng sân rộng là một lư hương lớn, trên mái ngói có đôi rồng chầu mặt trời quen thuộc vẫn thấy ở các kiến trúc chùa Việt. Bộ sườn mái là hệ thống rui, mè bằng gỗ, bên trên lợp ngói âm dương. Bốn mái: trước- sau và hai bên tạo cho tổng thể chùa có hình dáng thanh thoát, nhẹ nhàng. Các mái đều xuôi, ở các đầu đao có hình dạng  sắc cạnh không uốn cong như chùa miền Bắc. Ngói mũi hài đã được thay thế bằng mái máng xối âm dương để cho nước thoát mạnh khi có mưa rào. (hình 2)

Lối vào bên trong chùa thông qua các cánh cửa gỗ mộc mạc, đối lập với các chi tiết chạm nổi bên trong chùa. Từng cột gỗ chạm trổ tinh xảo với các họa tiết chim muôn và hoa mai, sen, cúc, trúc tinh tế rất Việt Nam tạo nên nét đặc sắc, cổ xưa của ngôi chùa, góp phần tạo cảm giác thiền định, thanh tịnh cho du khách.

Trung tâm tiền điện là Bàn thờ Kim Cang Tát Đỏa Bồ Tát và hai vị thần hộ pháp, hai bên là trống Bát Nhã và Đại Hồng Chung. Đại Hồng Chung là di vật cổ xưa từ khi thành lập chùa, với các nét chạm trổ rất tao nhã và công phu. Giá treo chuông cũng được khắc họa tiết rồng uốn lượn với nhiều chi tiết dày đặc.

Bức hoành phi với dòng chữ Phước Tường Tự là điểm nhấn của tiền điện, có giá trị lịch sử cao, có niên đại từ đời vua Minh Mạng năm 1834. Phía dưới là bao lam được chạm trổ vô cùng tinh tế theo các đề tài tạo hình xoay quanh chim hạc và cây tùng, tứ linh, chim trĩ và hoa mẫu đơn, chim phượng và hoa sen hòa quyện vào nhau trong một bố cục chặt chẽ, thể hiện sự điêu luyện trong kỹ thuật chạm lọng của nghệ nhân xưa. Các chi tiết vô cùng tinh vi, tỉ mỉ, cẩn thận trong việc miêu tả và thể hiện sự khéo tay, kỷ thuật đạt đến đỉnh cao của nghệ nhân điêu khắc nam bộ xưa.

Bàn thờ đặt ở nơi chính điện của chùa, có nhiều tượng cổ từ lâu đời như tượng: Phật Bổn Sư Thích Ca, Tam Thế Phật, Phật Di Lặc, Hai ông Thiện – Ác, Ngọc Hoàng Thượng Đế và rất nhiều tượng Phật khác. Chính giữ Chính Điện là một bao lam lớn, chạm trổ long lân quy phụng rất đẹp. Trước Chánh điện có hàng cột chạm khắc thân hình rồng vàng uốn lượn với những câu đối cổ.

Chùa Phước Tường cũng như các chùa ở Nam bộ đều bày trí theo kiểu “Tiền Phật Hậu Tổ” nên phía sau bàn thờ Chính Điện là bàn thờ Tổ, ở đây có thờ Tổ sư Đạc Ma và chín vị sư trụ trì đời trước của chùa. Khác với các chùa Bắc Bộ, bàn thờ Tổ cũng ở sau Chính điện nhưng phải nằm trong một gian khác và cách Chính điện một khoảng sân.

Sau Chính Điện là Giảng đường. Đây là nơi các thầy trong chùa học tập và tiếp khách từ phương xa đến. Điểm nhấn tạo sự uy nghi, trang nghiêm ở nơi đây là hai tác phẩm điêu khắc gỗ hình rồng nằm trên vách cao sát trần. Ngoài ra, giảng đường còn có tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn với nhiều chi tiết tinh xảo sống động.

Hình 3

Phần cuối của chùa là Trai Đường, là nơi các cư sĩ nghỉ ngơi và là nơi đãi cơm cho các Phật tử vào dịp lễ.Tại Trai Đường có bàn thờ Mẹ thai sanh hay dân gian vẫn gọi là Mẹ Sanh Mẹ Độ luôn phù hộ cho những gia đình hiếm muộn được có con hoặc độ cho những trẻ hư lành tính lại.Sự tích về 12 Bà Mụ trong sách “Lược khảo về thần thoại Việt Nam”(2): đó là các thần giúp việc cho Ngọc Hoàng từ lúc ông ta có ý định sáng tạo ra loài người. Nhưng cũng có thuyết lại cho đó là những thần được Ngọc Hoàng giao phó trách nhiệm sau khi ông đã sáng tạo ra đủ số lượng người và vật ở hạ giới.” Nhìn chung, Mụ Bà theo truyền thuyết cũng được giải thích bằng nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằngMẹ Sanh Mẹ Độ là những vị thần có trách nhiệm nắn lại cơ thể cho một người nào đó khi được lệnh đầu thai. Đây là một tập thể chịu trách nhiệm chung cho công việc tạo ra hình hài cho con người. Một quan điểm khác thì tin rằng mỗi Bà Mụ sẽ lo một việc riêng: người nắn tai, người nắn mắt, người nắn tứ chi, người dạy trẻ cười, người dạy trẻ nói… Một quan niệm khác của người Phương Nam thì cho rằng: công việc của mười hai Bà Mụ làluân phiên nhau lo việc thai sản trong mười hai năm, tính theo “thập nhị chi”- tức mười hai con giáp. Các bức tượng Mụ Bà ở chùa Phước Tường ngày nay. Hai bên bàn thờ là một đôi liễng long giáng rất tinh xảo, ít thấy ở các chùa khác trong thành phố.Hai đầu rồng ở thấp bên dưới hướng vào bàn thờ, nét mặt hiền hòa nhưng rất uy nghiêm, thân rồng uốn dọc theo cột, vẩy rồng được các nghệ nhân đặc tả rất tinh tế, chen lẫn với các họa tiết mây mềm mại. Bên dưới đầu rồng, có thêm hình tượng rùa cưỡi sóng. (hình 3)

