Kỷ niệm về triển lãm cá nhân đầu tiên của Bùi Xuân Phái

 

Khi được Viện Mỹ thuật phân công viết một bài về triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Bùi Xuân Phái (cuối 1984 đầu 1985), tôi đã đến gặp họa sĩ xem tranh và sưu tầm tài liệu. Hồi ấy họa sĩ rất gầy, ông nói chuyện nhỏ nhẹ, tình cảm. Ông cho tôi xem quyển “Cội rễ” của nhà văn Mỹ Alex Haley, tác phẩm này đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên toàn thế giới, và dịch giả Dương Tường đã dịch sang tiếng Việt năm 1984. Quyển sách do Bùi Xuân Phái vẽ bìa, ông đã đọc toàn bộ tác phẩm hơn 700 trang.
Bác Phái bảo tôi: Nhiều người viết về bác lắm… cháu thích bài ai viết về bác nhất? Tôi trả lời: Cháu thích bài anh Thái Bá Vân viết. Rồi bác chép toàn bộ bài báo của Thái Bá Vân vào quyển sổ tay của tôi. Nhiều năm rồi tôi vẫn giữ bản chép tay bài viết ấy như một kỷ vật quý. Bác Phái tặng tôi bức ký họa vẽ tôi, sau nhiều lần tôi chuyển nhà đã bị thất lạc. Bác còn tặng tôi một bức vẽ nàng tiên cá trên bìa. Thời kỳ đó tôi ở ngôi nhà nhỏ lợp tranh vách đất ở phố Khâm Thiên. Tôi đã nhờ một người bạn giữ hộ, bạn ở nhà ngói cấp 4, sau nhiều lần chuyển nhà, bạn tôi cũng để thất lạc. Hồi ấy chúng tôi còn trẻ, mải kiếm sống, học tập phấn đấu, và chăm sóc chồng con, cũng chưa thấy hết giá trị các bức ký họa nhỏ của danh họa.

Bùi Xuân Phái đang vẽ bức “Phố Hàng Thiếc”, 1952, khi họa sĩ 32 tuổi. Đây là bức vẽ phố cổ Hà Nội được xem là có niên đại sớm nhất mà người ta được thấy.

Những người yêu thích nghệ thuật đều yêu tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái. Tranh phố của ông có mặt ở nhiều gia đình người Hà Nội. Cái tên “Bùi Xuân Phố”-“Phố Phái” cũng ra đời từ đó. Hà Nội cổ kính ngàn năm với 36 phố phường liên tiếp ẩn hiện trong tranh ông. Phố nghèo nhưng có nhiều yếu tố hội họa, và Bùi Xuân Phái đã vẽ rất đẹp những con phố xưa cũ, thấm đẫm màu thời gian ấy. Với Bùi Xuân Phái tranh phố là nơi gửi gắm cả tâm hồn và kỷ niệm. Cả cuộc đời nghệ thuật của ông đã gắn bó âm thầm, bền bỉ với Hà Nội. Những phố Hàng Buồm, Phất Lộc, Hàng Bạc, Hàng Phèn, Ngõ Gạch hay Ô Quan Chưởng… là cuộc sống, là tâm hồn, là tình yêu của họa sĩ với phố cổ Hà Nội. Bùi Xuân Phái diễn hình bằng những mảng phẳng, vẽ nét hơn là tả khối, cách vẽ của ông gần với lối vẽ tranh dân gian Việt Nam, và gần với nghệ thuật đồ họa.
Bên cạnh mảng tranh phố cổ Hà Nội, mảng tranh phong cảnh các vùng miền như sông Đà, Cát Bà, biển Mỹ Khê, Hội An… cũng làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật của Bùi Xuân Phái. Dù sức khỏe không được tốt, nhưng ông vẫn luôn tham gia các cuộc đi thực tế sáng tác do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, và các tranh phong cảnh cứ thế ra đời, khi ông về tới Hà Nội.
Mảng tranh chân dung của Bùi Xuân Phái cũng vô cùng phong phú. Năm 1984 tôi đã đến nhà họa sĩ vài lần ở số nhà 87 phố Thuốc Bắc, và vô cùng ngạc nhiên bởi trong căn phòng nhỏ chật chội của ông, đầy ắp chân dung thiếu nữ, chân dung con gái ông, chân dung bạn bè… treo kín các bức tường, trên gác xép, và còn đặt cả trên bàn. Tôi thích ba bức chân dung tự họa ông bày trong triển lãm cá nhân năm 1984. Các bức chân dung tự họa ấy đã thể hiện sâu sắc và đầy đủ con người, tính cách nghệ thuật của ông: Một Bùi Xuân Phái suy ngẫm, đau khổ, trầm tư mặc tưởng trước cuộc đời và nghệ thuật. Ông luôn tìm tòi, đổi mới cách nhìn, và thể hiện đời sống tinh thần của mình qua những bức chân dung tự họa. Ông đã khẳng định một phong cách nghệ thuật riêng và khác biệt.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Đặng Thanh Vân (người đứng bên trái) tại nhà họa sĩ Văn Dương Thành, bên các tác phẩm của Bùi Xuân Phái năm 1987

