Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1925 – 2025), triển lãm “Nghiên cứu Điền dã Nam Định, Bắc Ninh” là hoạt động của khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình Mỹ thuật. Triển lãm công bố các tư liệu nghiên cứu mới nhất về mỹ thuật Lý – Trần thông qua các hình ảnh về di tích mỹ thuật điển hình. Đó là mỹ thuật thời Lý với các di tích: chùa Ngô Xá, Tháp Chương Sơn, chùa Phật Tích; Mỹ thuật thời Trần với cụm di tích Đền Trần, chùa Phổ Minh; và các di tích thờ Tứ Pháp ở Bắc Ninh.
Có thể nói đây là cuộc triển lãm nghiên cứu điền dã của các sinh viên học tại khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật sau nhiều năm bị đứt quãng. Cuộc triển lãm trước đây là của sinh viên khoá Lý luận K11 (năm 2009), đến nay là đúng 10 khoá đào tạo. Thông qua các cuộc triển lãm này đã cho thấy kết quả của việc đào tạo của Khoa Lý luận cho học phần Lịch sử mỹ thuật Việt Nam với những phương pháp nghiên cứu rất bài bản. Các kỹ năng như chụp ảnh, vẽ sơ đồ, làm bản rập đã được các sinh viên thực hiện một cách khá chuẩn xác. Dù thời gian dành cho các cuộc điền dã này là rất ngắn, nhưng rõ ràng các kết quả nghiên cứu ở đây đã cho thấy việc dạy và học ở khoa Lý luận là khá hiệu quả. Bên cạnh các tư liệu các sinh viên thu thập được từ nghiên cứu điền dã thực địa ở di tích, các em cũng đã biết sử dụng hệ thống thông tin tư liệu cũ như các bản vẽ từ thời Pháp của các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu mỹ thuật và cả những tư liệu nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khảo cổ Việt Nam được công bố gần đây. Điều đó cho thấy việc nghiên cứu di tích hiện nay là khá thuận lợi, nhưng những người làm nghiên cứu cũng phải có năng lực chọn lọc và phân tích hệ thống tư liệu đó để phục vụ cho mục đích nghiên cứu của mình. Triển lãm này có thể xem là bước đầu đưa ra được một hệ thống tư liệu nghiên cứu bài bản bước đầu cho việc tiếp tục nghiên cứu ở các bước tiếp theo.
Trong khuôn khổ của cuộc triển lãm lần này, các sinh viên cũng đã thực hành báo cáo các chuyên đề nghiên cứu điền dã như chuyên đề “Mỹ thuật thời Lý qua các di tích tháp Chương Sơn, chùa Ngô Xá, chùa Phật Tích do Lê Thị Ngọc Huyền, Lò Tùng Bách thực hiện; Chuyên đề “Mỹ thuật thời Trần qua nghiên cứu chùa tháp Phổ Minh và đền Trần, Nam Định” do Lê Thu Linh, Nguyễn Hương Ly thực hiện và Chuyên đề “Nghệ thuật điêu khắc tượng Tứ Pháp qua các di tích thờ Tứ Pháp ở Bắc Ninh” được trình bày bởi sinh viên Nguyễn Trọng Vũ. Có thể nói các chuyên đề này đã cho thấy mặc dầu chỉ là sinh viên năm thứ 2 của Khoa Lý luận nhưng các em đã có được những nhận thức khá tốt trong việc nghiên cứu mỹ thuật truyền thống.
Trong chương trình đào tạo của Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam là một học phần quan trọng. Trong học phần này sinh viên được nghiên cứu cả mỹ thuật cổ lẫn mỹ thuật hiện đại. Chúng là những kiến thức vô cùng hữu ích cho việc phát triển nghề nghiệp sau này của các sinh viên sau khi ra trường. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, những người ra trường tiếp tục theo đuổi nghiên cứu mỹ thuật cổ có phần khá hiếm. Chia sẻ về việc này PGS.TS Trang Thanh Hiền người trực tiếp hướng dẫn các sinh viên thực hiện cuộc triển lãm này cho biết “nhiều năm nay, do những điều kiện khách quan khác nhau, các sinh viên ra trường hầu hết theo đuổi nghiên cứu mỹ thuật hiện đại, mặc dầu chúng tôi vẫn luôn mong muốn có được những người làm nghiên cứu mỹ thuật cổ. Nhưng bắt đầu từ cuộc triển lãm lần này, chúng tôi rất hy vọng, sẽ có được những sinh viên sẽ tiếp nối việc nghiên cứu mỹ thuật cổ, một mảng nghiên cứu còn vô vàn các đề tài chưa được nghiên cứu, nhưng hiện nay lại vô cùng khó khăn”. Nguyên nhân của việc thiếu vắng nguồn lực nghiên cứu mỹ thuật cổ, theo PGS.TS Trang Thanh Hiền là “do thiếu vắng những sự đầu tư cần thiết để kích hoạt việc nghiên cứu các giá trị bản sắc văn hoá mỹ thuật Việt, trong khi các nước Châu Á lân cận, việc nghiên cứu này luôn được nhà nước ủng hộ và đầu tư khi thấy được tầm quan trọng của nó”.
Trong sự phát triển của văn hoá toàn cầu, việc nghiên cứu để làm rõ những giá trị bản sắc của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc là điều vô cùng cần thiết. Việc nghiên cứu mỹ thuật cổ cho dù là một lĩnh vực nghiên cứu hẹp, nhưng rõ ràng là một đóng góp quan trọng. Mặc dù cuộc triển lãm “Nghiên cứu điền dã Nam Định, Bắc Ninh” là một cuộc triển lãm nhỏ trong khuôn khổ đào tạo một chuyên ngành của cấp đại học, nhưng cho thấy đây là một hướng đào tạo cần cho tương lai để có thể hy vọng có được những thế hệ nghiên cứu mới, đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật cổ. Triển lãm được trưng bày từ ngày 24/05 đến hết ngày 30/05/2024 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Phương Nhi