ĐẦU XUÂN NÓI CHUYỆN MÚA NGHÊ

 

Nghi vấn từ bức tranh múa Lân Đông Hồ

Bức tranh có nguyên văn chữ Hán là Phụng Lân, cho nên từ lâu được gọi là là tranh múa Lân. Chữ Lân đây là Kỳ Lân, một linh vật huyền thoại đặc trưng của văn hóa Trung Hoa. Kỳ là con đực, Lân là con cái, dù đực hay cái thì đầu luôn có sừng – một hoặc hai, là loại sừng mềm. Thân mình phủ kín lớp vảy như vảy cá. Đối chiếu Kỳ Lân, con vật linh trong bức tranh Phụng Lân (Đông Hồ) không hề có những đặc trưng tiêu biểu của linh vật này. Đầu không có sừng, mình cũng không có lớp giáp như vảy cá.
Khi nghiên cứu về bức tranh này, trong cuốn sách “Tranh dân gian Việt Nam“, Maurice Durand không có bình luận gì, ông chỉ dịch dòng chữ Hán phụng lân là rước lân. Nhưng cũng bức tranh này, trước đó (tr.82), ông lại chú thích là múa sư tử. Sau Durand, các nhà nghiên cứu Việt Nam tiếp tục kế thừa cách định danh này. Trang Thanh Hiền, trong cuốn “Tranh Tết, nét tinh hoa truyền thống Việt” mới xuất bản năm 2019 cũng giữ nguyên tên gọi “Múa Lân”.
Để có thể thảo luận sâu hơn về vấn đề tên gọi và thực chất của diễn xướng dân gian trong bức tranh này, xin được khái quát vắn tắt về điệu múa Kỳ lân ở Trung Hoa.
Trung Hoa coi Kỳ lân là linh vật đứng đầu tứ linh. Theo nghiên cứu của các học giả Trung Hoa, múa Kỳ lân có nguồn gốc từ cung đình thời Minh. Sau khi nhà Minh bị nhà Thanh tiêu diệt, một vũ sư múa Lân của Hoàng cung trở về quê nhà ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Từ đó tiếp tục lưu truyền hậu thế và phát triển về phía Nam (đặc biệt là Quảng Đông).
Múa Kỳ lân kết hợp âm nhạc, vũ đạo, võ thuật, nghệ thuật trang trí, là báu vật cổ truyền của dân tộc Trung Hoa. Tháng 2 năm 2007, “Vũ điệu Kỳ lân” ở huyện Sui đã được đưa vào di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Henan. Vũ điệu Kỳ lân ở Lankao, Huanghua và Haifeng chính thức được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Trung Hoa” năm 2008. Tạo hình đặc trưng của múa Kỳ lân là đầu Kỳ lân gần giống đầu rồng nhưng có một sừng, thân được phủ vải màu lấp lánh, hoa văn theo kiểu vảy cá. Thân Kỳ lân thường dài chừng 3m, rộng 2m. Đặc biệt là Kỳ lân trong điệu múa của người Guanlan dài từ 5m-6m. Ở Việt Nam, chỉ có múa Lân ở cung đình Huế thời Nguyễn mới đúng là kiểu cách múa Lân. Nhà Nguyễn đề cao những giá trị tinh hoa Hoa Hạ, cố gắng bảo lưu nhiều truyền thống nghệ thuật thời nhà Minh.

Tranh Phụng Lân – Đông Hồ

 

Múa sư tử – Sưu tập của Bảo tàng Đại học Nghệ thuật Tokyo
Tác giả Trần Hậu Yên Thế cùng tác phẩm Tượng nghê đội tòa sen chùa Bà Tấm

 

