ANH TRỊNH THÁI

 

Tôi gặp anh Trịnh Thái lần đầu vào năm 1968, khi đó anh Trịnh Thái 27 tuổi, còn tôi mới 8 tuổi. Xưng hô đầu tiên là “chú và cháu”. Cuộc gặp gỡ ấy đã trở thành tình bạn gắn bó đến tận ngày hôm nay khi anh ra đi…
Năm 1968, xưởng phim truyện Trung ương có làm phim “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” và anh Trịnh Thái được chọn là họa sĩ thiết kế. Nhiều lần ekip làm phim họp tại nhà tôi ở 89 Trần Quốc Toản bởi ba tôi và bác Trần Văn Nhất được mời làm cố vấn nghiệp vụ cho phim. Có lần đang họp tôi lấy tờ giấy và bút chì nhờ “chú Thái” vẽ người cảnh sát đang đi mô-tô. Hồi ấy tôi vẫn gọi anh Trịnh Thái bằng chú; sau này mới đổi gọi bằng anh. Anh hoàn thành bức vẽ rất nhanh để tặng tôi. Vì anh Thái rất vui tính, lại hiền lành nên một đứa trẻ như tôi thích lắm. Lúc họp ở nhà tôi, vì nhà không đủ ghế nên mọi người ngồi bệt luôn xuống sàn nhà. Có hôm, anh Thái cho tôi ngồi trong lòng, họp chung với các cô chú diễn viên chính trong phim như Lâm Tới, Trà Giang, Ngô Nam, Mai Châu, Thu Hiền, Hoàng Quân Tạo, Văn Phức…

TRỊNH THÁI – Hà Giang. 2012. Sơn dầu

 

TRỊNH THÁI – Móng Cái. Khoảng 1980. Lụa. 55x68cm

 

TRỊNH THÁI – Tam Bạc. Sơn dầu

Mùa thu năm 1991, tôi ra Hà Nội để giúp một người quen của gia đình – tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Tuyên, tập hợp tranh của các hoạ sĩ, đem qua Paris triển lãm. Để thuận tiện đi lại nên tôi chọn Khách sạn Bodega Tràng Tiền làm nơi tá túc. Hàng ngày, hai anh em rong ruổi trên chiếc xe Peugeot 102 màu trắng của anh Thái, đi đến tận nhà các hoạ sĩ để thuyết phục họ “ký gửi” tranh đi triển lãm. Ở một mình buồn quá nên tôi nói anh đem đồ đến Bodega ở chung cho vui.
Những năm sau đó, vì công tác tại một công ty xuất nhập khẩu nên năm nào tôi cũng tháp tùng sếp ra Hà Nội để làm thủ tục nhập khẩu hàng. Cứ xong việc sếp giao thì tôi lại mò ngay đến Gallery Nam Sơn, rồi cùng anh Thái, anh Lai, và một số hoạ sĩ nữa “chén chú chén anh” bia hơi Hà Nội đến mềm môi. Mấy anh em hay ngồi ở quán bia ngay góc phố Lê Phụng Hiểu và Tông Đản. Có hôm nhậu xong ở đó còn nổi hứng kéo nhau ra bờ sông Hồng nhậu tiếp.

Trên bàn nhậu hoặc trong những lần gặp gỡ bạn bè anh Trịnh Thái luôn nói các câu chuyện chính xác từng mi-li-mét. Anh đúng là một pho “từ điển sống” về các văn nghệ sĩ, nhất là cánh văn nghệ sĩ ở Hà Nội. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi anh có thể nhớ chi tiết “ngày tháng năm” nào mà anh Thái, anh “Lưu mải chơi” và chị “Hồng Minh di-gan” hết tiền đi nhậu, xúi “Minh DG” mang nồi cơm điện ở nhà đến bán cho hoạ sĩ Bùi Huy Hiếu lấy “2 chỉ vàng” đi ăn chim quay ở Tạ Hiện. Lúc đó, không những anh Hiếu vui vẻ mua nồi cơm điện mà chỉ hai tháng sau đó anh đã đưa chị Hồng Minh về dinh riêng ở số 81 Trần Quốc Toản…

TRỊNH THÁI – Ngõ ngoại ô. 2002. Sơn dầu

 

TRỊNH THÁI – Hồ Gươm. 2015. Sơn dầu

 

TRỊNH THÁI – Chân dung tự họa trên nền cảnh sông Tam Bạc. 2007. Sơn dầu

Anh Trịnh Thái bị cận nặng ngay từ hồi trẻ. Khi qua ngưỡng 70 thì mắt bắt đầu mờ, nhìn xa không rõ ai. Chính vì vậy nhiều khi anh bị một số người quen nói “anh khinh người, ngó lơ khi gặp người quen”… và đã nhiều lần anh phải xin lỗi họ. Anh Thái là người vui tính, hóm hỉnh, có lần anh còn nói: “chức vụ cao nhất mà anh đã kinh qua là Trưởng ban lễ tang đạo diễn Phạm Kỳ Nam tại Sài Gòn!”
Mỗi lần vào Sài Gòn anh đều đến thăm ba tôi, ba tôi rất quý anh, cụ mua cái bật lửa Zippo đem đi khắc một câu thơ mà tôi quên rồi, và khắc chữ ký của cụ để tặng anh.