Đối diện bàn thờ Mẹ Sanh – Mẹ Độ là tượng Thị Kính đứng bồng con. Tượng miêu tả lại sự tích Quan Âm Thị Kinh, đây là sự tích được truyền bá rộng rãi trong dân gian.  Về niên đại thời gian, loại tượng thể loại này xuất hiện từ thế kỷ XVIII-XIX, vể tạo hình của tượng có thể xem là sự đổi mới, một hính thức sáng tạo khác của tượng Quan Âm tọa sơn.

Trải qua bao thời gian, Phật Tử thập phương đã cùng các chư tăng nơi đây góp nhiều công xây dựng và trùng tu ngôi chùa này. Vì thế chùa Phước Tường không chỉ đẹp về văn hóa và mỹ quan mà nơi đây luôn có một bầu không khí thật ấm áp, chan hòa. Chùa cổ Phước Tường thật sự đã lưu giữ những giá trị lịch sử được hình thành thông qua sự chi phối của kinh tế, chính trị, xã hội cũng như những đóng góp của cư dân. “Trẻ vui nhà già vui chùa”(Tục ngữ)

Khi người ta càng lớn tuổi, khi những bộn bề công việc khép lại thì tôn giáo là nơi để người ta trải lòng, là nơi để người ta chiêm nghiệm cuộc đời, là “cõi về” ở cuối mỗi đời người. Nếu “sóng gió” không làm người ta trưởng thành thì đất Phật là nơi giúp một tâm hồn trở nên bình lặng. Nếu náo nức của đô thị làm người ta mệt mỏi thì chùa là nơi mang đi những ưu phiền của tâm hồn. Phước Tường Tự là một nơi như vậy. Từ nhiều năm qua, ngôi chùa này đã là chỗ dựa của biết bao tăng chúng và Phật tử cả về vật chất lẫn tinh thần. “Lên chùa thấy Phật muốn tu” là câu tục ngữ ứng với những cư dân quận 9 về chùa Phước Tường. Không còn xa lạ với bối cảnh đêm về, nhất là vào những ngày rằm hay các dịp lễ đặc biệt của Phật giáo, chùa Phước Tường lúc nào cũng đông đúc và ấm cúng trong không khí của nhang, đèn và lòng người. Bởi vậy, trân trọng và giữ gìn những công trình kiến trúc như chùa Phước Tường một mặt là người dân đã bảo vệ một di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhưng mặt khác là người dân đã tự mình chọn lấy cho bản thân một nơi để tinh thần được nương tựa.

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng hiện nay thì nếp sống văn hóa truyền thống càng rất dễ bị mai một hay chệch hướng nên người dân nói chung và cộng đồng Phật tử nói riêng rất cần tìm về những nơi là cội nguồn của sự an lành trong tâm tưởng. Công trình kiến trúc cổ chùa Phước Tường có thể xem như một viện bảo tàng hiện đang lưu giữ những giá trị văn hóa- mỹ thuật đắt giá, xứng đáng là nơi sẻ chia những phiền muộn đời thường của con người. Không chỉ chờ vào ý thức của người dân, nhà nước ta đã đưa ra các quy định về việc bảo tồn các di sản văn hóa trong“Luật Di sản Văn hóa Việt Nam 2001”: “Di sản Văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng và các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của Di sản Văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”(3). Vì thế mỗi người dân chúng ta phải luôn coi bảo vệ di sản văn hóa là niềm vui và trách nhiệm của chính mình.

Phan An

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh”, 1993, Nguyễn Quảng Tuân – Hồng Lứa – Trần Hồng Liên, Nxb Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Nguyễn Đổng Chi, Lược khảo về thần thoại Việt Nam, 1956
  3. “Luật Di sản Văn Hóa Việt Nam” năm 2001.

 

 

Tin cùng chuyên mục

Về cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”

Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” (sau đây xin viết tắt là DTDGĐH) của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà...

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Triển lãm “Những người khổng lồ mong manh”

Những bức tượng động vật khổng lồ đã xuất hiện dọc đại lộ Haussmann trong cuộc triển lãm ngoài trời “Những người khổng lồ mong...

Triển lãm mỹ thuật “Giao mùa”

...

Thông báo của Ban Chấp hành TW Hội Mỹ thuật Việt Nam về Đại hội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019 – 2024)

  HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                         CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM      Số: 119/19/BTV                                             Độc lập –...

Trưng bày hơn 80 tác phẩm hội họa về đất nước

(ĐCSVN) – Triển lãm “Đất nước tôi” giới thiệu tới công chúng hơn 80 tác phẩm hội họa thuộc thể loại tranh phong cảnh, được sáng tác từ năm 1930 đến năm 2007 của nhiều danh họa trong...

Họa sĩ Đào Trọng Lý trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 55 bức tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Thái Việt tại tỉnh NakhonPhanom (Thái Lan) tổ chức triển lãm “Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ” nhân kỷ niệm 134 năm...