Đầu Lân Việt Nam đầu thế kỷ XX trong sưu tập của Bảo tàng Quai Branly, Paris

Vậy đó có phải là múa Sư tử (?)
Như đã trình bày ở trên, trong sách của Durand, cũng một phiên bản khác của bức tranh này đã được Durand gọi là múa Sư tử. So với múa Kỳ lân, múa Sư tử có lịch sử lâu đời, được ghi lại từ rất sớm trong thư tịch Trung Hoa. Đây là loại hình nghệ thuật biểu diễn tạp kỹ có nguồn gốc Trung Á. Những văn bản sớm nhất ghi về hoạt động biểu diễn này có các tác phẩm như 《漢書禮樂誌》/ Hán thư lễ nhạc ký、唐史書《通典》/ Đường sử thư (Thông điển)、《舊唐書‧音樂誌》/ Cựu Đường thư. Âm nhạc chí、《樂府雜錄.龜茲部》/ Lạc phủ tân lục. Quy Từ bộ. Nhà thơ Bạch Cư Dị thời Đường trong bài “Tây Lương kỹ” cũng đã mô tả về nghệ thuật này. Truyền thống này vẫn còn bảo lưu ở tộc người Hồi ở huyện Hạt ở Henan. Bởi tổ tiên họ là những người Ba Tư tới đây từ thời Hán nên vẫn còn bảo lưu được truyền thống múa Sư tử cổ xưa cho đến tận hôm nay.Dần về sau múa sư tử trở thành nghệ thuật biểu diễn dân gian truyền thống của Đông Á, ngoài Trung Quốc còn có thể kể thêm một loạt nước như Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên (bao gồm cả Hàn Quốc), Đài Loan, Malaysia, Singapore. Ở mỗi nước này, múa sư tử lại có những vũ đạo và cung cách tạo hình cho đầu sư tử khác nhau.
Trở lại với bài thơ “Tây Lương kỹ” của Bạch Cư Dị mô tả người Hồ (chỉ người Trung Á và Ấn Độ) đeo mặt nạ sư tử bằng gỗ, làm giả đuôi, có mắt mạ vàng, răng bằng bạc, khoác áo lông.
Có nhiều bức tranh khắc gỗ của các họa sĩ Nhật Bản như Sugimura Jihei (1688-1692) miêu tả hoạt động này, các bức họa này có nhiều điểm tương đồng với tranh “múa Lân” đã nói ở trên. Bảo tàng của Đại học Nghệ thuật Tokyo còn lưu một bức tranh minh họa mô tả hoạt cảnh múa sư tử thời kỳ Heian. Hình con vật linh này rất giống với con thú trong tranh Phụng Lân của làng tranh Đông Hồ.
Điểm giống quan trọng nhất là hình dáng con vật linh đó chính là sư tử – theo cách thức miêu tả chung của khu vực nghệ thuật Đông Á.
Vậy tại sao có việc gọi múa sư tử thành múa lân ?
Về việc này đã có một số người giải thích về sự nhầm lẫn trong tiếng Việt. Có một thói quen ngôn ngữ của người Việt, đặc biệt là người phía Nam từ khá lâu đã gọi sư tử là lân. Sách “Đại Nam quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của viết: “Lân.c. (coi chữ kỳ). Con thú giống con sư tử mà hiền lành, người ta gọi là linh vật, đem vào bốn thứ linh là long lân qui phụng gọi là tứ linh” (tr.538). Nhưng không biết tự bao giờ, lân bỗng dưng mặc nhiên thành sư tử. Trang mục “Lion dance” của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Trung là 舞獅 (múa sư tử) nhưng khi chuyển ngữ sang tiếng Việt lại là múa Lân. Từ đó có thể giải thích vì sao tranh vẽ múa sư tử của Đông Hồ bị viết là Phụng Lân. Và cách gọi nhầm này vẫn hiện diện trong đời sống ngôn ngữ hôm nay, nó không còn chỉ ở trong dân gian mà đã đi vào sách vở học thuật.

Tượng nghê đội tòa sen chùa Bà Tấm

 

Cảnh múa Nghê ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội –Nguồn Đinh Anh Thư

