Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày 22/9/2024. Đây là triển lãm cá nhân thứ ba của Hoàng Đỗ Cường tại Hà Nội, cũng như là cách để anh được gặp lại bạn bè, người thân của mình – một chủ đề mà anh thường vẽ đi vẽ lại.

Poster triển lãm 

Có mấy mô hình họa sĩ thường gặp: 1) con người sáng tác và đời sống tách bạch nhau, như không mấy liên quan; 2) “văn là người”; 3) chỉ thích sống đời văn nghệ, với những nét tài hoa/tài lẻ, mà không mấy quan trọng chuyện sáng tác theo nghĩa quá chuyên tâm, khi nào thật có hứng và rảnh rang thì mới vẽ. Hoàng Đỗ Cường thuộc mô hình thứ hai: sống như vẽ, và vẽ như sống. Mà qua tranh, thấy anh sống khá nhẩn nha, cởi mở, không quá đông bạn bè, nhưng trọng tình, quý mến phụ nữ, có chút hoài niệm không gian sống, nên sáng tác của anh cũng xoay quanh những điều này, vẽ đi vẽ lại.

Họa sĩ Hoàng Đỗ Cường

Tác phẩm HDC 01 (acrylic trên toan, 100x200cm, 2020)

Có thể Hoàng Đỗ Cường không mấy quan tâm đến các khái niệm, nhưng nếu phải gọi tên, thế giới tranh của anh là những tiểu tự sự (petit narrative), theo nghĩa ưu tiên quan tâm đến những điều nho nhỏ, thường nhật, thân thuộc. Tác phẩm của anh né tránh các đại tự sự (grand narrative) và phớt lờ cả hiện tượng luận (phenomenology), y như các thế sự bên ngoài cửa sổ chẳng tác động gì đến anh, dù anh cũng thuộc dạng “biết tuốt”, nhưng chọn “ít nói ra”, chọn vui sống, im lặng và vẽ. Nói cách khác, anh thấy việc vẽ một phụ nữ mặc áo đẹp hoặc khỏa thân, một cuộc rượu của vài bạn bè, một tách trà, một con cá… còn ưu tiên hơn các câu chuyện thời sự hoặc “kinh thiên động địa”. Vì điều này, nên dù nhẩn nha đi chơi, đôi khi ngồi cả ngày cả đêm trà rượu với bạn bè, mà anh vẫn vẽ khá đều đặn, thong dong. Tinh thần dã thú (fauvisme) và hiện sinh (existentialism), cộng với sự thoải mái của vật liệu acrylic là một phương tiện hữu hiệu để anh vẽ nhanh, đôi khi chỉ vẽ như vẽ, mà không cần tranh phải hoàn thành, vẽ xong vò xé cũng không sao.

Tác phẩm HDC 05 (acrylic trên toan, 100x148cm, 2020)Tác phẩm HDC 24 (acrylic trên giấy bìa, 83x120cm, 1999)

Tác phẩm HDC 24 (acrylic trên giấy bìa, 83x120cm, 1999)

Hai chủ thể chính trong tranh của anh là phụ nữ và tự họa. Đầu trọc, kính tròn đen, điếu thuốc, ly rượu, ăn mặc thời trang… là hình ảnh thường thấy trong các bức tự họa. Ngay cả những bức vẽ nhiều hơn một người (anh và phụ nữ, anh và bạn bè, anh và đồ vật…) thì tinh thần giao đãi ấy cũng không thay đổi, vẫn là một tay chơi cởi mở, nhưng lọt thỏm giữa cuộc đời, đôi khi trầm lắng, cô độc… Một trong những đặc điểm của tinh thần hội họa dã thú là không câu nệ nguyên tắc giải phẫu, phối cảnh, ánh sáng, tỷ lệ màu… để chạm việc giải phóng hình thức, giải phóng màu. Nhiều tranh của Hoàng Đỗ Cường chạm đến điều này, trong một bảng màu ấm nóng bất thường, anh giãi bày một cái tôi mới nhìn tưởng bình thường, nhưng bất quy tắc. Anh chỉ chú tâm đến hiện tại, đến bây giờ và ngay lúc này, nên việc nắm bắt khoảnh khắc là một ưu tiên, gác qua cả việc kể chuyện tuyến tính.

Phụ nữ là một ưu tiên trong tranh Hoàng Đỗ Cường, có khi còn ưu tiên hơn cả chủ thể tự họa. Anh có cái nhìn nâng niu khá nhất quán về họ, dù họ trong trạng thái nào, hình hài nào, từ áo dài, chơi vĩ cầm, cầu nguyện, say xỉn, ngủ nghỉ, khỏa thân, hoan lạc… Dù được nâng niu, quý mến nhưng đa số những người phụ nữ ấy có chút cô đơn trong hoàn cảnh sống, nên họ quay về tìm cõi vui riêng, cõi tự chủ. Dù họ không bị quy định bởi các lề thói truyền thống, không bị mắc kẹt trong tinh thần nữ quyền, nhưng cũng như các tự họa đàn ông, tất cả đang đối diện với chuyện “đời là chỗ bắt người ta phải ở” (Tản Đà). Họ đều giống nhau trong tình cảnh hiện sinh của mình. Cho nên, chủ thể phụ nữ thật ra cũng là một chủ thể tự họa, một “tâm trạng khi yêu” của chính Hoàng Đỗ Cường.

