NHỮNG THẢM HỌA PHÁ HOẠI TRANH Ở BẢO TÀNG

 

1. Ngày 14 tháng 1 năm 1911, kiệt tác “Đi tuần đêm” của danh họa Rembrandt tại Bảo tàng Amsterdam đã bị một thợ đóng giày thất nghiệp đồng thời là cựu đầu bếp của Hải quân rạch bằng con dao làm giày nhằm phản đối việc anh ta không thể tìm được việc làm. Người này bị bắt ngay lập tức. Nhưng số phận của kiệt tác xấu số này không dừng lại ở đó.

Ngày 14 tháng 9 năm 1975, nó bị tấn công bằng dao cắt bánh mì bởi một giáo viên thất nghiệp, Wilhelmus de Rijk, dẫn đến một số vết chém ngoằn ngoèo lớn dài tới 12 inch. Với tiền sử bệnh tâm thần, hắn tuyên bố: “Ta làm điều đó vì Chúa”. Bức tranh đã được phục hồi thành công sau bốn năm, nhưng vẫn có thể nhận ra dấu vết thiệt hại khi nhìn gần. Hắn không bị buộc tội, nhưng đã tự sát vào tháng 4 năm 1976.

Ngày 6 tháng 4 năm 1990, một bệnh nhân tâm thần trốn trại đã phun axit lên bức tranh xấu số này bằng một chai có vòi bơm được che giấu. May thay, nhân viên bảo vệ đã kịp can thiệp kẻ phá hoại và nhanh chóng phun nước lên tranh. Axit chỉ xâm nhập vào lớp véc ni của bức tranh và không lâu sau nó đã được phục hồi hoàn toàn.

Bức tranh “Đi tuần đêm” bị rạch năm 1975

“Đi tuần đêm” có lẽ là bức tranh bị những kẻ thất nghiệp và tâm thần thù ghét nhất, với ba lần bị phá hoại. Còn Rembrandt cũng là họa sĩ có nhiều tranh bị phá hoại hơn cả. Một số nhà tâm lý học cho rằng tranh của danh họa gây cảm giác mất cân bằng cho một thể dạng tâm lý chiều sâu nào đó. Có người giải thích rằng tật mắt lác của ông đã tạo nên những bức tranh có không gian ánh sáng bí hiểm, và sự bí hiểm đó có thể đã đánh thức bản năng hung hãn đối với một số người xem.

2.Ngày 13 tháng 1 năm 1913 tại Bảo tàng Tretyakov ở Moskva, một hành động phá hoại đã xảy ra: Abram Balashov đã rạch bức tranh nổi tiếng của Ilya Repin, “Ivan Bạo chúa và con trai Ivan vào ngày 16 tháng 11 năm 1581”. Abram Balashov là người yêu thích hội họa, đã nhiều lần ghé thăm Bảo tàng Tretyakov và quen thuộc với các nhân viên nơi đây. Ngày hôm đó, hắn mua sẵn một con dao, giấu trong người và đi vào bảo tàng như mọi khi. Đầu tiên, hắn dừng lại trước bức tranh “Bà Boyar Morozov” của Surikov và thì thầm điều gì đó trước mặt nó. Sau đó, hắn chạy đến bức tranh “Ivan Bạo chúa và con trai Ivan vào ngày 16 tháng 11 năm 1581” với tiếng khóc điên cuồng, nhảy qua hàng rào, hét lên: “Chết đủ rồi, máu đủ rồi!” và chém bức tranh bằng ba nhát dao. Khi một vị khách khác chạy đến trong sự kinh hoàng và hỏi Balashov: “Anh đã làm gì thế này?”, hắn trả lời: “Máu đủ rồi!”.

