Lấy nét lại (refocus) nhân sự kiện Biennale nhiếp ảnh quốc tế photo Hanoi 23

 

Nhiếp ảnh hiếm khi được nhận diện trong bối cảnh thực hành nghệ thuật ở Việt Nam từ xưa tới nay. Loại hình nghệ thuật này hầu như không tồn tại trong bất kỳ một thiết chế nghệ thuật/mỹ thuật nào trong nước. Không có một bảo tàng mỹ thuật/nghệ thuật nào có bộ sưu tập tác phẩm nhiếp ảnh. Rất ít triển lãm hay không gian nghệ thuật trưng bày, giới thiệu hay mua bán các tác phẩm nhiếp ảnh. Hầu như không có trường mỹ thuật/nghệ thuật nào đào tạo nhiếp ảnh như một chất liệu hay một chuyên ngành nghệ thuật chính quy. Do không xuất hiện trong bất cứ một thiết chế chính thức nào, thị trường của nhiếp ảnh nghệ thuật gần như không tồn tại.
Vì vậy, một Biennale nhiếp ảnh nghệ thuật có quy mô lớn như Photo Hanoi’23, với hơn 20 triển lãm và hàng loạt các hoạt động bên lề, sẽ là cơ hội tuyệt vời để công chúng thấy được sự phong phú trong cách tiếp cận và thực hành của loại hình nghệ thuật này. Đây cũng là sự kiện nghệ thuật hiếm hoi được tổ chức ở hầu khắp các không gian nghệ thuật của thủ đô, quy tụ nhiều nghệ sĩ thị giác, nhiếp ảnh gia cả trong nước lẫn quốc tế và được lên kế hoạch đầu tư ý tưởng giám tuyển cẩn thận trong nhiều tháng chuẩn bị. Photo Hanoi’23 tiếp nối phiên bản thử nghiệm năm 2021, mong muốn tạo ra một festival nhiếp ảnh hai năm một lần với tên gọi chính thức Hanoi Photo Biennale 2023, nhằm giúp thực hành nhiếp ảnh được nhìn nhận rõ nét hơn trong bức tranh nghệ thuật của Việt Nam. Biennale nghệ thuật là một hoạt động nằm trong thiết chế nghệ thuật trên thế giới tổ chức 2 năm 1 lần, được người đứng đầu của một thành phố bảo trợ cùng với các chính sách hỗ trợ đi kèm nhằm nâng cao sức hút cho thành phố đó. Biennale là một hoạt động hết sức phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, kiến trúc, thiết kế…

Trước năm 1954, tại Nhà Hát Lớn thành phố Hà Nội đã từng hai lần tổ chức triển lãm Nhiếp ảnh Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu sự đa dạng các hình thức và kỹ thuật thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia khắp ba miền. Thời điểm đó, những trào lưu và quan niệm về nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam vẫn còn khá tương đồng với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, phải đến thập niên 90, nhiếp ảnh nghệ thuật, hay cụ thể hơn là những tác phẩm nhiếp ảnh mang ý niệm nghệ thuật, cùng với các dự án nhiếp ảnh mới bắt đầu được chú ý trở lại, khi những nghệ sĩ thị giác trong nước và Việt kiều được biết đến với những tác phẩm sử dụng chất liệu nhiếp ảnh.

Lễ Khai mạc và Họp báo Hanoi Photo Biennale 23 tại Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam như một mạch ngầm, luôn hiện hữu nhưng vô cùng yếu ớt, cho dù việc tên tuổi một số nghệ sĩ Việt kiều, sử dụng nhiếp ảnh mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật đa phương tiện nói chung, được công nhận từ khá sớm ở các bảo tàng hay các biennale nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước cũng rất cố gắng để tác phẩm của mình được công nhận ở các sự kiện hay thiết chế nghệ thuật quốc tế. Tuy nhiên, những nỗ lực này chỉ mang tính đơn lẻ cá nhân, hoàn toàn không có sự nhận diện hay được nghiên cứu ở mức độ chính thống.

Khoảng hơn mười năm trở lại đây, thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật mới thực sự trở nên sôi động, đầu tiên là ở những sự kiện triển lãm ở một số trung tâm văn hoá nước ngoài, sau đó với sự ra đời và phát triển của những không gian nghệ thuật tư nhân hay cộng đồng nghệ thuật nhỏ hỗ trợ nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia trẻ. Các nền tảng phê bình và thương mại hoá tác phẩm nhiếp ảnh cũng xuất hiện phần nào tạo nên thị trường cho loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, nhiếp ảnh nghệ thuật, giống với các loại hình nghệ thuật đương đại khác, dường như vẫn nằm ngoài hệ thống của nhà nước.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh tư liệu, thực hành của một số ít cá nhân đã được quốc tế công nhận với Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo). Trong những năm gần đây, triển lãm ảnh báo chí thế giới cũng đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây có thể coi là điểm sáng hiếm hoi để ngành nhiếp ảnh tư liệu Việt Nam hội nhập thế giới.

