KÝ HIỆU THI CA TRONG TRANH LÊ THÁNH THƯ

 

Lê Thánh Thư đột ngột qua đời lúc 2h sáng 16/7/2021, khi còn đang khá mạnh khỏe. Gia đình cho biết anh tự xét nghiệm và phát hiện ra dương tính Covid-19 chiều 15/7, hơn 10 tiếng sau thì qua đời. Lê Thánh Thư sinh ngày 20/5/1956 tại Quy Nhơn, là con trai trưởng trong gia đình thuần nông, có 5 anh chị em. Anh đến với hội họa bằng con đường tự học, bắt đầu vẽ tranh khi đã là nhà thơ có tiếng, nên trong tranh của anh có nhiều ký hiệu thi ca.

 

Năm 12 tuổi, anh được gia đình gửi vào trường dòng (séminary) tại Quy Nhơn, sau đó vài năm thì “xuất”, nhưng vẫn giữ tên thánh là Francis Xavier và đạo, rồi vào sống tại Sài Gòn cho đến ngày qua đời. Anh đến với việc vẽ bằng con đường tự học từ năm 1982, kiên trì và khiêm cung trong việc đổi mới chính mình.
Về lý do vẽ, Lê Thánh Thư chia sẻ: “Ngôn ngữ chữ viết nhiều khi lại không chuyển tải hết những biểu cảm cần diễn đạt. Hội họa đã cho tôi niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Thời điểm khởi đầu hội họa của tôi, ở một căn gác thuê 2 mét vuông. Nơi đó tôi sống như một tù nhân với màu sắc, không tiền bạc, không nghề nghiệp, chỉ có vẽ và vẽ trong đơn độc. Đấy là thời kỳ tôi sống tận đáy của cuộc đời”.

Họa sĩ Lê Thánh Thư (1956-2021)

 

LÊ THÁNH THƯ – Cõi người. 2009. Sơn dầu và acrylic trên vải. (65x54cm) x3

Anh nói tiếp: “Vẽ là một ngôn ngữ, một ký hiệu, một phương tiện để truyền đạt, để liên lạc, cũng giống như nói vậy. Vẽ là cách duy nhất để tôi có thể giữ lại những cảm xúc mà không sao diễn tả nổi bằng cách khác được. Tôi vẽ để cảm thấy mình không cô độc. Vì vậy mà, bức tranh như là một bằng chứng của sự tồn tại, một tin tưởng vào sự tồn tại đó”.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của anh được thực hiện vào năm 1989 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Từ đó đến ngày qua đời anh đã thực hiện hơn 10 triển lãm cá nhân, hơn 30 triển lãm nhóm tại Việt Nam và quốc tế. Anh được nhiều giải thưởng mỹ thuật trong nước và nước ngoài; tác phẩm thuộc sưu tập tư nhân ở khoảng 20 nước và góp mặt trong một vài bảo tàng quốc gia như Việt Nam, Singapore… “Dù khá ổn định trên thị trường, thế nhưng Thư đã liên tục thay đổi, từ 2 triển lãm cá nhân ở Tokyo năm 1999 đến sau này, cách vẽ của anh đã không dừng lại, nó khiến người theo dõi công việc của họa sĩ luôn phải bất ngờ” – nhà sưu tập Yukio Ogushi, người Nhật, cho biết.

LÊ THÁNH THƯ – Không gian sống 5. 2009. Acrylic và sơn dầu trên vải. 150x150cm

 

LÊ THÁNH THƯ – Không gian đô thị 5. 1997. Sơn dầu trên vải. 65x65cm

 

LÊ THÁNH THƯ – Không gian sống 8. 2009. Acrylic và sơn dầu trên vải. 100x150cm

Dù tự học, nhưng nhờ khổ luyện, Lê Thánh Thư vẫn kinh qua được nhiều phong cách vẽ, trước khi tạm ổn định với trừu tượng biểu hiện trong hơn 20 năm cuối đời. Anh thường sử dụng đen, trắng, đỏ là ba màu chủ đạo trong tranh. Rất lâu anh mới sử dụng một mảng màu lớn, còn lại thường dùng màu dưới dạng đơn sắc (monochrome) và cũng thích dùng kỹ thuật điểm họa (pointillisme/ pointillism). Anh ưu chuộng sự pha trộn giữa trừu tượng và biểu hiện, đôi khi là trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction), đôi khi là trừu tượng nhạc thể (musicalissme) và cả chủ nghĩa ký hiệu (signism) để gợi ra những nhận diện về con người nhỏ bé, nhưng lại là chủ thể chính của các bức tranh. Đôi khi anh vẽ người trong người, biến những con người hữu danh thành vô danh, hoặc thành những ký hiệu về người trong các không gian sống chật chội, lạnh lùng của đại đô thị.