Những vết chém do Abram Balashov gây ra năm 1913

 

Những vết hỏng do Podporin gây ra năm 2018

Khi Repin được mời đến hiện trường, ông cho rằng một trong những tác phẩm hay nhất của mình đã bị hủy diệt một cách vô vọng. Họa sĩ đã nói với người quản lý bảo tàng, Ostroukhov, rằng: “Nó không thể sửa chữa được”. Cuối cùng, mọi người đi đến quyết định: thiệt hại cơ học đối với toan sẽ được sửa chữa bởi nhà phục chế Bogoslovsky, còn chính Repin sẽ tự phục hồi phần nghệ thuật của tranh. Về cơ bản, sau khi phục chế, bức tranh đã trở lại trạng thái ban đầu.

Tuy nhiên, số phận bi thương của kiệt tác này một lần nữa lại xảy ra vào ngày 25 tháng 5 năm 2018. 5 phút trước khi kết thúc giờ tham quan Bảo tàng Tretyakov, một người đàn ông từ những vị khách cuối cùng đã quay trở lại phòng tranh Repin, lúc này không còn ai, hắn đã lấy thanh chắn hàng rào và đập nhiều phát vào bức tranh. Lớp kính dày bảo vệ tranh khỏi sự biến động của nhiệt độ và độ ẩm, đã bị vỡ. Bức tranh bị phá hỏng ba chỗ trên “cơ thể hoàng tử”. Kẻ phá hoại là Igor Podporin, một người thất nghiệp 37 tuổi, sống ở vùng Voronezh. Thiệt hại vật chất từ các hành động của Podporin là ít nhất 30 triệu rúp. Ngày 30 tháng 4 năm 2019, Igor Podporin bị kết án 2,5 năm tù. Bức tranh hiện vẫn đang trong quá trình phục chế.

3.Tháng 2 năm 1914 ở Gallery Quốc gia London, Mary Richardson đã chém nhiều nhát trên bức tranh “Vệ nữ với chiếc gương” của Diego Velazquez bằng một con dao chặt thịt. Vì thiệt hại cho bức tranh, Richardson đã bị kết án 6 tháng tù, mức phạt cao nhất thời đó cho tội danh phá hủy tác phẩm nghệ thuật. Bức tranh được phục chế thành công bởi Helmut Ruhemann.

Những vết chém gây ra bởi Mary Richardson năm 1914 đối với bức tranh “Vệ nữ với chiếc gương”

 

Bức tranh “Vệ nữ với chiếc gương” sau khi phục chế

Sau này Richardson giải thích cho tội ác của mình: “Tôi đã cố gắng phá hủy bức tranh về người phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử thần thoại để phản đối Chính phủ vì đã tiêu diệt bà Pankhurst, nhân vật đẹp nhất trong lịch sử hiện đại”. Ả nói thêm trong một cuộc phỏng vấn năm 1952 rằng ả không thích “cách lũ đàn ông há hốc mồm cả ngày trước bức tranh”.

4.Tháng 12 năm 1956, tại bảo tàng Louvre, một người Bolivia trẻ tuổi tên là Hugo Ungaz Villegas, trong một cơn ác ý vô thức không thể giải thích được, đã dùng một hòn đá ném vào bức tranh “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci. Kể từ đó đến nay, khuỷu tay trái của Mona Lisa có một dấu vết trầy xước nhỏ mà phải nhìn kỹ mới thấy.

Kiệt tác này còn là đối tượng tấn công nhiều lần khác nhưng không thành công bởi nó được bảo vệ bởi lớp kính chống đạn chắc chắn. Vào tháng 4 năm 1974, một phụ nữ Nhật khuyết tật, buồn bã vì chính sách của bảo tàng dành cho người khuyết tật, đã phun sơn đỏ vào bức tranh trong khi nó được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo. Ngày 2 tháng 8 năm 2009, một phụ nữ Nga, đã quẫn trí vì bị từ chối quyền công dân Pháp, đã ném một chiếc cốc bằng đất nung, được mua tại bảo tàng Louvre, về phía bức tranh. Rất may, cốc bị vỡ tan trước sự bảo vệ của khung kính.