Ở mảng nhiếp ảnh thời trang, nhiều tác phẩm ấn tượng của các nhiếp ảnh gia gốc Việt đã xuất hiện trên những ấn phẩm thời trang nổi tiếng thế giới, truyền đi nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các bạn trẻ yêu nhiếp ảnh thời trang trong nước.

Trong bối cảnh đó, Photo Hanoi’23 ra đời là kết quả của sự nỗ lực rất lớn từ ban tổ chức, cũng như các nghệ sĩ, giám tuyển tham gia. Tất cả cùng chung một mong muốn tạo nên sự kiện nghệ thuật chuyên biệt đầu tiên về nhiếp ảnh. Bên cạnh các chương trình triển lãm, Photo Hanoi’23 cũng sẽ đem tới các buổi thảo luận chuyên đề và workshop nhằm chia sẻ kiến thức về nhiếp ảnh nghệ thuật rộng rãi hơn tới công chúng cũng như những người thực hành, đặc biệt là những công chúng trẻ tuổi – chủ nhân tương lai của sự kết nối văn hoá toàn cầu.

Hy vọng rằng Photo Hanoi’23 sẽ phần nào thay đổi nhận thức của công chúng về giá trị của nhiếp ảnh như một công cụ hữu hiệu để biểu đạt sáng tạo cá nhân. Thông qua đó, bức tranh toàn cảnh về thực hành nhiếp ảnh chuyên nghiệp nói riêng cũng như nghệ thuật đương đại nói chung sẽ dần được hình thành, góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi “vùng trũng” về nhiếp ảnh và nghệ thuật trong khu vực và trên thế giới.

Một góc không gian Triển lãm.

 

Không gian Triển lãm “Hà Nội – một thành phố trong nhiếp ảnh” tại 22 Hàng Buồm

Để mở màn cho chuỗi 40 sự kiện triển lãm và toà đàm chuyên sâu về nhiếp ảnh, triển lãm “Hà Nội – một thành phố trong nhiếp ảnh” tổ chức ở Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm được lựa chọn là một sự kiện triển lãm mở màn cho Hanoi Photo Biennale 23. Triển lãm được giám tuyển bởi nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn với sự tham gia của các tác giả: Nguyễn Duy Kiên, Nguyễn Hữu Bảo, Lê Thịnh, Phạm Tuấn Ngọc, Veronika Radulovic, Lê Xuân Phong, Benjamin Reich, Peter Steinhauer, Alexandre Garel, Maika Elan, Khổng Việt Bách, Sébastien Laval, Lolo Zazar, Diego Cortizas, Bert Danckaert , Nguyễn Thế Sơn.

Hà Nội là một chủ đề, một đối tượng được yêu thích trong nghệ mỹ thuật/nghệ thuật nói chung và trong nhiếp ảnh nói riêng. Hà Nội không những là 1 chủ đề hay 1 một đối tượng nghệ thuật trong các sáng tác của rất nhiều nghệ sĩ địa phương mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cả những nghệ sĩ nước ngoài, từ những người gắn bó như một “quê hương” thứ 2 cho tới những nghệ sĩ chỉ mới tới, mới chợt yêu mến Hà Nội. Có lẽ Hà Nội có một đời sống tinh thần quá phong phú và hấp dẫn, chứa đựng đầy đủ cả những xung đột lẫn những sự dung hòa hiếm có, khiến những người trót gắn bó với thành phố này luôn tìm thấy phần của mình trong đó. Hà Nội luôn có một đời sống đô thị phong phú và hấp dẫn trong con mắt của người nghệ sĩ bất kể dù Hà Nội phải trải qua những biến cố lịch sử hay những thay đổi khốc liệt đến thế nào. “Chụp gì có thể cũng chính là phơi sáng nội giới của mình”, với cách quan niệm này có lẽ Hà Nội chỉ là cái cớ để trình hiện cái nhìn nội tâm của các tác giả trong triển lãm này. Không có một Hà Nội nào trùng khít hay giống nhau qua các tác phẩm của các tác giả trong triển lãm. Độ tuổi của các nghệ sĩ được giới thiệu trong triển lãm cũng trải dài từ thế hệ 1X như nhiếp ảnh gia Nguyễn Duy Kiên cho đến thế hệ 9X như nhiếp ảnh gia Lê Xuân Phong. Các tác phẩm là những sáng tác trải dài trong suốt nhiều năm, ở nhiều thời điểm khác nhau về Hà Nội, có bối cảnh Hà Nội trước năm 1954, Hà Nội thời “bao cấp”, Hà Nội thời “Mở cửa”, Hà Nội thời hội nhập toàn cầu… Những câu chuyện cá nhân hay những suy tư riêng biệt của từng tác giả đưa ra cho chúng ta thấy những “hiện thực” rất đa dạng và khác biệt đến muôn mặt của Hà Nội. Đến phần khán giả và công chúng, có lẽ sẽ lại một lần nữa tìm thấy Hà Nội của mình trong những tác phẩm của các tác giả trong triển lãm lần này, hay tiếp tục đẩy những suy tư về một Hà Nội khác trong những liên tưởng miên man…