Về không gian người trong tranh Lê Thánh Thư, ngòi bút mỹ thuật Hồ Tịnh Tình cho rằng: “Con người được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, kể cả góc tối nhất trong tâm hồn. Con người được khắc chạm lỗ chỗ, méo mó, liêu xiêu, mờ nhạt… như những bóng ma. Con người được mã hóa thành những ký hiệu, những đường, những vạch. Đây là thế giới không rạch ròi, không hoàn chỉnh, rối rắm. Cái thế giới đó phức tạp nhưng cũng đơn điệu, ồn ào nhưng cũng tĩnh lặng. Vì, đối với Lê Thánh Thư, có thể tất cả chỉ là still life-đời chậm”.

Còn nhà phê bình mỹ thuật Helène H, người Hà Lan, thì phân tích: “Những tác phẩm của Lê Thánh Thư phản ánh sự thay đổi nhanh chóng của văn hóa Việt Nam, sự toàn cầu hóa và những thách thức trước cuộc sống ngày càng phức tạp. Đây là loạt tranh vẽ về sự thay đổi của Việt Nam trong giai đoạn đầu của chính sách mở cửa và không gian sống của con người trong kết quả cửa sự phát triển đô thị”.

LÊ THÁNH THƯ – Sống ở đô thị. 2009. Acrylic và sơn dầu. 100x150cm

 

LÊ THÁNH THƯ – Sức sống và nhịp điệu. 1997. Sơn dầu trên vải. 135x200cm

Với nhà thơ Du Tử Lê thì: “Trong cảm nhận của tôi, sự tương tác giữa thi ca và hội họa nơi tài năng Lê Thánh Thư là một tương tác hữu cơ máu, thịt. Như sự tương tác bất khả phân giữa nắng, gió đất trời, giữa tài năng và những xúc chạm siêu hình, hư ảo”.

Lê Thánh Thư đã có một hành trình hội họa, dù không ồn ào, nhưng khá thành công ở cả khía cạnh nghệ thuật và thị trường. Anh thành công vì biết nhẫn nại và tin tưởng vào các tìm tòi và đổi mới của bản thân. Mang lại cho người yêu tranh một cảm hứng mạnh mẽ và dạt dào chất thơ.

Nhìn lại hành trình của mình, Lê Thánh Thư từng chia sẻ: “Trước hết, tôi là một nhà thơ. Cái nhìn hội họa của tôi hoàn toàn khác biệt so với cái nhìn của họa sĩ. Đó là cái nhìn của thi sĩ làm hội họa. Tôi quan tâm nhiều đến cấu trúc được tạo thành bởi sự lặp lại các yếu tố, các ký hiệu đơn giản và tạo dựng nên các nhịp điệu trong bố cục. Tranh của tôi nhiều tính chất tượng trưng, thường dùng màu đơn sắc, độ dày mỏng khác nhau trong nhiều tranh sơn dầu”.

Lý Đợi 

 

VAN GOGH
Thơ Lê Thánh Thư

Chỉ có cái chết mới cứu vãn được
Không còn cách nào khác
Phút cuối đời
Ít thuốc hút và chiếc píp
Chỉ còn hơi thở đuối
Và cái nhìn cuối… chậm rãi dịu dàng
Vẽ kín mặt chiều không sắc
Vẽ kín mặt đất thiếu ân cần
Vẽ kín mặt người không chút máu
Chặng đường thánh giá
Cắm xuống cánh đồng lúa héo
Cắm xuống bầy quạ đen háu đói
Tiếng súng
Xé toạc phận người…

Không hoa
Không lời ai điếu
Âm bản đời ông
Không tiếng động
Không thở than
Không thì thầm…

Người hành đạo bằng màu
Người của nắng gió
Của đất và hoa
Người mẫu mực đến tận cùng cái chết Van Gogh.

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

Những cuộc đấu giá sẽ định hình xu hướng nghệ thuật cũng như tên tuổi của các nghệ sĩ lớn

Các cuộc đấu giá đoán trước sự nổi lên của các ngôi sao, xác định các xu hướng trong bối cảnh đương đại thông qua lợi nhuận. Trong khi nhiều người xem đổ dồn sự chú ý của họ về cuộc...

Xem triển lãm “Giao mùa”

  Từ ngày 29/4/2022- 7/5/2022 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra triển lãm “Giao Mùa” của bốn Chi hội Hội họa- Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đến hẹn lại lên, vào...

Triển lãm mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam tại Mông Cổ

     NDO – Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm cho biết, Triển lãm “Hương gió phương Nam – Hội họa Việt Nam ngày nay” đánh dấu lần đầu tiên một triển lãm mỹ thuật mang...

Triển lãm Mỹ thuật – Chung bước quân hành 2023

...

Lấy nét lại (refocus) nhân sự kiện Biennale nhiếp ảnh quốc tế photo Hanoi 23

  Nhiếp ảnh hiếm khi được nhận diện trong bối cảnh thực hành nghệ thuật ở Việt Nam từ xưa tới nay. Loại hình nghệ thuật này hầu như không tồn tại trong bất kỳ một thiết chế nghệ...