5.Ngày 15 tháng 6 năm 1985, tại Bảo tàng Hermitage,Saint Petersburg, kiệt tác “Danae” của Rembrandt đã bị một kẻ điên đổ axit sulfuric lên và bị rạch thêm hai nhát. Kẻ phá hoại là một cư dân của Litva, Bronius Maygis, người đã giải thích hành động của mình bằng động cơ chính trị, mong muốn Litva tách khỏi Liên Xô (một số tài liệu trước đây nói rằng kẻ phá hoại thù ghét vẻ đẹp của phụ nữ!). Theo quyết định của Tòa án Dzerzhinsky, vào ngày 26 tháng 8 năm 1985, Maygis được tuyên bố là bị điên (được chẩn đoán là tâm thần phân liệt) và được gửi đến một bệnh viện tâm thần ở Chernyakhovsk, nơi hắn đã trải qua 6 năm, sau đó được gửi đến một bệnh viện tâm thần khác ở Litva.

Bức tranh “Danae” bị phá hủy năm 1985

 

Bức tranh “Danae” sau khi phục chế năm 1997

Ngay sau thảm họa, giám đốc Bảo tàng Hermitage đã ngay lập tức gọi điện cho các chuyên gia của Viện Công nghệ Leningrad, Viện Hóa học Quốc gia và đều được nhận lời khuyên là hãy xả nước thật nhiều, giữ cho tranh đứng thẳng, và sau đó các chuyên gia đến bảo tàng sớm.

Sự phục chế bắt đầu trong Tiểu cung của Cung điện Mùa Đông, nơi có khí hậu và ánh sáng phù hợp. Các nhà phục chế Gerasimov, Rakhman, Shirokov và Alyoshina được mời làm việc. Dấu vết của phản ứng axit dần được loại bỏ dưới kính hiển vi. Bước tiếp theo là vẽ phủ lên bằng cách sử dụng kỹ thuật sơn dầu của tác giả và vật liệu vẽ nguyên gốc. Yêu cầu đưa ra là cố gắng hết sức làm lại đúng như phiên bản gốc. Những lớp sơn mới được ngăn cách khỏi bề mặt gốc bằng một lớp véc ni mỏng. Việc khôi phục cuối cùng được hoàn thành xuất sắc sau 12 năm (1997). Để ngăn chặn hành vi phá hoại, bức tranh hiện được bảo vệ bằng kính chống đạn.

6.Năm 1986, tại Bảo tàng Stedelijk Amsterdam một người đàn ông Hà Lan có tên Gerard Jan van Bladeren đã dùng dao rạch bức tranh trừu tượng “Ai sợ màu đỏ, vàng và xanh III” của họa sĩ trừu tượng người Mỹ Barnett Newman. Kẻ phá hoại đã bị bắt. Khi trở lại, một lần nữa hắn lại cắt một bức tranh khác của Newman. Lý do khiến kẻ phá hoại không thích nghệ thuật trừu tượng là hắn đã đọc một một chuyên khảo phê phán nghệ thuật đương đại. Ý tưởng của tác giả đó đã gây đồng cảm cho kẻ phá hoại đến nỗi hắn quyết định hiện thực hóa và đi đến bảo tàng thực hiện hành vi phá hoại. Một sắc lệnh đặc biệt của nhà chức trách Hà Lan cấm Van Bladeren bước vào tất cả các bảo tàng trong nước.

Bức tranh “Ai sợ màu đỏ, vàng và xanh III” được Daniel Goldreyer khôi phục vào năm 1991. Việc khôi phục ban đầu tốn khoảng 400.000 đô la, nhưng đã bị chỉ trích nặng nề bởi một số nhà phê bình cho rằng những sắc thái tinh tế trong ba mảng màu đơn sắc đã bị mất cũng như Goldreyer đã sử dụng sơn nhà và một con lăn. Theo các nhà phê bình, bức tranh đã bị phá hủy hai lần: lần đầu tiên trong cuộc tấn công, và một lần nữa trong quá trình phục chế. Goldreyer đã đệ đơn kiện 125 triệu đô la chống lại Thành phố Amsterdam và Bảo tàng, cho rằng danh tiếng của ông đã bị tổn hại.