Vì thân thiết nên anh Thái có tâm sự chuyện riêng. Mối tình đầu của anh vào năm 1966 với chị Đỗ Thủy, diễn viên chính trong phim “Rừng O Thắm” mà anh là hoạ sĩ thiết kế. Hồi đó, chuyện tình không thành… Khoảng năm 2000, sau khi định cư hàng chục năm ở nước ngoài thì chị Đỗ Thủy quay về Việt Nam. Anh chị đã chắp nối lại tình xưa, về sống chung với nhau được mấy năm hạnh phúc ngọt ngào.
Khi vào Sài Gòn chơi, sáng nào anh chị cũng ngồi uống cafe tại một quán nhỏ, làm hoàn toàn bằng gỗ ngay góc đường Trần Cao Vân. Không ngờ, những ngày tháng êm đềm ấy trôi quá nhanh. Chị Thủy đột ngột ra đi, anh Thái hụt hẫng khủng khiếp, vì đây là mối tình đầu mà sau bao năm xa cách vẫn có duyên gặp lại, rồi chị trở thành người vợ đầu tiên của anh. Chuyện éo le như tình cảnh danh hoạ Nguyễn Sáng với cuộc sống gia đình ngắn ngủi với người vợ cùng tên Thủy.

TRỊNH THÁI – Tĩnh vật. 2019. Sơn dầu

 

Ông Nguyễn Kim Sơn tặng chiếc bật lửa zippo cho Trịnh Thái

 

Cùng Nguyễn Trường Sơn (con của ông Nguyễn Kim Sơn), người bạn thân thiết với Trịnh Thái
Từ trái sang: Trịnh Thái, Nguyễn Trường Sơn (áo kẻ), Nguyễn Lai

 Sau khi chị Đỗ Thủy mất, mỗi lần vào Sài Gòn chơi, sáng nào anh cũng ra ngồi ở quán cafe kể trên một mình… Bao nhiêu năm làm bạn với anh, tôi chứng kiến hai lần anh khóc đều là hai lần khi anh hát bài “Khúc thuỵ du”. Lần đầu là vào năm 2012 khi anh Quân ở tập đoàn Hoà Phát rủ hai anh em về Cổ Loa chơi. Lần thứ hai vào năm 2018, tại nhà hoạ sĩ Lê Thanh Sơn (cho thuê làm nhà hàng) ở phố Hà Hồi. Sau khi anh “Lưu mải chơi” hát bài gì đó của Lào có câu “thồn thồn thồn” mà ai cũng cười ngất ngư…thì một lát sau đó anh Thái nói mọi người trật tự… và anh hát bài “Khúc thuỵ du”. Khi hát đến câu: “… êm ái và ngọt ngào, cắt đứt cuộc tình đầu, Thụy bây giờ về đâu …” Anh đã sửa chữ Thuỵ thành Thủy và nghẹn rơi nước mắt, không hát được nữa…
Cách đây ba tuần (đầu tháng 7 năm 2020) khi đang ngủ, tôi thấy cuộc gọi nhỡ của anh vào lúc 2h18’ sáng… Tôi lo lắng gọi ngay lại thì anh nói: “Đang nằm ở bệnh viện Thanh Nhàn, 5 ngày nữa anh về nhà, anh khoẻ rồi, không sao đâu, anh còn nhiều việc phải làm lắm…” Thế mà đến hôm nay, một ngày cuối tháng 7, anh đã bỏ cuộc chơi trên trần thế, anh về bên kia thế giới gặp lại chị Đỗ Thủy, về với Hải Phòng quê hương của anh và chắc chắn ở nơi đó anh lại ngồi vẽ tiếp…

Nguyễn Trường Sơn 

 

Tin cùng chuyên mục

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” của họa sĩ Trang Thanh Hiền

Triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” diễn ra từ ngày 07 đến 15/11/2023 tại phòng Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Triển lãm cá nhân lần thứ hai của...

Cảm nhận làng quê Cao Bằng qua bức tranh “Bản em” của hoạ sĩ Nông Thị Thu Trang

Quê hương luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của văn nghệ sĩ. Sự ngọt lành, yên bình của nơi “chôn rau cắt rốn” cùng với những điều giản dị, chân phương mộc mạc nuôi dưỡng vùng...

Trần Ngọc Hưng và chất liệu bột màu, giấy dó

Sáng tạo nghệ thuật, trong chừng mực nào đó dường như là sự chiến thắng chính mình của ngày hôm qua, thoát khỏi cái khung ràng buộc do chính mình tạo ra để tiến tới cái mới. Do đó, nghệ thuật...

Nhã

  “Từ những bức bé tí bằng bàn tay đến những tranh hàng thước vuông, rồi bộ đôi bộ ba gần hai thước vuông vẽ trong hơn hai năm vừa rồi, Nhã có vẻ đã nhìn ra chính mình, một cá thể tự...

Có thể bạn quan tâm

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 26 năm 2021

   ...

SIN YUN BOK VÀ TRANH PHONG TỤC THỜI JOSEON

  Sin Yun-bok (Thân Nhuận Phúc) hiệu là Hye Won (Huệ Viên) sinh năm 1758, năm vua Yeongjo (Anh Tổ) thứ 34 của triều I (Lý). Cha ông là Sin Han-pyeong (Thân Hán Bình) và ông nội đều là hội viên của đồ...

TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN CÙNG NHÀ GIÁO – NHÀ SƯU TẬP NGUYỄN BÁ ĐẠM: NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ, HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ ?

  “Người muôn năm cũ” ở đây mà tôi muốn nhắc đến chính  là cụ Nguyễn Bá Đạm – nhà giáo – nhà sưu tập tranh, được mọi người mặc nhiên coi là người bạn tri kỷ nhất của...

Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 28

Sáng 27/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 28 năm 2023. Dự buổi lễ có các...