Tác phẩm HDC 44 (acrylic trên giấy bìa, 79x109cm, 2012) 

Hoàng Đỗ Cường (1959-2022) đáng lý thuộc thế hệ của “bên thắng cuộc”, hoàn toàn có thể kể những câu chuyện đại tự sự trong tác phẩm của mình. Nhưng anh, cũng như nhiều họa sĩ cùng thế hệ ở Hà Nội, đã chọn những tiểu tự sự để dạo bước. Với riêng Hoàng Đỗ Cường, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, anh đã có nhiều năm làm việc ở Sài Gòn, va đập với hoàn cảnh hậu chiến ở Sài Gòn sau 1975, nơi mà trước đó hippie, hiện sinh… từng thành phong trào tự do, để khi quay về với Hà Nội, anh đã sống khác và vẽ khác. Và cũng vì điều này, mà đây đó trong tranh Hoàng Đỗ Cường có nét giống vài họa sĩ cùng thời, cũng như vài họa sĩ cùng thời giống tranh anh, ấy cũng là điều dễ hiểu, vì họ cùng chia sẻ tâm trạng tiểu tự sự để dựng nên một không khí hậu lãng mạn thời hậu chiến, nơi còn nặng khẩu hiệu và tuyên truyền. Họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp đi qua chiến tranh, nên chọn quý trọng việc vui sống với hiện tại, quay về với những chuyện be bé của riêng tư, thường nhật. Giống như Bùi Giáng: “Miệng anh còn đủ lưỡi môi/ Mà răng rụng hết lấy gì nhe ra/ Mím môi ôm mặt khóc òa/ Hôn em một chút đỡ già nua thôi”. Trong cuộc ái tình rộng rãi đó – ái tình với em, ái tình với chính ta, ái tình với cuộc đời, ái tình với sống chết… – thường thì phải “ôm mặt khóc òa”, tự tại hơn một chút cũng chỉ “đỡ già nua thôi”. Nhiều tranh của Hoàng Đỗ Cường là chỉ dấu để ta nhận ra những điều này.

Lý Đợi

Tin cùng chuyên mục

Hồ Hữu Thủ: Trọn một đời với nghệ thuật

Ở phương xa khi hay tin hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ đã ra đi, lòng tôi trĩu nặng nỗi thương tiếc. Ông không chỉ là một hoạ sĩ tài ba mà còn là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ. Tôi xin gửi lời chia...

Triển lãm thầy trò 3 miền đất nước

(PLVN) – “Gặp gỡ mùa thu” là triển lãm của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp và 4 học trò Đoàn Tuyên, Hà Văn Chúc, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trần Trọng Đạt với những điều khác biệt, không chỉ về...

Khai mạc “Quảng bá tuyên truyền, thương hiệu sơn mài Việt Nam – Triển lãm tranh, sản phẩm sơn mài” tại Paris-Cộng hòa Pháp

Tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị và tin cậy giữa hai nước Việt Nam – Cộng hòa Pháp, cũng như tăng cường quảng bá hình ảnh, văn hóa dân tộc, đất nước, con người Việt Nam tới đông...

Hoạ sĩ Thái Tĩnh trong sắc thu vĩnh cửu

Lắng đọng trong tâm khảm mỗi người nghệ sĩ, khi nắm bắt được ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật với sự chuyển hóa của mùa luôn mang sắc thái rất riêng và rất đẹp. Ý niệm đã sẵn có...

Nghệ sĩ Trà Giang đấu giá tranh gây quỹ giúp người vùng lũ

Nghệ sĩ Trà Giang đấu giá bức “Hồn quê” do bà vẽ, quyên góp cho quỹ hỗ trợ miền Bắc chịu thiệt hại do bão Yagi. Diễn viên gạo cội cho biết: “Đọc tin tức thiệt hại ở các địa...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Khai mạc triển lãm “Quê nhà” của Họa sĩ Hắc Long

Tối 25-10, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, số 16, Ngô Quyền (Hà Nội), Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Quê nhà” của Họa sĩ Hắc Long. Đến dự Triển lãm có đại diện Hội...

Nối sợi chỉ dài

Triển lãm cá nhân “Đường kim mũi chỉ” của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm, bày 22 tác phẩm vật liệu tổng hợp, khổ lớn. Triển lãm khai mạc lúc 18h00 ngày 13/5, kéo dài đến hết ngày 31/5/2024....

Triển lãm nghiên cứu điền dã Nam Định, Bắc Ninh – Hi vọng cho một thế hệ nghiên cứu trẻ

Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1925 – 2025), triển lãm “Nghiên cứu Điền dã Nam Định, Bắc Ninh” là hoạt động của...

Hyo Lynn Yi – Trở thành giám tuyển là khả năng đa nhiệm của nghệ sĩ

   “Nếu ví mỗi nghệ sĩ, mỗi tác phẩm là một nhạc công trong dàn nhạc thì giám tuyển chính là vị nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc ấy để làm nên một bản hòa tấu tuyệt diệu. Và tôi muốn...

ANH TRỊNH THÁI

  Tôi gặp anh Trịnh Thái lần đầu vào năm 1968, khi đó anh Trịnh Thái 27 tuổi, còn tôi mới 8 tuổi. Xưng hô đầu tiên là “chú và cháu”. Cuộc gặp gỡ ấy đã trở thành tình bạn gắn bó đến...