7.Tháng 4 năm 2007, Timothy Kubena, 21 tuổi, bị xáo trộn bởi hình ảnh bạo lực của bức tranh “Chiến thắng của David” (1640) bởi họa sĩ người Ý Ottavio Vannini, đã chọc thủng bức tranh, nhấc nó ra khỏi bức tường của Bảo tàng Nghệ thuật Milwaukee (Hoa Kỳ) và bắt đầu đập và đá vào phần đầu của Goliath. Sau đó hắn cởi giày và áo, nằm xuống sàn bảo tàng để chờ cảnh sát đến. Kẻ phá hoại nói với cảnh sát: “Tôi chỉ muốn Goliah biến mất. Tôi bình an”. Một lỗ có kích thước bằng quả bóng tennis giữa hai mắt của Goliath cuối cùng đã được phục hồi.

8.Từ năm 1977 đến 2006, Hans-Joachim Bohlmann (1937-2009), một kẻ phá hoại tranh hàng loạt người Đức, đã làm hỏng hơn 50 bức tranh trị giá ít nhất 270 triệu mark (khoảng 138 triệu euro) của Rubens, Rembrandt, Durer và các họa sĩ khác. Bohlmann bị rối loạn nhân cách và được điều trị ở nhiều bệnh viện tâm thần khác nhau từ khi còn nhỏ.

Bức “Chân dung tự họa” (1654) của Rembrandt bị Bohlmann tạt axit năm 1977
Bức tranh sau khi đã được phục chế

Trong hầu hết các hành vi, hắn phun vào các bức tranh bằng axit sulfuric, nhắm vào khuôn mặt của các nhân vật. Đáng chú ý là vào ngày 20 tháng 4 năm 1988, Bohlmann đã phá hoại bộ ba bức tranh trên khám thờ Paumgartner ở Alte Pinakothek. Vụ này bị thiệt hại ít nhất là 12 triệu đô la. Sau 21 năm phục chế, nó đã được tái xuất hiện vào năm 2010. Hans-Joachim Bohlmann được coi là một trong những kẻ phá hoại nghệ thuật khủng khiếp nhất mọi thời đại.

Huệ Viên

(Tổng hợp và dịch từ các tài liệu tiếng Nga)

 

 

Tin cùng chuyên mục

Frank Perrin – “Cầu nguyện, Tình yêu, Đối kháng” qua ngôn ngữ người mù

Frank Perrin là một nghệ sĩ người Pháp sống ở Paris, người đã dành một phần đời mình để khám phá khái niệm về Chủ nghĩa Hậu tư bản và biên soạn một bản tóm tắt về những nỗi ám ảnh...

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Ra mắt bộ sưu tập tranh quý của họa sĩ Huế

TTH.VN – Nhiều tác phẩm quý của các danh họa xứ Huế được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tập trong 5 năm qua lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng. Triển lãm mỹ thuật “Tác phẩm...

KẾT QUẢ PHIÊN ĐẤU GIÁ "HỌA SĨ VÀ NGHỆ THUẬT VIỆT NAM" TẠI NHÀ ĐẤU GIÁ AUGTTES

  Kết quả phiên đấu giá “Họa sĩ và Nghệ thuật Việt Nam” ngày 30 tháng 9 năm 2021 tại nhà đấu giá Aguttes (Neuilly-sur-Seine, Pháp) với 6 kỷ lục thế giới mới Cuộc đấu giá dành riêng...

KỶ LỤC GIÁ TRANH MỚI CỦA MONET

  Tối ngày 14 tháng 5 (theo giờ New York)  đã diễn ra phiên đấu giá nghệ thuật hoành tráng đầy bất ngờ tại Sotheby’s New York. Phiên đấu giá Nghệ thuật Ấn tượng và Hiện đại đã đạt...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực VI (TP. Hồ Chí Minh) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...

Thông báo lần thứ 2 về triển lãm Mỹ thuật khu vực 2 (Đồng bằng sông Hồng) lần thứ 26 năm 2021

...