Bùi Xuân Phái còn vẽ sân khấu chèo rất tình cảm và độc đáo. Các diễn viên trong tranh chèo của ông có một vẻ đẹp không bình thường, góc cạnh và rất cá tính…
Mảng đồ họa, minh họa sách, báo cũng là một phần đáng kể trong gia tài nghệ thuật của Bùi Xuân Phái. Ông vẽ bìa sách, minh họa cho các báo Văn nghệ, Độc lập, Phụ nữ, Người Hà Nội… Các nhân vật của ông thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội: nông dân, người lao động, trí thức, nhà sư, nhà tư sản… Nhìn các bức minh họa sinh động, đầy chất sống, người xem chưa đọc đến tên người vẽ đã biết ngay là của ông. Ông đã minh họa cho cuốn “Hề Chèo”, cuốn sách được tặng giải thưởng ở Leipzig năm 1982.
Kể từ năm 1975, Tổ quốc thống nhất, sự chan hòa giữa nghệ thuật hai miền, hiện thực cuộc sống mới phong phú, đa dạng đã tác động đến tư duy của nhiều họa sĩ. Bùi Xuân Phái cũng đổi thay cách nhìn hiện thực cuộc sống. Ở Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1980, trong tranh “Phong cảnh sông Đà” – ông dùng một lối vẽ sơn dầu mịn, tao nhã, gam màu xanh tươi mát uyển chuyển, thay thế dần màu ghi, nâu xám xưa kia… Các tranh “Bến phà sông Đà”, “Văn Miếu”…là những tranh ông vẽ sau năm 1980 cũng có phối sắc xanh-cam tươi mới. Tranh phong cảnh của ông giai đoạn này không chỉ vẽ cảnh đẹp đất nước, mà đã có nhiều hơn hình ảnh con người. Cuộc đời mới rộng mở với họa sĩ. Cả một quan niệm nghệ thuật, một cách nhìn hiện thực tươi tắn đã đến với ông.
Bùi Xuân Phái là một họa sĩ sinh ra và sống tại Hà Nội, mỗi mái nhà, mỗi góc phố, mỗi con người bình dị của thủ đô đều là nguồn cảm hứng bất tận của ông. Những đề tài nhỏ nhẹ của cuộc sống thường ngày được ông thể hiện bằng bút pháp độc đáo. Ông vẽ bằng tâm hồn, bằng trực cảm, bằng tấm lòng rung động chân thành. Đó là phẩm chất nghệ thuật của ông. Ông đã có một vị trí đáng kể trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Chúng ta trân trọng những thành tựu hội họa quý giá mà ông để lại cho các thế hệ mai sau. Hôm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bùi Xuân Phái, những người yêu Hà Nội, yêu tranh ông, luôn nhớ về ông với tấm lòng yêu thương và trân quý, trong những ngày hè nóng bỏng, sắc hoa phượng cháy.

Hà Nội tháng 7/2020
Đặng Thanh Vân

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Có thể bạn quan tâm

LINH CHI – VẼ VÀ SỐNG LÀ MỘT

  Hội họa hiện đại Việt Nam bắt đầu từ thế hệ các họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ngót trăm năm đã qua, những họa sĩ ở thời kỳ này đều là những bậc thầy, những...

“TRỘI Ở ĐÂU?” HAY BÀN VỀ SỰ TRINH TRẮNG CỦA NHÀ SƯU TẬP NGHỆ THUẬT

  Cặp vợ chồng sưu tập tranh huyền thoại người Mỹ Mera và Don Rubell sẽ giải mã: Tốt nhất người ta nên mua tranh của ai và vào lúc nào tại các triển lãm; và làm thế nào người ta cũng biết...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Xem một số hình nghiên cứu của Nguyễn Sáng cho bức tranh "Thành đồng Tổ quốc"

    Nghệ thuật hiện đại dường như đã làm biến đổi toàn bộ các khái niệm của hội họa. Ngày nay, thật khó có được những định nghĩa chặt chẽ cho các thể loại mang tính phụ thuộc...

Lê Anh Vân – Một hành trình hiện đại cổ điển và trữ tình

Năm 1984, Lê Anh Vân quả thực đã đi trước một bước vào hội họa thời kỳ Đổi mới (một thời kỳ sẽ chỉ chính thức bắt đầu kể từ 1986), bằng một tác phẩm hội họa sơn dầu bố cục lớn...