Tìm lại điệu múa Nghê của người Việt
Sẽ là nhầm lẫn tai hại khi gọi múa Sư tử là múa Lân, nhưng sẽ không sai khi gọi múa Sư tử Việt là múa Nghê. Ở Hàn Quốc cho đến nay người Hàn vẫn dùng cách gọi cổ xưa múa sanye (tức múa Toan nghê). Nghê chính là sư tử thiêng, một cách gọi cổ xưa. Huỳnh Tịnh Của trong cuốn sách đã dẫn, ở trang 88, đã viết: “Nghê, loài thú giống sư tử”. Có lẽ cụ Huỳnh không biết rằng Toàn Nghê là biến từ /suangi/ trong cổ ngữ Ấn Độ sau đó lại biến thành /sarvanai/ trong ngôn ngữ cổ vùng Trung Á. Oh-Kon Cho trong cuốn “Korean Theatre: From Rituals to the Avant-Garde” (2015), trang 20, đã nói rõ nguồn gốc của điệu múa Nghê ở Hàn Quốc:
“Sanye, một điệu nhảy sư tử có nguồn gốc Tây Á hoặc Ấn Độ, rất có thể được thực hiện để thúc đẩy sự truyền bá của Phật giáo vì sư tử thường được liên kết tượng trưng với Phật giáo ở châu Á. Nhiều người châu Á tin rằng con vật hung dữ này được cho là đại diện cho người hầu cận của Đức Phật hoặc hình ảnh sống của chính Đức Phật.”
Trong cuốn “The Art of Lion Dance” (2017), trang 72, tác giả Joey Yap đã hứng khởi khi mô tả điệu múa Nghê này: “Điều thú vị và khác biệt nhất của sư tử Hàn Quốc có lẽ là vẻ ngoài hài hước và cái lưỡi thon dài. Múa sư tử Hàn Quốc được gọi là Sanye.”
Thật dễ dàng nhận ra nét tương đồng của hình linh vật trong bức tranh “Phụng Lân” chính là con Nghê rất phổ biến trong điêu khắc truyền thống Việt Nam. Có thể điệu múa này của người Việt đã bị thay thế bằng múa Sư tử vùng Hoa Nam và múa Lân từ thế kỷ XVIII. Vậy nên các tư liệu hình ảnh của người Pháp về điệu múa sư tử Việt Nam đều khác xa hình ảnh con vật linh trong tranh Đông Hồ.
Đã có sự đứt gãy truyền thống mà giờ đây, người Việt cảm thấy xa lạ với chính cội nguồn của mình. Tại sao người Nùng, người Tày vẫn bảo lưu được điệu múa Sư tử mèo truyền thống, để mỗi dịp Xuân về lại tưng bừng, náo nức. Điệu múa Sư tử mèo đã được vinh danh trở thành “Di sản phi vật thể cấp quốc gia” năm 2017.
Thay lời kết
Từ cuối năm 2019, nhờ có sự tài trợ kinh phí từ KTS Trần, chúng tôi đã tiến hành dự án phục dựng lại điệu múa Nghê. Dựa vào đầu nghê đội tòa sen ở chùa Bà Tấm, tôi đã chế tác thành đôi đầu nghê để múa Xuân 2020, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và đình Kim Ngân. Từ đó, vũ điệu múa Nghê đã chính thức ra mắt công chúng. Mặc dù còn ít nhiều thiếu sót, nhưng ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên, múa Nghê Việt đã được đón nhận hết sức nồng nhiệt. Với niềm tin rằng “Nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Cáo Bình Ngô), và với những dấu tích trong kho tàng mỹ thuật Việt Nam, chúng tôi tin rằng vũ điệu Phụng Nghê sẽ trở lại.

Trần Hậu Yên Thế 

(*) Tài liệu tham khảo:
1. Maurice Durand (2017) Tranh dân gian Việt Nam, École francaise d`Extrême-Orient, NXB Văn hóa-Văn nghệ.
2. Oh-Kon Cho(2015),Korean Theatre: From Rituals to the Avant-Garde, Jain Publishing Company.
3. Trang Thanh Hiền (2019), Tranh Tết, nét tinh hoa truyền thống Việt, NXB Thế Giới.
4. Joey Yap(2017), The Art of Lion Dance, Joey Yap Research Group Sdn Bhd.

 

 

Tin cùng chuyên mục

Về cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”

Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” (sau đây xin viết tắt là DTDGĐH) của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà...

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

DIỆN MẠO THỰC TRANH SƠN MÀI NGUYỄN GIA TRÍ

  Đối với người Việt Nam, hai từ sơn mài dù là ở dạng mỹ nghệ hay những tác phẩm hội họa không hề xa lạ mà luôn thấm đẫm tinh thần xưa cũ trí tuệ từ bàn tay nghệ nhân đến xúc cảm...

NHỮNG KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI VẼ DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ

  1. Lần đầu tiên tôi được gặp chú Ngô Mạnh Lân, nếu tôi nhớ không nhầm, thì vào ngày 17 tháng 6 năm 1994, tại lễ tưởng niệm 40 năm ngày Tô Ngọc Vân hy sinh trên đường đi lên chiến dịch...

Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành khoá IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024)

Sáng ngày 30/05/2024, tại tầng 3 Nhà triển lãm Mỹ Thuật 16 Ngô Quyền, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành khoá IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024) kỳ thứ 7...

TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC IV (BẮC MIỀN TRUNG) LẦN THỨ 25 NĂM 2020

Triển lãm không tổ chức khai mạc và chấm giải thưởng qua ảnh chụp tại văn phòng Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tổng số tác phẩm dự chấm giải thưởng qua ảnh 130 tác phẩm của 123 tác giả trong đó...

CHUYỆN BIÊN TẬP Ở TẠP CHÍ MỸ THUẬT

  Tính đến năm 2022, là tròn đúng 10 năm tôi bắt đầu vào làm việc cho Tạp chí Mỹ thuật (tháng 2/2012), và cũng tình cờ là đúng dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Tạp chí Mỹ thuật (1977-2022). 10...