Nhiếp ảnh ngày nay càng ngày càng trở nên một công cụ phổ biến, tới mức nhiều khi khiến chúng ta cảm thấy hoài nghi về công cụ nhiếp ảnh như là một ngôn ngữ nghệ thuật. Điều này rất tiếc cho đến nay có lẽ vẫn là một vấn đề rất vướng mắc trong bối cảnh ở Việt Nam. Triển lãm này không có tham vọng tổng kết hay đưa ra những nhận định lớn lao về bức tranh nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam. Triển lãm chỉ như một tập hợp những cách tiếp cận nhiếp ảnh như một ngôn ngữ nghệ thuật, cho thấy sự đa dạng trong cách tiếp cận về nhiếp ảnh của các tác giả, với 8 tác giả Việt Nam và 8 tác giả nước ngoài. Có người tiếp cận bằng những kỹ thuật nhiếp ảnh truyền thống trong buồng tối với phim đen trắng âm bản như nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc, Peter Steinhauer, Nguyễn Duy Kiên hay Nguyễn Hữu Bảo, có nghệ sĩ sử dụng những phương tiện máy ảnh nhựa lomo “rẻ tiền” như nhiếp ảnh gia Maika, có nghệ sĩ sử dụng những loại máy ảnh phim có đầu ống kính quay 360 độ như nhiếp ảnh gia Lê Thịnh, có nghệ sĩ sử dụng máy phim màu như Nguyễn Thế Sơn hay Maika…, có người sử dụng máy phim lớn 8 x10 inch như Peter Stainhauer, có người không sử dụng máy ảnh, mà dùng điện thoại chụp hình như nhiếp ảnh gia Lê Xuân Phong cho tới những nghệ sĩ sử dụng loại máy số loại cao cấp medium format như Phase One/Hasseblad như nghệ sĩ Bert Danckaert hay Peter Steinhauer…, có người sử dụng những kỹ thuật thủ công trong buồng tối tạo ra các bức ảnh với các thủ pháp đa dạng rồi làm thơ viết thư pháp chữ Hán Nôm lên mặt ảnh như nhiếp ảnh gia Nguyễn Duy Kiên, có người sử dụng thủ pháp của nhiếp ảnh tài liệu như nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, thủ pháp của nhiếp ảnh kiến trúc như nhiếp ảnh gia Alexandre Garel cho tới thủ pháp sắp đặt nhiếp ảnh như nghệ sĩ Veronika Radulovic… Cách tiếp cận và kỹ thuật cũng như thiết bị máy móc của các tác giả có sự khác biệt rất lớn, tuy vậy có một điểm chung trong cách sử dụng nhiếp ảnh như một ngôn ngữ nghệ thuật, cố gắng biểu đạt một câu chuyện hay một ý niệm nghệ thuật riêng biệt. Các tác phẩm thường được xây dựng như một dự án nghệ thuật, dự án hình ảnh với những ý tưởng nghệ thuật có khi được xây dựng từ trước khi thực hiện việc chụp ảnh. Nhiều bộ tác phẩm của các tác giả ở đây đã từng được trưng bày trong các không gian gallery nghệ thuật chuyên nghiệp, các Hội chợ nghệ thuật hay Bảo tàng nghệ thuật ở trong nước và quốc tế.
Triển lãm 22 Hàng Buồm là một triển lãm quy tụ 16 gương mặt nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, hay 16 cách tiếp cận sử dụng nhiếp ảnh như một phương tiện nghệ thuật, 16 góc nhìn về Hà Nội như một đối tượng nghệ thuật. Triển lãm góp một tiếng nói trong chuỗi hơn 20 không gian triển lãm về nhiếp ảnh khắp Hà Nội hy vọng sẽ mang tới cho công chúng một trải nghiệm khá tổng hợp về sự đa dạng trong biểu đạt của ngôn ngữ nhiếp ảnh trong đời sống nghệ thuật.

Ngoài ra các tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm lần này tại không gian 22 Hàng Buồm cũng cố gắng giới thiệu tới người xem những cách thức hoàn thiện in ấn và trưng bày theo tiêu chuẩn về mỹ thuật với những điều kiện khá đặc thù trên những chất liệu giấy chuyên dụng có tiêu chuẩn in mỹ thuật không chứa axít, rất phổ biến trong trưng bày tại các gallery và bảo tàng nghệ thuật trên thế giới hiện nay, vốn là điều vẫn còn rất thiếu hụt trong thực hành về nhiếp ảnh nghệ thuật/mỹ thuật trong bối cảnh ở Việt Nam nói chung, và tại Hà Nội nói riêng.

Trong khuôn khổ triển lãm ngoài phần các tác phẩm chính của 16 tác giả, còn có phần trưng bày các bức ảnh đen trắng chụp những gánh hàng rong thời đầu thế kỷ 20 của nhiều nhiếp ảnh gia người Pháp như một phần đối thoại với không gian di sản của Hội quán Quảng Đông, nơi từng là một trong những điểm giao thương buôn bán tấp nập nhất trong khu Phố cổ Hà Nội suốt những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Giám tuyển – Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Vẻ đẹp nội Tâm trong hội hoạ Văn Chiến

Đường “link” dẫn dắt đến với hội hoạ trải qua 40 năm, mang đến cho hoạ sĩ một trái tim đầy rung cảm với nhiều trạng thái của cảm xúc mà tạo nên cú hích trong nghệ thuật mang sắc thái...

Dám – Trong “Khoảng lặng II” của họa sĩ Dũng trống

Những bức tranh này hay quá, cả nội dung và màu, xem rất thích. Vị khách ngắm tranh thốt lên khi gặp các tác phẩm mới của hoạ sĩ Dũng Trống, thành quả anh vẽ gần hai năm nay, anh âm thầm sáng tác...

Mạn đàm về sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”, đánh giá và giải pháp

Có thể khẳng định rằng tranh – tượng về đề tài Lực lượng vũ trang & Chiến tranh Cách mạng (LLVT & CTCM) đã hiện diện trong đời sống và lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam trước...

Mỹ thuật ứng dụng: Tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực rộng, đã và đang chạm vào mọi mặt của đời sống xã hội. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc phát triển mỹ thuật ứng dụng, với các sản phẩm, thiết...

Vẻ đẹp ký ức qua “Thiên đường hoàn hảo” của họa sĩ Lưu Tuyền

NDO – Thuộc thế hệ họa sĩ đương đại lứa 8x, sáng tác của họa sĩ Lưu Tuyền chứa đựng trong đó các giá trị văn hóa truyền thống dưới những góc nhìn khác nhau về đời sống xã hội. Anh...

Có thể bạn quan tâm

NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM VẪN LÀ MỘT DẤU HỎI

“Nghệ thuật Đương đại Việt Nam” (Vietnamese Contemporary Art) đã thực sự là khái niệm hiện hữu trên hệ thống truyền thông quốc gia và quốc tế. Nhưng thực tế ở Việt Nam, nghệ thuật đương...

Triển lãm “Câu chuyện đầu năm”: Thổi hồn vào nghệ thuật màu nước, tranh lụa

NDO – Chiều tối 29/3, Triển lãm tranh “Câu chuyện đầu năm” đã khai mạc tại Nhà triển lãm số 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu 67 tác phẩm của 5 hoạ sĩ Phạm Thanh Sơn,...

Triển lãm tranh Đông Dương kết hợp âm nhạc phương Tây lần đầu tại Đà Lạt

Triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm diễn ra từ nay đến ngày 17-3, tại Trung tâm nghệ thuật của khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Dalat Resort & Spa (số 2 Lê Lai, phường 5, TP Đà Lạt, Lâm Đồng)....

BỘ SƯU TẬP NGHỆ THUẬT CỦA LAMARQUE DALAT VILLA

  Lamarque Dalat villa hiện nay được xem như là một trong những biệt thự sang trọng và đẳng cấp nhất ở thành phố Đà Lạt. Không chỉ gây ấn tượng bởi hình hài của một tiểu lâu đài với...

18 tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật

Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 dự kiến sẽ diễn ra ngày 15 – 16/12/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sẽ có 128 tác giả, đồng tác...